Theo Hegel: ‘‘Tình huống là một tình trạng có tính chất riêng biệt..., góp phần biểu hiện nội dung là cái phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật’’. Nhà văn sử dụng tình huống ‘‘như là một cách thức để tạo nên điều kiện bộc lộ tính cách nhân vật’’[143, tr.413]. Truyện ngắn với dung lượng hạn chế, cho nên không thể nói nhiều, nói đầy đủ như tiểu thuyết, điều quan trọng với truyện ngắn là phải lựa chọn cho được các tình huống để bộc lộ nét chủ yếu của tính cách và số phận đời sống con người.
Và thực sự những nhà văn có tài đều là những người có tài tạo ra những tình huống xảy ra truyện vừa rất cá biệt vừa mang tính phổ biến. Đối với truyện ngắn hiện đại, tình huống truyện lại càng có vị trí hết sức quan trọng.
Mỗi truyện ngắn luôn chứa đựng một tình huống truyện. Tình huống tiêu biểu ấy có nhiệm vụ gắn kết các nhân vật cùng tham gia các sự kiện. Thông qua đó các nhân vật bộc lộ tính cách cũng như những quan hệ của mình. Đồng thời tình huống truyện có vai trò đặc biệt thể hiện tập trung chủ đề của tác phẩm.
Tình huống truyện càng độc đáo, đặc sắc thì sức hấp dẫn của truyện càng mạnh mẽ. Một nét khá mới lạ trong sáng tác của các nhà văn ĐBSCL đó là xây dựng cốt truyện dựa trên tình huống.
3.1.1.1.Tình huống tâm trạng
Tình huống tâm trạng là tình huống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Và theo nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Có những nhà văn cố tình đưa nhân vật của mình
vào những va chạm bình thường hàng ngày, những tình thế giao tiếp hàng ngày, ai cũng nhiều lần trải qua và cái tình thế xảy ra lại nằm trong tâm trạng, tính cách nhân vật”[142, tr.119]. Chính vì thế, tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó. Nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng hệ thống chất liệu là cảm giác, cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng còn các khía cạnh khác như: ngoại hình, hành động…ít được quan tâm. Và vì thế nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn trữ tình.
Tình huống này thường gặp trong các truyện tâm tình, loại truyện không thiên về cốt truyện nhưng sâu sắc về tâm lý, với những sự kiện đặc biệt của đời sống, nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh những biến động trong thế giới tình cảm. Nhân vật trong tình huống này là con người tình cảm, được xây dựng bằng hệ thống chất lượng là cảm giác, cảm xúc.
Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi nhận thấy loại tình huống tâm trạng thường khó nhận biết, có khi chỉ là những sự việc vặt vãnh, nhưng nó buộc người đọc phải suy ngẫm.
Truyện ngắn Giữa dòng nước lũ của Anh Đào xoay quanh câu chuyện của mẹ con thằng Nước tình cờ gặp lại người cha, người chồng bội bạc. Từ đó mọi việc cứ diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật logic vốn có của nó. Ba thằng Nước vì sức hút kiếm tiền mà đành tâm dứt bỏ nghĩa vợ chồng, tình phụ tử. Ông nhẫn tâm phụ bạc người vợ hiền lành, bỏ mặc đàn con thơ dại chín năm chưa một lần về thăm, mặc vợ nhớ mong, chờ đợi, đàn con thiếu thốn hơi ấm tình thương của cha. Ba nó bỏ đi, mẹ nó phải vật lộn với cuộc sống để nuôi bầy con dại. Đáng lí họ phải hận ông ấy lắm, nhưng người vợ vẫn kiên trinh chờ đợi, sẵn lòng tha thứ cho người chồng bội bạc, mong một ngày gia đình sum họp. Còn thằng Nước lúc nào cũng yêu thương mẹ, đỡ đần mẹ trong
cuộc sống, chăm sóc các em. Khi má không đồng ý cho nó lấy tiền của ba, nó chạy xuống bến sông để trả lại tiền, nhưng ghe hàng đã nhổ sào đi từ bao giờ.
Biết vậy, nhưng ngày nào nó cũng “chạy xuống bến chợ mong ngóng”. Ước mong “gặp lại ba lần nữa đầy ắp trong trái tim nhỏ bé của nó”[182, tr.37].
Câu chuyện thể hiện tư tưởng nhân đạo, sự đồng cảm yêu thương đối với người lao động của tác giả. Dù trong hoàn cảnh nào, họ luôn hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, vẫn luôn khao khát yêu thương, khát khao hạnh phúc.
Ở truyện ngắn Thuốc đắng của Anh Động, tình huống tâm trạng được xây dựng trên cơ sở sự cả tin, mềm lòng cùng với sự kém hiểu biết của vợ chồng Năm Vâng trước thủ đoạn nham hiểm của mụ Ma Lanh. Tình huống truyện đơn giản, nhưng đã bộc lộ được khá đầy đủ nội dung tư tưởng mà tác giả Anh Động muốn chuyển tải đến người đọc về cuộc sống đời thường của người lính sau chiến tranh, người trí thức trong thời bình. Vì cơm áo, gạo tiền mà bị người khác lợi dụng, làm những việc trái với lương tâm, dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Tình huống tâm trạng có khi được xây dựng từ một kỉ niệm nghĩa tình trong những năm gian khổ giữa những người đồng chí, đồng đội với nhau để rồi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của đời sống họ vẫn luôn nhớ về nhau (Chim lá rụng - Thai Sắc; Kỉ niệm thoáng qua - Nguyễn Khai Phong).
Cũng có khi tình huống được xuất phát từ khám phá lí giải bình diện đạo đức trong cuộc sống đời thường, điều đáng quan tâm thì không được quan tâm mà chỉ quan tâm đến những chuyện tầm phào, chuyện riêng tư của người khác (Có một mùa mưa - Hồ Tĩnh Tâm).
Tình huống tâm trạng là tình huống khá phổ biến trong các truyện ngắn về chiến tranh thời kỳ đổi mới. Xu hướng phản ánh hiện thực từ góc độ đời tư cho phép, và đòi hỏi diễn biến tâm trạng, tình cảm con người trở thành một trong những đối tượng cơ bản để khám phá, tìm tòi.
Truyện ngắn Đường về của Lê Đình Bích là câu chuyện xoay quanh tâm trạng của John - một người lính Mĩ trở lại vùng đất mà anh có những kỉ niệm buồn trong cuộc chiến và anh bất ngờ khi được con người nơi đây tiếp đón một cách thân thiện. Với anh nơi đây là ‘‘một chiến trường quá buồn bã nhưng cũng là một tình trường tươi thắm”[182, tr.16].
Một người bị bỏ quên của Hào Vũ là câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Hà qua lời kể của nhân vật “tôi” là phóng viên của một tờ báo tỉnh cũng là bạn cùng đơn vị chiến đấu với Hà, cũng không ai khác chính anh là người phát hiện ra Hà vẫn còn sống. Trong khi gia đình, vợ con anh ngoài Bắc đều nghĩ anh đã chết trong một trận chiến đấu ác liệt xảy ra trên sông và anh được truy phong danh hiệu “dũng sĩ quyết thắng” nhưng giờ đây “Hà vẫn còn sống, ngay tại đây, với người vợ thứ hai của anh, sống thầm lặng, sống như một người đã chết, như không cần biết chi tới sự đời”[182, tr.369].
Anh trốn chạy quá khứ, trốn chạy tất cả mọi người. Chỉ vì anh đã mang ơn chị Ba Bình vợ anh bây giờ, anh lỡ có tình cảm. Vì anh không bao giờ nghĩ chiến tranh có ngày kết thúc, anh không nỡ làm ai đau khổ. Anh không dám đối mặt với hiện thực, anh trốn tránh nhiệm vụ của bản thân đối với cuộc đời mình.
Sau khi nói chuyện với nhân vật tôi anh đã có một quyết định “Đi đâu, không, nó sẽ không đi đâu, không bỏ trốn đâu, nó sẽ trở về với chị, với thằng nhỏ, trở về với chúng ta. Chị cứ tin tôi”[182, tr.386].
Không ít tình huống tâm trạng được xây dựng từ những kỉ niệm những hồi ức, những nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Có những vết thương, những nỗi đau mà mãi mãi không bao giờ lành được (Nhạc rừng - Lương Hiệu Vui).
Truyện ngắn Vết thương thứ mười ba của Trang Thế Hy, đề cập đến nỗi đau của con người sau chiến tranh. Đó là tâm trạng của vợ chồng anh Hữu và chị Châu về nỗi đau tinh thần do chiến tranh để lại. Hòa bình lập lại, họ trở
về với cuộc sống đời thường. Họ cũng có một gia đình hạnh phúc như bao gia đình. Anh Hữu là người chồng hết mực yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho chị Châu - người đồng chí, người bạn đời của mình. Chị Châu là một phụ nữ chịu nhiều bất hạnh. Chị mang trong người căn “bệnh buồn” vô phương cứu chữa.
Nhất là mỗi khi nhắc đến chiến tranh, chị vừa buồn vừa giận. Chính chiến tranh là kẻ thù đã cướp cái quí giá nhất của đời người con gái, nỗi đau mà lâu nay chị âm thầm chịu đựng và muốn chôn chặt trong lòng. Tuy thương yêu, lo lắng, quan tâm cho nhau, nhưng giữa họ vẫn còn tồn tại một sợi dây vô hình, làm cho không khí gia đình mỗi khi trò chuyện lại trở nên nặng nề. Nhưng cuối cùng chị cũng nói ra tất cả và đã ra đi một cách thanh thản.
Ở truyện ngắn Vết thương thứ mười ba, qua tâm trạng NV chị Châu, nhà văn muốn nhắn gửi với người đọc: chúng ta không chỉ biết tự hào kiêu hãnh về những kì tích trong chiến tranh, mà cũng cần phải thấu hiểu những nỗi đau chiến tranh như nỗi đau mà nhân vật chị Châu phải âm thầm chịu đựng mấy chục năm trời cho đến khi qua đời.
Cũng có tình huống tâm trạng được tạo dựng từ những biến cố trong đời sống gia đình.
Truyện Núi lở của Nguyễn Ngọc Tư từ đầu đến cuối tái hiện sinh động tâm trạng của một sinh viên điện ảnh tên Vĩnh. Đầu tiên Vĩnh say, mà ta sẽ thường liên tưởng tới một người say hay nói chuyện viễn vông, càn quấy.
Nhưng đây là một người say nói thật. Anh đã đem những ký ức thầm kín
‘‘buồn khủng khiếp’’ của mình trút hết vào một dự định kịch bản phim. Vĩnh bị ám ảnh, dằn vặt đến lạnh ngắt cả người, nước mắt chảy đầm đìa vì một ký ức ghê rợn của tuổi thơ. Đó là cái chết của người ông thương yêu, cái chết diễn ra trước mặt cả gia đình Vĩnh. Một đứa trẻ không thể ngờ và không hiểu tại sao cha mẹ của mình lại có thể cứu một khách làng chơi, và còn không quên cứu cả một con nhồng mà lại bỏ người cha ruột già nua - ông nội của
Vĩnh lại. Khi anh trưởng thành, anh mới biết đó là hai bộ não độc ác, tàn nhẫn, ích kỷ và hám lợi, đã dám đem con mình nhúng vào chốn nhơ và đã dám lăng mạ sự cao quý của người ông, bất chấp những hủy hoại về mặt tinh thần, tình cảm. Đến cuối truyện, người đọc mới vỡ lẽ đây không phải là một câu chuyện phim tưởng tượng mà chính là câu chuyện đời của Vĩnh, để rồi phải bàng hoàng, nghẹn ngào cùng nhân vật. Đây chính là hiệu ứng của tình huống truyện: ban đầu tác giả bọc cho câu chuyện một lớp áo điện ảnh, để người đọc phải hoài nghi giá trị của kịch bản ấy ở tính hiện thực. Nhưng qua tâm trạng nhân vật kể chuyện Vĩnh, sự né tránh đó của tác giả là một sự tố cáo âm thầm nhưng quyết liệt, đầy đay nghiến, một cuộc ‘‘lật mặt nạ’’ cuộc đời.
Tưởng như chuyện bịa, không tưởng vì nó quá lạnh lùng, nhưng những sự kiện xảy ra trong ấu thời của Vĩnh ấy là sự thật ở đời mới thật đáng sợ.
Với truyện Về nhà trước cơn mưa của Trang Thế Hy, thì tình huống truyện là tâm trạng của ba nhân vật là người cha, người đàn ông bán đá cục đến anh Diên. Tâm trạng của họ xoay quanh một đứa trẻ bị bỏ lại bên vỉa hè.
Đều yêu thương nó nhưng họ không có đủ khả năng thực tế để có thể tránh khỏi hành động ‘‘bỏ chạy’’, để đứa bé lại với vỉa hè lạnh lẽo và cay nghiệt.
Tất cả họ đều bị cắn rứt, dằn vặt lương tâm. Người đàn ông bán đá cục đã phải có những giờ đồng hồ ngồi trầm tư, vật vã bên đứa bé đáng yêu. Anh Diên cũng phải ray rứt đến những giờ phút sau cùng trên giường bệnh. Quan niệm đạo đức cao cả ‘‘kiến nghĩa bất vi vô dõng giả’’ của họ đã không thể thực hiện được trong mọi thời điểm của cuộc đời, do cái đói nghèo chì kéo.
Đặc biệt, nhân vật anh Diên thấy mình đã ‘‘hèn nhát’’ phụ lại phương châm sống ấy dù chỉ mới một lần anh không thể làm việc nghĩa. Toàn truyện là một bầu tâm trạng buồn đến nao lòng của những con người đầy trăn trở về tình thương, trách nhiệm đối với đồng loại của mình.
Có thể nói, cách xây dựng tình huống tâm trạng trong truyện ngắn ĐBSCL rất phong phú và đa dạng. Điều này cho thấy ý thức tìm tòi và sáng tạo của các cây bút truyện ngắn ĐBSCL trên từng phương diện. Tuy chưa có những tình huống tâm trạng vào loại đặc sắc, độc đáo, nhưng sự thành công như đã trình bày trên cũng rất đáng ghi nhận.
3.1.1.2.Tình huống hành động
Tình huống hành động là loại tình huống mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế thường là éo le chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật - nhân vật hành động. Tức là loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi, hành động của nó, các bình diện khác ít được quan tâm. Do đó, nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện: truyện ngắn giàu kịch tính. Thậm chí mỗi thiên truyện ở dạng rõ nét nhất có thể coi như một màn kịch, một vở kịch ngắn bao hàm những xung đột đời sống.
Ở truyện ngắn Gió lẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng một tình huống trớ trêu, ngang trái. Nhân vật em có cả một mái ấm gia đình hạnh phúc bên cha mẹ, nhưng bỗng một ngày chuyện bất ngờ lại xảy ra: ‘‘Có lần em lén lấy dao cạo râu cha để tỉa lông cho con cho Lu Lu. Không ngờ vì chuyện đó cha mẹ cãi nhau, cha chỉ vào em hỏi mẹ, từng từ khít như mau rỉ qua kẽ răng: cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này? Mẹ em không trả lời, lẳng lặng vào phòng, khoá cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ em treo mình đung đưa trên xà nhà’’[172, tr.139]. Chỉ một câu hỏi cay nghiệt của người chồng đã dẫn đến cái chết tức tưởi của người vợ và làm cho đứa con gái ngây thơ không bao giờ nói được tiếng người nữa. Sau biến cố ấy, thì bi kịch tiếp tục ập đến và dồn cô bé tội nghiệp đến chân tường: ‘‘Bỗng dưng thấy mình bị ép chặt xuống tấm vắn mối ăn lấm tấm và một bàn tay lần vào áo em, thì em giật mình. Em gào
lên, nhưng giọng tắt trong bàn tay khẳm mùi rượi, thịt và nước tiểu’’[172, tr.151].
Ngược lại ở Đất không cưu mang của Bích Ngân, với tiếng kêu hớt hải
‘‘Ba, ba ơi’’ của đứa con gái Út, mà ông Mười đã từ bỏ ý định tự tử ‘‘Ông mềm nhũn trước tiếng kêu đó. Ông tuột từ trên cây cao xuống khi nghe tiếng khóc rấm rứt của con Út. Ông bế thốc con Út lên và xiết chặt nó vào lòng’’[183, tr.379].
Truyện ngắn Không có cái truyện ngắn nào cả của Phạm Trung Khâu là cuộc trò chuyện giữa nhân vật Thân (và cũng là chính tác giả) và một vị khách thật đặc biệt, chính là lương tâm của tác giả, là con người thứ hai của tác giả. Thân là một người quá xem trọng vật chất, anh chăm chút lau từng vết bụi dơ trên máy thu băng, anh cằn nhằn mãi thằng Tín vì nó vô tình làm dính một vết dơ lên máy (chưa hẳn là do thằng Tín làm). Ngay cả ngày giỗ của ba mình anh cũng không ở nhà mà đi thành phố để mua thêm hàng. Anh còn dặn vợ làm gòn gọn vì“tiền anh dành dụm từng đồng dại gì phung phí”[182, tr.166]. Anh còn là một người sống vì dư luận, sợ dư luận và sống giả dối.
Anh đề nghị rước mẹ vợ về ở chung với mình, chỉ vì sợ người đời chê trách.
Qua những suy nghĩ và hành động của nhân vật Thân, truyện đã gửi đến người đọc trong cuộc sống hiện nay có một số người chỉ coi trọng cơm áo gạo tiền, vật chất mà quên mất cái nghĩa, cái tình của người.
Truyện Một chuyến đò của Trầm Nguyên Ý Anh đã đặt nhân vật vào một tình huống oái oăm độc đáo là ‘‘chọn mẹ để cứu’’. Trước khi có tình huống đỉnh điểm này, nhân vật Thân đã được thể hiện bằng những hành động chăm chút cho người mẹ nuôi giàu có ngay trước mặt người mẹ ruột đáng thương -
‘‘gã đã làm đủ mọi cách để mong được có tên trong tờ giấy chia gia tài của bà Quang’’[196, tr.291]. Chuyến chìm đò, buộc Thân phải chọn cứu một trong hai bà mẹ. Giữa bà mẹ nuôi giàu có và người mẹ ruột nghèo hèn, thằng