Cơ cấu hành chính

Một phần của tài liệu Những chuyển biến kinh tế xã hội ở khánh hòa từ năm 1975 đến 2005 (Trang 25 - 29)

Chương 1. VÀI NÉT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN-XÃ HỘI Ở KHÁNH HÒA & THỰC TRẠNG KINH TẾ-XÃ HỘI TRƯỚC NĂM 1975

1.1. VÀI NÉT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN-XÃ HỘI

1.1.2.2. Cơ cấu hành chính

Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa), gồm 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh; năm 1742, dinh Thái Khang đổi là dinh Bình Khang.

Dưới triều Nguyễn, năm 1803 dinh Bình Khang cải danh là dinh Bình Hòa;

năm 1808 dinh Bình Hòa đổi thành trấn Bình Hòa. Thời Minh Mạng, cải cách hệ thống hành chính, các trấn gọi là tỉnh. Năm 1832, trấn Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa, gồm 2 phủ và 4 huyện; tỉnh lỵ đặt tại Diên Khánh.

Năm 1884, Pháp ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt, trả lại Trung Kỳ phần đất nhà

Nguyễn quản lý trước đây (gồm Thanh - Nghệ - Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Thuận). Từ đây, mọi hoạt động của tỉnh Khánh Hòa phải thông qua viên Công sứ Pháp (đóng tại Nha Trang) và chính phủ Nam Triều (đóng tại Diên Khánh).

Sau năm 1884, địa phận Khánh Hòa có thay đổi, trong đó có sáp nhập một phần đất Bình Thuận (1888-1901) và một phần đất Phú Yên (1904-1923). Năm 1924, vua Khải Định ra đạo dụ công nhận Nha Trang là Thị trấn (năm 1944, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định nâng lên Thị xã) [9,tr.10]. Năm 1939 lập Nha Đại lý Hành chính Ba Ngòi. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (1945), Nha Trang trở thành tỉnh lỵ.

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, chính quyền cách mạng ở Khánh Hòa được thành lập nhưng chỉ tồn tại được 63 ngày thì Pháp đánh chiếm Nha Trang. Từ đó đến 1975, Khánh Hòa luôn là hậu cứ của địch. Chính quyền cách mạng được duy trì ở vùng căn cứ và vùng giải phóng, chủ yếu là địa bàn miền núi;

hầu hết nông thôn, thành thị nằm trong vùng tạm chiếm do chính quyền địch quản lý.

Đầu năm 1946, để bảo vệ nguồn lợi cao su, Pháp lập Nha Bang tá tại Hạt Suối Dầu; tái lập Nha Bang tá Tu Bông, Nha kiêm lý Bang tá Cam Lâm (1951).

Năm 1949, dưới quyền Bảo Đại, Tòa Hành chính tỉnh (đứng đầu là Tỉnh trưởng) thay thế Tòa Công sứ; phủ, huyện được thay bằng quận. Nhằm kìm kẹp phong trào đấu tranh của nhân dân, năm 1953, Pháp lập khu hành chính ở một số xã thuộc huyện Vạn Ninh, Vĩnh Khánh.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7/1954), chính quyền Sài Gòn quản lý Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thay đổi cơ cấu hành chính.

Ngày 27.1.1958, Nghị định số 18-BNV, giải thể thị xã Nha Trang, chia thành 2 xã Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương. Tháng 7.1958, quận Cam Lâm được thành lập. Ngày 17.4.1959, 2 tổng Krông Jing và Krông King (Đắc lắc) sáp nhập vào quận Ninh Hòa trở thành cơ sở Hành chính Khánh Dương (tháng 12.1960, nâng lên thành quận Khánh Dương). Trong thời gian này, tại các

huyện miền núi Khánh Sơn, Vĩnh Khánh chính quyền Sài Gòn lập nhiều khu tập trung nhằm cách ly đồng bào dân tộc với lực lượng cách mạng. Ngày 6.4.1960, Sắc lệnh số 84-NV, 12 thôn Thượng ở phía Nam quận Cam Lâm tách khỏi Khánh Hòa, sáp nhập vào quận Du Long (Ninh Thuận). Tháng 10.1965, Sắc lệnh 209-NV, lấy 8 xã của quận Cam Lâm, thành lập thị xã Cam Ranh. Đến năm 1970, Khánh Hòa duy trì 6 quận và 2 thị xã (Nha Trang, Cam Ranh). Ngày 22.8.1972, Nghị định số 553- BNV/HCĐP/NĐ cải danh khu phố thành phường.

Về phía cách mạng, đầu năm 1946, để tiện cho việc quản lý và chỉ đạo, chính quyền cách mạng đã chia tỉnh thành nhiều khu kháng chiến: Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh. Các khu kháng chiến có Ủy ban quân- dân-chính (sau gọi là Ủy ban Kháng chiến hành chính), vừa chỉ đạo kháng chiến vừa làm nhiệm vụ chính quyền. Ngày 25.3.1948, sắc lệnh 148-SL của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bãi bỏ các cấp hành chính : phủ, châu, quận, tổng, quy định các cấp trên xã, dưới tỉnh gọi là huyện. Tháng 3 năm 1951, tách vùng đồng bằng huyện Ba Ngòi nhập vào cảng Cam Ranh thành đặc khu Cam Ranh; vùng miền núi lập thành huyện mới Khánh Sơn (sau này trong chống Mỹ có biệt danh huyện 175) [69,tr.10].

Từ năm 1954, để mở rộng bàn đạp cho nội thị và thuận lợi trong quản lý địa bàn, phù hợp với đặc điểm thời kỳ chống Mỹ, một số huyện tiếp tục thay đổi địa giới.

Vùng miền núi tách thành 2 huyện: Diên Khánh và Khánh Vĩnh (1956). Địa bàn Khánh Vĩnh từ đường 21 vào đến Suối Dầu [70,tr.84]. Cuối năm 1959 đến 8.1961, thành lập khu Ái - Vĩnh – Sơn, gồm một số xã miền núi vùng Bắc Ái (Ninh Thuận) và 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thành khu giải phóng liên hoàn phía Tây tỉnh. Trong năm 1961, huyện Khánh Vĩnh lại tách thành 2 huyện: Vĩnh Khánh và Vĩnh Sơn. Vĩnh Sơn (huyện 185), gồm các xã miền núi huyện Diên Khánh; các xã đồng bằng nhập với Vĩnh Xương thành huyện Vĩnh Khánh; số xã còn lại của huyện Vĩnh Xương sáp nhập vào thị xã Nha Trang…

Huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa nhập lại thành Liên huyện Bắc Khánh, tách một số xã của Bắc Khánh thành lập Khu đặc biệt 148. Liên huyện Bắc Khánh chia thành 4 vùng: Đông (căn cứ Hòn Hèo), Tây (căn cứ Đá Bàn), Nam (Ninh Hòa) và Bắc (huyện Vạn Ninh). Tháng 10.1961, Ninh Hòa tách thành 2 huyện gọi là Nam Ninh Hòa, Bắc Ninh Hòa (đường 21 làm ranh giới). Năm 1964-1965, huyện Diên Khánh tách ra huyện bờ Nam (sông Cái làm ranh giới) gọi là 302.

Sau thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” (1959-1960) và trong giai đoạn địch tiến hành “Chiến tranh đặc biệt”, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 46 thôn với 37.500 dân được giải phóng; vùng tranh chấp có 34 thôn với 32.400 dân. Tháng 8.1968, Thị xã Vĩnh Trang được thành lập trên cơ sở hợp nhất Thị xã Nha Trang và một số xã của huyện Vĩnh Xương. Ngày 15.6.1969, Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra đời và hoạt động đến tháng 4.1975.

Sau ngày Miền Nam giải phóng, tháng 10.1975, theo quyết định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên hợp nhất gọi là Phú Khánh, tỉnh lỵ đặt tại Nha Trang. Năm 1976, 7 xã thuộc Vĩnh Xương nhập vào Diên Khánh thành huyện Khánh Xương. Năm 1977, lại cắt 7 xã này nhập vào Nha Trang, huyện trở lại địa giới cũ gồm đồng bằng Diên Khánh và miền núi Khánh Vĩnh, lấy lại tên cũ là Diên Khánh. Năm 1977, Hội đồng Chính phủ quyết định nâng Nha Trang lên thành thành phố trực thuộc tỉnh. Huyện Khánh Sơn hợp nhất với đặc khu Cam Ranh thành huyện Cam Ranh; Chính phủ cho phép thành lập các thị trấn Ba Ngòi (Cam Ranh), Ninh Hòa, Vạn giã (Vạn Ninh) (1978); Diên Khánh (1981).

Năm 1982, Trường Sa tách khỏi Đồng Nai trở thành huyện đảo của Phú Khánh, sau thuộc Khánh Hòa; năm 1985, huyện Cam Ranh tách thành 2 huyện cũ, huyện Diên Khánh tách thành 2 huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Năm 1989, theo quyết định của Quốc hội (khóa VIII), tỉnh Phú Khánh tách thành 2 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa.

Thời điểm tách tỉnh (1989), Khánh Hòa có 8 đơn vị hành chính là thành phố Nha Trang và 7 huyện (một huyện đảo - Trường Sa).

Đến năm 2005, sau các lần tách, nhập, Khánh Hòa có diện tích tự nhiên 5.197km2, dân số 1.125.977 người, gồm một thành phố (Nha Trang), một thị xã

(Cam Ranh), 6 huyện, 5 thị trấn, 104 xã, 28 phường, thành phố Nha Trang là tỉnh lỵ [36,tr.15].

Một phần của tài liệu Những chuyển biến kinh tế xã hội ở khánh hòa từ năm 1975 đến 2005 (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)