Chương 2. ĐẢNG BỘ ĐỒNG NAI LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC ĐOÀN VÀ
2.3. Triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về công tác thanh niên
2.3. Triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về công tác thanh niên
Trong giai đoạn mới, nhu cầu của thanh niên ngày càng phát triển đa dạng, những vấn đề xã hội của thanh niên nảy sinh ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên, vì vậy các cơ quan lập
pháp, hành pháp ở trung ương đều hình thành các bộ phận chịu trách nhiệm về công tác thanh niên như:
Quốc hội có Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện đều có Ban văn hóa xã hội.
Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam (2/1998) là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc phối hợp liên ngành về công tác thanh niên, UBND cấp tỉnh, huyện đều có chuyên viên theo dõi và tham mưu, giúp Chủ tịch UBND giải quyết những vấn đề về công tác thanh niên.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 14/4/1993 của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh (khóa V) về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 04 BCH Trung ương Đảng (khoá VII) về công tác thanh niên, UBND tỉnh Đồng Nai xác định nhiệm vụ sau đây:
Rà soát lại các chủ trương, quy định liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của thanh niên để điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TW khoá VII và chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.
Đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đoàn và công tác thanh niên, đào tạo cán bộ làm công tác vận động thanh thiếu nhi; chỉ đạo các cấp chính quyền xây dựng quy chế phối hợp với Đoàn, Hội và các cơ quan liên quan trong công tác thanh niên.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện và đóng góp sức trẻ vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
2.3.1. Thực hiện các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh thiếu niên.
Thông qua phương thức xã hội hóa gắn liền với đa dạng hóa các loại hình trường lớp trong giáo dục, đào tạo, tỉnh đã giải quyết được cơ bản tình trạng
thiếu phòng học, giảm đáng kể lớp học 3 ca, số học sinh phổ thông năm 1996 có 43.0738 học sinh, đến năm 2002 tăng lên 57.9678 học sinh, giáo viên phổ thông năm 1996 có 10.111 người, đến năm 2002 tăng lên 15.704 người; số sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh trung học chuyên nghiệp tăng hơn gấp 2 lần so với năm 1996. Toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở sớm hơn so với nghị quyết (phổ cập tiểu học sớm hơn 2 năm, phổ cập trung học cơ sở sớm hơn 1 năm).
Về các chính sách dạy nghề cho xã hội và thanh niên, UBND Tỉnh đã có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển nhiều hình thức dạy nghề, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm, đã chú ý lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu, hỗ trợ thanh niên vay vốn học nghề, vay vốn đầu tư sản xuất, mở rộng sản xuất, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tự tạo việc làm tại chỗ cho bản thân. Tính đến 2002, toàn tỉnh có 3 trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động TBXH, Liên đoàn lao động tỉnh và Tỉnh Đoàn. Cả 9 huyện, thành phố đều có các chi nhánh dạy nghề, xúc tiến việc làm, làm nhiệm vụ dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động. Hàng năm bình quân giải quyết việc làm cho hơn 67.000 lao động.
Trong 5 năm 1997 - 2002, nhờ sự hỗ trợ của UBND Tỉnh, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện 186 dự án giải quyết việc làm với tổng số tiền vay là 17.590.200.000đ hỗ trợ cho 8.428 đoàn viên thanh niên vay vốn sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh việc hỗ trợ thanh niên giải quyết việc làm UBND tỉnh còn ban hành các chính sách hỗ trợ học tập cho thanh niên học sinh, sinh viên như:
- Hỗ trợ 100% học phí học nghề cho bộ đội xuất ngũ học tại các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, công lập trong và ngoài tỉnh và trường dạy nghề, cơ sở dạy nghề trong tỉnh [109].
- Tạo điều kiện cho sinh viên được vay vốn ngân hàng mà không cần thế chấp tài sản, để học tập và nghiên cứu khoa học. Riêng sinh viên học tại các
trường sư phạm của tỉnh ngoài chế độ miễn học phí, được nghỉ tại ký túc xá, còn được chế độ khen thưởng từng năm học đối với các sinh viên học tập khá giỏi.
- Trích ngân sách của tỉnh hơn 8 tỉ đồng xây dựng ký túc xá cho sinh viên Đồng Nai học tập tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; và mua đất tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng ký túc xá cho sinh viên Đồng Nai học tập tại các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh; giao cho Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ trì phối hợp với các ngành giáo dục đào tạo, Ban Tổ chức Chính quyền (nay là sở nội vụ) và các ngành có liên quan thành lập Ban Liên lạc sinh viên Đồng Nai, giúp UBND tỉnh thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài và vận động sinh viên Đồng Nai tốt nghiệp về phục vụ quê hương.
- Chấp thuận cho Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Đồng Nai chủ trì dự án xoá mù chữ và bảo vệ môi trường tại ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai giai đoạn 1997 - 2000, với tổng kinh phí là 34700 USD. Dự án đã được hoàn thành và được PACT (tổ chức phi chính phủ Mỹ) đánh giá cao, kết quả đạt được cao hơn mục tiêu ban đầu, được chính quyền địa phương đánh giá đạt hiệu quả tốt, giúp Huyện đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập tiểu học trong toàn huyện, giúp nhân dân địa phương xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn tệ nạn phá rừng.
2.3.2. Các chính sách nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên
Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm xây dựng và thực thi các chính sách giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của thanh niên về lao động, việc làm, đời sống và thu nhập, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, chăm lo sức khoẻ và phát triển thể lực, đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên và nhu cầu phát triển của tỉnh.
Có thể nêu một vài chính sách, chương trình tiêu biểu như:
1) Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào Đồng Nai, nhằm phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm mới cho người lao động mà trong đó phần lớn là thanh niên. Tính đến năm 2002, toàn tỉnh đã có hơn 290 dự án đầu tư nước ngoài, trị giá hơn 4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 125.000 lao động.
2) Hỗ trợ cho Đoàn thanh niên tỉnh tổ chức 1.898 lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 121.323 lượt đoàn viên thanh niên những kiến thức khoa học mới về nuôi trồng, nhân giống mới, giúp cho đoàn viên thanh niên đi đầu trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
3) Cho phép Tỉnh Đoàn mở cuộc vận động 1,8 tỷ đồng xây dựng trường Phổ thông trung học Nguyễn Hữu Cảnh nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hoà Đồng Nai (1998) nhằm giúp học sinh khu vực phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hoà và các xã An Hoà, Long Hưng, Phước Tân, Huyện Long Thành không phải đi xa đến trường, hạn chế những rủi ro xảy ra của học sinh trên đường đến trường.
4) Từ năm 2000, UBND tỉnh đã chấp thuận về chủ trương cho Tỉnh Đoàn được xây dựng dự án Trường dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ và thanh niên Đồng Nai với tổng dự toán hơn 42 tỷ đồng [111]. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh nhằm giúp cho thanh niên, đặc biệt là bộ đội xuất ngũ được trang bị tay nghề, có nhiều cơ hội tìm việc, ổn định cuộc sống. Chủ trương này của UBND tỉnh là việc làm thiết thực nhằm thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đảm bảo sự công bằng, hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi của thanh niên, tạo sự phấn khởi trong thanh niên Đồng Nai, góp phần làm cho thanh niên Đồng Nai hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong 5 năm (1997-2002), Đoàn đã vận động đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân, trong đó có 84% đoàn viên thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ, tặng quà, sổ tiết kiệm “vì người bạn tòng quân” cho thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự với tổng số tiền là 1.080.426.000đ.
5) Theo đề nghị của Tỉnh Đoàn Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cấp 1.050m2 đất tại thành phố Biên Hoà để Tỉnh Đoàn xây dựng công trình thanh niên chào mừng Biên Hoà Đồng Nai 300 năm, chào mừng liên hoan thanh niên tiên tiến miền Đông Nam Bộ lần IV tại Đồng Nai (1998), công trình được mang tên "Nhà mở Đồng Nai" trị giá 210 triệu đồng, do đoàn viên thanh niên Đồng Nai đóng góp, các tỉnh, Thành Đoàn miền Đông Nam bộ hỗ trợ một phần nhằm tạo điều kiện cho các em thiếu nhi lang thang đường phố có nơi nghỉ ngơi, học tập, sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đồng thời cũng là nơi tập hợp, xúc tiến việc đưa các em tái hoà nhập gia đình. Công trình có ý nghĩa to lớn, được xã hội đồng tình ủng hộ, nhà nước tạo điều kiện hoạt động, vì vậy mà từ khi khánh thành (1999) đến 2002 đã thu nhận 132 lượt em, đưa 55 em tái hoà nhập gia đình từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào các tỉnh Phía Nam.
6) Chấp thuận cho Tỉnh Đoàn được xây dựng dự án khu sinh hoạt văn hoá, truyền thống thanh thiếu niên tỉnh Đồng Nai tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú với tổng dự toán 9 tỷ đồng (UBND tỉnh cấp 5 ha đất và cấp vốn đối ứng đầu tư cho Tỉnh Đoàn 1,8 tỷ đồng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư 7,2 tỷ đồng [110]. Từ năm 2002, công trình đã bắt đầu được triển khai với hạng mục đầu tiên. Đây là công trình có ý nghĩa lớn đối với đoàn viên thanh niên Đồng Nai, góp phần hỗ trợ Tỉnh Đoàn nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, giáo dục lý tưởng cho thanh niên, đồng thời thông qua mô hình sinh hoạt dã ngoại còn giáo dục lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái trong đoàn viên thanh niên Đồng Nai và một số tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh...
7) Chủ trương cho Tỉnh Đoàn được tiếp nhận, tổ chức hoạt động khu văn hoá, thể thao thanh niên công nhân tại khu công nghiệp Biên Hoà 2. Công trình đang được công ty Sonadezi Biên Hoà (Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hoà) đầu tư trong 5 năm từ năm 2002, trị giá 20 tỷ đồng. Đây là công trình văn hóa, thể thao đầu tiên của tỉnh Đồng Nai dành cho thanh niên công nhân nhằm
hạn chế những sinh hoạt văn hoá không lành mạnh và ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào đời sống thanh niên công nhân.
8) Chấp thuận cho Tỉnh Đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công trình mỗi năm trồng 100ha rừng (bắt đầu từ năm 2002) nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần VII về chương trình 5 triệu ha rừng, phấn đấu đến năm 2005, diện tích rừng trồng tăng thêm khoảng 15.000 - 20.000 ha.
9) Chấp thuận đề nghị của tỉnh Đoàn từ năm 2002, bổ sung hạng mục Trung tâm văn hóa thanh niên trực thuộc tỉnh Đoàn đặt tại thành phố Biên Hòa rộng 3 ha vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2000 - 2010.
Nhìn chung từ 1996 – 2002, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nâng cao đời sống của thanh niên. Mặt khác, UBND tỉnh còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích, phát huy vai trò của lực lượng thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tự tạo việc làm, tham gia các chương trình phát triển trọng điểm của quốc gia như chương trình trồng mới 15.000 – 20.000 ha rừng, chương trình xoá đói giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em... Nhiều chính sách phát triển văn hóa xã hội đã tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của thanh niên, tạo môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên sinh hoạt học tập, rèn luyện cũng đã được UBND tỉnh chỉ đạo phát triển từ cơ sở như xây dựng các tụ điểm sinh hoạt ở các xã, thị trấn, củng cố và phát triển các nhà văn hoá, trung tâm văn hóa ở các huyện, thị thành, duy trì các giải thể thao truyền thống...
2.3.3. Các chương trình phối hợp của các ngành với Đoàn thanh niên tỉnh Đồng Nai
Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị 4-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa VII), Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai về "Công
tác thanh niên trong thời kỳ mới" và chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 66-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh niên (ngày 30/6/1997) đã xác định 7 nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo công tác thanh niên trong thời kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chăm lo công tác thanh niên, thực hiện xã hội hóa công tác thanh niên, “thực sự coi công tác thanh niên là của toàn xã hội” [96].
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao và các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình và kế hoạch cụ thể. Chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh hầu hết các ngành liên quan đều xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW và Chỉ thị 66-CT/TW, đồng thời xây dựng kế hoạch liên tịch với Tỉnh Đoàn nhằm phát triển phong trào thanh niên cụ thể như sau:
1) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết chương trình phối hợp với Tỉnh Đoàn Đồng Nai về phát triển phong trào "Thanh niên khuyến nông" từ năm 1996 - 2002 [85]. Mục đích của chương trình phối hợp nhằm:
- Phát huy vai trò xung kích của Đoàn viên thanh niên trong các chương trình dự án trọng điểm ở nông thôn như xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm ở nông thôn, tham gia dự án trồng rừng của tỉnh, tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình thuỷ lợi, đường xá giao thông nông thôn... góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Phát triển mạnh và sâu rộng phong trào "Thanh niên khuyến nông" tổ chức việc chuyển giao thông tin khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho đoàn viên thanh niên nông thôn, hỗ trợ Đoàn thanh niên xây dựng các mô hình điểm, xây dựng các điển hình tiên tiến trong thanh niên nông thôn.
- Phát triển rộng mạng lưới cộng tác viên, thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm khuyến nông ở cơ sở, thông qua đó mà phát hiện các nhân tố tích cực, bồi dưỡng bổ sung nguồn lực cho Đoàn thanh niên và củng cố, xây dựng tổ chức đoàn ngày càng vững mạnh.
Qua 5 năm triển khai chương trình phối hợp, đoàn viên, thanh niên nông thôn nắm bắt được những chủ trương chính sách của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã động viên được lực lượng đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia vào các chương trình phát triển nông thôn và từng bước giúp thanh niên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Theo báo cáo của Đoàn thanh niên tỉnh Đồng Nai, từ 1997 đến 6/2002, Tỉnh Đoàn đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức 1.898 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 121.323 đoàn viên thanh niên, xây dựng được 543 điểm trình diễn kỹ thuật các loại giống mới như bắp, lúa, cây điều, các loại đậu... với sự tham gia của 17.935 lượt thanh niên, đã xây dựng được 2.335 câu lạc bộ, chi hội thanh niên, đội, nhóm thanh niên khuyến nông với sự tham gia của 40.819 Đoàn viên thanh niên, đã thực hiện được 8.426 công trình thanh niên, trị giá 5.572.842.000 đồng và 589.963 công lao động, phát triển hơn 40.000 đoàn viên nông thôn, xây dựng 100% ấp có chi đoàn thanh niên; nhiều điển hình tập thể và cá nhân sản xuất giỏi đã xuất hiện trở thành tấm gương sáng, mô hình mẫu cho các địa phương và đoàn viên thanh niên học tập như: Chi hội Liên hiệp thanh niên chăn nuôi vịt thuộc Hội LHTN xã Phú Lâm huyện Tân Phú, chi Hội LHTN nuôi cá bè thuộc Hội LHTN phường Long Bình Tân thành phố Biên Hoà, chi hội LHTN nhân giống mới thuộc Hội LHTN xã Vĩnh Thanh thuộc huyện Nhơn Trạch. Nhiều chủ trang trại trẻ giỏi xuất hiện qua phong trào thanh niên nông thôn sản xuất giỏi, trong đó tiêu biểu như Nghiêm Xuân Huyền chủ trang trại trẻ nuôi nai, hươu huyện Thống Nhất hàng năm thu lãi hơn 300 triệu đồng; Bùi Quang Trung, chủ trang trại trẻ trồng nấm tại huyện Long Khánh, là chủ trang trại trẻ duy nhất của cả nước được Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ trao giải thưởng sao đỏ năm 2002.