Quá trình chỉ đạo thực hiện

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện ý yên ( nam định) lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp từ năm 1997 đến năm 2013 (Trang 59 - 73)

Chương 2. ĐẢNG BỘ HUYỆN Ý YÊN (NAM ĐỊNH) LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TỪ NĂM

2.2. Sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Ý Yên từ năm 2006 đến năm 2013

2.2.2. Quá trình chỉ đạo thực hiện

Về cơ bản công tác dồn điền đổi thửa của huyện Ý Yên đã cơ bản thực hiện xong năm 2005, do đó trong giai đoạn này, Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và chú trọng thực hiện chỉ đạo đối với hai công tác mới là xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp.

2.2.2.1. Về công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Quán triệt tinh thần chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện Ý Yên đã chỉ đạo đến Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, Trạm bảo vệ thực vật, thú y thực hiện nhiều hoạt động để khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, vốn của hộ nông dân.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiếp tục được thực hiện. Ngay sau khi công tác dồn điền đổi thửa cơ bản hoàn thành, Uỷ ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện đã tạo điều kiện pháp lý để các hộ nông dân có đủ điều kiện thực hiện thực hiện chuyển dịch cơ cấu cấy trồng vật nuôi.

Ngành trồng trọt:

Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn được tiến hành theo phương thức chuyển diện tích cấy lúa trên chân ruộng cao, hạn sang trồng lạc xuân.

Từ năm 2005 đến nay, diện tích trồng lạc tăng khá cao: riêng vụ Xuân diện tích lạc toàn huyện luôn ổn định từ 2.750 – 2.950 ha, tăng 250 – 450 ha so với năm 2002-2003. Nhiều giống lạc cho năng suất cao như: L14, L18, L26 được đưa vào trồng rộng rãi trên địa bàn toàn huyện. Những diện tích chuyển sang trồng lạc đều cho giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa từ 2 – 2,5 lần [59, tr.2]. Do đó, diện tích lúa ngày càng giảm, từ 26.384 ha năm 2005 xuống 20.521 ha năm 2013 [77, tr.32].

Diện tích cây ăn quả đạt khoảng trên 170ha, chủ yếu là trồng cam, bưởi. Do áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và nhân được những giống có năng suất cao như: cam sành, bưởi da xanh,… mà chất lượng sản phẩm ngày càng cao và đã trở thành mặt hàng có giá trị trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh về phát triển vụ Đông thành vụ sản xuất chính, sản xuất hàng hoá, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo phòng nông nghiệp tại các xã, HTX đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ Đông, mở rộng diện tích xuống chân 2 lúa. Kế hoạch sản xuất vụ Đông của các xã được huyện chỉ đạo xây dựng ngay từ khi triển khai sản xuất vụ mùa. Toàn huyện bố trí cơ cấu lúa trà sớm từ 20 – 25% diện tích để chủ động thời vụ thời vụ triển khai gieo trồng cây vụ Đông [59, tr.2].

Huyện đã tạo điều kiện và khuyến khích các HTX tăng cường mối liên hệ 4 nhà trong sản xuất. Nhiều HTX đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu để ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến năm 2010, địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất cây vụ Đông: Vùng sản xuất ngô ngọt xuất khẩu ở các HTX của Yên Cường, Yên Nhân với diện tích 60 – 130 ha; vùng sản xuất dưa chuột bao tử, trung tử xuất khẩu ở các xã Yên Thành, Yên Nghĩa, Yên Trung; vùng sản xuất khoai tây Đức, khoai tây Hà Lan ở các xã Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân, Yên Dương, Yên Thắng với diện tích 400 – 500 ha; khuyến khích phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Thắng,…; tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch mùa để phát triển nghề trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi ở các xã Yên Hưng, Yên Bình, Yên Phương, Yên Quang, Yên Phúc. Ngoài ra trong năm 2013, hưởng ứng đợt phát động phong trào trồng cây vụ Đông của huyện, Hội nông dân đã tổ chức các đoàn đi thăm quan mô hình trồng ớt xuất khẩu tại tỉnh Ninh Bình sau đó về triển khai tại hai xã là Yên Thành và Yên Dương.

Nhờ xác định đúng giá trị quan trọng của sản xuất cây vụ Đông trong phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn, cùng với sự chỉ đạo thực hiện sát sao của Phòng Nông nghiệp nói riêng và Uỷ ban Nhân dân huyện nói chung, quá trình thực hiện sản xuất cây vụ Đông trong những năm từ 2005 đến 2013 đã đạt được những kết quả nhất định. Dưới đây là bảng số liệu thể hiện diện tích và tổng giá trị xuất khẩu của cây vụ Đông từ năm 2007 – 2013:

Bảng 2.2: Diện tích và giá trị xuất khẩu của cây vụ Đông từ năm 2007- 2013

Cây trồng Vụ Đông (2007 - 2008)

Vụ Đông (2008–2009)

Vụ Đông ( 2009 – 2010)

Vụ Đông ( 2010 – 2013)

Tổng DT ( ha) 3.326 2.825 3.120 3.512

Khoai tây 1.100 750 900 975

Ngô 685 350 450 540

Đậu tương 150 72 35 31

Lạc vụ Đông 12 30 30 35

Rau các loại 1.303 1.553 1.635 1.756

TĐ: Cây chế biến XK 76 70 70 72

Tổng giá trị XK (tr. đ) 79.440 87.542 102.435 115.312

(Nguồn: Niên giám thống kê huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định năm 2013, tr.15)

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cho ngành trồng trọt trong sản xuất nông nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện, Phòng nông nghiệp cũng đã tiếp nhận một số dự án đầu tư như: dự án nhân giống khoai tây Đức do Dự án khoai tây Đức và Trung tâm giống cây trồng Tỉnh triển khai ở xã Yên Đồng, Yên Nhân từ năm 2006 đến năm 2010, dự án phát triển nghề trồng nấm do Trung tâm công nghệ sinh học - Viện di truyền nông nghiệp triển khai trong hai năm 2005 -2006 tại xã Yên Hưng, dự án máy gặt đập liên hợp do Trung tâm khuyến nông Tỉnh hỗ trợ được triển khai ở thị trấn Lâm vụ xuân năm 2010. Triển khai mô hình sản xuất tái sinh vụ hè thu năm 2013 tại xã Yên Cường.

Đảng bộ huyện còn tích cực vận động và khuyến khích Phòng Nông nghiệp huyện ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng các giống cây trồng mới cho năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp vào quá trình sản xuất: Hàng năm huyện đã luôn quan tâm chỉ đạo công tác thử nghiệm, lựa chọn các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng nhằm đạt được năng suất cao, chất lượng tốt

và tăng hiệu quả kinh tế như: Thử nghiệm các giống lúa lai: Bắc ưu 903 KBL, Syn6, Thiên ưu 1025, Phú ưu 1, Phú ưu 4,…; thử nghiệm, các giống lúa thuần mới có chất lượng cao như: SH2, TL6, TBR45, BC15, N87, N97…; thử nghiệm các giống lạc, khoai tây mới của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây củ như: Giống lạc L18, L23, L26, giống khoai tây Đức Solara, khoai tây Hà Lan Diamond,…; áp dụng trồng lạc theo phương thức che phủ nilong ở các xã Yên Cường, Yên Nhân, Yên Dương, Yên Xá,.. Trồng lạc theo phương pháp này tiết kiệm được công lao động cho năng suất tăng từ 10 – 15%. Hiện nay diện tích trồng lạc che phủ nilon đạt trên 250ha/ năm [78, tr.3-4].

Áp dụng kỹ thuật gieo thẳng lúa bằng sạ hàng. Từ vụ Xuân năm 2007 – 2008, một số HTX như: Tử Mạc, Yên Tân,… đã mạnh dạn học tập mô hình này của các tỉnh Hà Tây (cũ), Hà Nam. Vụ Xuân năm 2009, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo xây dựng mô hình gieo sạ tại HTX Yên Bình với quy mô 10ha. Đến nay, diện tích gieo sạ lúa trong vụ Xuân của toàn huyện đạt trên 500ha [77, tr.4]. Ngoài ra còn áp dụng cơ giới hoá trong thu hoạch lúa như triển khai mô hình máy gặt đập liên hợp. Nhờ có tiến bộ khoa học kỹ thuật mà huyện đã thực hiện thành công chủ trương xây dựng những cánh đồng có thu nhập từ trên 50 triệu đồng/ha. Không dừng lại ở đó, Đảng bộ huyện lại tiếp tục có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho những cánh đồng này.

Thực hiện theo chủ trương của Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân huyện đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Có hai mô hình cánh đồng 50 triệu/ ha: một là cánh đồng 50 triệu/ ha 2 lúa + 1 vụ Đông. Đây là mô hình có tính đột phá, phá thế độc canh trên đất hai lúa, hiệu quả kinh tế của mô hình đã được khẳng định không chỉ về giá trị thu nhập mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững.

Một ha bí xanh, cà chua nhót vụ Đông có thể cho giá trị thu nhập gấp 2 – 3 lần cấy lúa. Lúa xuân cấy trên đất vụ Đông bao giờ cũng có ưu thế vượt trội so với đất chuyên lúa, tiêu biểu cho mô hình này là ở các xã Yên Tân, Yên Bình, Yên Phương, Yên Phú. Hai là mô hình cánh đồng 50 triệu/ ha lúa màu và chuyên màu. Đây là mô hình có thể nói là thế mạnh của huyện Ý Yên,

hướng là giảm lúa tăng cây màu có giá trị cao với công thức luôn canh: lạc xuân + lúa mùa, (đậu tương, đậu, lạc hè thu) + vụ Đông (khoai tây + hai ba vụ rau). Qúa trình chuyển dịch gồm hai giai đoạn: giai đoạn đầu chuyển từ 2 đất lúa sang 2 lúa, 1 vụ Đông – công thức này không những cho giá trị sản xuất tăng 1,5 – 2 lần mà còn có tác dụng cải tạo đất. Giai đoạn sau là đưa cây màu vào thay thế cây lúa xuân, 1ha lạc xuân có thể cho giá trị sản xuất bằng hai vụ lúa. Đưa giá trị sản xuất lên 80 – 100 triêu hoặc hơn 100 triệu đồng/ha. Điển hình cho mô hình này là các xã Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Cường đã có tới 70% đất canh tác gieo trồng từ 3 vụ trở lên thu trên 50 triệu đồng/ ha trong đó có tới 30% diện tích thu từ 80 – 100 triệu đồng/ ha [77, tr.7].

Đảng bộ huyện còn chỉ đạo Phòng nông nghiệp tiếp nhận và triển khai dự án máy gặt đập liên hợp do Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ được triển khai ở Thị trấn Lâm vụ Xuân năm 2010. Điều này chứng tỏ rằng, cơ giới hóa sản xuất đang dần “thâu tóm” quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ý Yên.

Từ những năm 2006 đến 2013, Đảng bộ huyện đã tập trung mọi nỗ lực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có để thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đẩy mạnh thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển ngành nghề đa dạng, giải quyết tốt vấn đề việc làm, đổi mới cơ cấu giống và cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển phù hợp với từng cơ sở. Ngành trồng trọt trong thời gian này đã đạt được một số thành tựu: tổng sản lượng lương thực năm 2009 đạt 144.346 tấn, giá trị thu nhập bình quân 1ha canh tác năm 2009 đạt 69,48 triệu đồng gấp 1,5 lần so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, tăng 35 triệu so với năm 2005.

Thu nhập bình quân đầu người 1 năm đạt 12,35 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với đầu nhiệm kỳ [81; tr.80].

Ngành chăn nuôi; kinh tế trang trại, gia trại:

Trong giai đoạn này, trên địa bàn cả nước nói chung và toàn huyện Ý Yên nói riêng, ngành chăn nuôi gặp một số khó khăn: dịch bệnh liên tiếp xảy ra: dịch cúm gia cầm (10/2005), hội chứng rối loạn sinh sản, lở mồng long móng ở lợn, trâu, bò,… (3/2007 và 7/2008); giá thức ăn chăn nuôi cao, giá bán sản phẩm từ chăn nuôi lại thấp và không ổn định,…

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Đảng bộ huyện Ý Yên đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp, Hội nông dân, Đội quản lý thị trường số 5 và đặc biệt là Trạm bảo vệ thực vật, thú y thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên đã giảm được đến mức tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đảng bộ huyện còn ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi như: hỗ trợ lãi xuất chăn nuôi; hỗ trợ đàn lợn nái cho hộ gia đình; hỗ trợ trang thiết bị tiên tiến cho chăn nuôi tập trung. Các chính sách này đã khuyến khích, tạo động lực cho người dân phát triển chăn nuôi rộng rãi hơn và mang lại giá trị sản xuất cao: “tính đến năm 2009, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 197.945 triệu đồng, năm 2013 đạt 218.230 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2005”

[19, tr.24].

Đảng bộ huyện đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp tiếp tục tiếp nhận và triển khai chương trình tập huấn kỹ thuật, Dự án Phát triển chăn nuôi cho người nghèo của Trung tâm khuyến nông tại các xã Yên Phú, Yên Trung, Yên Khánh, Yên Cường năm 2009 – 2010.

Chuyển diện tích ruộng trũng sang mô hình lúa cá và phát triển kinh tế theo hướng trang trại tổng hợp, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình lúa cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân phát triển mô hình nuôi cá mới, con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi nhím, baba, rắn, ếch, dế ở các xã Yên Dương, Yên Nghĩa, Yên Bình, Yên Lợi, Yên Thọ, Yên Bằng,…; phát triển cá chép lai 3 màu, cá rô phi đơn tính ở các xã Yên Lợi, Yên Quang, Yên Nghĩa, Yên Cường, Yên Nhân.

Chăn nuôi phát triển kéo theo sự phát triển của kinh tế trang trại và gia trại: Đến năm 2013, toàn huyện đã có 69 trạng trại đạt chỉ tiêu của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các xã có nhiều mô hình trang trại là Yên Nhân, Yên Cường, Yên Khang, Yên Tân, Yên Phương, Yên Khánh,… Nhiều trang trại thu nhập từ 150 – 400 triệu đồng/năm [19, tr.2].

Đảng bộ huyện đã chỉ đạo trực tiếp tới Phòng nông nghiệp và Trạm bảo vệ thực vật, thú y đẩy mạnh phát triển và nâng cao hơn nữa về chất lượng cũng như số lượng các đàn gia súc, gia cầm của các trang trại, gia trại chăn nuôi trong huyện, đặc biệt là chăn nuôi đàn lợn nái, bò đực Sind. Tiêu biểu là năm 2008: chăn nuôi lợn đạt từ 50 con trở lên là 1.159 hộ; chăn nuôi gia cầm từ 300 con trở lên là 398 hộ; chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên là 42 hộ; diện tích lúa – cá 1 mẫu trở lên là 421 hộ và 37 hộ có diện tích từ trên 2 ha; các trang trại Vườn – ao – chuồng – ruộng thu 70 triệu đồng/năm trở lên là 756 hộ. Theo thống kê thì tính đến năm 2008, tổng số trang trại, gia trại ở huyện Ý Yên là 2.776 [40, tr.16].

Xác định thủy sản là ngành mũi nhọn trong nền kinh tế nông nghiệp, từ năm 2006 đến năm 2013, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện, Phòng nông nghiệp đã tiếp nhận và triển khai Dự án Nuôi trồng thủy sản do Sở Khoa học công nghệ, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai ở các HTX Quang Trung – Yên Trung từ năm 2005 đến năm 2008, HTX Quyết Thắng – Yên Lương, HTX Yên Hồng, Yên Nhân từ năm 2006 đến 2010.

Diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng lên: Diện tích chuyển đổi từ năm 2004 đến năm 2013 đạt trên 600 ha. Tính đến năm 2013 toàn huyện đã có trên 2.346 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích lúa cá là 1.327 ha [78, tr.2].

Các xã tiêu biểu là Yên Trung, Yên Hồng, Yên Khánh, Yên Phương, Yên Nhân, Yên Bằng, Yên Mỹ, Yên Quang, Yên Hưng, Yên Lương.

Để đạt được những thành tựu trên, công tác giống cây trồng – vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật cũng có vai trò vô cùng quan trọng: Hàng năm, Uỷ ban Nhân dân huyện luôn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý kinh doanh vật tư

nông nghiệp nhất là giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, cấp chứng chỉ chuyên môn, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các hộ đủ điều kiện kinh doanh. Chỉ đạo thành lập các Đoàn công tác liên ngành (Phòng nông nghiệp, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm thú y phối hợp với Công an huyện, Đội quản lý thị trường số 5) tổ chức kiểm tra các đại lý, cửa hàng kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi,… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm. Theo đó, các đoàn kiểm tra đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật đề ra. Chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhìn chung đã được kiểm soát, đảm bảo chất lượng. Hàng năm, theo định kỳ nhất là những đợt có dịch bệnh, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đoàn kiểm tra xuống tận các cơ sở ở các xã để kiểm tra, đôn đốc cán bộ địa phương thực hiện các công tác phòng trừ và ngăn chặn kịp thời không cho dịch bệnh lan rộng trên địa bàn gây thiệt hại về kinh tế và mọi mặt của đời sống nhân dân trong toàn huyện.

Trong quá trình cấy và chăm bón các giống cây trồng, khi phát hiện các đối tượng dịch hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lứng trắng, sâu đục thân hai chấm, chuột, ốc bươu vàng,… thường diễn biễn phức tạp và dễ phát sinh thành dịch gây hại trên diện tích rộng đặc biệt là sâu đục thân, bệnh bạc lá cuối vụ cần sớm có biện pháp ngăn chặn. Công tác dự tính, dự báo luôn được Uỷ ban nhân dân huyện coi trọng. Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các Trạm bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương, các HTX nông nghiệp thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra chặt chẽ diễn biến dịch hại và hướng dẫn xã viên thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại mà sâu bệnh gây ra, góp phần bảo về năng suất cây trồng.

Vào những đợt phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, màu, được sự chỉ đạo của Đảng bộ Uỷ ban Nhân dân huyện đã đưa thuốc trừ sâu về tận các xã, thôn bán cho bà con xã viên và hướng dẫn bà con những bước tiến hành sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện ý yên ( nam định) lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp từ năm 1997 đến năm 2013 (Trang 59 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)