Chương 1. CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN Ý YÊN (NAM ĐỊNH) TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2000
1.2. Chủ trương và sự chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ huyện Ý Yên từ năm 1997 đến năm 2000
1.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện từ năm 1997 đến năm 2000
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, chủ trương, phương hướng của Đảng bộ tỉnh Nam Định, Đảng bộ huyện Ý Yên đã ban hành một số Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ, Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, Trạm bảo vệ thực vật, thú y,.. và toàn thể nhân dân phấn đấu kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt những chủ trương, phương hướng và nhiệm vụ mà Đảng bộ huyện đã đề ra để phát triển kinh tế nông nghiệp từ năm 1997 đến năm 2000
1.2.2.1. Về công tác dồn điền đổi thửa
Dồn điền đổi thửa là quá trình những ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn và phải giữ nguyên diện tích đất cho hộ nông dân. Mục đích nhằm tạo được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận lợi cho hộ nông dân phát triển công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh trước mắt cũng như lâu dài để không ngừng đẩy nhanh quá trình tập trung hóa ruộng đất trên địa bàn toàn huyện. Điều này đã hoàn toàn phù hợp
và phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH- HĐH bởi:
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH – HĐH là đưa nền nông nghiệp sang một nền sản xuất mới: sản xuất hàng hóa. Để sản xuất hàng hóa phát triển đòi hỏi tất yếu phải tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi đề người nông dân ứng dụng kỹ thuật khoa học công nghệ vào tổ chức sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết 10CT/TW về việc giao đất cho hộ nông dân, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Trước năm 1997, Đảng bộ huyện Ý Yên đã chỉ đạo cho Phòng nông nghiệp huyện, Hội nông dân tiến hành giao đất ổn định và lâu dài cho hộ nông dân. Việc giao đất này đã khuyến khích được nông dân phát huy quyền tự chủ, tích cực đầu tư công sức cũng như tiền vốn, kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, việc giao đất nông nghiệp cho hô nông dân, cá nhân ở huyện Ý Yên đã bộc lộ nhiều bất cập: đất nông nghiệp ở hầu hết các địa phương manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt bởi nhiều bờ; mất nhiều diện tích đất canh tác; mỗi hộ gia đình có quá nhiều thửa ruộng, mỗi thửa ruộng lại có diện tích quá nhỏ, phân tán ở nhiều khu vực trong cánh đồng; diện tích đất công ích ở các xã chưa được quy hoạch thành vùng riêng, gây khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung; chưa khuyến khích được các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Sự phận chia manh mún ấy làm cho công tác quản lý đất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục khó khăn, Đảng bộ huyện Ý Yên đã tiếp tục chỉ đạo phòng Nông nghiệp, Hội nông dân ở các xã vận động nông dân trên địa bàn toàn huyện thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Từ năm 1998 mô hình dồn điền đổi thửa đã được thí điểm trong sản xuất nông nghiệp ở hai xã Yên Nghĩa và Yên Hồng và sau đó đã triển khai ra toàn huyện.
Không chỉ thế, Đảng bộ huyện còn khuyến khích những nhóm hộ trong thôn hoặc trong dòng họ có người đứng đầu có uy tín, có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nhận gọn vào một vùng để có điều kiện góp đất hoặc chuyển nhượng ruộng đất; khuyến khích những hộ gia đình làm nghề thủ công không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp chuyển nhượng cho những hộ sản xuất nông nghiệp để tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Nam Định nói chung và Đảng bộ huyện Ý Yên nói riêng cùng với sự hướng dẫn của Sở tài nguyên – môi trường về dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, Trạm bảo vệ thực vật, thú ý đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn các xã các thị trấn tuyên truyền cho nhân dân hiểu được lợi ích, ý nghĩa và vai trò của việc dồn điền đổi thửa là nhằm tích tụ ruộng đất để có điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển hàng hóa tập trung và vận động nhân dân thực hiện một cách triệt để công tác này. Do đó, công tác dồn điền đổi thửa đã đạt được những thành tựu đáng chú ý: Trước đây mỗi hộ gia đình bình quân có từ 10 đến 15, thậm chí có hộ còn có từ 20 đến 25 thửa nằm rải rác ở những vị trí khác nhau. Nhưng sau khi thực hiện chủ trường dồn điền đổi thửa thì chỉ còn từ 4 đến 5 thửa/hộ. Ở nơi nào tập trung chỉ đạo tốt chỉ có 2 – 3 thửa/ hộ [17, tr.2]. Trên toàn huyện có nhiều xã thực hiện tốt chủ trương này như: Yên Hồng, Yên Trung, Yên Thành, Yên Phương, Yên Mỹ, Yên Quang, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Khánh...
Dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp có vị trí vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn, mang lại lợi ích cho người nông dân, cho toàn xã hội. Song, công tác dồn điền đổi thửa này cũng có nhiều khó khăn, phức tạp, tác động đến tâm lý của người nông dân (họ chưa có nhận thức đúng đắn lợi ích cũng như ý nghĩa quan trọng của công tác dồn điền đổi thửa). Do đó, đòi hỏi phải
có nhận thức đúng đắn, thống nhất từ trong Đảng đến cán bộ, Đảng viên và hộ nông dân. Việc tổ chức thực hiện phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự phối hợp thực hiện giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Phải có quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh chủ quan nóng vội, đồng thời đảm bảo nhanh gọn, kịp thời, giữ vững sự đoàn kết, ổn định tình hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
1.2.2.2. Về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi Ngành trồng trọt
Nghị quyết số 05-NQ/HU về “Chương trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn đến năm 2000” đã đánh giá một cách chính xác những thành tựu đạt được và chỉ ra những tồn tại yếu kém trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đồng thời xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn đến năm 2000 và những năm tiếp theo. Nghị quyết nêu rõ: Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thâm canh tăng vụ nhằm nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu lương thực của huyện và an toàn lương thực Quốc gia. Khuyến khích nông dân chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. Phát triển mạnh ngành chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính,…
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện, Phòng nông nghiệp huyện Ý Yên đã tiến hành công tác chỉ đạo tới các Đảng bộ, Hội nông dân các xã và các hộ nông dân tiến hành công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn toàn huyện.
Trước tiên là sự thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng tăng diện tích trồng cây ăn quả: từ năm 1996 là 60 ha lên 143 ha năm 2000, trong đó cam, quýt, bưởi tăng từ 25ha năm 1996 lên 51,5 ha năm 2000. Diện tích cây lương thực có xu hướng giảm qua các năm: năm 1996 là 29.033 ha giảm xuống 28.084 ha năm 2000. Tuy vậy nhưng sản lượng lương thực lại tăng lên đáng kể: năm 1996 là 110.596 tấn tăng lên 147.357 tấn năm 2000 [37, tr. 15].
Tiếp đó, Đảng bộ huyện Ý Yên đã lãnh đạo các cấp, ban, ngành chuyển dịch những diện tích đất cao và đất trũng cấy lúa cho năng suất kém sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây vụ Đông cho năng suất cao hơn như:
cây lạc, cây ngô, cây khoai. Tính đến năm 2000, cây lạc có diện tích 1.418ha với sản lượng 4.243 tấn; năm 2000, cây ngô có diện tích 167ha với sản lượng 507 tấn; năm 2000, cây khoai có diện tích 2.251ha với sản lượng 17.850 tấn [37, tr.17]. Việc sản xuất cây vụ Đông đang dần chiếm một vị trí quan trọng trở thành ngành sản xuất hàng hóa chính cho kinh tế nông nghiệp toàn huyện.
Đảng bộ huyện chỉ đạo Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, Trạm bảo vệ thực vật, thú y ở các xã trên địa bàn huyện phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chuyển dịch cơ cấu vụ mùa, cơ cấu cây trồng, tăng tỷ lệ xuân muộn và mùa trung. Đưa nhanh chóng các giống lúa mới như: Tạp giao, Bồi tạp, ĐV 108, Khang dân 18,… vào sản xuất, ở nhiều HTX như: Thống Nhất, Phú Xuyên, Yên Phú, Yên Phúc,… tỷ lệ giống mới đạt 80 – 90% [17, tr. 1].
Công tác thủy lợi có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn huyện. Đảng bộ, huyện ủy và Uỷ ban nhân dân huyện thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi. Công tác phòng chống lụt bão, úng, quản lý đề điều luôn được chú trọng; công tác tu bổ đê kè hoàn thành kế hoạch, đảm bảo an toàn các tuyến đê trong mùa mưa lũ. Chương trình kiên cố hóa kênh mương của Chính phủ được triển khai thực hiện.
Qua quá trình chỉ đạo thực hiện theo các chủ trương và biện pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, đến năm 2000: diện tích gieo trồng hàng năm ổn định từ 35.000 đến 35.500 ha. Trong đó diện tích cây lúa là 27.000 đến 27.500 ha, cây vụ Đông và cây màu xuân là 8.000 ha. Năng suất lúa tăng nhanh qua các vụ: Năm 1996 đạt 8,2 tấn/ha/năm, năm 2000 đạt 10,7 tấn/ha/năm. Tăng bình quân 4,5%/năm. Sản lượng màu quy ra thóc hàng năm là 8.900 tấn. Tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt cao nhất 160.000 tấn, tăng 24% so với năm 1995. Bình quân lương thực đạt 660 kg/người/năm,
lương thực hàng hoá 70-75 ngàn tấn/năm. Bình quân thu nhập ngành trồng trọt đạt 27triệu/ha canh tác/năm [17, tr. 2].
Ngành chăn nuôi:
Với chăn nuôi, Đảng bộ huyện nhấn mạnh: không chỉ nâng cao số lượng mà còn tăng cả về chất lượng; hạn chế mô hình chăn nuôi theo phương thức lạc hậu và đưa nhanh phương thức chăn nuôi công nghiệp nhằm tăng nhanh năng suất và rút ngắn thời gian thu hoạch sản lượng thịt từ các đàn vật nuôi. Huyện ủy đã đề ra chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm.
Theo đó, chăn nuôi tiếp tục tăng cả số lượng và chất lượng. Đến năm 2000, đàn lợn là 80.000 con tăng lên 8,5%, đàn trâu bò là 12.500 con tăng 31% so với năm 1995 [17, tr. 2].
Bằng hình thức chuyển đổi này, năng suất cây trồng và sản lượng vật nuôi đã tăng lên nhanh chóng góp phần tăng cao thu nhập cho nhân dân toàn huyện:
Bảng 1.2: Giá trị sản xuất cây trồng, vật nuôi năm 1997 – 2000 Đơn vị: Triệu đồng
Năm Trồng trọt Vật nuôi
1997 321700 63883
1998 379169 69495
1999 406602 130884
2000 407670 134564
(Nguồn niên giám thống kê huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, năm 2001, tr.12) Nuôi trồng thủy sản:
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ huyện, Phòng nông nghiệp đã tiến hành thực hiện tốt phong trào cải tạo ao hồ, diện tích mặt nước để nuôi thả cá.
Phòng nông nghiệp đã cho áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích khai thác tiềm năng mặt nước, do đó diện tích nước có khả năng nuôi trồng thủy sản đã tăng lên đáng kể: năm 2000, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 886ha (thủy sản
nước ngọt) [39, tr. 69]. Trong số diện tích nuôi trồng này có một số diện tích chủ yếu chuyển từ vùng cấy lúa một vụ bấp bênh sang đào ao thả cả, cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Công tác bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng vật nuôi cũng được Đảng bộ huyện cùng Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, công an huyện, Đội quản lý thị trường số 5 và đặc biệt là Trạm bảo vệ thực vật, thú y quan tâm chỉ đạo thực hiện. Phòng nông nghiệp đã kết hợp chặt chẽ với Trạm bảo vệ thực vật, thú y thường xuyên cử những cán bộ, những kỹ sư có chuyên môn đến từng cơ sở sản xuất trên địa bàn toàn huyện để hướng dẫn bà con nông dân nắm bắt được những biểu hiện cơ bản của bệnh cây trồng, vật nuôi để từ đó sớm có biện pháp phòng trừ và khắc phục kịp thời đảm bảo được năng suất và chất lượng của cây trồng, vật nuôi.
Có thể nói, trước đây nếu cây lúa giữ vai trò chủ đạo thì trong những năm 1997-2000, cây vụ Đông như cây lạc, khoai tây, đậu... đã có vị trí quan trọng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tính đến năm 2000, diện tích cây lúa là 28.084ha với sản lượng 147.357 tấn; diện tích cây vụ Đông là 1.669 ha với sản lượng 129.093 tấn. Việc sản xuất cây vụ Đông đang dần trở thành ngành sản xuất hàng hóa chính cho toàn huyện. Từ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng có những bước phát triển mới không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Những giống vật nuôi mới, có chất lượng và năng suất cao cũng được đưa vào thử nghiệm và mang lại giá trị kinh tế cao như: cá trắm, trôi, chép,những loại trâu bò nhập ngoại hoặc lai giống,... Nhìn chung từ năm 1997 đến năm 2000 kinh tế nông nghiệp huyện đã có sự phát triển đáng kể: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,03%; thu nhập bình quân đầu người là 3.6 triệu đồng/năm; năm 2000, tổng giá trị sản xuất đạt 937,5 tỷ đồng; tổng thu nhập đạt 542 tỷ đồng [17; tr.5]. Qúa trình sản xuất nông nghiệp đã tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, ngoài việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho khoảng 22 vạn dân trong huyện, còn có khả năng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tiểu kết Chương 1
Trong những năm từ 1997 đến 2000 với sự lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo, Đảng bộ huyện Ý Yên đã tranh thủ những thế mạnh vốn có của huyện để từng bước đưa kinh tế nông nghiệp phát triển và đạt được nhiều thành tựu. Với chủ trương dồn điền đổi thửa, tình trạng manh mún về ruộng đất đã bước đầu được khắc phục, thực trạng một hộ nông dân có tới 10-15 mảnh ruộng đã không còn nữa mà thay vào đó là những mảnh ruộng to hơn thuận lợi cho sản xuất, chăm bón. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mà Đảng bộ huyện Ý Yên đã khắc phục được những hạn chế trong ngành trồng trọt và chăn nuôi trong những năm trước 1997.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đảng bộ huyện còn gặp phải những khó khăn nhất định như: chưa tuyên truyền sâu rộng những chủ trương của Đảng bộ huyện đến nhân dân trong toàn huyện; trong công tác chỉ đạo thực hiện còn chưa kiên quyết,... Do đó mà kinh tế nông nghiệp của huyện vẫn tồn tại một số hạn chế cơ bản như: tốc độ tăng trưởng còn chậm; việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa cao, đời sống của người nông dân vẫn còn thấp, người nông dân chưa quen với việc sản xuất hàng hóa, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; việc đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật chưa cao.
Mặc dù còn một số hạn chế, song những thành quả về nông nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Ý Yên trong những năm 1997 đến 2000 đã tạo nên cơ sở, tiền đề để Đảng bộ và nhân dân huyện Ý Yên vững bước tiến vào thế kỉ XXI, tiếp tục thực thắng lợi công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH.
Chương 2