Chương 2. NHỮNG CHUYỂN BIẾN KINH TẾ-XÃ HỘI Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 1989
2.2. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ-XÃ HỘI KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN
2.2.1. Chuyển biến trong các ngành kinh tế
2.2.1.1. Nông nghiệp (lâm, ngư)
Kinh tế nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, tạo tích lũy cho công nghiệp hóa XHCN. Xuất phát từ tình hình đất nước sau chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (1976-1980): “tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các
cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp, ra sức đẩy mạnh lâm, ngư nghiệp…, Khánh Hòa đã coi nông nghiệp là “chìa khóa” mở đầu của sự phát triển kinh tế.
Các hoạt động kinh tế của Tỉnh trong thời kỳ đầu sau giải phóng đã hướng vào mục tiêu cải tạo XHCN- trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, trọng tâm là cải tạo nông nghiệp. Cải tạo XHCN đối với nông nghiệp là chặng đường đầu tiên trong thời kỳ quá độ, một yêu cầu khách quan và cấp bách nhằm xóa bỏ mọi hình thức bóc lột ở nông thôn, trên cơ sở đó, xác lập QHSX mới - gồm 2 thành phần: sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.
Một trong những chương trình nhằm tạo tiền đề cho cải tạo XHCN là xây dựng vùng kinh tế mới. Khánh Hòa đã vận động được 24.230 nhân khẩu (chiếm 39% nhân khẩu cả tỉnh) [144,tr.7], chủ yếu là dân Nha Trang và các thị trấn đến vùng kinh tế mới ở Củ Chi (Khánh Vĩnh), Phú Nhơn (Ninh Hòa), Đồng Trăng, Đất Sét (Diên Khánh), Đông Tác, Vĩnh Cẩm (Cam Ranh) và nông trường ở Dục Mỹ (Ninh Hòa), Sơn Thành, Sơn Hội (Tuy Hòa) [146,tr.55]. Một lực lượng góp phần khai hoang phục hóa là thanh niên xung phong khoảng 3.500 người trên toàn tỉnh [171,tr.7]. Nhờ vậy, diện tích đất khai phá được ở các vùng kinh tế mới khá lớn, trung bình mỗi nhân khẩu tham gia có 1.500m2 đất trồng trọt, tăng gấp hơn 2 lần mức bình quân chung của tỉnh (670m2). Trên các vùng đất mới, tỉnh cho quy hoạch thành nhiều xã, các xã đều được xây dựng trường học, bệnh xá, điểm mua bán…;
nông dân được hỗ trợ ban đầu về giống, phân bón, nông cụ và 6 tháng lương thực [171,tr.4]. Hàng vạn dân phiêu tán trong chiến tranh trở về cũng được huy động khôi phục vùng trắng nông nghiệp, tăng diện tích đất canh tác đạt 87,7% kế hoạch vào năm 1976. Chương trình kinh tế mới được UBND Tỉnh đánh giá là thành công vì đã đạt 3 yêu cầu: tăng diện tích trồng trọt, giãn dân, cải biến lao động…, đã tạo thêm nguồn lương thực đáp ứng tình hình trước mắt cũng như lâu dài [171,tr.7].
Tuy nhiên, xét trên tổng thể, nhất là tính bền vững, kết quả đạt được của chương trình này còn hết sức hạn chế. Một phần do việc chậm thích nghi cuộc sống mới của các hộ gia đình, nhất là số hộ vốn trước đây làm nghề dịch vụ; một phần, công
tác tư tưởng và tổ chức cho dân chưa tốt, một số cán bộ còn lẫn lộn việc vận động người lao động đi sản xuất ở vùng kinh tế mới với cưỡng chế lao động làm ảnh hưởng đến phong trào. Vì thế, số người bỏ về thành phố hoặc đi nơi khác lập nghiệp lên đến hàng ngàn [31,tr.26]; số hộ gia đình tự giải quyết lương thực không nhiều nên trước mắt, Nhà nước vẫn phải tiếp tục cứu tế.
Việc điều chỉnh ruộng đất đối với nông nghiệp được hoàn thành sớm. Sau giải phóng, tỉnh đã tuyên bố quyền sở hữu đất đai là của toàn dân và tiến hành phân chia, điều chỉnh lại ruộng đất. Các loại ruộng của địa chủ, ruộng thừa của nhà thờ, nhà chùa đều lấy chia cho nông dân không có hoặc thiếu ruộng. Số ruộng thu hồi được khoảng 16.000 ha, tỉnh quyết định chia hết cho 26 vạn hộ nông dân [171,tr.3].
Đối với ruộng đất của hộ nông dân đã được chia trước đây được ổn định trên cơ sở nguyên canh, những trường hợp xáo trộn do chiến tranh thì vận động thương lượng, hoán đổi. Việc điều chỉnh được tiến hành khá đồng bộ ở nông thôn các huyện, thị.
Vì thế, cho đến tháng 9.1976, về cơ bản, không còn giai cấp địa chủ, các hình thức bóc lột bị thủ tiêu [146,tr.232]. Nông dân Khánh Hòa được tạo điều kiện làm ăn, khối công nông liên minh thêm phần củng cố.
Nhằm hỗ trợ cho nông dân sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến chương trình thủy lợi, coi đó là biện pháp quan trọng “hàng đầu”. Năm 1976, tỉnh chủ trương huy động sức dân đóng góp ngày công nạo vét, phục hồi các công trình thủy lợi có trước giải phóng, làm mới hàng trăm km kênh mương. Các công trình thủy lợi lớn được UBND tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 1977: hồ chứa nước Suối Trầu (Ninh Hòa); trạm bơm Cầu Đôi (Diên Khánh); hồ Đá Bàn (Ninh Hòa);
hồ Đá Đen (Vạn Ninh), hồ Suối Hành (Cam Ranh…). Nhờ có lượng nước tưới nhiều hơn trước giải phóng nên nhân dân địa phương có điều kiện tăng vụ, làm trái vụ, trồng giống mới, tăng năng suất hơn trước. Cuối năm 1976, một số huyện điểm đã đạt năng suất 6,3 tấn/ha; bình quân toàn tỉnh đạt 5,5 tấn/ha/năm/2 vụ, cao hơn năm 1975: 237 kg/ha. Sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt 84.030 tấn, bình quân đầu người năm 1976 đạt 209 kg (tăng so với năm 1975: 33 kg) [31,tr.3]. Tỷ lệ
màu trong cơ cấu lương thực tăng từ 8% (1975) lên 24% (1978). Trước năm 1975,
Khánh Hòa dựa vào nguồn lương thực của Nam Bộ, sau 2 năm giải phóng, bước đầu tỉnh đã tự túc được lương thực. Năm 1978, tỉnh đã đóng góp cho Nhà nước 12.500 tấn, tăng 2,5 lần so với năm 1977 [144,tr.7]. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng của việc ổn định đời sống và giải quyết nguyên liệu cho công nghiệp. Trong quá trình thi công, có những công trình chưa đạt chất lượng kỹ thuật, trong đó, hồ Suối Trầu hai lần bị vỡ, một lần bị rò đập, đã gây thiệt hại tiền của lớn (5 triệu đồng) [144,tr.10] đồng thời, lượng nước cung cấp không ổn định ảnh hưởng đến khả năng duy trì và tăng năng suất lương thực.
Thực hiện chỉ đạo của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) về việc cải tạo nền kinh tế nông nghiệp đang tồn tại nhiều loại hình QHSX chuyển sang QHSX XHCN, Tỉnh ủy đã thống nhất: “trước mắt, phải quy hoạch, phân vùng sản xuất, củng cố nông hội, phát triển tổ đổi công, tổ đoàn kết sản xuất, xây dựng HTX thí điểm” [143,tr.110].
Phong trào tổ đổi công, tập đoàn sản xuất ở Khánh Hòa phát triển mạnh trên cơ sở đó phát triển lên HTX nông nghiệp. HTX Diên An (Diên Khánh), HTX Ninh Quang (Ninh Hòa) được chọn xây dựng HTX thí điểm theo mô hình miền Bắc đã có 100% xã viên tự nguyện [89,tr.16]. Phong trào được nhân ra diện rộng, tháng 5 năm 1979, Khánh Hòa có 104 HTX nông nghiệp, và tập đoàn sản xuất, chiếm 90%
nông dân (83% lao động nông nghiệp) đi vào con đường làm ăn tập thể (toàn miền Nam đạt 21,1%). Phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp tiếp tục tăng vào cuối năm và có thể coi là địa phương hoàn thành sớm nhất so với Nam Trung Bộ và Nam Bộ [122,tr.348].
Việc cơ khí hóa trong nông nghiệp được chú ý, do vậy, nhiều huyện đã có
trạm máy kéo, số HTX đã mua được máy kéo, máy tuốt lúa, xe tải nhỏ ngày càng nhiều, một số HTX tổ chức được mô hình tổ ngành nghề cơ khí.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã chú ý đến cải tạo giống nhưng hiệu quả chưa cao. Năm 1980, tỉnh đã nhập giống lúa kháng rầy: IR 36, Long Định 2…. Nhờ đó, tình hình sản xuất lương thực có nhiều tiến bộ, sản lượng lương thực có hạt năm 1980 đã đạt 93.334 tấn, bình quân đầu người 256,6 kg, cao hơn năm
1976: 47,6 kg (bình quân cả nước 286 kg), trị giá 392 đồng/người/ năm (giá thời điểm) [31,tr.3].
HTX nông nghiệp là đơn vị sản xuất chủ yếu lúc bấy giờ, ngay khi mới ra đời đã phát huy được vai trò tích cực trong việc tổ chức nông dân khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, phát triển sản xuất; thể hiện tính ưu việt của CNXH trong việc hỗ trợ gia đình khó khăn, động viên thanh niên nhập ngũ, bước đầu hình thành một mô hình sản xuất mới…. Bộ mặt nông thôn đổi mới, an ninh trật tự giữ vững, nông dân phấn khởi sản xuất, tăng nguồn lương thực đáng kể.
Tuy vậy, vì nhiều lý do nhưng chủ yếu do trình độ quản lý còn ở mức thấp nên quá trình thực hiện phong trào hợp tác hóa đã bộc lộ nhiều yếu kém, nóng vội:
- Việc tập thể hóa TLSX chủ yếu (đất đai, trâu bò, máy móc, nông cụ…) có nhiều bất cập, thiếu phân công trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng cụ thể nên chất lượng TLSX mau sút kém. Đàn bò giảm rõ rệt, từ 108.104 con (1976) còn 99.865 con (1979) [19,tr.79]. Phương thức điều hành sản xuất tập trung theo đơn vị đội sản xuất, xã viên nhận công điểm theo chế độ ba khoán: khoán khối lượng công việc, khoán chi phí vật tư, khoán công điểm. Nguồn vật tư, phân bón phụ thuộc TW, xã viên không tự chủ nên thường xuyên bị động về số lượng… [171,tr.1]. Sản phẩm cuối vụ là xã viên được phân phối bằng hiện vật theo ngày công, năng suất lao động tăng nhưng thu nhập thực tế của xã viên giảm dần, giá trị không đáng kể. Cơ cấu ngành không cân đối, nặng về trồng lúa (chiếm 90%), chăn nuôi, trồng màu và cây công nghiệp ít; các loại cây công nghiệp hàng năm: mía, dừa chưa được đầu tư nên chuyển thành sản phẩm hàng hóa chậm [147,tr.30].
- Xây dựng HTX còn nặng hình thức, chỉ đạo nôn nóng, làm nhanh, làm lướt, nhiều HTX không hội đủ các điều kiện. Chất lượng HTX không đều, nhiều HTX yếu kém, vùng bán sơn địa sản xuất còn lúng túng. Hai năm liền (1979 – 1980), trên 80% HTX nông nghiệp ở huyện Vạn Ninh không hoàn thành nghĩa vụ.
Quy mô HTX có nơi quá lớn (hơn 700ha), vượt quá năng lực của người phụ
trách…. Qua đánh giá xếp loại, số HTX trung bình và yếu kém chiếm tỷ lệ đáng kể trong đó, hầu hết HTX yếu về quản lý, chỉ tiêu nêu ra không đi liền biện pháp thực
hiện, chưa biết cách xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện kế hoạch dẫn đến năng suất, chất lượng có hiệu quả. Hiện tượng cán bộ tham ô ở đội sản xuất và HTX khá phổ biến, phải thay thế vì có vấn đề chính trị phức tạp và sai phạm nguyên tắc, tiêu biểu là hầu hết cán bộ của 19 xã đồng bằng huyện Diên Khánh và một số người ở huyện Cam Ranh. Nhìn chung, nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, yếu kém bộc lộ bắt nguồn từ lợi ích người lao động chưa được quan tâm và phát huy một cách đầy đủ.
Chỉ thị 100 (gọi tắt là khoán 100) của Ban Bí thư TW (13.1.1981) đã đưa mô hình kinh tế HTX bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Sau Chỉ thị, lĩnh vực nông nghiệp có những chuyển biến khác trước:
- Năng suất lương thực tăng từ 25,3 tạ/ha (1976-1980) lên 30,2 tạ/ ha (1984) [33,tr.35], Khánh Hòa là một trong 6 tỉnh có năng suất cao trong cả nước. Bình quân lương thực qui thóc đầu người tăng từ 176 kg (1976) lên 322 kg (1984)[149,tr.4], cao hơn bình quân đầu người của cả nước cùng thời điểm. Số hộ nông dân vào HTX tăng thêm 2% so với năm 1979. Nhiều huyện thực hiện “cơ khí hóa” nên đã có máy kéo, máy tuốt lúa, xe tải nhỏ….
- Bước đầu hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh, phá vỡ thế độc canh:
Cam Ranh, Diên Khánh, chuyên canh lúa cao sản, sắn; khu vực Đồng Bò (Nha Trang) chuyên trồng mía; Vạn Ninh, Ninh Hòa trồng dừa…. Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang được xác định là vùng có năng suất cao [19,tr.103]. Mô hình HTX nông – công nghiệp hình thành ở HTX Diên An có tỷ trọng công nghiệp 40%
[149,tr.5].
- Lao động nông nghiệp có xu hướng giảm ở địa bàn Nha Trang (thành phố), tăng dần ở vùng trọng điểm, đồng thời là việc thay đổi diện tích cây lương thực (bảng 2.2.1.1).
Bảng 2.2.1.1. Lao động nông nghiệp và diện tích gieo trồng (1976-1984) Địa bàn Lao động nông nghiệp
(người) Diện tích cây lương thực (ha)
1976 -1980 1984 1976 - 1980 1984
Nha Trang 16.272 13.687 3.657 3.033
Diên Khánh 35.249 36.272 11.738 15.473
Cam Ranh 38.386 45.000 14.173 17.669
Ninh Hòa 43.632 43.998 14.884 16.113
[Nguồn: 33, tr.34-39]
Tuy vậy, mô hình khoán mới cũng chỉ là một bước cải tiến nhỏ so với cơ chế khoán trước đây vì TLSX vẫn do HTX quản lý, xã viên phải nộp đủ sản lượng thóc theo bản khoán để HTX phân phối sản phẩm. Do đó, xã viên chỉ quan tâm khai thác triệt để đất đai, không chú ý đến dưỡng đất; mặt khác, họ buộc phải gieo trồng loại cây mà HTX quy định; cơ chế thưởng, phạt đối với việc thiếu hoặc vượt sản phẩm không rõ ràng.… Hiện tượng trên lại đưa HTX vào tình trạng khó khăn mới. Bộ
Chính trị đã ra Nghị quyết 10 (1988), chuyển giao sử dụng đất cho người lao động để điều chỉnh tình hình.
Về chăn nuôi, sau năm 1975, với chủ trương đưa lên ngành chính [19,tr.25], các khu vực quốc doanh, gia đình và tập thể đều được khuyến khích phát triển.
Thuận lợi của Khánh Hòa là có nhiều Trung tâm nghiên cứu và cơ sở chăn nuôi lớn: Nông trường bò giống miền Trung, Nông trường chăn nuôi Suối Dầu, Phân viện thú y miền Trung, Xí nghiệp gà Nha Trang…, nên các Công ty chăn nuôi tỉnh, huyện và nhân dân được hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống. Một số HTXNN cũng sớm thành lập Trại chăn nuôi, chủ yếu là nuôi heo. Hình thức chăn nuôi gia đình khá rầm rộ, năm 1976, trung bình mỗi hộ đạt 2,6 con trâu bò; 1,4 con heo.
Cuối năm 1984, tình hình chăn nuôi ở 5 huyện (Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh, Diên Khánh, Nha Trang), tăng nhanh đáng kể so với những năm đầu mới giải phóng [33,tr.49]: đàn trâu có 13.917 con (tăng 1,3 lần); đàn bò có 41.917 con (tăng gần 2 lần); đàn heo tăng từ 56.984 con lên 86.117 con (tăng 1,5 lần). Đàn gà công nghiệp tuy mới bắt đầu nhưng đã phát triển nhanh, năm 1985 cả tỉnh có 160.000 con [149,tr.4].
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, chăn nuôi theo hướng gia đình tự túc là
một biện pháp góp phần tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ, tăng sức kéo, phân bón, hỗ trợ cho nông nghiệp đồng thời cũng là một chỉ báo về cơ cấu ngành bước đầu có sự thay đổi.
Cải tạo và phát triển lâm nghiệp cũng được tiến hành ngay sau khi sáp nhập tỉnh. Các lực lượng khai thác của tư nhân được chuyển thành các HTX sản xuất theo kế hoạch của Nhà nước. Ty lâm nghiệp ra đời, đẩy mạnh việc quy hoạch lại rừng; lập kế hoạch trồng, bảo vệ rừng; lập các trạm cung ứng lâm sản và chế biến gỗ…. Hệ thống đường sá được củng cố, đường ô tô (12.000 km), đường vận xuất (30km) [171,tr.9]. Trong hai năm 1977-1978, rừng trồng mới được 12.000 ha, sản lượng khai thác gỗ tròn hàng năm khoảng 3 vạn m3, tính chung toàn tỉnh đạt 83,3%
kế hoạch Nhà nước [19,tr.68].
Tuy đã tiến hành cải tạo QHSX nhưng trong những năm đầu (1976-1980), nghề rừng chuyển biến chậm và nhiều bất cập: lực lượng quốc doanh chưa mạnh, tư liệu sản xuất phần lớn vẫn do tư nhân nắm, nguồn vật tư lại phụ thuộc Nhà nước nên quá trình điều hành sản xuất thiếu chủ động, hiệu quả khai thác thấp. Phân công lao động chưa hợp lý, trong khi lao động nông nghiệp chiếm 65,2% thì lao động nghề rừng chỉ chiếm 0,2% tổng số lao động trong độ tuổi [171,tr.21]; đời sống công nhân chưa được cải thiện, năm 1980, cả tỉnh có 600 công nhân trồng rừng bỏ việc [173,tr.4]. Tuy có cố gắng trong việc trồng mới nhưng khâu bảo vệ rừng không tốt, năm 1980, địa bàn Khánh Hòa có 2.000 ha rừng bị chặt phá (gấp 3 lần trồng mới);
khai thác gỗ tròn giảm so với trước 1 vạn m3/ năm [19,tr.80].
Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định (184) giao đất, giao rừng cho HTX, bước đầu nghề rừng được tổ chức lại. Nhưng, phải đến năm 1985, khi BBT ra Chỉ thị giao đất, giao rừng cho từng hộ nông dân thì nghề rừng mới có sự chuyển biến tích cực hơn. Thông qua HTX, tỉnh mạnh dạn giao 43.000 ha rừng, các hộ nông dân được nhận khoán, được khích lệ và hỗ trợ nhiều mặt. Cơ cấu nông – lâm bước đầu hình thành ở một số HTX, trong đó có HTX Diên Tân (Diên Khánh) [149,tr.7], tuy nhiên mô hình này còn nhỏ lẻ. Cuối năm 1985, rừng trồng mới đạt
con số 9.800 ha, cao nhất kể từ sau giải phóng, biểu hiện của nhận thức về nhiệm vụ trồng rừng trong nhân dân được nâng cao. Loại cây trồng mới là táo nhân (keo đậu) được trồng nhiều nhằm nhanh chóng phủ xanh đồi trọc. Lĩnh vực khai thác trong vòng 5 năm (1980-1985) giữ mức bình quân 2 vạn m3/năm. Ngành lâm nghiệp đã có sự điều chỉnh đúng hướng nhưng so với các ngành khác, sự chỉ đạo nghề rừng vẫn còn bị xem nhẹ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật mỏng, cả tỉnh chỉ có 294 người [33,tr.19-21], trong khi rừng chiếm 76% diện tích đất đai toàn tỉnh [19,tr.28].
Báo cáo Tổng kết kinh tế – xã hội 10 năm (1975-1985), tỉnh đã đúc kết hạn chế của ngành: “lúng túng trong kinh doanh rừng, đất trống, đồi trọc còn nhiều, có xu hướng tách một cách máy móc giữa nông nghiệp và lâm nghiệp trên từng địa bàn;
giao đất, giao rừng còn hình thức, rừng chưa thực sự được bảo vệ và phát triển”[149,tr.7].
Ngư nghiệp, được coi là một trong ba thế mạnh của Khánh Hòa. Sau giải phóng, số tàu thuyền các loại trên địa bàn còn khoảng 5.230 chiếc, tàu có công suất nhỏ (dưới 10 CV) chiếm 70% [19,tr.237]. Phương thức sản xuất “chủ-bạn cùng hợp tác” chiếm vị trí chủ yếu. Tiến hành cải tạo ngư nghiệp, ngư dân được tổ chức đấu tranh xóa bỏ bóc lột của tư sản vựa, nậu [144,tr.8], và tham gia vào các tổ hợp tác và tập đoàn đánh cá. Năm 1978, có 60 tổ hợp tác, 15 tập đoàn, 7 HTX nghề cá và hàng ngàn tổ đoàn kết ra đời. Các cơ sở bước đầu được nhận khoán lãnh, đóng thuế tùy theo điểm, vùng khai thác [19,tr.240].
Ngoài lĩnh vực đánh bắt, các lĩnh vực khác có nhiều tín hiệu khả quan. HTX Yến sào Vĩnh Nguyên từ khi được tổ chức lại, sản lượng khai thác cao hơn trước giải phóng. Các cơ sở đóng tàu cũng được khôi phục lại, cơ sở Song Thủy (Nha Trang) đã đóng được tàu trọng tải 3.000 tấn [131,tr.86], góp phần tăng năng lực đánh bắt hải sản của tỉnh. Tỉnh đã tiến hành cho lập bến cá để tổ chức thu mua; giao Trạm đăng kiểm, kiểm tra chất lượng và cấp giấy phép tàu loại dưới 20m cho Ty thủy sản. Ty Thủy sản, Viện Nghiên cứu biển và trường Đại học Thủy sản cùng phối hợp thực hiện công tác quy hoạch và nuôi trồng theo vùng nước. Các loại giống mới được thí điểm nuôi như tôm sú ở đầm Ô Loan, Nha Phu, Thủy Triều;