Chương 2. NHỮNG CHUYỂN BIẾN KINH TẾ-XÃ HỘI Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1975 ĐẾN NĂM 1989
2.1.2. Định hướng phát triển của tỉnh
Xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ được đặt ra cho cách mạng Việt Nam ngay sau khi đất nước giải phóng (1975). Tuy cả nước có nhiệm vụ chung nhưng thời kỳ đầu mỗi miền có một yêu cầu khác nhau. Cách mạng miền Nam được Nghị quyết hội nghị lần thứ 24 (9.1975) nêu rõ “miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo XHCN và xây dựng CNXH”[20,tr.9]. Biện pháp tiến hành xác lập QHSX XHCN trong nông nghiệp ở miền Nam là “kết hợp chặt chẽ cải tạo XHCN đối với nông nghiệp với xây dựng nền nông nghiệp lớn XHCN…, mặt khác phải thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, làm từng bước, tích cực, vững chắc…”.
Nghị quyết 24 của TW được Khu ủy V cụ thể hóa và chỉ đạo một cách cụ thể
các bước tiến hành CM XHCN cho các tỉnh Nam Trung Bộ. Trên cơ sở đó, tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời vận dụng một cách sát hợp, tập trung vào nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo XHCN… nhằm nhanh chóng cùng cả nước thực hiện định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Hầu hết các bước tiến hành được rút ra từ kinh nghiệm xây dựng CNXH của miền Bắc.
Năm đầu tiên sau giải phóng, toàn tỉnh tập trung vào việc ổn định tình hình về mọi mặt. Uỷ ban quân quản được thành lập, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ tiếp nhận các cơ sở kinh tế, hành chính, văn hóa đến cơ sở quân sự của chế độ cũ;
làm chủ tình hình từ nông thôn đến thành thị, từ đất liền đến hải đảo… . Sau năm ngày giải phóng, tình hình toàn tỉnh có sự ổn định bước đầu: nhà máy điện, nước hoạt động trở lại; bệnh viện, bệnh xá ở các huyện thị đã tiếp nhận bệnh nhân; các trường học mở cửa lại sau 10 ngày. Việc thành lập và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng các đoàn thể quần chúng trong toàn tỉnh được tiến hành song song.
Chính quyền cách mạng (lâm thời) khẩn trương bắt tay vào ổn định KT-XH, giải quyết nạn đói, chấm dứt việc thiếu muối cho đồng bào miền núi; kêu gọi công nhân, viên chức trở lại làm việc. Từ tháng 4 đến tháng 8.1975, tỉnh đã đưa lên miền núi 86 tấn muối, 37.872 m vải, 2.334 lít dầu lửa và 13.900 viên đá lửa [69,tr.113], những vùng khó khăn nhất đã được cứu trợ, nạn thiếu muối cơ bản được giải quyết.
Đối với những người làm việc trong chính quyền cũ, chính quyền cách mạng kêu gọi họ ra trình diện, hàng ngàn người được bố trí lại việc làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đi đôi với công tác thuyết phục, việc trấn áp lực lượng phản cách mạng được tiến hành kiên quyết, liên tục, giữ vững an ninh trật tự [18,tr.46]. Bưu cục, Ngân hàng Nhà nước tại Nha Trang và các huyện, thị sớm đi vào hoạt động. Ngày 22.9.1975, ngành Ngân hàng cả nước thôi lưu thông tiền của chế độ cũ, thống nhất tiền tệ.
Ngay trong phiên họp sáp nhập tỉnh (3.11.1975), Tỉnh ủy Phú Khánh đã xác định “nhiệm vụ trước mắt tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…, nhiệm vụ trung tâm là ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, giữ vững và cải thiện đời sống nhân dân”…. Tỉnh ủy cũng đã trực tiếp chỉ đạo vấn đề thủy lợi, thâm canh tăng vụ, khai hoang, phục hóa, giãn dân trong thành phố, đặc biệt tăng cường chỉ đạo vùng trọng điểm lúa; tổ chức nông dân thành các tập đoàn sản xuất, các tổ đổi công, vần công…. Hội nghị Thường vụ mở rộng (8. 1976) đã quyết tâm “đưa tỉnh nhà mau chóng bắt gặp và đồng nhất trong CNXH với các tỉnh miền Bắc, nhất là trong kinh tế” [18,tr.46].
Trong không khí thắng lợi của cách mạng cả nước, đặc biệt là công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ IV (12.1976) của Đảng cộng sản Việt Nam đã được tổ chức. Đại hội đã phân tích rõ đặc điểm lớn nhất và
không dễ khắc phục ngay của nước ta là “vẫn ở trong tình trạng từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN…”. Đường lối chung là tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng QHSX, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa. Về đường lối xây dựng nền kinh tế XHCN trong giai đoạn hiện tại, Đại hội chỉ rõ việc “đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của CNXH, nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước bằng một cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp, vừa xây dựng kinh tế trung ương vừa xây dựng kinh tế địa phương…”
[47,tr.68].
Từ đường lối chung và đường lối xây dựng kinh tế, giai đoạn đầu nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976-1980) phải “tạo ra một bước nhảy vọt về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm, ngư nghiệp, phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, giải quyết chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo tích lũy cho CNH XHCN”[47,tr.72]. Đến Đại hội lần thứ V của Đảng (1982), nội dung trên đã được cụ thể hóa, nông nghiệp được coi “là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn XHCN…”
Cũng từ năm 1976 đến năm 1986, trên tinh thần chỉ đạo của các Đại hội, trực tiếp là Đại hội lần thứ IV (1976), Tỉnh Đảng bộ đã có 3 kỳ Đại hội: lần thứ nhất (1977); lần thứ hai (1979); lần thứ ba (1983).
Các Đại hội của tỉnh đều đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu, trọng tâm là nông nghiệp; nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (rừng, biển, đất nông nghiệp), coi đó là những thuận lợi cơ bản, chú trọng khai thác; đồng thời khẳng định, tỉnh có khả năng giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, có cơ sở phát triển một nền kinh tế toàn diện….
Đại hội lần thứ nhất (1977), đã triển khai trực tiếp tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), vì thế, các Nghị quyết của Đại hội đã định
hướng nhiệm vụ có tính xuyên suốt trong thời gian dài. Trên cơ sở những mục tiêu lớn của kế hoạch 5 năm (1976-1980), Tỉnh đã đề ra nhiệm vụ 2 năm 1977-1978 là tiến hành Công nghiệp hóa XHCN, khẩn trương cải tạo XHCN và xây dựng CNXH, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, tổ chức lại sản xuất, phân bố lại lao động, giải quyết nạn thất nghiệp, sắp xếp lại ngành nghề…, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế … [143,tr.9]; phấn đấu đến năm 1980 hoàn thành căn bản cải tạo XHCN đối với nông nghiệp (riêng công, thương nghiệp hoàn thành 1977-1978).
Biện pháp tiến hành, phải kết hợp cải tạo và xây dựng, xây dựng là chủ yếu, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp trong một cơ cấu thống nhất…[143,tr.15]; xây dựng cơ cấu kinh tế nông – công nghiệp lấy huyện làm địa bàn tổ chức lại sản xuất, phân công lao động.
Về nhiệm vụ cải tạo, phát triển nông nghiệp, từng bước được Nghị quyết các Đại hội chỉ đạo chặt chẽ: từ việc chọn các HTX nông nghiệp thí điểm (Đại hội thứ nhất) [143,tr.10]; tiến tới giai đoạn hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, củng cố HTX và phát triển vững chắc (Đại hội thứ 2) [145,tr.46]; tiếp tục củng cố và hoàn thiện QHSX mới trong nông nghiệp, hoàn thành tốt cải tạo XHCN trong công thương nghiệp, …. Thành phố Nha Trang được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch.
Ngoài nhiệm vụ xuyên suốt, ở Đại hội lần thứ hai (1979), đã biểu quyết Nghị quyết phù hợp điều kiện cụ thể của tỉnh hướng vào các trọng tâm: đồng thời thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN vừa củng cố QHSX mới và tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh; đấu tranh, khắc phục hiện tượng ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng
…[145,tr.5].
Trên tinh thần sửa đổi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), Đại hội lần thứ 3 (1983) đã thông qua nội dung kinh tế trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ của tỉnh là thúc đẩy việc sớm hình thành cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp (cấp huyện), công - nông nghiệp (cấp tỉnh) đã đề ra tại Đại hội lần thứ nhất (1977); biện pháp tăng cường và xây dựng cấp huyện nhằm sớm hình thành cơ cấu
kinh tế; 14 mục tiêu có định lượng đến năm 1985…
Trong 10 năm đầu của thời kỳ quá độ đi lên CNXH (1975-1985), ngoài Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc (IV,V), các chủ trương chính sách của Trung ương như Quyết định số 9/ HĐBT (1976), Chỉ thị 15/BBT (1977), Chỉ thị 28 CT/TW (1977), Chỉ thị 43-CT/TW (1978)[12], Chỉ thị 57 CT/TW (1978), đến chỉ thị 100 (1981), chỉ thị 19 CT/TW (1983) và nhiều văn bản khác đều tập trung chỉ đạo nhiệm vụ cải tạo QHSX.
Do vậy, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và địa phương trong giai đoạn này đã có sự thống nhất về mục đích, phương pháp cải tạo, xây dựng QHSX XHCN trong tất cả các ngành, trọng tâm là nông nghiệp: xóa bỏ tàn dư bóc lột phong kiến, các hình thức bóc lột của phú nông- tư sản; đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể, xây dựng khối đoàn kết công nông; xây dựng nông thôn mới XHCN. Phương pháp tiến hành phải kết hợp cải tạo và xây dựng, xây dựng là chủ yếu; kết hợp công nghiệp - nông nghiệp trong một cơ cấu thống nhất…[143,tr.15];
kết hợp chặt chẽ việc cải tạo nông nghiệp với cải tạo công, thương nghiệp. Coi trọng việc xây dựng HTX nông nghiệp, tiến hành từng bước, từ thấp lên cao, từ tập đoàn sản xuất lên HTX (đồng bằng)…
Trong bối cảnh chung của cả nước, xuất phát từ thực tế của địa phương, thời kỳ cải tạo XHCN bắt đầu trong cơ chế mệnh lệnh hành chính, tập trung bao cấp. Cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp- Công nghiệp - Dịch vụ” được Khánh Hòa xây dựng từ cơ sở huyện.