Chương 1. ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ
1.4. Triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng bộ về công tác đoàn và phong trào thanh niên
1.4.1. Thực hiện các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh thiếu niên
Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, UBND Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường trọng điểm cải cách giáo dục, đã thành lập một số trường, lớp dân lập, bán công và dạy nghề tư nhân do hệ thống giáo dục nhà nước quản lý. UBND tỉnh Đồng Nai đã chú trọng chăm lo đời sống đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Chỉ tính riêng 5 năm 1986-1990, đã xây dựng mới hàng ngàn phòng học, đóng mới hàng chục nghìn bộ bàn ghế học sinh. Tính đến năm 1996, nâng tổng số trường học trong toàn tỉnh lên 584 trường với 11.966 lớp tăng hơn so với năm 1995 là 241 trường (58%) và 4.874 lớp (58%) [110, tr.78], đào tạo thêm 4.130 giáo viên phổ thông cơ sở, mẫu giáo, cô nuôi dạy trẻ. Tính đến năm học 1996, có 11.617 giáo viên, tăng hơn 1985 là 3.956 giáo viên (1985 có 7.661 giáo viên) [110, tr.80].
Học sinh theo học ở các cấp học cũng tăng hơn. Năm 1985, có 290.055 học sinh, đến 1996 có 469.891 học sinh đến trường [110, tr.81] có 81/163 phường - xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Nhờ sự đầu tư của nhà nước cho sự nghiệp giáo dục mà thanh, thiếu nhi Đồng Nai được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và đạo đức. Đó cũng chính là điều kiện để phong trào học tập của thanh, thiếu niên phát triển ngày càng mạnh mẽ, giúp cho đoàn viên thanh niên, học sinh xác định động cơ thái độ học tập đúng đắn, giảm dần hiện tượng sa sút về đạo đức, nhiều mô hình và phong trào học tập nhằm nâng cao chất lượng học tập được đông đảo đoàn viên thanh niên học sinh hưởng ứng như:
“Tuần, tháng học tốt, dạy tốt”; phong trào “Xây dựng tập thể học sinh làm theo lời Bác”, nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên học tập được UBND tỉnh khuyến khích phát triển như “Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ”, “Quỹ học bổng cho học sinh
nghèo vượt khó” đã được phát động mạnh mẽ. Nếu trong giai đoạn 1986 – 1991, chỉ huy động được 5.926.310 đồng cho chương trình tương trợ, hỗ trợ học tập, thì đến giai đoạn 1992-1996, quỹ hỗ trợ tài năng trẻ do Tỉnh Đoàn quản lý đã vận động 912.731.000đ, trao 2.225 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi.
Ngoài ra, các chính sách dạy nghề, nhất là cho thanh niên cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa, cho phép Thành đoàn Biên Hòa thành lập Trung tâm dạy nghề thanh niên năm 1989, trong 3 năm (1989-1992) đã mở 287 lớp dạy nghề và ngoại ngữ cho 7.238 thanh niên; năm 1994, cho phép Tỉnh Đoàn Đồng Nai thành lập Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên. Trong 3 năm (1994-1997), đã dạy nghề cho 28.978 thanh niên, giới thiệu việc làm cho 30.916 thanh niên. Bên cạnh đó UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành chủ trì triển khai các chương trình mục tiêu của tỉnh, hỗ trợ thanh niên vay vốn, học nghề, tổ chức sản xuất tại chỗ hoặc mở rộng quy mô sản xuất ở vùng nông thôn. Chỉ tính trong 5 năm 1992-1996, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng cho phép Đoàn thanh niên xây dựng dự án, tín chấp cho 6.670 đoàn viên thanh niên vay 9.074.150.000đ để sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,11% năm 1984 xuống còn 12,36% năm 1996.
1.4.2. Thực hiện các chương trình phối hợp các ngành nhằm đẩy mạnh phong trào thanh niên.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Tỉnh Đoàn lần thứ IV(8/1992), “Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp có kế hoạch, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát tạo cho Đoàn những điều kiện thuận lợi và chủ động hoạt động thực hiện các nhiệm vụ” [75, tr.66], UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở có kế hoạch phối hợp với Đoàn triển khai các chương trình công tác của tỉnh Đồng Nai như:
1) Ngành Giáo dục - Đào tạo: Thống nhất chương trình phối hợp với Tỉnh Đoàn nhằm khẳng định hoạt động đoàn, đội, Hội liên hiệp thanh niên là một bộ
phận của công tác giáo dục trong nhà trường; động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên học sinh, giáo viên thi đua học tập giảng dạy và rèn luyện thông qua phong trào “Xây dựng tập thể học sinh làm theo lời Bác” (1986- 1992); phong trào học tập và rèn luyện “vì ngày mai lập nghiệp” (1992-1997).
Qua đó, phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng tài năng trẻ, bổ sung vào hàng ngũ Đoàn và xây dựng Đoàn vững mạnh; phối hợp chỉ đạo các cơ sở thực hiện các phong trào lớn của Đoàn thanh niên và của ngành giáo dục - đào tạo, đồng thời cũng kiến nghị nhà nước ban hành các quy định cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn, chất lượng đào tạo và chính sách bồi dưỡng tài năng.
Căn cứ vào chương trình phối hợp chung, từng năm học, Tỉnh Đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo đề ra chương trình công tác cụ thể nhằm giải quyết những nhiệm vụ sau:
Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng từ 90% trở lên cán bộ đoàn, đội trường học và tổng phụ trách đội, hàng năm từng bước đưa môn học về công tác đoàn - đội trường học vào chương trình đào tạo trong các trường sư phạm của tỉnh.
Phối hợp triển khai chương trình công tác học sinh, sinh viên nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, luật pháp trong đoàn viên thanh niên học sinh; đặc biệt là “Năm học Bác Hồ”(1989-1990), “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh” (1991) đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên học sinh, sinh viên tham gia. Trong giai đoạn(1986 - 1996), trong khối trường học toàn tỉnh đã có 22.879.144 lượt đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động giáo dục của Đoàn. Ngoài ra nhiều mô hình hỗ trợ học tập đã được các cơ sở đoàn trường học tổ chức hàng năm như: câu lạc bộ học tập văn học, toán học, ngoại ngữ, sau này là tin học... tổ chức các chương trình văn nghệ - thể thao nhân các ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc như Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Đảng 3/2, ngày Nhà giáo Việt nam... theo đánh giá của Tỉnh Đoàn hàng năm có hơn 80% cơ sở Đoàn trường tổ chức từ 1-2 hoạt động văn hóa, văn nghệ - TDTT cấp trường. Riêng năm học 1995-1996, Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo đã phát động cuộc vận động “Vì bạn nhỏ vùng xa”, xây dựng 05 phòng học trị giá
212.913.000đ tặng thiếu nhi xã Phước Thái, huyện Long Thành, tặng 15.000 áo trắng cho thiếu nhi nghèo.
Phối hợp triển khai chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.
Từ năm 1986-1994, công tác xóa mù chữ, theo đánh giá của Tỉnh ủy là
“kết quả chưa cao do sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa đúng mức” [95, tr.25]. Tuy vậy, những năm 1987 – 1992, Tỉnh đoàn đã phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh tổ chức được 337 lớp học tình thương cho 7.402 thanh, thiếu nhi và từ năm 1994-1996, Tỉnh Đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo đã thống nhất phối hợp tổ chức chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” huy động 1.300 đoàn viên tham gia vận động và xóa mù chữ cho 10.737 người..
Ngoài các chương trình trên Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp tham mưu cho UBND triển khai tốt chương trình công tác hè hàng năm, tham gia các đợt công tác xã hội từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cứu trợ thiên tai, ủng hộ chiến sỹ biên giới hải đảo, gia đình chính sách... với tổng kinh phí từ 1987 đến 1997 là 1.908.044.000đ.
2) Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ năm 1987, đã phối hợp với Tỉnh Đoàn phát triển phong trào thanh niên làm thủy lợi, làm phân hữu cơ, trồng cây gây rừng. Chỉ trong 02 năm 1987-1988, Đoàn đã huy động 105.909 ngày công, đào đắp 301.642m3 đất, làm 6.742 tấn phân hữu cơ, trồng 690ha rừng và 437.174 cây phân tán. Từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (4/1988) về việc đổi mới cơ chế kinh tế nông nghiệp, thì hộ kinh tế gia đình xã viên được xem là đơn vị kinh tế tự chủ trên cả 3 mặt: sở hữu, quản lý và phân phối. Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ Tỉnh Đoàn đổi mới về phương thức hoạt động của Đoàn, phát động chương trình “Thanh niên khuyến nông”, tập huấn 352 kỹ thuật viên trẻ làm nòng cốt chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện 8 điểm trình diễn giống mới gồm IR 50404, đậu nành L2, đậu xanh, bắp... đã chứng minh hướng đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn phù hợp
với nhu cầu bức xúc của thanh niên; bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, thúc đẩy công tác xây dựng Đoàn ngày càng phát triển vững chắc. Trong những năm 1992 - 1997, phong trào thanh niên khuyến nông tiếp tục phát triển với nhiều mô hình ngày càng phong phú như: Tập huấn chuyển giao KHKT, Hội thi chăn nuôi giỏi, Cánh đồng mẫu, Hội thi cấy giỏi, Hội thi Thanh niên bảo vệ thực vật giỏi, Hội thảo đầu bờ đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Qua phong trào đã có 16.083 lượt đoàn viên thanh niên được tập huấn tại 416 lớp khuyến nông, chuyển giao KHKT, thực hiện 157 điểm trình diễn kỹ thuật.
Đặc biệt, tại các cuộc thi Thanh niên giỏi nghề nông khu vực miền Đông Nam Bộ và toàn quốc đều đạt giải cao, nhiều thanh niên qua phong trào thanh niên khuyến nông đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
3) Lực lượng vũ trang tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh Đoàn từ năm 1982 trong phòng trào “Đoàn kết 3 lực lượng” (Công an - Quân sự - Đoàn thanh niên). Từ năm 1986, nhất là khi có Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết liên tịch giữa UBMT Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ nhằm đổi mới phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh tiếp tục phối hợp phát động phong trào “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”, “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Vì điểm tựa tiền tiêu”. Từ năm 1986 đến năm 1998, đã tuyên truyền luật nghĩa vụ quân sự, luật sỹ quan cho 152.361 lượt đoàn viên thanh niên, vận động hơn một vạn thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc trong đó có 5.690 thanh niên tình nguyện nhập ngũ, những năm 1987-1992, đã xây dựng hơn 831 Đội Thanh niên xung kích an ninh, Đội thanh niên công nhân kiểm tra, Đội Thanh niên cờ đỏ với hàng chục ngàn đoàn viên thanh niên tham gia, những năm 1992-1997, có 2.241 tổ, đội, chi hội thanh niên xung kích an ninh, dân phòng được xây dựng với 21.854 đội viên. Từ khi có Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT giữa Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với Bộ Nội vụ về “Ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên” (12/1994); Tỉnh Đoàn và Công an Tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hành động, triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Tính đến tháng 6/1996, đã tổ chức tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước cho
135.806 lượt đoàn viên thanh niên. Riêng trong trường học đã tập trung tuyên truyền luật an toàn giao thông và nghị định 36/CP của Chính phủ cho 116.518 lượt học sinh, so với năm 1994, đã giảm 700 vụ tai nạn giao thông (571/1271), số người chết giảm 09 người (344/353), số người bị thương giảm 1000 người (675/1.675); công tác phối hợp, quản lý giáo dục, cảm hóa giúp đỡ thanh, thiếu niên chậm tiến được tiến hành chặt chẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đoàn và Công an đã phối hợp với các ngành chức năng, kết hợp chặt chẽ với gia đình, tìm hiểu kỹ tâm lý, hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp để đề ra biện pháp quản lý giáo dục tối ưu, có khả năng cảm hóa các đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến. Vì vậy, đã giáo dục cảm hóa được 873/1.572 em trở thành công dân có ích cho xã hội, số còn lại được tiếp tục giáo dục cảm hóa ở cơ sở; ngoài ra đã vận động 8.361 thanh, thiếu niên nghèo không có khả năng đến trường và có nguy cơ phạm tội vào học tại 297 lớp tình thương. Chỉ tính riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Long khánh, Thống nhất và Thành Đoàn Biên Hòa đã dạy nghề cho 3.246 thanh niên, giới thiệu giải quyết việc làm cho 5.082 thanh niên.
Ngoài ra trong từng đợt hoạt động, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều phong trào sôi nổi trong thanh niên như: phối hợp ngành Văn hóa Thông tin và Thể thao tổ chức các cuộc Hội diễn “Hoa phượng đỏ”,
“Tiếng hát học sinh, sinh viên”, tổ chức các giải bóng đá U11, U12, Thanh niên công nhân, Giải đua xe đạp tay cầm ngang, Việt dã, ra quân bài trừ văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; phối hợp với UBND, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình(nay là ủy ban Dân số Gia đình và trẻ em) giáo dục về “Dân số - sức khỏe - môi trường”, xây dựng câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS...
Năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Tỉnh ủy Đồng Nai đã có nhiều chủ trương nhằm xây dựng Đoàn vững mạnh. Trước tiên là phải tập trung sức kiện toàn bộ máy Ban Chấp hành đoàn các cấp, nhất là ở cơ sở, cấp ủy Đảng đã chỉ đạo Đoàn thanh niên tiến hành bầu bổ sung BCH, nơi thiếu cán bộ
chủ chốt (Bí thư, Phó bí thư) thì cấp ủy cơ sở lựa chọn, giới thiệu để Đoàn bầu vào các chức danh chủ chốt của đoàn cơ sở.
Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Tỉnh ủy còn chỉ đạo các cấp ủy Đảng, lãnh đạo đoàn viên thanh niên thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng của thanh niên như : tiếp tục phát triển phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và 4 chương trình hành động cách mạng của đoàn viên: Tuổi trẻ xung kích sáng tạo trên mặt trận kinh tế, thực hiện thắng lợi 3 chương trình mục tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; tuổi trẻ đi đầu thực hiện các chính sách xã hội và đấu tranh cho công bằng xã hội; tuổi trẻ xung kích trên mặt trận quốc phòng an ninh và bảo vệ Tổ quốc; tuổi trẻ học tập và tiến quân vào khoa học - kỹ thuật. Từ 1993, tập trung triển khai 2 phong trào lớn của Đoàn: Thanh niên lập nghiệp và Tuổi trẻ giữ nước. Thông qua các phong trào hành động của Đoàn mà tiến hành củng cố, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, tăng cường công tác giáo dục thế hệ trẻ.
Tóm lại, trong giai đoạn 1986 -1996, Tỉnh ủy chú trọng việc lãnh đạo hệ thống chính trị tiến hành công tác vận động thanh niên, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, hỗ trợ tạo điều kiện cho Tỉnh Đoàn triển khai các chương trình giáo dục thanh thiếu niên và phát triển mạnh mẽ các phong trào đoàn. Mặt khác, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các cấp ủy trực thuộc tỉnh chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên, xây dựng kế hoạch lãnh đạo công tác thanh niên ở cơ sở, phân công cấp ủy viên phụ trách công tác thanh niên, lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo bố trí cán bộ, đảng viên , quần chúng trung kiên làm công tác thanh niên. Do vậy, công tác đoàn và phong trào thanh niên tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến đáng kể, khắc phục được tình trạng sa sút về số lượng, nâng dần chất lượng đoàn viên và chất lượng hoạt động cơ sở Đoàn, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn trong xã hội, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên, thanh niên, là lực lượng xung kích cách mạng của đảng bộ tỉnh.
Chương 2