Chương 2. ĐẢNG BỘ HUYỆN Ý YÊN (NAM ĐỊNH) LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỪ NĂM
2.1. Chủ trương và sự chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ huyện Ý Yên từ năm 2001 đến năm 2005
2.1.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện
Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương của Trung ương Đảng, của Đảng bộ tỉnh Nam Định và những chủ trương được đề ra ở Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, Đảng bộ và nhân dân huyện Ý Yên đã nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, vượt lên đạt thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực nhất là trong nông nghiệp, được thể hiện trên các mặt: dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển kinh tế HTX.
2.1.2.1. Về công tác dồn điền đổi thửa
Đảng bộ huyện đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với Hội nông dân phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện tham mưu cho Huyện uỷ - Uỷ ban nhân dân huyện tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Trên cơ sở phát huy những kết quả mà giai đoạn 1997 – 2000, công tác dồn điền đổi thửa trong thời gian này được tích cực
thực hiện hơn nữa từ tất cả các cấp, ban, ngành. Quy mô đã được mở rộng hơn trong tất cả các xã trên địa bàn toàn huyện. Công tác triển khai đã toàn diện và đồng đều hơn. Hầu hết người dân đều thấy được những lợi ích của dồn điển đổi thửa mang lại nên rất hợp tác trong quá trình thực hiện chủ trương của huyện.
Do đó mà công tác dồn điền đổi thửa về cơ bản được hoàn thành. Trong hai năm 2003 và năm 2004, hầu hết các xã và thị trấn trong huyện đã triển khai lập đề án và tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa đúng tiến độ và cơ bản đạt được yêu cầu đặt ra, trong đó tiêu biểu là đề án “hướng dẫn nông dân chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn”, tạo điều kiện cho việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn [18, tr. 3]. Kết quả là đến năm 2005, hầu hết các xã trong toàn huyện đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa. Việc thực hiện thắng lợi đề án “chuyển ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cáo giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác (34,5 triệu đồng), góp phần thực hiện tốt mục tiêu chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa của toàn huyện
2.1.2.2. Về công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện trên cơ sở từng bước hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, Trạm bảo vệ thực vật, thú y trên địa bàn toàn huyện đã quan tâm chỉ đạo phát triển mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Từ đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong huyện chuyển dịch theo hướng tăng mạnh các cây, con có khả năng sản xuất hàng hóa và giá trị kinh tế cao. Nét mới trong quá trình chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ huyện trong giai đoạn này là sự chỉ đạo tập trung, theo sát từng ngành, từng lĩnh vực nông nghiệp, từng cây trồng, vật nuôi:
Ngành trồng trọt:
Ngành trồng trọt hiện đang là ngành sản xuất chính, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chiếm 63,21% năm 2005 [39, tr. 39]. Ngành trồng trọt đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích cây lương thực, tăng diện tích các loại cây rau màu và cây ăn quả.
Hình thức chuyển đổi diện tích cấy lúa kém năng suất trên những chân ruộng cao, hạn, khó tưới nước sang trồng các cây khác có thể thích nghi với điều kiện và cho năng suất cao hơn như: cây lạc, cây đậu, cây cảnh,… tiếp tục được Đảng bộ huyện triển khai trong giai đoạn này. Trong các loại cây được chuyển đổi, cây lạc là loại cây được coi là thích nghi với điều kiện khô hạn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn cả. Một vụ lạc sau khi chuyển đổi đã cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 2 lần vụ lúa trước đó. Tính đến năm 2004, diện tích trồng lạc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã lên tới 2.175ha [29, tr. 5]. Từ đó mang lại thu nhập cao hơn cho các hộ nông dân. Ở xã Yên Phúc nói riêng và một số xã khác trên địa bàn huyện nói chung còn tiến hành chuyển diện tích lúa cho năng suất kém sang trồng các loại cây cảnh, đặc biệt là hộ gia đình ông Mai Văn Bao đã chuyển từ diện tích trồng lúa sang khu vườn trồng cây cảnh trên diện tích 1400m2, thu nhập hàng năm từ trên 300 – 400 triệu đồng [29, tr. 8].
Tiến hành giảm tối đa trà lúa sớm và chính vụ, chuyển sang trà lúa muộn là chủ lực. Với vụ mùa thì tăng diện tích lúa mùa sớm để có điều kiện mở rộng diện tích cây vụ Đông, chuyển diện tích lúa cho thu nhập bấp bênh sang diện tích lúa cá và chuyên nuôi trồng thuỷ sản. Cơ cấu giống lúa cũng được chuyển sang hướng thâm canh tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là nhóm giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm, Hương thơm, Tạp giao… Vụ Đông đã trở thành một vụ chính, là vụ sản xuất thứ 3 trong năm. Diện tích trồng của vụ Đông không ngừng được mở rộng. Tính đến năm 2005, diện tích vụ Đông toàn huyện đã đạt 2.512 ha [29, tr. 5]. Điều quan trọng ở đây là sản xuất vụ Đông đã chuyển sang hướng sản xuất hàng
hoá và nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nhiều cây mới có giá trị xuất khẩu đã được đưa vào sản xuất ở một số địa phương như: ngô ngọt, ngô bao tử, dưa chuột bao tử, khoai tây Hà Lan, khoai tây Đức,…ở Yên Phú, Yên Phương, Yên Xá, Yên Cường, Yên Nhân,…
Bảng 2.1: Diện tích cây trồng năm 2001-2005
Đơn vị: ha
Cây trồng Năm 2001 Năm 2005
Cây lúa 27.592 26.384
Cây vụ Đông 1.669 2.512
Cây ăn quả 143 156
Rau đậu 2.297 3.373
(Nguồn: Niên giám thống kê huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định năm 2006, tr.16) Từ bảng số liệu trên ta thấy cây vụ Đông có tốc độc tăng nhanh gấp 1,4 lần so với năm 2001. Trong các cây trồng vụ Đông, khoai tây có diện tích cao nhất chiếm 1.386 ha, năng suất đạt 146,8 tạ/ ha, sản lượng 20.346 tấn [2, tr.
1]. Diện tích trồng lúa đã giảm hơn 1 lần so với năm 2001, trong đó diện tích lúa vụ mùa đạt 13.507 ha, năng suất đạt 36,72 tạ/ha và sản lượng đạt 49.598 tấn; diện tích lúa vụ xuân đạt 12.877 ha, năng suất đạt 59,38 tạ/ha và sản lượng đạt 76.463 tấn [2, tr. 2].
Năm 2005, toàn huyện có 156 ha cây ăn quả tăng 13 ha so với năm 2001 (143ha). Diện tích trồng cây ăn quả có giá trị và có khả năng hàng hóa lớn như: cam, bưởi,… đang phát triển ổn định, nhiều sản phẩm có tiềm năng xây dựng được thương hiệu riêng.
Diện tích các loại rau, đậu cũng tăng lên đáng kể từ 2.997ha năm 2001 lên 3.373ha năm 2005 (tăng 376ha). Theo đó, sản lượng cũng không ngừng được tăng lên: năm 2000 đạt 33.514 tấn đến năm 2005 đạt 43.393 tấn [29, tr.58]. Những nơi sản xuất các loại rau đậu nhiều nhất tập trung ở các xã phía Nam huyện như: Yên Cường, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Khang, Yên Lộc,…
Công tác nghiên cứu và áp dụng giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt được cũng đã được Đảng bộ chú trọng đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, Uỷ ban nhân dân huyện đã tích cực đưa các giống lúa mới cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn, ít nhiễm sâu bệnh và tránh được các loại thiên tai cuối vụ vào sản xuất. Đặc biệt là đưa các giống lúa lai như B.ưu 903, B.ưu 903 KBL,… vào trồng ở những diện tích trũng đảm bảo chống chịu được ngập úng. Ngoài ra, Đảng bộ huyện còn khuyến khích đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: đưa máy cày vào quá trình làm đất nông nghiệp, đưa máy gặt vào thu hoạch mùa vụ. Từ đó, rút ngắn thời gian làm đất, thu hoạch mùa vụ, giúp người nông dân tiết kiệm được sức lao động và từng bước làm quen với lối sản xuất mới theo hướng CNH – HĐH.
Ngành chăn nuôi; kinh tế trang trại, gia trại:
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, Phòng nông nghiệp, Hội nông dân đã kết hợp chặt chẽ với Trạm bảo vệ thực vật, thú y tiếp tục chú trọng phát triển ngành chăn nuôi với nhiều loại hình tổ chức sản xuất:
chăn nuôi hộ gia đình, trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp nhưng quy mô vẫn còn nhỏ. Đứng trước những căn bệnh của gia súc, gia cầm như: lở mồm long móng, cúm gia cầm,… Đảng bộ huyện thường xuyên chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật, thú y phối hợp cùng với các địa phương tích cực phòng trừ, số gia súc, gia cầm mắc bệnh đã được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh luôn có khả năng bùng phát nếu không có biện pháp phòng trừ tận gốc.
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện về chăn nuôi, Phòng nông nghiệp huyện đã tích cực triển khai tăng chất lượng cũng như số lượng các đàn gia súc, gia cầm trong toàn huyện. Tính đến năm 2005, sản lượng gia súc, gia cầm đạt 14.608 tấn gấp gần 2 lần so với năm 2000 (7.622 tấn) [39, tr. 66].
Cơ cấu trong nội bộ ngành chăn nuôi được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ
trọng các loại gia súc, gia cầm có chất lượng sản phẩm cao; từng bước chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng phụ phẩm sang sản xuất hàng hóa theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp.
Giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đang được huyện đưa vào sản xuất, nhất là giống lợn ngoại. Tỷ lệ lợn thịt 50% máu ngoại chiếm hầu hết trong tổng số đàn, 60% số bò lai Sind và 20% gia cầm là giống có năng suất cao, chất lượng thịt khá như: gà Mỹ, gà công nghiệp, gà tam hoàng,…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và các phòng, ban, ngành chăn nuôi đã chuyển dần theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp với kỹ thuật, công nghệ mới, giống có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào quá trình sản xuất. Một số sản phẩm chăn nuôi đã thành hàng hóa như: thịt lợn đông lạnh cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất của ngành chăn nuôi, các hộ gia đình cũng đã biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đề nâng cao năng suất cũng như hạn chế được sức lao động như: sử dụng máy ấp trứng trong các lo nhân giống gia cầm (gà, vịt), hệ thống máy thông gió trong các chuồng trại,…
Chăn nuôi phát triển kéo theo sự phát triển của kinh tế trang trại, gia trại. Trong giai đoạn này, mô hình kinh tế trang trại phát triển nhanh, đa ngành và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các trang trại được phát triển dưới nhiều hình thức như: mô hình lúa – cá, mô hình VAC,… Cụ thể, hộ ông Phạm Hữu Ngọc ở xã Yên Ninh đấu thầu 3ha để phát triển mô hình lúa – cá và chăn nuôi thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Hữu Huân ở xã Yên Phú với 2,3 mẫu để nuôi cá giống và cá thịt mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng [29, tr. 8].
Hình thành nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: hộ ông Nguyễn Văn Ngoãn xã Yên Nhân nuôi từ 300 đến 500 con gia cầm mỗi lứa mỗi năm cho thu nhập cao (trừ chi phí lãi 150 triệu đồng); hộ ông Lê Văn Cần xã Yên Thọ nuôi 25 con lợn nái ngoại và 150 đến 200 con
lợn thịt thu nhập trừ chi phí lãi 120 triệu; hộ bà Phạm Thị Minh xã Yên Phú nuôi trên 2000 con gà thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng,… [29, tr. 8].
Việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã khẳng định ưu thế hơn hẳn kinh tế hộ nông dân về khai thác đất đai, đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng trong huyện, trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống của người dân lao động. Phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tạo ra vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Đối với công tác nuôi trồng thủy sản cũng có những bước phát triển.
Nhờ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất mà ngành thủy sản có mức tăng trưởng cao. Năm 2005, huyện đã tiếp nhận dự án “nuôi trồng thủy sản” do Sở Khoa học và công nghệ, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai ở các HTX Quang Trung – Yên Trung. Ở một số xã, mô hình nuôi trồng thủy sản cũng được phát triển rộng rãi: ở xã Yên Hồng có 25 ha, ở Quang Trung – Yên Trung có 16 ha, ở Quyết Thắng – Yên Lương có diện tích 20 ha, thu nhập bình quân hàng năm đạt 125 triệu đồng/ha. Theo đó, diện tích, sản lượng đã tăng lên rất cao: từ 886 ha năm 2000 lên 1.160 ha năm 2005 với sản lượng tăng từ 1.140 tấn năm 2000 lên 2.732 tấn năm 2005 [39, tr. 69]. Trong số các giống thủy sản được nuôi trồng, cá là loại có tỷ trọng cao nhất về diện tích cũng như sản lượng.
Công tác thủy lợi có vai trò quan trọng, quyết định lớn đến quá trình phát triển nông nghiệp và luôn được Đảng bộ và Uỷ ban nhân dân huyện coi trọng.
Hàng năm, trước khi bước vào sản xuất mùa vụ, Uỷ ban nhân dân huyện đã tập trung cao độ trong việc chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai tốt công tác khai thông, giải toả vật cản đảm bảo dòng chảy thông thoáng, đồng thời chủ động tu bổ, sửa chữa, mua sắm máy móc thiết bị đảm bảo sẵn sàng tiêu úng nhanh khi có
mưa, bão xảy ra. Công tác phục vụ nước cho làm đất, gieo cấy và tưới dưỡng cho cây trồng luôn đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng, góp phần tăng cao năng suất.
Do đó, trong giai đoạn này, toàn huyện đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra: tính đến năm 2005, toàn huyện đã có 258 cánh đồng cho thu nhập trên 50 triệu/ha trong năm trở lên, 5.758 hộ trong tổng số hộ trên địa bàn toàn huyện có thu nhập trên 50 triệu đồng trong năm; giá trị sản xuất trên một đơn vị ha canh tác đạt 34,5 triệu vượt chỉ tiêu 3,5 triệu (chỉ tiêu 31 triệu) [18, tr. 5].
2.1.2.3. Về công tác phát triển HTX nông nghiệp
Xuất phát từ thực trạng các HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện còn nhiều yếu kém về nhiều mặt như: quy mô, phương thức hoạt động, trình độ chuyên môn của cán bộ trong HTX,... Đảng bộ huyện đã tiến hành đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế của HTX nông nghiệp để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ và Uỷ ban nhân dân huyện, các HTX đã hoạt động tích cực hơn, đã đảm nhận và tổ chức điều hành các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư hỗ trợ xã viên đưa nhanh các giống lúa mới vào quá trình sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các cây nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, phát triển mạnh chăn nuôi và mở mang ngành nghề tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Tất cả các xã đều xây dựng được phương hướng kinh doanh, bố trí cơ cấu cây trồng – con nuôi, mùa vụ và đẩy mạnh hoạt động khuyến nông nhằm không ngừng tuyên truyền để các hộ hiểu được và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra các HTX còn triển khai chương trình giống nông hộ, hàng vụ, hàng năm các HTX đã tổ chức được 170 lớp tập huấn cho trên 10.000 người tham gia học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình khảo nghiệm và triển khai