Đời sống văn hóa, giáo dục, y tế

Một phần của tài liệu Những chuyển biến kinh tế xã hội ở khánh hòa từ năm 1975 đến 2005 (Trang 83 - 91)

Chương 2. NHỮNG CHUYỂN BIẾN KINH TẾ-XÃ HỘI Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 1989

2.2. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ-XÃ HỘI KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN

2.2.2. Chuyển biến trong đời sống xã hội

2.2.2.2. Đời sống văn hóa, giáo dục, y tế

Ở Khánh Hòa, ngay sau giải phóng, việc tổ chức các hình thức thu gom, tiêu hủy văn hóa phẩm, giải tán các ổ tệ nạn xã hội, cấm tàng trữ lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy, phản động…, tạo môi trường văn hóa mới được tiến hành tích cực. Đồng thời là việc đa dạng các hoạt động văn hóa - văn nghệ. Phổ biến nhất lúc bấy giờ là hoạt động chiếu phim. Toàn tỉnh có 26 đội chiếu, trong đó, có 13 đội lưu động, các đội lưu động đã tích cực phục vụ nhân dân toàn tỉnh và ưu tiên phục vụ đồng bào miền núi [171,tr.2]. Tại Nha Trang, sau khi tiếp quản, 7 rạp chiếu phim đã hoạt động trở lại, các rạp ở Nha Trang đã phục vụ công chúng những bộ phim có nội dung cách mạng, mở đầu là 2 bộ phim tài liệu: Điện Biên Phủ và Tiền tuyến gọi [179,tr.484]. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, không chuyên hình thành, trong đó, các đoàn cải lương, dân ca, hát bội, ca múa nhạc là nòng cốt. Phong trào văn nghệ quần chúng từ cấp xã, HTX, cơ quan, trường học…được phát động rộng khắp, hầu hết các tiết mục văn nghệ mang tính tuyền truyền, giáo dục các thói hư tật xấu.

Những hoạt động này đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh. Từ năm 1976-1980, cứ trung bình mỗi người dân trong tỉnh được xem phim 7 lần/ năm [147,tr.28]. Nếu bình quân năm 1976, người dân trong tỉnh được xem 0,5 buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì năm 1984, được xem 1,6 buổi; tương ứng thời gian, đối với nghệ thuật quần chúng, người dân được xem bình quân 2,4 buổi [4,tr.2]. Năm 1980, đoàn văn công tỉnh và các đội chiếu bóng còn tổ chức phục vụ tỉnh bạn Stung treng (Căm-pu-chia): 114 lần chiếu phim, với gần 1,3 triệu lượt người xem [147,tr.14].

Báo chí địa phương phát hành mỗi tuần từ 1 vạn đến 1,2 vạn tờ [31,tr.104], góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, vận động thực hiện chương trình cải tạo KT-XH và đấu tranh chống tiêu cực, các loại sách có nội dung mới đều được in tại Nhà in của tỉnh. Các ngày lễ lớn như ngày thành lập Đảng, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…, ngành văn hóa tổ chức lễ mít tinh, triển lãm, sáng tác bài hát, thơ ca, biểu diễn văn nghệ quần chúng…. Bảo tàng tỉnh (16, Trần Phú, Nha Trang) đã tập hợp khá đầy đủ tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, phục vụ cư dân địa phương và du khách hàng ngày.

Ngành văn hóa còn kết hợp với Viện khảo cổ học tổ chức nghiên cứu, khai quật di tích Dốc Gạo (quê hương đàn đá Khánh Sơn); tiến hành xếp loại di tích văn hóa Tháp Bà (1979). Công tác tổ chức sưu tầm biên soạn lịch sử địa phương được xúc tiến. Hệ thống phát thanh, truyền hình ngày càng hoàn chỉnh, số buổi phát hình, số giờ phát sóng ngày càng tăng (tuy nhiên, vùng núi chưa phủ sóng được).

Các thiết chế Văn hóa -Thông tin từ tỉnh đến huyện, xã dần dần được hoàn chỉnh. Ty Văn hóa -Thông tin vừa hoạt động vừa có trách nhiệm quản lý cơ sở [179,tr.501]. Các huyện, thị đều có Phòng VHTT; Các phường, xã đã lập được Trung tâm Văn hóa-Thông tin (phòng truyền thống, đội văn nghệ, phòng đọc sách

…). Trung tâm các huyện, thị đều xây dựng được các công trình văn hóa lớn như Nhà văn hóa tỉnh (Nha Trang), Nhà thiếu nhi…, tạo điều kiện cho người dân lao động, nhất là thanh, thiếu niên nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới. Phối hợp các ngành chức năng, tỉnh đã giải tán các tụ điểm tệ nạn dọc bờ biển, thay vào đó là khu công viên bờ biển, đài liệt sỹ… được xây dựng, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp hơn. Phong trào thể dục thể thao trong tỉnh phát triển, hình thành các đội bóng đá, bóng chuyền, điền kinh ở huyện thị và trường học. Năm 1985, Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức cho học sinh các cấp.

Đến giữa những năm 80, mức hưởng thụ văn hóa của cư dân trong tỉnh được nâng lên, lối sống mới XHCN từng bước được khẳng định (trong đó có sự hình thành lối sống “tập thể”: phong trào thanh niên tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới; tình nguyện nhập ngũ; thể dục buổi sáng…). Thông qua phong trào HTX nông nghiệp đã hình thành giai cấp nông dân mới, giai cấp nông dân tập thể, có hiểu biết khoa học kỹ thuật, có văn hóa [149,tr.6].

Tuy vậy, trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, việc thu thập, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ nhân dân còn chậm nên cư dân địa phương chưa được hưởng thụ hết những giá trị văn hóa tinh thần vốn có.

Mức độ hưởng thụ văn hóa nói chung giữa cư dân các vùng (đô thị, đồng bằng, miền núi, miền biển) chưa đồng đều.

Về giáo dục, tháng 4.1975, toàn tỉnh Khánh Hòa có 294 trường công, 117 trường tư, 99.500 học sinh phổ thông, 3 trường trung cấp kỹ thuật và 01 trường sư phạm. Sau giải phóng, ngoài số giáo viên chi viện từ miền Bắc, tỉnh đã sử dụng lại gần 2.000 giáo viên cũ [171,tr.9] và cho đào tạo cấp tốc các lớp giáo viên ngắn hạn, nhờ đó, năm học 1975-1976, đã kịp thời khai giảng.

Ngành giáo dục của tỉnh đã có sự chuyển biến về nhiều mặt: tất cả các trường tư thục đều tiến hành công lập hóa; nền giáo dục toàn diện từ mẫu giáo, nhà trẻ đến trường phổ thông, đào tạo nghề hình thành; hệ phổ thông 12 năm vẫn duy trì nhưng nội dung chương trình, sách giáo khoa thay đổi (theo miền Bắc). Công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh được chú trọng.

Mạng lưới trường mẫu giáo, nhà trẻ được hình thành từ các cơ quan nhà nước đến phường, xã. Năm học 1979-1980, học sinh mẫu giáo tăng nhanh, với 49.000 cháu/ tổng số 98 trường [147,tr.5]. Cơ sở vật chất, hình thức tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo ở phường, xã nhìn chung chưa đạt. Ngoại trừ một số HTXNN (khá) như Diên An (Diên Khánh) đã có nhà trẻ, mẫu giáo chất lượng khá tốt.

Hệ phổ thông phát triển cả về số lượng và chất lượng; mật độ trường lớp tương đối đều khắp. Bên cạnh phong trào “Dạy tốt, học tốt”, nhà trường đã chú trọng việc giáo dục đạo đức cho học sinh, nhờ đó, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt tăng từ 28% đến 53%. Năm học 1979-1980, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh lớp 9 và 12 đều đạt trên 90%. Đội ngũ giáo viên được bổ sung nhiều so với 1976. Cùng với chủ trương miễn học phí của Chính phủ, những năm 80, tỉnh đã huy động được 97,8% học sinh trong độ tuổi đến trường. Từ năm học 1984-1985, mặc dù đời sống nhân dân có nhiều khó khăn nhưng tình hình giáo dục nói chung có nhiều tiến bộ.

Địa bàn Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh đã có 151 trường phổ thông với 4.333 lớp, 5.179 giáo viên và 159.194 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 1,4% [33,tr.99]; trung bình trong tỉnh, cứ 3,5 người dân, có một người đi học. Năm học 1985-1986, học sinh vào lớp vượt 11,6% kế hoạch, tăng thêm 27 trường, 1.125 lớp và 1.727 giáo viên [19,tr.111].

Phong trào xóa nạn mù chữ diễn ra khá rầm rộ, vùng miền núi được đẩy mạnh. Năm 1978, nạn mù chữ cơ bản được thanh toán trên toàn địa bàn tỉnh và tiến hành phổ cập cấp 1 [147,tr.16]. Tuy số người được xóa mù chữ khá lớn nhưng kết quả mới chỉ dừng lại ở mức biết đọc, biết viết, biện pháp duy trì chưa liên tục dẫn đến hiện tượng “mù lại”, những năm 80, phong trào xóa mù phát động trở lại.

Ngành giáo dục đã đưa ra chế độ khuyến khích cho bà con dân tộc đi học, tăng cường giáo viên miền xuôi lên phụ trách. Nhờ đó, năm 1985, tỉnh đã hoàn thành công tác xóa nạn mù chữ [149,tr.11]. Bên cạnh các lớp xóa mù, các huyện, thị, đều đã có trường Bổ túc văn hóa dạy ban đêm (số lượng không ổn định) [31,tr.27]; Nha Trang có trường Bổ túc công nông, dành cho cán bộ, công nhân viên nâng cao trình độ. Tỉnh và các huyện miền núi đã có trường Dân tộc nội trú. Các Trung tâm dạy nghề và trường trung học chuyên nghiệp thành lập…

Từ một nền giáo dục chỉ có phổ thông và tập trung chủ yếu ở thị xã, thị trấn, hơn 10 năm sau giải phóng, ngành Giáo dục Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo. Hệ thống trường, lớp, cấp học ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước sau chiến tranh và cơ chế bao cấp, việc triển khai chương trình giáo dục mới của địa phương gặp không ít khó khăn và hạn chế: cơ sở vật chất nghèo nàn, hư hỏng, trường lớp được xây dựng chậm, một số nơi học sinh phải học 3 ca; đội ngũ giáo viên thiếu, không đồng đều mức đào tạo, nội dung chương trình mới có nhiều bất cập; đời sống của giáo viên hết sức khó khăn, một số phải bỏ việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng đào tạo. Công tác xóa mù chạy theo phong trào nên vùng núi và hải đảo dễ

“mù lại”. Mô hình nhà trẻ ở nông thôn chậm phát triển, chất lượng kém.

Về y tế, trước ngày giải phóng, Khánh Hòa có một mạng lưới gồm 01 bệnh viện tỉnh (V66), 10 bệnh xá khu vực và huyện, 20 trạm xá xã, 01 trường đào tạo y miền núi, đội ngũ thầy thuốc khoảng 150 người (8 bác sỹ). Vùng tạm chiếm, mỗi huyện có 01 bệnh xá (kiêm nhà hộ sinh). Nha Trang có Trung tâm y tế toàn khoa lớn nhất có 380 giường, 207 nhân viên y tế (12 bác sỹ); ngoài ra còn có bệnh viện quân đội và hàng chục phòng mạch tư [179,tr.522]…

Ngay sau ngày tiếp quản, tỉnh đã chỉ đạo việc mở rộng mạng lưới y tế. Bên cạnh bệnh viện Trung tâm đã mở thêm các phòng khám chuyên khoa: Tai-Mũi- Họng, Răng-Hàm-Mặt, Mắt. Các cơ sở điều trị cũng được tăng nhanh ở các cấp:

năm 1984, trên địa bàn Khánh Hòa đã có 114 cơ sở điều trị (8 bệnh viện) với tổng số 2.198 giường bệnh [31,tr.106]; năm 1985, trung bình cứ 1 vạn dân có 32 giường bệnh, vượt 2,8% kế hoạch. Công tác kế hoạch hóa dân số thực hiện khá tốt, số người áp dụng biện pháp giảm sinh tăng 2,7% nhờ vậy, tỷ lệ tăng dân số giảm còn 1,7% [151,tr.14].

Trong những năm đầu giải phóng, ở miền núi và vùng kinh tế mới, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn, một số bệnh truyền nhiễm: sốt rét, viêm gan, khá phổ biến. Do chưa có thuốc đặc trị, nhận thức phòng ngừa dịch bệnh của bà con có hạn chế nên năm 1976, trên địa bàn Khánh Hòa xảy ra 247 người chết (vì sốt rét).

Năm 1980, bệnh sốt rét (44%), bệnh gan (65%)[173,tr.10] tái lại, số lượt người được khám và chữa bệnh vì vậy tăng đột biến. Các đội vệ sinh phòng dịch đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi, vận động bà con ăn chín uống sôi, làm hố xí 2 ngăn, nhà tắm, đào giếng, làm chuồng gia súc xa nhà ở. Nhờ vậy, năm 1980, toàn tỉnh có 62,6% hộ có giếng nước, 29% hộ có hố xí 2 ngăn, 57% hộ có chuồng lợn gạch [31,tr.22]. Phong trào bài trừ mê tín dị đoan được phát động; phối hợp với các cấp, các ngành, tỉnh đã lập trại cai nghiện (Hòn Mun), cứu chữa cho hàng vạn người lầm lỡ trở về làm ăn lương thiện. Ngành y tế còn vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam; mở rộng các phòng khám đông-tây y kết hợp trên các tuyến.

Bên cạnh những cố gắng lớn trong việc khám chữa, bệnh cho nhân dân, thể hiện bản chất của nền y tế XHCN, trong những năm này, ngành y tế đứng trước những khó khăn lớn: mạng lưới y tế chưa đủ mạnh, cơ sở vật chất cũ, lạc hậu, vật tư y tế, thuốc men thiếu thốn (thuốc giảm 59%, nhất là thuốc chích ngừa; đời sống cán bộ ngành y khó khăn; trách nhiệm của người thầy thuốc XHCN chưa tốt, một số cán bộ y tế còn hạch sách, nhũng nhiễu dân…[173,tr.10]. Những khó khăn trên, đặt ra vấn đề đầu tư và cải tiến hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế.

Về an ninh, trật tự xã hội, trong giai đoạn này có nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết. Dao động trước khó khăn của đất nước, thiếu tin tưởng vào chế độ mới một bộ phận dân cư tìm cách ra đi không hợp pháp để mong có cuộc sống mới ở

nước ngoài. Số người vượt biển trong những năm đầu mới giải phóng ngày càng tăng: 32 vụ (1976), 81 vụ (1977), 198 (1979), 306 vụ (1980). Năm 1980, có đến 4.231 người (bị bắt lại 3.018 người), thành phần mở rộng hơn, phần lớn là quân nhân chế độ cũ, ngoài ra còn có cán bộ công chức, giáo viên, dân quân, quân nhân, công an… [46,tr.158]. Những năm sau đó, số người vượt biển giảm. Một bộ phận dân cư khác tiếp tay cho các tổ chức phản động nhen nhóm trên địa bàn: “Liên minh Á châu chí nguyện” (Ninh Hòa), J30 (Cam Ranh, Vĩnh Nguyên)…, trong đó có cả cơ sở tôn giáo bị chúng sử dụng làm nơi in ấn tài liệu chống đối cách mạng [46,tr.138]. Lợi dụng tình hình đời sống tiếp tục khó khăn, giá thị trường chênh lệch, chính sách đối với người ăn lương còn bất cập, nhiều cán bộ, công nhân viên đã xâm phạm tài sản XHCN, tham ô công quỹ. Riêng năm 1985, đã có 67 vụ bị phát hiện, gây thiệt hại 44,3 vạn đồng [177,tr.2]. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xử lý đối tượng sai phạm và thu hồi tiền thất thoát nhằm đảm bảo kỷ cương, trật tự.

Thêm vào đó, tâm lý bất an ở đại bộ phận nông dân trước mô hình sản xuất tập thể kém hiệu quả, không đảm bảo đời sống xã viên HTX là phổ biến. Điều này có ảnh hưởng đáng kể đến lòng tin của các bộ phận dân cư vào chế độ và đường lối XHCN.

***

Vận hành trong cơ chế tập trung bao cấp, vượt qua khó khăn về CSVCKT ban đầu, quyết tâm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hơn mười năm đầu sau giải phóng (1975-1986), KT-XH Khánh Hòa đã tạo ra những chuyển biến đáng kể: xóa bỏ QHSX cũ, từng bước hình thành QHSX mới XHCN; nhân dân bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Quá trình đó diễn theo 2 giai đoạn:

Từ năm 1975 đến năm 1980, trọng tâm là khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề lương thực, ổn định đời sống nhân dân,

tạo cơ sở cho cải tạo XHCN. Mô hình hợp tác hóa được xây dựng, bước đầu làm thay đổi nếp sản xuất cũ, định hình nên QHSX mới; sản lượng nông nghiệp tăng dần. Cùng với nông nghiệp, các ngành công nghiệp, dịch vụ đều chuyển động.

Từ năm 1981 đến năm 1985, tiếp tục ổn định KT-XH, ổn định đời sống nhân dân, hoàn thành cải tạo XHCN.... Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời (1.1981), tạo ra bước phát triển mới, mở ra phương hướng đúng đắn cho việc củng cố QHSX trong nông nghiệp. Nông dân có điều kiện tháo gỡ bớt khó khăn, phá vỡ thế độc canh cây trồng, bắt đầu hình thành những vùng chuyên canh lớn. Sản xuất nông nghiệp được phục hồi, năng suất lương thực tăng so với trước. Nhà máy, xí nghiệp công nghiệp then chốt ra đời, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH. Sự phối hợp giữa tiểu thủ công nghiệp và các ngành khác bước đầu có hiệu quả. Nhờ đó, phần nào chặn được sự giảm sút trong những năm 1980 - 1985. Giáo dục, y tế, văn hóa có chuyển biến, bộ mặt XH thay đổi với nhiều công trình trạm, trại, nhà ở, công trình phúc lợi hoàn thành.

Nhìn chung trong những năm 80, từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế đã có chuyển biến nhất định, tuy nhiên nhìn tổng thể toàn bộ cơ cấu kinh tế cho thấy còn nhiều bất cập: nông nghiệp thiên về trồng trọt (lúa); công nghiệp đầu tư dàn trải, vai trò phục vụ các ngành kinh tế chưa phát huy được; lĩnh vực dịch vụ đầu tư hạn hẹp, nặng đầu tư cho dịch vụ phân phối lưu thông; khai thác tiềm năng và thế mạnh địa phương (rừng, biển) chưa hiệu quả. Trong chỉ đạo phát triển kinh tế của tỉnh còn nhiều hạn chế: vai trò các đơn vị kinh tế quốc doanh (kể cả đơn vị quốc doanh Trung ương) chưa thể hiện tính hơn hẳn so với sản xuất tập thể, sản xuất tập thể

chưa thật sự đem lại yên tâm sản xuất cho người lao động. Quan niệm về công bằng còn lệch lạc, coi đó là bình quân, chia đều nên đã không khai thác có hiệu quả các động lực phát triển, mà một trong những động lực mạnh nhất lại chính là công bằng, do vậy, chưa phát huy được tính sáng tạo của người lao động. Vì thế, bước vào năm 1986, kinh tế Khánh Hòa vẫn là nền sản xuất nhỏ, tốc độ phát triển chậm và mất cân đối nặng [149,tr.23]. Đổi mới tư duy kinh tế là một yêu cầu cấp bách và thiết thực hơn bao giờ hết. Trước mắt, cần phải xây dựng một số ngành kinh tế

Một phần của tài liệu Những chuyển biến kinh tế xã hội ở khánh hòa từ năm 1975 đến 2005 (Trang 83 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)