Theo chúng tôi hiểu đội ngũ tác giả viết truyện ngắn ĐBSCL, là những người đã và đang sống ở ĐBSCL. Những tác giả ở nơi khác đến, nhưng có quá có trình gắn bó với ĐBSCL và có tác phẩm viết về vùng đất này cũng
được coi là tác giả truyện ngắn ĐBSCL. Khi bàn về nhà văn ĐBSCL, nhà văn Nguyễn Hồ đã có nhận xét thú vị: ‘‘Theo tôi hiện có hai loại nhà văn viết về ĐBSCL, đó là nhà văn viết tại chỗ và nhà văn viết ‘‘vọt cần câu’’, cả hai đều gọi là nhà văn ĐBSCL chứ không nhất thiết phải có hộ khẩu ở ĐBSCL’’.
Từ 1975 đến nay, trải qua quá trình vận động và phát triển, truyện ngắn ĐBSCL đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần cùng với các thể loại khác xây dựng nền văn học mới. Do vậy, việc tìm hiểu đội ngũ tác giả truyện ngắn ĐBSCL là cần thiết, để từ đó có thể xác định được những đóng góp của họ cho sự phát triển truyện ngắn của vùng đất này.
Dòng chảy liên tục của truyện ngắn ĐBSCL hôm nay, chính là nhờ vào sự tiếp nối của các thế hệ người cầm bút gắn bó với đất và người nơi đây. Sự phân chia các thế hệ tác giả viết truyện ngắn ở ĐBSCL từ 1975 đến nay chỉ là tương đối. Theo tôi, có thể hình dung đội ngũ tác giả viết truyện ngắn ĐBSCL là sự tiếp nối của ba thế hệ.
Thế hệ thứ nhất là các nhà văn đã thành danh trước năm 1975 như Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc... Họ đã có những truyện ngắn trước năm 1975 được độc giả cả nước biết đến như:
Đường về gia hương (1948 - Đoàn Giỏi), Cái lu (1954 - Trần Kim Trắc), Nắng đẹp miền quê ngoại (1964 - Trang Thế Hy), Bức thư Cà Mau (1965), Chiếc lược ngà (1968 - Anh Đức), Bông cẩm thạch (1969 - Nguyễn Quang Sáng),… Sau 1975, sáng tác của họ vẫn dồi dào, sung sức, tiếp tục có những đóng góp cho cho sự nghiệp văn học nước nhà. Như Trang Thế Hy với tập Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001), Trần Kim Trắc với Chim hoạ mi lại hót, Anh Động với Xóm mười lăm, Trần Thanh Giao với Tuyển tập truyện ngắn (2002), Lê Văn Thảo với Tập truyện ngắn chọn lọc (2003),…
Họ là niềm tự hào của quê hương Nam bộ nói chung, ĐBSCL nói riêng.
Có thể coi họ là thế hệ nối tiếp những nhà văn quốc ngữ Nam bộ tiên phong ở
thời kỳ đầu, là những trụ cột, khích lệ sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ sáng tác trẻ ở ĐBSCL.
Thế hệ thứ hai bao gồm những cây bút thành danh sau 1975 và tới giai đoạn này vẫn sung sức như: Phạm Trung Khâu với Tiếng vạc sành (Tập truyện ngắn), Trịnh Bửu Hoài với Chim xa cành, Đoàn Văn Đạt với Ác mộng đàn bà, Ngô Khắc Tài với Chim hạc bay về và Bầy chim sổ lồng,… Và những cây bút trưởng thành sau 1975, hiện đang là đội ngũ chủ lực như: Vũ Hồng với Tiếng chuông trôi trên sông, Kim Ba với Đôi mắt con tàu xanh, Phan Trung Nghĩa với Khóc hương cau, Mai Bửu Minh với Đôi tay, Người chạy trốn quá khứ, Trầm Hương với Hoa kèo nèo tím biếc, Bích Ngân với Bão sợi dây và giọt đắng, Nguyễn Lập Em với Bến nước kênh Cùng, Kim Quyên với Người dưng xứ khác, Khu rừng và tiếng chim,…
Thế hệ thứ ba là những cây bút xuất hiện trong thập niên đầy thế kỷ XXI rất trẻ trung và sung sức như Nguyễn Thị Diệp Mai, Trầm Nguyên Ý Anh,...
Riêng Nguyễn Ngọc Tư chỉ trong thời gian ngắn đã cho ra mắt bạn đọc 6 tập truyện ngắn. Năm 2000, chị được tặng giải Nhất cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ II tác phẩm Ngọn đèn không tắt... Tháng 10/2008, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao Giải thưởng Văn học ASEAN.
Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi sáng tác truyện ngắn ở cấp tỉnh, thành và khu vực đã động viên khích lệ được số đông các tác giả chuyên và không chuyên tham gia, đây là nguồn bổ sung cho đội ngũ viết truyện ngắn ở ĐBSCL.
Có thể nói, truyện ngắn ĐBSCL bước vào thể kỷ XXI với một đội ngũ tác giả hùng hậu xuất thân từ mọi miền đất nước, nối tiếp của nhiều thế hệ.
Thế hệ trước năm 1975, có người bước qua tuổi 80, còn phần lớn đã ngoài 60 nhưng vẫn giữ được niềm đam mê văn chương ‘‘còn sống là còn viết’’ (Trang
Thế Hy). Còn các cây bút trưởng thành sau 1975, đang ngày càng chín về vốn sống và tài năng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng thơ ký Hội Nhà văn Việt Nam có cái nhìn rất lạc quan về văn học ĐBSCL: ‘‘Chất liệu cho văn học miền Tây Nam bộ khá mạnh. Đội ngũ tác giả cũng vậy, nhất là ở lĩnh vực truyện ngắn’’[182, tr.5].
Từ thực tế đội ngũ sáng tác truyện ngắn ở ĐBSCL, người đọc có niềm tin, trong tương lai nơi đây sẽ là mảnh đất màu mỡ của truyện ngắn.