Giọng điệu suy ngẫm sâu xa

Một phần của tài liệu Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng sông cửu long từ 1975 đến nay (Trang 190 - 195)

Giọng điệu suy ngẫm, triết lý xuất phát từ quan niệm về sự phức tạp, bộn bề của đời sống con người. Trong cuộc sống hàng ngày, để nhận chân được các giá trị đời sống buộc con người phải tìm tòi, suy nghĩ thông qua sự quan

sát và chiêm nghiệm của cá nhân. Nếu văn học giai đoạn trước tính chất triết lý suy tư hướng về những vấn đề lớn lao của vận mệnh dân tộc, thì văn học giai đoạn này hướng tới phát hiện những vấn đề xô bồ, thô nhám trong số phận cá nhân con người, trong cuộc sống hàng ngày thông qua những trải nghiệm của từng cá nhân. Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy giọng điệu suy ngẫm, triết lý sâu xa thể hiện khi con người nhìn nhận đánh giá về số phận, về cuộc đời. Cũng có khi trong những xung đột nội tâm nhân vật, trong những bi kịch nhân sinh được phát biểu thông qua dòng tâm trạng của nhân vật.

Giọng điệu suy ngẫm trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, được biểu hiện ở sự khắc khoải lo lắng vì cuộc sống khó khăn. Nhân vật tôi trong chuyện con người của Nguyễn Huỳnh Hiếu, phải trải qua bao khó khăn mới nhận thức được trên đời này ‘‘Hạnh phúc là điều có thật’’[183, tr.200]. Tác giả đã sử dụng hàng loạt những từ ngữ để diễn tả những trạng thái tâm lí khác nhau của nhân vật ở những chặng đường khác nhau của cuộc đời như: Đau khổ - chai lì - an phận - niềm vui - mong ước. Trên con đường trải nghiệm cuộc sống, dù có khó khăn, nghiệt ngã có lúc dẫn đến nản lòng nhưng với nghị lực, con người đã vượt qua khó khăn và cuối cùng nhận thức được : ở trên đời này, cái gì hợp lí sẽ tồn tại và hạnh phúc sẽ không bao giờ ngoảnh mặt với những con người biết phấn đấu, biết vươn lên.

Giọng điệu suy tư thường đặt nhân vật trong những tình huống tâm lí để con người tự ý thức qua những trải nghiệm mà tự rút ra bài học, nhận ra chân giá trị của cuộc đời. Chẳng hạn, giọng điệu người cha trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư; giọng điệu của ông Mười trong Đất không cưu mang của Bích Ngân; giọng điệu của Nhà văn trong Một trăm của mỗi người của Nguyễn Đình Bổn,…

Câu chuyện trên tàu của Trần Ninh Thới, giọng điệu của ông Nhân được thể hiện qua những từ ngữ diễn tả sâu sắc chiều sâu của sự suy ngẫm. Khi phát hiện người thương binh bị mất cả hai chân không phải là người yêu của con gái mình, thoạt đầu ông Nhân thở phào nhẹ nhõm, nhưng sau đó hình ảnh người lính bị thương luôn ám ảnh ông, khiến ông ray rứt. Bản chất của một người lính khiến ông Nhân nhận thức được những tính toán thiệt hơn của mình và tự phê phán bản thân. Cuối cùng ông cảm thấy ân hận vì mình không thể chia sẻ được sự mất mát của người thương binh. Giọng điệu suy ngẫm qua một số truyện ngắn từ chỗ quan sát và khám phá trong đời sống thường nhật những lẽ đời, những triết lí nhân sinh đã dần dần đi sâu tìm kiếm để khám phá tâm tư tình cảm và chân giá trị của con người.

Giọng điệu suy ngẫm sâu xa trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, còn được thể hiện qua những xung đột trong nội tâm nhân vật, qua những bi kịch nhân sinh được phát biểu thông qua dòng tâm trạng của nhân vật. Ông Thịnh (Khoảng cách - Trầm Nguyên Ý Anh), ngày đầu tiên đoàn tụ gia đình sau sau 21 năm đi tập kết trên đất Bắc, đã phải đối mặt với một thực tế phũ phàng:

‘‘Nhìn thấy Út Trinh đưa con trên võng, thằng bé đã được ba tuổi. Ông Thịnh thắc mắc:

- Thế, bố nó đâu? Ông vẫn quen dùng ngôn ngữ miền Bắc.

- Út Trinh ậm ờ rồi ẵm con lên, bước ra sân. Bà Thịnh lúng túng một lúc rồi mới giải thích:

- Con nó khờ dại nên lỡ lầm. Bên kia hứa sẽ từ từ nhìn nhận.

- Mặt ông Thịnh tái xanh không còn chút máu. Ông như rời từ trên núi cao xuống vực. Ngày đầu tiên đoàn tụ, ông đã tiếp nhận một sự thật đau lòng đến thế này ư?’’[196, tr.254].

Đại tá Kim (Tiếng chuông trôi trên sông - Vũ Hồng), sau gần hết cuộc đời trận mạc, giờ sống trong cảnh cô đơn mới hiểu ra: ‘‘Cuộc đời như một

vòng xoay chong chóng, có làm gì chăng nữa cũng đến ngày chong chóng không đủ sức để quay nữa’’[68, tr.152]. Và ông kịp nhận ra dù muộn màng, hạnh phúc chính là những phút giây được sống êm đềm bên người ta yêu thương để được chăm sóc nhau một cách nhẹ nhàng, bình dị nhất. ‘‘Gần một đời đi tìm hạnh phúc, giờ đây tôi mới thấm thía rằng, hạnh phúc của con người là được sống trong những giây phút như thế. Tôi tưởng ở đâu xa và mãi mãi đi tìm’’[68, tr.162].

Cũng có khi nhà văn đặt nhân vật trong những tình huống tâm lí để tự suy nghĩ, tự bày tỏ quan điểm của mình về cuộc đời, về hạnh phúc, tình yêu…Nhân vật tôi (Vài ngày ở Cần Thơ - Mường Mán) sau cuộc tình vụng trộm đã kịp nhận ra. ‘‘Cuộc gặp gỡ vài ngày không chỉ là trò chơi vụng trộm cho đỡ buồn như chúng ta tưởng, mà là một cuộc ngoại tình đầy tính chất bi hài’’[183, tr.336].

Hoàn cảnh sống đã làm thay đổi tính cách con người, nhân vật xưng tôi (Một đoạn đời - Nguyễn Thanh Sơn) đã tự nhận thức ‘‘chốn chợ búa đã đào tạo tôi thành một thằng đểu cáng từ lúc nào cũng không hay’’[183, tr.517].

Giọng điệu suy ngẫm sâu xa có khi là sự trải nghiệm của con người về kinh nghiệm sống. Cuối cuộc đời Thầy Năm Mọi trong truyện ngắn cùng tên của Phạm Thường Gia mới “ngộ” ra ‘‘ở đời cái gì cũng có chừng mực, ham hố thái quá là không tốt’’[183, tr.155]. Niềm hạnh phúc của bậc làm cha, làm mẹ, khi thấy con mình trưởng thành, nhưng đối và Năm (Đất không cưu mang - Bích Ngân) thì: ‘‘Xót xa khi thấy càng trưởng thành, càng xa cái tuổi ấu thơ thì các con càng ít thuộc về bà. Càng ngày bà càng phải lệ thuộc chúng’’

[183, tr.396]. Có lẽ nỗi niềm của bà Năm không phổ biến, nhưng cũng hiếm trong xã hội ngày nay.

Tóm lại, giọng điệu suy ngẫm sâu xa trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, thường hướng vào những vấn đề của cuộc sống đời thường, gắn với

cuộc đời, số phận của mỗi con người. Một mặt nó đáp ứng được nhu cầu phản ánh hiện thực thời kỳ đổi mới, không chỉ dừng lại ở việc miêu tả sự kiện của đời sống mà hướng tới phân tích, lí giải hiện thực đời sống. Mặt khác, nó cũng phù hợp với dung lượng của truyện ngắn - hình thức tự sự cỡ nhỏ nhưng luôn yêu cầu về sức chứa và sự phản ánh.

Giọng điệu trong một số truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, là tiếng nói của người dân nơi đây, vừa là tiếng nói của một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy sự chuyển biến về giọng điệu: từ đơn giọng sang đa giọng. Với tính đa giọng, các tác phẩm trong truyện ngắn đã phản ánh được cuộc sống phù hợp với quy luật của thời đại và đi sâu vào nhiều ngóc ngách phản ánh tâm tư của con người và cuộc sống ở ĐBSCL, nhìn nhận vấn đề một cách tổng hòa hơn ở nhiều bình diện như cuộc sống phức tạp, muôn màu muôn vẻ đang diễn ra hằng ngày:

những khoảng tối - khoảng sáng, những cái bi - những cái hài, cái thiện - cái ác…

Có thể nói, giọng điệu trong truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, rất đa dạng góp phần tạo nên phong cách trần thuật độc đáo của các nhà văn ĐBSCL.

Tóm lại, nghiên cứu truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay, chúng tôi nhận thấy một số phương diện nghệ thuật như: Nghệ thuật tạo dựng tình huống, cốt truyện, không - thời gian nghệ thuật; nghệ thuật xây dựng nhân vật ; nghệ thuật sử dụng phương ngữ Nam bộ và giọng điệu đã có những sáng tạo và thành công nhất định. Những sáng tạo đặc sắc về nghệ thuật, tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để người đọc nhận ra đặc điểm riêng của truyện ngắn ĐBSCL so với truyện ngắn ở vùng miền khác. Đọc truyện ngắn ĐBSCL, người đọc dễ bị cuốn hút bởi chất sông nước Nam bộ rặt, không lẫn vào đâu được, văn hóa và con người ĐBSCL cũng dễ dàng được lưu giữ trong ấn tượng của độc giả.

Một phần của tài liệu Khảo sát đặc điểm truyện ngắn đồng bằng sông cửu long từ 1975 đến nay (Trang 190 - 195)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)