Chương 3. NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
3.2. Những kinh nghiệm lịch sử
Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế nông nghiệp, trong những năm qua, Ý Yên đã tập trung các nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đem lại nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững. Qua quá trình thực hiện công tác phát triển kinh tế nông nghiệp, Ý Yên rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, luôn quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, tính đến yếu tố thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của địa phương và yêu cầu từng giai đoạn.
Để có được những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời về phát triển kinh tế nông nghiệp, trước hết Đảng bộ huyện phải nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp đối với toàn bộ sự phát triển kinh tế của huyện nói riêng và của cả tỉnh nói chung. Đảng bộ huyện phải xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là mục tiêu hàng đầu của các mục tiêu thiên niên kỷ, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; phải khơi dậy ý chí tự vươn lên tiếp thu học tập những cái mới, những cái tiến bộ vào trong quá trình sane xuất của người dân; Cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mới có thể thành công. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp phải hướng vào những xã còn chậm phát triển với tinh thần: về chủ trương, phải đúng trọng tâm, đúng trọng điểm; về chỉ đạo, phải quyết liệt, biết khối lượng công việc, lực lượng thực hiện, thời hạn hoàn thành; về chủ trì, phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo nhưng đúng pháp luật của Nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các ban ngành từ huyện tới xã đối với phát triển kinh tế nông nghiệp. Các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, mang tính hệ thống để người nông dân tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; qua quá trình kiểm tra, đánh giá, những chủ trương qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp cần phù hợp với từng xã bởi mỗi xã có một điều kiện tự nhiện, vị trí khác nhau; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Đây là một trong những kinh nghiệm quan trọng hàng đầu trong công tác phát triển kinh tế nông nghiệp được rút ra từ thực tiễn của Ý Yên. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền, ban ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát, người dân tích cức, ở đó việc phát triển kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững.
Hai là, phải luôn kịp thời, sáng tạo và linh hoạt trong quá trình đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực từ chính những điều kiện có sẵn của địa phương và vai trò của bản thân người nông dân.
Đảng bộ huyện phải nhìn nhận đánh giá và phân tích tình hình thực tiễn để thấy rõ nguyên nhân vì sao kinh tế nông nghiệp phát triển nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của một huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp , từ đó đề ra những giải pháp đúng hướng, giúp đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Mỗi xã có điều kiện phát triển khác nhau, do đó mà Đảng bộ huyện cần chỉ đạo các cấp ban ngành vận dụng linh hoạt những chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp vào điều kiện thực tiễn của xã mình, có như thế mới phát huy hết lợi thế của từng vùng, từng xã.
Các cấp ủy và chính quyền trong huyện đã coi phát triển kinh tế nông nghiệp là một hoạt động mang tính tổng thể, bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú, gồm nhiều dự án, nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia, vừa có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước vừa có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có sự tham gia của các đoàn thể. Vì vậy, trong tổ chức thực hiện đã linh hoạt tiến hành nhiều dự án như: nhân giống khoai tây Đức Dự án khoai tây Đức và Trung tâm giống cây trồng tỉnh triển khai ở xã Yên Đồng, Yên Nhân từ năm 2006-2010; phát triển nghề trồng nấm Trung tâm công nghệ sinh học – Viện di truyền nông nghiệp triển khai ở Yên Hưng trong 2 năm 2005-2006; máy gặt đập liên hợp do Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ được triển khai ở thị trấn Lâm vụ xuân năm 2010; phát triển
chăn nuôi cho người nghèo của Trung tâm khuyến nông tại các xã Yên Phú, Yên Trung, Yên Khánh, Yên Cường năm 2009-2010,…thông qua đó tạo được niềm tin cho người nông dân và khơi dậy tinh thần tự chủ, ham học hỏi và áp dụng những cái mới, cái tiến bộ vào trong hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện và nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân và gia đình.
Phát huy tinh thần tích cực, chủ động của người nông dân, đây là kinh nghiệm có tính chất quan trọng tạo nên thành công của công tác phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt chứ không thể làm thay. Yếu tố quyết định là bản thân người nông dân, phải phát huy tinh thần tự lực, tích cực, chủ động học hỏi những kinh nghiệm mới, những kỹ thuật mới vào trong quá trình canh tác.
Bản thân người nông dân phải có ý chí vươn lên để cải thiện đời sống, đây là động lực quyết định để thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp thành công và bền vững.
Phát triển kinh tế nông nghiệp huyện mang tính toàn diện, không một cấp, một ngành nào có thể đảm đương được mà đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và sự tham gia của cộng đồng đặc biệt là sự quyết tâm vươn lên của chính bản thân người nông dân. Đây được coi là chỉ đạo nhất quán của Đảng bộ huyện nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp. Thực hiện chủ trương trên, huyện Ý Yên đã phát huy được các nguồn lực như: nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn từ các doanh nghiệp, của các tổ chức đoàn thể xã hội, nguồn lồng ghép kết hợp với việc khai thác tốt nhất các tiềm năng, nguồn lực sẵn có và phát huy nội lực của mỗi địa phương, cơ sở, hộ gia đình… Những nguồn lực này được quản lý, sử dụng, điều hành một cách có hiệu quả bởi các hệ thống chính quyền, các tổ chức quần chúng…đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp Ý
Yên có được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ba là, cần tăng cường, bổ sung công tác đào tạo lao động nông thôn, nâng cao cán bộ chuyên trách về nông nghiệp đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp.
Hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, người nông dân chủ yếu hoạt động theo mùa vụ. Do đó họ có rất nhiều thời gian rãnh rỗi trong thời kỳ nông nhàn. Vì vậy, Đảng bộ huyện cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình đầu tư giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng lao động nông dân. Phát triển hơn nữa các ngành nghề thủ công nghiệp trong các xã, thị trấn tạo điều kiện cho người nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Đảng bộ và nhân dân toàn huyện tích cực triển khai và thực hiện công tác đào tạo lao động nông dân ở nông thôn. Từ đó tạo điều kiện cho người nông dân có thể chuyển từ lao động nông nghiệp sang thành những người công nhân, hoặc bán công nhân làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy.
Đối với cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải tích cực đào tạo họ trở thành những người có chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của kinh tế nông nghiệp như: cho cán bộ tham gia những lớp bồi dưỡng về quy trình sản xuất nông nghiệp về giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao,.... Tuy nhiên, để họ có thể phát huy hết khả năng của mình thì các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác chăm lo đời sống cho họ, khen thưởng, động viên kịp thời tạo động lực để họ phấn đấu phục vụ sự nghiệp chung cho toàn huyện.
Tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động giám sát việc thực hiện những chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp. Thiết lập hệ thống chỉ tiêu đánh giá hàng năm và định kỳ cho các cấp sở cho việc hoàn thiện chủ trương đã có hoặc hoạch định những chủ trương mới và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, tiêu chí rõ ràng, khuyến khích
tạo điều kiện cho cấp cơ sở chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ.
Phân cấp mạnh hơn cho cấp xã trong quá trình thực hiện công tác, phân cấp phải đi đôi với việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và thực hiện dân chủ cơ sở tăng cường sự giám sát của người dân
Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Hằng năm, tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp; kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện tốt hơn cho những năm tiếp theo.
Bốn là, cần chú trọng đặc biệt đến công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất và đời sống
Kinh nghiệm thành công trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ huyện Ý Yên là không ngừng nâng cao hiệu quả ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất và đời sống. Từ hiệu quả kinh tế trong gieo trồng là các giống lúa lai, ngô lai, lạc,…; trong chăn nuôi là các giống bò, lợn gà,…áp dụng theo hướng công nghiệp hiện đại, tiên tiến, người dân đã thực sự tin vào kết quả ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Vì vậy, nhiều chỉ tiêu quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã được thực hiện. Do có các giống cây trồng ngắn ngày, năng suất cao mà tạo nên sự chuyển dịch trong cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông. Trong ngành thủy sản, người nông dân huyện đã chuyển sang mô hình nuôi trồng thâm canh như: nuôi cá, ếch,… theo phương pháp công nghiệp.
Nhận thức đúng vai trò của khoa học công nghệ, huyện Ý Yên đã thu hút được nhiều dự án kinh tế - xã hội, trên cơ sở coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống và sản xuất, đến nay Ý Yên đã tạo ra được những
đàn lợn, đàn bò, đàn gia súc, gia cầm có chất lượng cao hơn trước rất nhiều.
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các tổ chức Đảng luôn chú trọng nâng cao trình độ tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ Đảng viên, đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu kinh nghiệm thực tế và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất của huyện, của tỉnh, của cả nước; cử nhiều cán bộ đi học tập hoặc tập huấn trên nhiều lĩnh vực. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống đã có bước phát triển mới rất đáng khích lệ làm cho việc bố trí lao động sản xuất – kinh doanh ngày càng hợp lý hơn, đưa máy móc thiết bị vào phục vụ con người làm cho quá trình lao động ngày càng có hiệu quả. Trong những năm qua khoa học công nghệ thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Ý Yên.
Những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian qua là một kho tàng quý báu giúp cho Đảng bộ và các cấp lãnh đạo trong huyện hoàn thiện những chủ trương, đưa ra phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo chính xác và thiết thực, phù hợp để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp. Đó là cách nhanh nhất đưa nền nông nghiệp huyện Ý Yên đi đến hoàn thành thắng lợi và vượt mức những mục tiêu CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn mà Đại hội lần VII, VIII, IX, X của Đảng đã đề ra, cũng như đã khẳng định và nhấn mạnh. Đồng thời, với những kinh nghiệm này, Đảng bộ huyện có thể vận dụng vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế nông nghiệp của huyện trong hiện tại và tương lai.
Tiểu kết Chương 3
Với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp trong những năm 1997 đến năm 2013, Đảng bộ huyện Ý Yên đã quán triệt, vận dụng linh hoạt những chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ tỉnh Nam Định vào thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Trong mọi hoàn cảnh dù còn khó khăn về nhiều mặt như trình độ nhận thức của người dân, địa bàn rộng, cơ cở vật chất còn nghèo nàn nhưng Đảng bộ huyện luôn thực hiện
thành công vai trò của mình. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ huyện đã đạt được rất nhiều ưu điểm trong hoạch định chủ trường đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Đảng bộ tỉnh Nam Định về phát triển kinh tế nông nghiệp, đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương; trong quá trình chỉ đạo: Đảng bộ huyện Ý Yên đã chỉ đạo cho Đảng bộ các xã trong huyện xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm; trên thực tế, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như: công tác dồn điền đổi thửa, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trông vật nuôi ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất,.... Những ưu điểm này góp phần quyết định đến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nông nghiệp trong toàn huyện, đưa Ý Yên từ một huyện nghèo trở thành một huyện trọng điểm của tỉnh Nam Định về mọi lĩnh vực:
kinh tế, đời sống nhân dân, văn hóa, dịch vụ,... Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một vài hạn chế cần phải khắc phục để đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo. Mặc dù vậy nhưng sự lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ huyện Ý Yên cũng để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. Nó là cơ sở để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi mỗi cán bộ Đảng viên phải nhận thức sâu sắc về tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trên cơ sở đó để rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu thực sự “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, có như vậy Đảng bộ mới có đủ sức để lãnh đạo, đẩy mạnh hơn nữa nền kinh tế nông nghiệp của huyện, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”.