Chương 1. CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN Ý YÊN (NAM ĐỊNH) TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2000
1.1. Các yếu tố tác động đến chủ trương phát triển nông nghiệp của Đảng bộ huyện Ý Yên
1.1.3. Thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Ý Yên trước năm 1997
Với sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh Nam Định, Đảng bộ huyện Ý Yên, kinh tế huyện Ý Yên đã thoát khỏi suy thoái, riêng kinh tế nông nghiệp có bước phát triển đáng kể, người dân đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói, thiếu ăn. Diện tích và sản lượng lương thực được tăng lên đáng kể. Hướng chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Ý Yên là thâm canh, tăng vụ và tăng chất lượng sản xuất nông nghiệp. Dó đó mà, không chỉ đảm bảo lương thực cho toàn huyện mà đã có một khối lượng dư thừa khá lớn.
Với ngành trồng trọt: Tính đến năm 1996, diện tích đất nông nghiệp đạt 35.196,79ha, trong đó, diện tích trồng cây lương thực đạt 29.033ha, diện tích cấy lúa 27.928ha (chiếm 96%); sản lượng đạt 110.596 tấn, trong đó sản lượng lúa 107.387 tấn (chiếm 97%) [37, tr.10]. Như vậy, cây lúa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp. Người dân không còn lo thiếu đói mà bước đầu đã chuyển sang việc sản xuất lương thực hàng hóa để cung cấp ra thị trường. Dưới đây là bảng số liệu về diện tích, năng suất và sản lượng lúa tính từ năm 1990 đến năm 1996 trên địa bàn toàn huyện.
Bảng 1.1. Diện tích, năng suất và sản lượng lúa từ năm 1990 – 1996 Năm Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1990 24.532 61,11 74898
1991 24.782 41,71 51778
1992 25.692 66,36 84446
1993 27.355 86,26 117.890
1994 27.442 56,90 76.702
1995 27.485 87,70 120.121
1996 27.928 76,09 107.387
Nguồn: Niên giám thống kê huyện Ý Yên năm 2001, tr.7.
Từ bảng số liệu trên thấy được mặc dù diện tích tăng liên tục qua các năm nhưng năng suất và sản lượng lúa lại có sự tăng giảm không đều: năm 1995, năng suất lúa đạt mức cao nhất còn năm 1993, sản lượng lúa lại ở mức cao nhất. Từ đó cho ta thấy được trình độ canh tác, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nông nghiệp còn ở mức thấp và không đồng đều.
Diện tích và sản lượng rau đậu trong giai đoạn này cũng tăng lên đạt:
2.054ha và 18.885 tấn (năm 1990); 2.045ha và 19.339 tấn (năm 1991);
1.789ha và 16.407 tấn (năm 1992); 2.052ha và 19.148 tấn (năm 1993);
1.882ha và 19.430 tấn (năm 1994); 3.146ha và 32.617 tấn (năm 1995); 2.180 và 31.152 tấn (năm 1996) [37, tr.18].
Việc trồng cây ăn quả cũng được Đảng bộ huyện quan tâm phát triển.
Các loại cây trồng chủ yếu như: cam, quýt, bưởi,… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Diện tích và sản lượng cây ăn quả không ngừng được tăng lên: tính đến năm 1996 là 60ha, sản lượng 247 tấn/ năm [37, tr. 20].
Với ngành chăn nuôi: Thực tiễn cho thấy nếu được mùa lương thực thì sẽ kéo theo sự phát triển ngành chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi đã có những chuyển biến mới: thay giống đực nội bằng giống đực ngoại cho hiệu quả cao; nuôi lợn thịt ngoại để tăng cao năng suất; thay đổi chế độ ăn và khẩu phần ăn cho vật nuôi. Vì thế, số lượng cũng như sản lượng đàn gia súc, gia cầm đã tăng lên nhiều: tính đến năm 1996, tổng số lượng vật nuôi đạt 84.997 con, trong đó số con lợn chiếm 74.901 con (88%); sản lượng đạt 5.566 tấn, trong đó sản lượng thịt lợn đạt 5.472 tấn (98%) [37, tr. 21].
Nhìn chung, kinh tế huyện Ý Yên nhất là kinh tế nông nghiệp trước năm 1997 bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, vẫn gặp phải những khó khăn chủ yếu như: tỷ trọng nông nghiệp, tỷ trọng cây trồng, vật nuôi còn tăng chậm; chất lượng nông sản thấp, chưa hình thành được vùng chuyên canh tập trung để đáp ứng cho ngành
công nghiệp chế biến; diện tích canh tác lớn nhưng không bằng phẳng lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như hạn hán, lũ lụt, ngập úng (trận bão năm 1996 đã gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề cho kinh tế nông nghiệp toàn huyện); ruộng đất của nông dân vẫn ở tình trạng manh mún không tập trung gây khó khăn cho quá trình sản xuất và thu hoạch mùa vụ - nhiều hộ gia đình có tới 10 – 15 mảnh ruộng manh mún ở nhiều nơi khác nhau; độ màu mỡ của đất không cao, nông dân phải bỏ chi phí nhiều cho mỗi mùa vụ; trình độ khoa học kỹ thuật phát triển ở mức thấp nên chưa được áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất; trình độ nhận thức của người nông dân vẫn còn lạc hậu, còn mang nặng tính tiểu nông, tư tưởng sản xuất kinh tế hàng hoá chưa có chỗ đứng trong đông đảo nhân dân; trong quá trình sản xuất vẫn sử dụng các công cụ thô sơ, lạc hậu nên không mang lại kết quả cao; giống lúa trong thời kỳ này chủ yếu là giống lúa dài ngày, năng suất thấp.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp còn hạn chế, chất lượng thấp, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi: kênh mương chưa được nạo vét thường xuyên, dòng chảy chưa được khai thông, nhiều cánh đồng xa nguồn nước nhưng hệ thông thuỷ lợi ở đó lại không được xây dựng. Do đó, đã có ảnh hưởng không ít đến việc tưới, tiêu cho đồng ruộng mỗi khi hạn hán hay lũ lụt xảy ra. Hệ thống máy móc, cơ sở vật chất của các trạm bơm ở các xã chưa có điều kiện đầu tư, sửa chữa, cải tạo nên chưa phát huy hết tác dụng để phục vụ tốt cho nông nghiệp.
Diện tích đất “chết” xuất hiện hầu như ở tất cả các xã trên toàn huyện.
Những diện tích đất trũng, đất cao không thích hợp với việc trồng lúa nên năng suất lúa ở đây rất thấp nhưng người nông dân chưa biết chuyển đổi sang trồng những loại cây khác như: cây lạc, cây ngô, cây cảnh,... Quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự liên hoàn, chủ yếu vẫn là người nông dân tự lo lấy đầu ra cho sản phẩm. Chưa có sự liên kết hoặc liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước - Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học).
Công tác quản lý, phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh trong thời kỳ này cũng chưa được quan tâm sát sao. Chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y chưa cao. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra đã không tiến hành được những biện pháp ngăn chặn kịp thời, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cây trồng, vật nuôi và thu nhập của nhân dân trong huyện. Quy mô của ngành chăn nuôi chưa được mở rộng, phân tán chưa được chuyên môn hóa cao.
Để khắc phục những khó khăn mà toàn huyện còn gặp phải, Đảng bộ huyện cần sát sao hơn nữa trong công tác lãnh đạo của mình. Đảng bộ huyện cần phân tích cụ thể tình hình trong toàn huyện để từ đó đề ra những chủ trương đúng đắn và kịp thời phù hợp với đặc thù riêng của huyện. Đồng thời trong công tác chỉ đạo thực hiện, Đảng bộ huyện cần quán triệt nghiêm túc, triệt để những chủ trương đó đến cho các cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân ở các xã, giúp họ hiểu đúng và thực hiện tốt những chủ trương chính sách mà Đảng bộ huyện đề ra sao cho trong một thời gian ngắn nhất có thể khắc phục được những khó khăn mà toàn huyện đang gặp phải. Cần đảm bảo cho tỷ trọng của nông nghiệp giảm, cơ cấu lao động phải chuyển dần sang công nghiệp xây dựng và dịch vụ; cần kiện toàn lại cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, khắc phục được tình trạng manh mún về ruộng đất, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi.