Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án có ba chương:
Chương 1: Khái quát về truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay.
Chương 2: Những cảm hứng trong truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay.
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật của truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long từ 1975 đến nay.
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN NGẮN
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TỪ 1975 ĐẾN NAY 1.1. Khái quát về lịch sử, xã hội và văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long
1.1.1. Khái quát về lịch sử, xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long Nam bộ bao gồm hai vùng đất có nét riêng là Đông Nam bộ và Tây Nam bộ - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Mạc Đường, trong bài viết: Vấn đề dân cư và dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long thì ‘‘Khái niệm ‘‘đồng bằng sông Cửu Long’’ được phổ dụng rộng rãi từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến nay. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất miền Tây Nam Bộ, là nơi có sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu nhỏ của sông Mêcông chảy ra biển mà nhân dân ta từ xưa quan niệm là chín rồng (Cửu Long) phun nước để tưới vùng đất đai này’’[162, tr.54].
ĐBSCL là vùng đất tiếp nối địa hình bán sơn địa với một đồng bằng châu thổ phẳng và thấp. Với diện tích khoảng 39.568 km2, ĐBSCL gồm 13 tỉnh thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, và thành phố Cần Thơ, với dân số trên 21 triệu người, nơi đây:
Ruộng đồng mặc sức chim bay Biển bờ lai láng, cá bầy đua bơi
Nói đến ĐBSCL là nói đến một thực tại lịch sử - lịch sử khai phá vùng đất đất Nam bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng. Trước thế kỷ XVII, vùng đất này ngủ yên trong vẻ hoang sơ u tịch, với dân số bản địa ít ỏi và thưa thớt.
Sang thế kỷ XVII, dưới thời các Chúa Nguyễn cư dân người Việt ở miệt ngoài
di cư vào đây lập nghiệp khai phá. Và thực dân Pháp tiếp nối tiếp nối quá trình đó trong chính sách khai thác thuộc địa.
ĐBSCL trong suốt tiến trình lịch sử của mình luôn trải qua những biến cố liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc.
Điểm đặc trưng nhất khi nói đến ĐBSCL là người ta dễ dàng liên tưởng đến một vùng sông nước. Ở đây những dòng sông xẻ ngang, xẻ dọc, những con rạch chằng chịt ôm lấy những cánh đồng lúa bao la, ôm lấy xóm ấp tạo nên một hình thái giao thông hết sức đa dạng. ĐBSCL được coi là vương quốc của sông rạch. Chính vì vậy mà người dân miền Tây có thể ngồi trên ghe đi khắp vùng đồng bằng, qua các thành phố, thị trấn, xóm ấp, miệt vườn... mà không phải đặt chân lên bờ. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân luôn gắn bó với mọi biến động của dòng nước, của con nước. Nếu ngoài Bắc người dân bám lấy mặt đường để làm ăn buôn bán, ở ĐBSCL người dân bám lấy mặt sông, mặt kênh mà sinh sống. Có chỗ một dãy dài vài ba cây số, dân làm nhà chen chúc hai bờ sông, sàn nhà mấp mé mặt nước.
Nhà nào cũng hướng ra mặt sông, mở cửa là bước xuống xuồng. Sông rạch ở đây còn đem phù xa nước ngọt bồi đắp, tưới mát cho những miệt vườn đầy ắp trái cây, những cánh đồng lúa tươi tốt và cá tôm nhiều vô kể. Dường như con người nơi đây đã gắn chặt cuộc đời mình với sông nước, nơi nào có sông, rạch là có ghe, xuồng. Có chiếc ghe để làm ăn sinh sống là là nhu cầu và ước vọng của người dân. Nhiều gia đình đời này qua đời khác lập nghiệp bằng chiếc ghe, coi nó như ngôi nhà của mình. Nhiều ghe thuyền tụ lại tạo nên khu dân cư nổi, chợ nổi trên sông.
Người xưa đã nói Thiên - Địa - Nhân hợp nhất, nghĩa là trời, đất, con người luôn có mối giao kết liên quan đến nhau. Vùng đất, thời tiết nào con người ở đó có phong cách, sắc thái riêng của vùng đó, nó cũng như trái cây, con vật đặc sản ấy.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ĐBSCL cùng cả nước hân hoan mừng chiến thắng. Thế nhưng vết thương chiến tranh chưa lành, người dân các tỉnh biên giới lại phải đối đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó là muôn vàn khó khăn khác : nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, nhiều vùng nông thôn bị hoang hoá, công nghiệp không đáng kể, nạn thiếu ăn xảy ra nghiêm trọng, rồi lũ lụt, dịch bệnh... Nhưng với ý chí quyết tâm và tinh thần không sợ gian khổ, người dân ĐBSCL từng bước tạo nên những thành tựu rất đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hoá xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên.
Sau ngày giải phóng ĐBSCL các Đài truyền thanh huyện, thị; Báo, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố đi vào hoạt động, kịp thời phục vụ đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong vùng. Các Hội văn học nghệ thuật, Tạp chí văn nghệ là nơi phát hiện, đào tạo đội ngũ sáng tác và giới thiệu tác phẩm của họ đến công chúng.
Từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, đời sống có những biến chuyển khá rõ nét. Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Các lễ hội truyền thống được khôi phục có chọn lọc, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Các loại hình hoạt động văn hoá truyền thống như đờn ca tài tử, sân khấu cải lương cũng được duy trì và phát triển ở nhiều địa phương.
1.1.2. Khái quát về văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nhà nhiên cứu văn hoá Ngô Đức Thịnh chia đất nước ta thành bảy vùng văn hoá, trong đó văn hoá Nam bộ là vùng thứ bảy và có đặc điểm là vùng đất mới. Việc phân vùng văn hoá được xác định trên cơ sở mối quan hệ giữa văn hoá lịch sử và địa lý của một vùng và gọi tắt là vùng văn hoá. ‘‘Vùng văn hoá là một vùng lãnh thổ, có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu có mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử có những tương
đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ đã trải qua các mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hoá qua lại mật thiết, nên từ lâu đã hình thành những sắc thái văn hoá chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, có thể phân biệt với những vùng văn hoá khác’’[150, tr.64].
Trong mỗi vùng như vậy lại có những tiểu vùng và có những đặc trưng riêng lẻ.‘‘Vùng văn hoá Nam bộ, xét trên cả phương diện địa lý và lịch sử, đều là vùng thứ bảy và có ba tiểu vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và tiểu vùng Sài Gòn - Gia định’’[154, tr.17].
Điều kiện địa lý và lịch sử làm cho ĐBSCL có những nét đáng lưu ý về mặt văn hoá. Đây là nơi cộng cư của nhiều tộc người như Việt, Hoa, Khmer, Chăm trong đó người Việt đóng vai trò chính. Ngay người Việt cũng là dân
‘‘tứ chiếng’’ gồm nhiều lớp người với nhiều nguyên nhân từ Bắc và Trung bộ hội nhập về đây. Cho nên, đây là nơi diễn ra quá trình giao lưu văn hoá giữa các tộc người, là vùng văn hoá với nhiều sắc thái đặc trưng. Những người Việt đầu tiên đến định cư ở vùng đất mới đều từ miền Bắc và miền Trung. Họ đến và mang theo vốn văn hóa gốc rễ của mình. Bốn nguồn văn hóa cộng lại thành một nền văn hóa cộng cư đặc trưng của ĐBSCL trong nền văn hóa Việt Nam. Đó là một nền văn hóa vô cùng phong phú và lạ lẫm. Nếu người Việt có những làn điệu cải lương hay những câu hò, điệu lý thì người Khmer lại thể hiện bản sắc của mình trong điệu múa roăm - vuông, hát đối đáp Aday hay nhịp trống Chay - dăm. Nếu người Chăm có những hoạt động nghệ thuật sôi động trong những ngày kết thúc tháng Ramada sinh nhật Muhamed hoặc các dịp hôn nhân cưới hỏi thì người Hoa lại góp vào đời sống văn hóa Nam bộ những câu hát Tiêu, hát Quảng...
Nhưng sức hấp dẫn mãnh liệt nhất của mảnh đất này vẫn là những trang sử đấu tranh chói lọi thể hiện tinh thần bất khuất và ý chí quật cường của những người nông dân lưu tán “từ thửa mang gươm đi mở cõi” để chống chọi
với thiên nhiên khắc nghiệt trên vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lền như bánh canh”.
ĐBSCL cũng là vùng đất hội nhập nhiều luồng văn hóa Đông - Tây khác nhau nên cốt cách con người và nghệ thuật hấp thu được những sắc thái và linh khí của văn hóa các dân tộc. Quá trình đó đã bồi đắp nên những giá trị nhân văn, hình thành những giá trị văn hoá mang sắc thái riêng cho vùng đất này.
ĐBSCL còn là khu vực sinh thái và địa lý có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi cảnh quan thiên nhiên của vùng sông nước. Vì thế đặc điểm nổi bật của văn hoá ĐBSCL là văn hoá sông nước. Điều này được thể hiện qua tập quán, các lễ hội về nước và đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp có liên quan đến sông, rạch.
Các tộc người ở ĐBSCL chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Trong công cuộc khẩn hoang để khai phá đất đai và phát triển nghề trồng lúa nước cũng như trong cuộc sống, ảnh hưởng và giao lưu văn hóa giữa các tộc người diễn ra thường xuyên. Từ công cụ sản xuất, nhà ở đến cách ăn mặc, nếp sống, lễ nghi...đều có thể tìm thấy sự đan xen giữa các truyền thống văn hóa. Trong quá trình đó, người Việt cũng tiếp nhận các yếu tố văn hóa Khmer. Chiếc khăn rằn của người Khmer Nam bộ đã trở nên phổ biến và trở thành một biểu tượng quen thuộc của người Nam bộ.
Cuộc sống, sinh hoạt của người dân miền Tây đơn giản, gắn với địa hình sông nước. Văn hoá ăn, mặc, ở, đi lại,...cũng mang đặc thù riêng và phù hợp, hài hòa với môi trường sinh thái tự nhiên. Vùng cao thì cất nhà trệt, vùng ngập lụt thì cất nhà sàn. Món ăn quen thuộc của người dân ĐBSCL là canh chua cá đồng nấu với bông điên điển, bông súng, bông lục bình..., mắm kho, chuột khìa, cá lóc nướng trui, rắn hầm nước dừa, rùa rang muối, cá linh nhúng giấm,...các món cá khô nổi tiếng như khô lóc, khô sặc rằn trộn với xoài bằm, khô cá kèo, cá khoai thì chấm nước mắm me... Xuồng, ghe là phương tiện di
chuyển phổ biến và thuận tiện của người dân vùng sông nước. Vì vậy, hình ảnh chiếc xuồng ba lá là một biểu tượng văn hóa vùng sông nước. Nếu trang phục truyền thống của người miền Bắc là áo tứ thân thì Nam bộ là áo bà ba.
Hình ảnh chiếc áo bà ba đã đi vào âm nhạc, văn chương, trở thành biểu tượng của văn hóa mặc Nam bộ. Đối với vùng ĐBSCL, chợ nổi không đơn thuần là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa mà đã trở thành nét văn hóa riêng của vùng sông nước.
Bàn tới văn hoá vùng đất này, chúng ta không thể không nói tới tính cách Nam bộ. Sơn Nam, Trịnh Hoài Đức khi bàn về tính cách người khẩn khoang ở vùng đất phương Nam hoang sơ và khắc nghiệt, đã dùng cụm từ ‘‘sĩ khí hiên ngang’’ để chỉ những con người ‘‘kiến nghĩ bất vi vô dõng giả’’, chuộng công bằng lẽ phải’’[104]. Trong cuốn Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam có nhận xét về con người Nam bộ ‘‘Họ cởi mở, chan hoà, dễ kết thân, dễ hoà vào cộng đồng mới lạ, không sĩ diện kiểu kẻ sĩ, không coi trọng môn đăng hậu đối’’[154, tr.50]. Dương Hoàng Lộc nhìn nhận con người Nam bộ ở tính khoan dung: ‘‘Người Việt đến từ một nền văn hoá nông nghiệp lúa nước lâu đời,... tinh thần tương trợ, thương yêu, nhân ái và thấm đượm tính khoan dung hết sức nhân bản của 4000 năm văn hoá dân tộc’’[92, tr.69].
Tính cách Nam bộ là một khía cạnh văn hoá ứng xử và để lại dấu ấn rõ rệt trong mọi mặt đời sống văn hoá. Ở vùng đất mới, người dân phải trải qua biết bao khó khăn gian khổ trong cuộc sống. Vì thế, ngay từ buổi đầu gặp gỡ, họ đã biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên trở nên gắn bó chặt chẽ hơn. Mặt khác, sống trong điều kiện sông nước mênh mông, nhiều kênh rạch, không bị giới hạn bởi sự ngăn cách từ đó hình thành nếp sống, cách cư xử, nét sinh hoạt và một phần tính cách con người ĐBSCL. Lưu dân người Việt ở vùng đất này đa số xuất thân từ những gia cảnh nghèo khó, ít chữ nghĩa. Hơn
nữa, khi vào vùng đất mới, họ cũng ít chịu ảnh hưởng của nho giáo, không rành ngôn ngữ thánh hiền, không quen dùng văn chương hoa mỹ, thích nói ngắn gọn, nôm na dễ hiểu... Đặc điểm riêng đặc sắc đó của mỗi tộc người ngày một phát triển và hội nhập vào nhau tạo nên nét đặc trưng không dễ trộn lẫn của văn hóa vùng Nam bộ, tạo nên tính cách chung của con người Nam bộ trọng nghĩa, khinh tài, phóng khoáng và hiếu khách... Và vượt lên trên tất cả là từ rất sớm các cộng đồng cư dân Nam bộ đã có truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt người đến trước, người đến sau, không kỳ thị dân tộc. Truyền thống quý báu này được hình thành và phát triển trong nhiều thế kỷ. Càng đi sâu, ta càng thấy thú vị và đầy cảm hứng văn chương. Người Nam bộ cũng để lại sắc thái rất riêng biệt trong cách diễn xướng dân gian theo kiểu nói nói như nói vè, nói thơ, nói tuồng... Họ còn được biết đến là những con người yêu thích âm nhạc và ca hát. Đặc biệt là sân khấu cải lương, hát bội, đờn ca tài tử.
Có thể nói người Nam bộ trong lịch sử là người ‘‘mang gươm đi mở cõi’’, trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm có ‘‘hào khí Đồng Nai’’, trong hiện tại, cung cách làm ăn của người Nam bộ thoáng hơn, cởi mở và năng động chắc chắn sẽ là con người đóng góp sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước.
Ngoài ra, nói tới sắc thái văn hoá Nam bộ, chúng ta không thể không nói tới ngôn ngữ - tiếng Nam bộ. Đó là phương ngữ Nam bộ được hình thành trong quá trình người Việt đến khẩn hoang đồng bằng Nam bộ. Nó thu hút vào mình ngôn ngữ của những con người từ muôn nơi lưu lạc đến, nhưng đồng thời cũng sản sinh và phản ánh thế giới tự nhiên và con người nơi vùng đất mới với bao màu sắc mới mẻ và đa dạng.
ĐBSCL là mảnh đất màu mỡ, trù phú phía Nam của Tổ quốc. Hành trang tinh thần của người Việt về phương Nam có cả truyền thống thượng võ và cả
nét hào hoa của lịch sử 4000 năm văn hiến. ĐBSCL là vùng đất trẻ, văn hoá vùng đất này dù đã được hình thành trong một thời gian dài nhưng vẫn đang ngày được định hình rõ nét hơn.
Tóm lại, từ bối cảnh lịch sử - xã hội - văn hoá, luận án có thêm cơ sở để làm rõ diện mạo cũng như những đặc điểm nổi bật về cả hai phương diện nội dung và hình thức của truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay.
1.2. Quan niệm về truyện ngắn và truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long 1.2.1. Quan niệm về truyện ngắn
Truyện ngắn là gì? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời để có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Khi xác định nội hàm khái niệm truyện ngắn, các nhà nghiên cứu đã đặt truyện ngắn trong mối quan hệ với các thể loại tự sự khác.
Cách làm phổ biến là so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết. Về cơ bản, truyện ngắn và tiểu thuyết có những đặc điểm giống nhau. Phân tích 600 truyện ngắn và 300 tiểu thuyết, Helmut Bonhein đã đưa ra kết luận: “Không có yếu tố đơn lẻ nào trong nhiều định nghĩa truyện ngắn mà không thể tìm thấy trong tiểu thuyết”[43, tr.420]. Đứng trên quan điểm này, Norman Friedman, một nhà lý luận tầm cỡ về thể loại truyện ngắn cũng nhận định: “Quá trình quy nạp là thu thập một mẫu đúng về những gì được coi là truyện ngắn để kiểm tra đặc điểm của chúng trong mẫu đó và so sánh những đặc điểm này với những đặc điểm lấy ra từ mẫu đúng của tiểu thuyết”[43, tr.420]. Và Friedman cũng cho rằng :“Có thể không có sự khác biệt nào giữa truyện ngắn và tiểu thuyết (từ những yếu tố bề ngoài về độ ngắn dài); hoặc có thể kết quả tốt hơn, đó là sự khác biệt về cấp độ chứ không phải về chủng loại”[43, tr.421]. Hay nói khác hơn, ông đã chỉ ra:“Truyện ngắn chỉ khác tiểu thuyết ở quy mô của hành động và cách thể hiện hành động ở mức độ dài ngắn (tức là khác biệt về cấp độ) chứ không có sự khác nhau về thể loại (vì cũng là hình thức tự sự hư cấu bằng văn xuôi)”[43, tr.421]. Như vậy, theo quan niệm của Friedman, nếu so