Chương 2. ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ
2.2. Những chủ trương và giải pháp nhằm phát huy vai trò xung kích của Đoàn thanh niên
2.2.1. Quan điểm của đảng bộ Đồng Nai về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động thanh niên và những quan điểm của Đảng về công tác quần chúng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần VI (nhiệm kỳ 1996 - 2000) xác định một trong 7 nhiệm vụ lớn là “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục đổi mới công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân" [95, tr.76] và để tạo điều kiện cho Đoàn hoạt động tốt, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Đoàn thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
- Đối với thanh niên, đảng bộ Đồng Nai đánh giá là nguồn nhân lực lao động có chất lượng cao và đồng bộ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; là lực lượng chủ lực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vị thế của đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng trên trường quốc tế. Thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp nối thế hệ cha anh để thúc đẩy xã hội phát triển, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Chính vì đặt niềm tin vào lực lượng trẻ, trên cơ sở đánh giá đúng bản chất tốt đẹp và tiềm năng của thanh niên trong tỉnh nên trong các giải pháp cụ thể, đảng bộ xác định phải chú trọng đào tạo nhân tài từ học sinh phổ thông, đưa đi học dài hạn, tạo nguồn cán bộ có nghiệp vụ giỏi, có phẩm chất tốt, có độ tin cậy chính trị cao để bố trí vào các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội.
Thể hiện trách nhiệm đối với thanh niên, đảng bộ xác định cần phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để Đoàn thanh niên tiếp tục "Đẩy mạnh
phong trào "Thanh niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước" [98, tr.80] xem đó là động lực thúc đẩy phong trào quần chúng, đáp ứng lợi ích thiết thực của thanh niên. Các cấp ủy Đảng cần xác định trách nhiệm lãnh đạo các cấp bộ Đoàn đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Đoàn thanh niên, nhằm tập hợp ngày càng đông đảo lực lượng trẻ vào tổ chức Đoàn, Hội LHTN, cùng nhau chăm lo lợi ích thiết thực của mình và góp sức cùng Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu mà Đại hội đảng bộ tỉnh lần VI (1996) đã xác định là "Phấn đấu xây dựng Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp phát triển, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn...” [95, tr.46]. Bên cạnh việc chăm lo lợi ích chính đáng về vật chất và tinh thần của thanh niên, đảng bộ chủ trương, tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thanh thiếu niên" [95, tr.80].
Trong giai đoạn cách mạng mới đảng bộ Đồng Nai luôn chú ý cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng hoài bão, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, phát huy tinh thần sáng tạo, nhanh chóng tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiến tiến, đồng thời bồi dưỡng lớp thanh niên nam, nữ ưu tú, vững vàng về chính trị, kiên định con đường XHCN, có phẩm chất đạo đức, tài năng, đi đầu trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đó cũng chính là môi trường cho thanh niên Đồng Nai rèn luyện và trưởng thành.
Trên cơ sở đánh giá đúng vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và lòng tin vào tuổi trẻ Đồng Nai, Đảng bộ Đồng Nai xác định tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai là trường học XHCN, là nơi trực tiếp giúp đảng bộ thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng thanh niên, phát động và tổ chức các phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. Vì vậy, Đảng bộ luôn xác định việc xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tỉnh Đồng Nai vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng bộ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, phân công cấp ủy viên có năng lực phụ trách công tác thanh niên và "chú trọng phát triển đảng viên là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh"
[95, tr.88]. Trong quá trình lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai, đảng bộ tỉnh luôn chỉ đạo các cấp ủy Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Đoàn thanh niên, định kỳ làm việc với BTV Đoàn các cấp về tình hình thanh niên và công tác thanh niên, lãnh đạo chặt chẽ việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh. Tại Đại hội Tỉnh Đoàn lần V (11/1997), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói "Đoàn phải đi sâu, sát cơ sở, nắm vững số lượng Đoàn viên, hội viên, thanh niên ở các khu vực nông thôn, trường học, lực lượng vũ trang, tôn giáo, dân tộc, trí thức và công nhân lao động. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng thanh niên để có giải pháp mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên" [83, tr.67].
Để Đoàn thanh niên tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đảng bộ xác định ngoài việc lãnh đạo trực tiếp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, còn đồng thời lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội làm công tác vận động thanh niên.
Phát biểu tại Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai lần thứ V (1997) đồng chí Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh: "Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quán triệt NQ 04- NQ/TW (khoá VII), xây dựng chương trình thực hiện Chỉ thị 66-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên trong tình hình mới, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và tổ chức thực hiện có kết quả kế hoạch đã đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn chủ động thực hiện các nhiệm vụ" [83, tr.70]. Tỉnh ủy kêu gọi các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân trong tỉnh, với tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đồng Nai làm tròn nhiệm vụ của mình.
Quan điểm này được thể hiện thông qua các hình thức sau:
- Các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện công tác vận động thanh niên.
- UBND tỉnh cụ thể hóa quan điểm của đảng bộ tỉnh về công tác thanh niên thông qua việc ban hành các văn bản, quy định các chính sách hỗ trợ, tạo
điều kiện cho thanh niên học tập, phát triển tài năng, tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên, tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên tham gia tốt các chương trình mục tiêu của tỉnh, các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và giáo dục thanh thiếu niên.
- Chỉ đạo cấp ủy, Ban lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, các ngành, các cơ quan nhà nước xây dựng chương trình phối hợp, kế hoạch liên tịch với Đoàn thanh niên tiến hành công tác giáo dục thế hệ trẻ.
Công tác thanh niên là một khoa học và nghệ thuật. Vì vậy, việc cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên phải được tiến hành trên cơ sở khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý thanh niên và yêu cầu phát triển thanh niên, phát triển xã hội.
2.2.2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thanh niên
Sau khi Tỉnh ủy tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, và Nghị quyết 19 của BCH Tỉnh ủy Đồng Nai (khóa V) về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 04 BCH Trung ương về công tác thanh niên (6/1997). Các cấp ủy Đảng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo hệ thống chính trị làm công tác thanh niên, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác lãnh đạo thanh niên. Tỉnh ủy và hầu hết các cấp ủy Đảng huyện, thành phố đều phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách công tác thanh niên, phân công phụ trách các lĩnh vực liên quan đến công tác thanh niên, tổ chức giao ban chuyên đề về công tác thanh niên.
Trong nghị quyết của cấp ủy các cấp hàng năm đều có phần đề cập đến công tác thanh niên, ngoài ra còn ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng tổ chức Đoàn, xoá ấp trắng tổ chức Đoàn, về công tác giáo dục lý tưởng cho thanh niên, tiêu biểu như Huyện ủy Tân Phú, Long Thành thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đoàn do đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm trưởng
ban, Huyện ủy thống nhất, Thành ủy Biên Hoà thành lập Ban chỉ đạo giáo dục truyền thống, lý tưởng cho thanh niên do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư làm trưởng ban. Riêng các cơ sở Đảng, hàng năm cấp ủy phân công đồng chí cấp ủy viên phụ trách công tác thanh niên, cùng với BCH Đoàn tham mưu kế hoạch hoặc chương trình giáo dục thế hệ trẻ ở cơ sở và giúp cấp ủy cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác này.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Đoàn được các cấp ủy quan tâm, hàng năm đều dành kinh phí cho công tác bồi dưỡng tập huấn cán bộ Đoàn ở Tỉnh và Trung ương. Trong 5 năm 1997 - 2002, đã có 15.033 lượt cán bộ Đoàn, Hội, Đội được đào tạo, bồi dưỡng, tăng gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước (1992 - 1997).
Đặc biệt là từ 2001, lần đầu tiên Tỉnh ủy đã chấp thuận đề nghị của Tỉnh Đoàn, giao cho Trường chính trị tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam tổ chức lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác đoàn, đội cho hơn 100 cán bộ đoàn chủ chốt ở xã và cán bộ đoàn chuyên trách của huyện, tỉnh. Việc quy hoạch bố trí cán bộ đoàn, đã qua rèn luyện thử thách được cấp ủy các cấp quan tâm, vì vậy phần lớn cán bộ đoàn trưởng thành đều được phân công giữ những nhiệm vụ chủ chốt của xã, huyện, các ngành của tỉnh và lãnh đạo các ban Đảng cấp tỉnh, huyện, cơ sở.
Với quan điểm xem công tác xây dựng Đoàn vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, cấp ủy các cấp, đặc biệt là cơ sở chủ trương phân công đảng viên trẻ tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên; làm nòng cốt cho các hoạt động đoàn, hội, trực tiếp làm cán bộ Đoàn xã, cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi. Tỉnh ủy không chỉ cho chủ trương về việc hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động giáo dục của Đoàn như Hội trại truyền thống, thi tìm hiểu pháp luật, đường lối, nghị quyết của Đảng... tạo điều kiện cho Đoàn đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, đa dạng hóa các loại hình giáo dục phù hợp các đối tượng thanh niên, mà còn cho chủ trương đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các chương trình hoạt động của Đoàn như:
Đầu tư ban đầu cho Tỉnh Đoàn quản lý và tiếp tục đầu tư Khu sinh hoạt văn hoá truyền thống cho thanh thiếu niên tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú.
Giao cho Tỉnh Đoàn địa điểm xây dựng nhà mở Đồng Nai làm nơi giáo dục và tổ chức hồi gia các em thiếu nhi lang thang đường phố vào đời sớm.
Đồng ý về chủ trương cho tỉnh Đoàn được quản lý, khai thác, sử dụng khu văn hóa, thể thao cho thanh niên công nhân sau khi công ty Sonadezi (Công ty phát triển khu công nghiệp) đầu tư xây dựng.
Chấp thuận cho tỉnh Đoàn xây dựng dự án thành lập trường dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ và thanh niên, trình UBND tỉnh phê duyệt và đầu tư.
Chấp thuận cho Tỉnh Đoàn được xây dựng dự án thành lập Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (nay đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ việc làm Thanh niên).
Chấp thuận đưa vào quy hoạch của Tỉnh đến năm 2010, công trình xây dựng Trung tâm văn hóa thanh niên Đồng Nai và Khu dã ngoại lâm sinh cho thanh niên.
Chấp thuận cho Đoàn thanh niên được xây dựng phương án đào tạo chuyên môn nghề nghiệp cho cán bộ đoàn phường xã, trình UBND tỉnh phê duyệt.