1.2. Chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân du kích
1.2.2. Xây dựng về chính trị và vật chất
Xây dựng lực lượng dân quân du kích phải đảm bảo vững mạnh về chính trị, là cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp để đủ sức chiến đấu bảo vệ làng, xã, góp phần làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp. Trong dân quân du kích vẫn còn những hạn chế, tiếp tục phải giải quyết như: Chất lượng tổng hợp, khả năng chiến đấu còn hạn chế, nhận thức của một số người về hoạt
47
động chống phá của địch chưa đầy đủ, sâu sắc đòi hỏi phải tiếp tục củng cố, tăng cường công tác giáo dục.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang là tuyệt đối trực tiếp và toàn diện. Đảng lãnh đạo là yếu tố quyết định thắng lợi của một phong trào trong đó có phong trào xây dựng lực lượng dân quân du kích, sử dụng vũ khí để đánh địch thành phong trào rộng rãi và vững chắc trong quần chúng nhân dân, mà lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
Sự lãnh đạo của Đảng là xác định phương hướng biện pháp tổ chức xây dựng lực lượng, sản xuất và sử dụng vũ khí để chống thực dân Pháp góp phần vào thắng lợi trong chiến đấu. Công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh, nhất là đợt phát triển đảng viên “ Lớp tháng Tám” theo tinh thần Chỉ thị 21 ngày 29- 7- 1947 của Trung ương Đảng. Đối tượng kết nạp là những người hăng hái, tích cực, trung thực, tán thành chủ nghĩa cộng sản. Các Đảng bộ trong toàn tỉnh đã mở đợt tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đợt phát triển đảng viên mới, đồng thời đề ra biện pháp, kế hoạch tiến hành cụ thể như tuyên truyền, giới thiệu tiêu chuẩn, thủ tục xét duyệt và kết nạp đảng viên mới.
- Tuyên truyền giáo dục: Phát động phong trào xây dựng lực lượng, vào dân quân du kích, cùng sản xuất vũ khí để giết giặc. Luôn khơi sâu lòng căm thù, khơi dậy tinh thần yêu nước và hiểu rõ nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng lòng tin vào lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, vào sức mạnh tiềm tàng của lực lượng dân quân du kích với vũ khí trong tay có thể giết được giặc Pháp. Từ đó dám nghĩ, dám làm và dám đánh giặc, khi đã có lực lượng đánh giặc thành công phải nhanh chóng tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm cho những nơi chưa có phong trào để đảm bảo xây dựng lực lượng dân quân du kích thành phong trào rộng khắp toàn tỉnh.
48
Cùng với công tác xây dựng lực lượng, thực hiện chủ trương tháng 8- 1949 tỉnh đã thực hiện cuộc vận động “ rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” gọi tắt là rèn cán chỉnh quân.
Thực hiện cuộc vận động trên, Tỉnh đội cử nhiều cán bộ quân sự đi tập huấn ở khu hoặc ở các trung đoàn chủ lực.Các trường quân chính thường xuyên mở lớp huấn luyện cho các đồng chí cán bộ tiểu đội, trung đội và huyện đội. Cán bộ của tỉnh đội, huyện đội xuống cơ sở huấn luyện tại chỗ cho dân quân, du kích xã. Tỉnh còn mở những lớp cảm tình ở tỉnh và các huyện giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Nội dung, chương trình học tập gồm các bài: Lịch sử tiến hoá của nhân loại, Chủ nghĩa cộng sản sơ giải, Tóm tắt Lịch sử Đảng, Đường lối chính sách kháng chiến…nhờ vậy, quần chúng cảm tình đã nâng cao thêm hiểu biết của mình về Đảng, về kháng chiến.
Để xây dựng lực lượng dân quân du kích về mặt chính trị, tháng 12 năm 1949 Tỉnh uỷ Hải Dương ra quyết định cử 1/3 số đảng viên vào dân quân du kích. Bí thư chi bộ hoặc thường vụ chi uỷ trực tiếp làm công tác chính trị viên xã đội. Qua đó vừa tăng thêm sức mạnh cho dân quân du kích vừa rèn luyện đảng viên trong thực tế đấu tranh, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân du kích. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng.
Lúc này các xã đã có một trung đội dân quân du kích. Các hầm bí mật được phát triển cả nam và bắc phần. Cứ ba kích có một hầm bí mật và dự trữ một hầm cho bộ đội địa phương.
- Tổ chức:
Thành lập tổ đội chuyên môn: Tổ chuyên môn sẽ hướng dẫn dân quân du kích làm vũ khí tự tạo, dựa vào tổ sản xuất nông cụ của hợp tác xã, nếu chiến tranh xảy ra, biến tổ nông cụ thành tổ đội chuyên nghiệp để sản xuất ra vũ khí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ nhân dân Hải Dương đã cố gắng chọn
49
người có chính trị tư tưởng tốt lại có kỹ thuật để vào tổ nông cụ để sau này chuyển hướng được thuận lợi.
Tổ chức huấn luyện cho công binh, du kích và tự vệ chiến đấu làm nòng cốt, huấn luyện cơ bản cho những người và đơn vị được trang bị. Phổ biến hướng dẫn dân quân du kích cách đánh và cách dùng vũ khí.
Các đơn vị ở vùng tự do đã lần lượt đưa các đơn vị lên vùng có chiến sự để tập dượt, dưới hình thức “nghe súng”, vây đồn, quấy rối phá hoại…;một bộ phận được tổ chức đi sản xuất nông nghiệp, tự túc một phần đời sống, các
“Trại dân quân thành lập để du kích thoát ly, thay phiên nhau lao động sản xuất”
Về vũ khí của dân quân du kích: Chiến tranh nhân dân là quan điểm cơ bản nhất trong đường lối quân sự của Đảng mà nội dung cơ bản là vũ trang toàn dân, toàn dân đánh giặc như Hồ Chủ tịch đã khẳng định trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ không chia đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có súng có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” [26, tr. 159].
Về vũ khí: Căn cứ vào hoàn cảnh, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo:
+ Vũ khí phải được chuẩn bị chu đáo
+ Đảm bảo chính xác về kỹ thuật, phát huy hết tính năng của các loại vũ khí.
+ Sử dụng phải hết sức bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo và linh hoạt.
Phải căn cứ vào ý định chiến đấu và phương án đánh địch, địa hình, thời tiết mà sử dụng các loại vũ khí cho phù hợp.
50
+ Phải kết hợp các loại vũ khí có uy lực khác nhau như vũ khí tự làm, vũ khí cấp trên trang bị và vật cản để tiêu diệt địch.
Dân quân du kích sử dụng vũ khí tự làm để tham gia kháng chiến. Bắt nguồn từ truyền thống chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta trước đây: do quần chúng nhân dân tự nghĩ, tự làm và tự tìm ra cách đánh giặc. Được kế thừa truyền thống dân tộc lại có sự lãnh đạo của Đảng, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp nhân dân Việt Nam đã cải tiến và sản xuất ra nhiều kiểu loại và nhiều cách đánh rất phong phú, góp phần quan trọng vào tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Đảng tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta đã biết tận dụng tất cả những gì có thể làm được vũ khí giết giặc thì đều tận dụng tất cả để làm vũ khí như: các loại chông bẫy, mìn tự làm và huấn luyện các loại súc vật để đánh giặc: ong bò vẽ, trâu…Hình tượng cái chông, cái bẫy được ví như người chiến sĩ đánh giặc: “Trên chiến trường Việt Nam có biết bao những chiến sĩ âm thầm kiên trì bền bỉ không quản nắng mưa, ngồi săn dưới hố, đứng săn bụi tre, ngồi săn trên cây, chờ giặc đến để giết…”[9, tr. 15].
Những vũ khí của lực lượng dân quân du kích là những dụng cụ để phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt thì chính những thứ đó có thể làm ra vũ khí để giết giặc: Tre, nứa, gỗ, sành sứ, sắt vụn…và cả những thứ ta lấy được của địch để cải tạo ra diệt lại địch. Những vũ khí này chỉ cần vài giờ có thể làm ra được, ngay trong lòng địch ta vẫn có thể sản xuất ra vũ khí đáp ứng cả trước mắt và lâu dài.
Nguyên vật liệu sản xuất ra vũ khí không phải chỉ một vài nơi có, mà từ đồng bằng đến rừng núi, từ nông thôn đến thành thị đều có và không bao giờ hết. Nhân dân tự nghĩ, tự làm phù hợp với sở trường của mọi ngưòi, mọi địa phương, phù hợp với lối đánh giặc độc đáo của dân tộc ta từ bao đời nay.
Nhân dân ta đã thực hiện theo quan điểm của Đảng là tự lực cánh sinh và có gì đánh nấy, lấy súng giặc để giết lại giặc.
51
Vũ khí tự làm ra có nhiều kiểu loại và cũng có nhiều tính năng, tác dụng khác nhau trong diệt địch, có loại xuyên vào chân, có loại đâm vào người, vào bụng, có loại đâm vào mặt, có loại rơi đầu hoặc có loại dùng sức nổ kết hợp với mảnh văng để diệt địch, loại đánh tại chỗ, loại từ nơi khác phóng bắn rơi. Từ đó có loại diệt một tên, có loại diệt hai tên, có loại diệt hàng chục tên, có loại làm thủng lốp xe, có loại phá huỷ một xe hoặc phá huỷ hỏng một tàu…Trong đánh Pháp du kích đường 5 dùng mìn đánh đổ một tàu chở quân, diệt và làm bị thương 100 tên lính Pháp. Đối với tiêu hao, nó còn làm giảm sút quân số chiến đấu của địch như: khi có tên bị thương về chông mìn cạm bẫy là phải có những người khiêng mang vác, ta lấy ví dụ: một người bị trúng bẫy là phải mất hai người khiêng, nếu một trận mà mười người bị chông cạm bẫy phải mất hai mươi người khiêng tính cả người bị thương là ba mươi người, một đại đội địch bị như vậy còn đâu là quân số chiến đấu nữa.
Song song với tiêu hao, tiêu diệt và làm giảm sút quân số chiến đấu nó còn gây hoang mang tư tưởng binh lính địch, ngăn chặn và giam chân địch. Lực lượng dân quân du kích sử dụng vũ khí tự làm đã kết hợp cùng lực lượng vũ trang làm cho địch thương vong ngày càng nhiều, địch muốn tránh để ít thương vong thì lại tự dẫn mình đến trận địa (thiên la địa võng) của chông mìn cạm bẫy nên lại càng bị thương vong nhiều hơn, ở trong cứ điểm thì bị phóng bắn, ra ngoài cổng bị sa vào chông mìn, cạm bẫy, đi hành quân càn quét cũng bị chông mìn, cạm bẫy, tên phóng, ong đốt, trâu húc…từ đó buộc phải bỏ ý đồ tấn công hoặc càn quét, ta thực hiện được ý định ngăn chặn và giam chân địch, bảo vệ được tài sản của nhân dân đồng thời giành thế chủ động.
Quán triệt theo đường lối của Đảng, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo nhân dân sản xuất vũ khí, công tác xây dựng làng chiến đấu. Tính đến cuối năm 1949,
52
xưởng quân khí sản xuất được 36.800 quả lựu đạn, 19.600 quả mìn. Năm 1949 xây dựng được 200 làng chiến đấu, trong đó có những làng rất kiên cố như làng chiến đấu thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng ( Bình Giang )
Về huấn luyện dân quân du kích tác chiến
Khi đã có vũ khí tự tạo trong tay, dân quân du kích cần được huấn luyện cách sử dụng, cấu tạo và cách đánh có hiệu quả.
Phải có sơ đồ đánh dấu nơi chôn mìn cạm bẫy và phải có 2 đến 3 người biết. Ghi rõ loại chông mìn, vị trí trông mìn cách vật làm chuẩn hoặc vị trí cạm là bao nhiêu? ở hướng nào?. Khi đánh nhiều loại phải đánh từ ngoài vào trong, khi gỡ phải gỡ từ trong ra ngoài. Khi địch chưa đến hoặc khi địch rút rồi mà chưa có lệnh tháo gỡ phải rào các ngả đường và có người canh gác.
Khi tháo thì ai đánh người đó tháo ( trừ trường hợp đặc biệt )…Họ còn được huấn luyện cách đặt chông, cách sử dụng mìn tuỳ thuộc vào từng loại như:
chông đánh bằng hố, chông đánh bằng hầm, chông rải, chông hoả, chông chữ T, chông chém, cấu tạo của mìn…
Tiểu kết chương 1
Trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1950 Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng dân quân du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đảng bộ Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, đặc biệt là xây dựng lực lượng dân quân du kích từ không đến có, từ ít đến ngày càng đông đảo, từ số lượng đến đảm bảo về chất lượng.
Với vũ khí tự tạo kết hợp với lối đánh linh hoạt với từng địa hình, lực lượng dân quân du kích đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương làm nên những thắng lợi to lớn trên địa bàn tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.