Trong thực tiễn sáng tác truyện ngắn, các nhà văn chú ý đến hai khâu quan trọng khi xây dựng kết cấu: mở đầu và kết thúc truyện. Hai yếu tố này có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong chỉnh thể kết cấu truyện ngắn. Nó góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.
Kết thúc cũng phải tuân theo quy luật phát triển khách quan cuộc sống nhân vật trong cái trật tự logic nội tại của tác phẩm. Có kết thúc đánh dấu sự giải quyết trọn vẹn xung đột được miêu tả trong tác phẩm. Lại có kết thúc tuy đánh dấu sự xoá bỏ của xung đột, xác định tính cách và số phận nhân vật nhưng mâu thuẫn vẫn có thể tiếp tục căng thẳng hoặc chưa bị xoá bỏ. Hình thức kết thúc không trọn vẹn này được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm truyện ngắn hôm nay. Mặc dù vậy, cách kết thúc nào trong truyện ngắn cũng nhằm tái hiện nghệ thuật dòng chảy phức tạp của đời sống và tạo ấn tượng duy nhất trọn vẹn và lâu dài ở người đọc. Cùng với mở truyện, kết truyện cũng có ý nghĩa then chốt góp phần vào việc lý giải một cách đúng đắn nội dung, tư tưởng tác phẩm.
Thông thường trong một tác phẩm, cách kết thúc giữ vai trò quan trọng.
Bởi lẽ, nó có khả năng khái quát cảm xúc, tư tưởng của nhà văn. Đó cũng là nơi tập trung sức biểu hiện của chủ đề tác phẩm. Ở truyện ngắn điều này được thể hiện linh hoạt hơn. Đặc trưng cơ bản của truyện ngắn là phải ngắn, cô đọng, nên phần kết thúc cũng có nhiều điểm khác với tiểu thuyết. Maugam, nhà văn Anh - tác giả của nhiều tập truyện ngắn cho rằng: ‘‘Trong thực tế, các cốt truyện thường khó phân tích rành mạch, không rõ bắt đầu ở đâu, và chấm dứt mọi chuyện ở đâu’’.
Như vậy, không có nghĩa là người viết truyện ngắn không phải lựa chọn một điểm dừng. Nếu biết chọn điểm dừng, sức chứa và sức đọng của câu truyện sẽ tốt hơn.
Tìm hiểu truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi thấy kết thúc truyện rất đa dạng: Kết thúc có hậu; kết thúc đóng và kết thúc mở. Thậm chí nhiều truyện ‘‘ít tuân thủ theo kết cấu truyền thống,...thậm chí nhiều truyện không có phần kết giống như giống như một cánh của khép hờ’’[123].
Chúng tôi đặc biệt chú ý tới kiểu kết thúc mở, vì ở đó thấy rõ sự nỗ lực của các tác giả trong việc cách tân thể loại truyện ngắn.
3.1.2.1. Kết thúc có hậu
Kết thúc có hậu là môtíp kết thúc truyện truyền thống. Kiểu kết thúc này chi phối toàn bộ sự phát triển của các tình tiết cũng như tính cách nhân vật. Vì vậy, tình tiết truyện dù phức tạp đến đâu, mâu thuẫn căng thẳng đến đâu, câu chuyện cũng sẽ kết thúc ở chỗ trọn vẹn nhất. Ở mô hình kết thúc này người viết không có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề của tác phẩm mà chỉ chấp nhận một cốt truyện đã được giải quyết xong xuôi.
Về với mảnh vườn xưa của Anh Đức có một kết thúc thật mỹ mãn, người cha tìm lại được giọt máu rơi của mình sau bao nhiêu năm chiến tranh, ly tán rồi hòa bình lập lại. Một hạnh phúc bất ngờ cho một số phận tưởng như sẽ chịu mãi cảnh cô đơn với tuổi già. Kết thúc cảm động trong sự sum họp tạo cho người đọc niềm tin và hy vọng ở cuộc đời.
Truyện ngắn Thầy Năm Mọi – Phạm Trường Gia, kết thúc để lại tiếng cười và sự sảng khoái cho người đọc. Thầy Năm Mọi làm nghề thầy bói lẫn thầy thuốc, “khôn lỏi” và may mắn. Cuối cùng thầy đã biết rút lui khỏi nghề
“làm ăn” bằng bùa ngải đúng lúc, với tài sản hậu hĩnh: “một bọc vàng, đủ cho ông xây nhà tường, lợp tôn sáng choang”[183, tr.147],“Cái may không thể lặp lại hai lần vậy mà tao đã được nhiều quá”[183, tr.155] và đúc kết bài học về cách sống: “Ở đời, cái gì cũng có chừng mực, ham hố thái quá là không tốt. Phải biết đủ mà dừng…”[183, tr.155]. Thầy Năm Mọi đã có được hạnh phúc do đã nhìn ra một chân lý quý báu trong cuộc sống con người.
Truyện Bông mai giữa Đồng Tháp Mười – Lê Thanh Huệ, kết thúc với việc đưa ra hai mẫu người tương phản nhau:
Hoài - một anh cán bộ đoàn ưa “an nhàn, thỏa mãn một cách lười nhác với cương vị của mình”[183, tr.226].
Mai - một con người trung thực, thích đấu tranh với cái xấu, thích cống hiến. Hai con người đều cứng rắn sống theo cách của mình.
Cuối cùng vượt qua nhiều thử thách, Hoài đã chọn lí tưởng cống hiến cho quê hương, chấp nhận gian khổ như Mai. Chính điều đó đã giúp họ tái hợp, trở về bên nhau sau 3 năm xa cách. Mâu thuẫn tưởng như chỉ có bế tắc, không giải quyết được bởi vì “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” nhưng tác giả đã khéo léo sắp đặt tạo nên một kết thúc êm thấm, viên mãn. Cái nhìn của nhà văn đối với đạo đức con người là cái nhìn bao dung, lạc quan, đầy hy vọng.
Còn trong truyện ngắn Khoảnh khắc hoa quỳnh nở - Ngô Vĩnh Nguyên, người cha nuôi (Vĩnh) tưởng chừng như sắp bị đe dọa tước mất con bởi tay cha ruột của Huệ (Lê Thước) nhưng sự thực, Thước chỉ đến để thấy con rồi lặng lẽ đi. Một cái tết êm đềm sắp đến khi “ở nhà, Phượng đã pha xong bình trà ướp sen thơm lừng, nhấp nhỏm ló đầu qua cửa sổ, nhìn thấy bông quỳnh đang chớm nở”[183, tr.438]. Hạnh phúc của cuộc sống tất yếu phải ban cho những người xứng đáng được hưởng nó - những người dám hy sinh và biết yêu thương người khác.
Cha tôi và chú tôi – Thai Sắc, toàn bộ truyện là một chuỗi bi kịch xảy ra trong một gia đình. Tuy vậy, sau bao nhiêu nghi ngờ, xung khắc, khinh miệt…những người trong cùng gia đình cũng đã tha thứ cho nhau, gắn kết lại với nhau. Một kết thúc có hậu mang tính nhân văn sâu sắc.
Với kiểu kết thúc có hậu, người đọc không có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề của tác phẩm mà chỉ chấp nhận một cốt truyện đã được giải quyết xong. Truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay, nhất là sau những năm 80 kiểu kết thúc truyền thống có xu hướng giảm dần. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển, đổi mới tư duy nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của người đọc.
Tóm lại, ở mỗi truyện kết thúc có hậu theo hướng khác nhau trên cơ sở diễn biến của nội dung truyện và niềm ước mơ khao khát của nhân vật trong truyện. Nhưng, lối kết thúc có hậu của truyện ngắn ĐBSCL từ 1975 đến nay thường theo hướng gắn với quan niệm dân gian: gieo gió gặt bão, ở hiền gặp lành, lá rụng về cội, ...
3.1.2.2. Kết thúc đóng
Thông thường, kết thúc đóng đi với những cốt truyện kiểu truyền thống.
Nó giúp người đọc cảm nhận được vấn đề mà nhà văn đặt ra và lí giải trong truyện theo nhận thức riêng của nhà văn về vấn đề đó.
Nhân vật bà Thung (Có một mùa đông - Hồ Tĩnh Tâm) chết bên bếp lửa như là cái kết cục tất yếu của một đời đàn bà bất hạnh. Bà khoác tấm chăn của chồng để lại mà chết, kiệt cùng sức người trước những chờ đợi, xa cách, hy vọng mỏi mòn.
Kết thúc truyện Ngày mưa của Nguyễn Kim Châu cũng là một cái chết.
Cái chết không ai ngờ của một người đàn ông tên Hiệp làm nghề giết thịt chó mướn. Cái chết ấy xuất phát từ lòng từ tâm. Cứu người mà chết mình. Điều đó khiến người đọc xót xa, cảm phục, nuối tiếc..., cảnh gà trống nuôi con vẫn tiếp diễn nhưng cuộc sống của gia đình họ trở nên ấm áp hơn và có ý nghĩa hơn.
Truyện ngắn ĐBSCL có không ít truyện mà cách kết thúc là cái chết của nhân vật trung tâm. Đó là cái chết của nhân vật Ly trong truyện Một lẽ sống.
Truyện ngắn này được tác giả kết cấu trên cơ sở của thuyết nhân quả, báo ứng. Theo tình cảm và thái độ của tác giả, đây là một cái chết không đến nỗi tồi tệ lắm - “chết vì con rắn vẫn hơn”[183, tr.80]. Một kết thúc xấu cho thân phận một con người nhưng lại tốt hơn cho chính danh dự người đó lẫn những người sẽ liên quan. Tuy nhiên, cách tạo kết thúc như vậy làm cho người đọc có đôi chút hụt hẫng vì tác giả không mở ra một con đường để nhân vật có
điều kiện hối cải, phục thiện - một quá trình biện chứng phù hợp cho tâm hồn con người.
Còn ở truyện Ông thiềm thừ của Trần Kim Trắc, tình tiết truyện phát triển theo luật nhân quả. Thằng Búa ác, thì nó phải nhận lấy hậu quả:“Chấm phẩy, chấm phẩy, nó phải đi lệch như vậy suốt đời…”[183, tr.630]. Một kết thúc không may cho thằng Búa, nhưng là một kết thúc hợp lí, hợp tình và mang tính giáo dục sâu sắc.
Sầu trên đỉnh Puvan của Nguyễn Ngọc Tư là bức tranh ghép số phận của ba con người: kẻ ngao du tên Vĩnh, cô gái làng chơi tên Dịu và thằng bé chăn dê tên Củi. Đó là một bức tranh ảm đạm, chết chóc từ ba mảnh đời ảm đạm, nhưng tràn ngập giá trị nhân văn. Dịu là một cô gái hiền lành bị sa cơ đến nỗi phải cắn răng bước vào con đường tội lỗi để nuôi con. Củi thì nghèo rớt ở một miền núi hẻo lánh, khắc nghiệt, không bạn, không dê để chăn. Đặc biệt, là Vĩnh, Vĩnh không gia đình, họ hàng thân thích, là nạn nhân của chiến tranh.
Tiền bạc anh có thừa, hầu hết mọi thứ đều đạt được, và anh chỉ còn muốn xem hoa sầu trên đỉnh Puvan. Một kẻ đi tìm cái cao vời, không có hình hài, chỉ có trong tư tưởng, đó là ý nghĩa của cuộc đời, là lẽ sống. Còn lại hai kẻ chỉ đơn giản đi tìm điều giản dị, dễ hiểu nhất: một cuộc sống có ăn, có mặc. Ai cũng có nỗi sầu khổ của riêng mình – đây chính là một trong những triết lý của tác phẩm. Đó mới chính là con người đúng nghĩa. Con người có thể đau cho mình hoặc đau cho người khác, cho những thứ khác. Nhưng vấn đề là người ta xử lý những khổ đau của mình bằng cách nào. Vĩnh bị sa lầy trong vũng sầu của chính mình, và khi anh lên đến đỉnh sầu Puvan để thấy được bông sầu thì cũng là lúc anh chìm xuống tận đáy sầu sâu thẳm. Anh chết, cái chết lạc loài, vô nghĩa đối với những người xung quanh. Thằng Củi được một ít tiền đủ để mua ba mươi gói mì tôm và niềm vui vì trời đã chịu mưa. Còn Dịu vẫn tiếp tục sống vì con. Nhưng dù phản ứng của họ đối với cuộc đời thế nào, cả ba số
phận đều thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Con người lúc nào cũng cần cho mình một điểm tựa để sống – đó có thể là một lý tưởng, ước muốn, một tình thương yêu hay một nơi để quay về. Vĩnh không thiếu gì cả ngoài một điểm tựa. Còn Dịu và Củi thiếu rất nhiều, nhưng họ có điểm tựa mà Vĩnh dù ngàn lần khát khao tìm kiếm nhưng không có được. Điểm tựa cuối cùng, cái đích cuối cùng của Vĩnh chính là ước mơ được thấy những bông sầu trổ hoa: ‘‘Trên đỉnh núi không có thêm đỉnh núi, và Vĩnh không muốn xuống núi, chẳng có gì chờ đợi anh, ở đó”[172, tr.60]. Hết điểm tựa thì anh cũng muốn chết. Cách giải quyết số phận nhân vật của nhà văn làm nên một kết thúc đóng hợp lý, nói lên được những vấn đề sâu sắc của đời sống con người.
Truyện Quan gác cửa của Vũ Đức Nghĩa là một truyện mượn cảnh đám tang của một “cụ lớn”, đặc biệt là vở diễn đưa ma để nói lên vấn nạn “có tiền mua tiên cũng được”. Các tình tiết truyện từ đầu truyện đến thân truyện khiến người đọc luôn đinh ninh rằng anh nông dân Bình (vai Kim Tướng gác cửa) là một con người yêu chuộng lẽ công bằng, căm ghét quan liêu, là một người có chính kiến, lập trường vững vàng nên mới tìm mọi cách không cho cái xác của “cụ lớn” được về cửa Phật. Đến khi vị trợ lý của người chết làm thủ tục
“đầu tiên” (tiền đâu) bằng những tờ vàng mã, ta vẫn cứ ngỡ anh cu Bình là một con người của lẽ phải, chính trực. Nhưng đến phút chót, khi tiền thật xuất hiện, anh đã để mình bị đốn ngã. Từ con người đang tỏa sáng ánh hào quang chân lý, anh bỗng như tỉnh mộng để trở về thực tại “áo cơm ghì sát đất”. Kết thúc đóng này khiến người đọc sau phút hụt hẫng kịp nhận ra đây mới là “lẽ thường” trong cuộc sống của những người lao động vất vả, thiếu thốn. Kết thúc hợp lý để lại cho người đọc một sự chua xót lẫn cảm thông về hành động dễ hiểu của anh nông dân Bình.
Huyền thoại Ípsinkharôn của Lê Đình Bích cũng là một truyện kết thúc đóng khi tình yêu trong trẻo của chàng sinh viên y khoa và cô gái Chăm xinh
đẹp Ípsinkharôn không thành, cũng như huyền thoại về mối tình giữa hoàng hậu Saliêm và nhà điêu khắc Upanisac mãi mãi chôn sâu dưới lòng bàn chân của pho tượng đá. Truyện kết thúc để lại trong người đọc dư âm trong trẻo, thanh khiết của hai mối tình không trọn vẹn. Toàn truyện như một khúc hát êm ả ca ngợi: tình yêu vẫn đẹp dù không trọn vẹn.
Truyện Đò đã dời bến của Đặng Tấn Đức có kết thúc đóng rất buồn cho cảnh ngộ của một người đàn bà góa (chị Năm Bé). Chị khao khát tình yêu thương từ một người đàn ông nhưng trớ trêu thay, trái tim người đàn ông ấy lại “dời bến” sang em gái chị. Họ hạnh phúc bên nhau, còn lại chị thì lẻ loi với cơn bão lòng thầm lặng. Những cảnh ngộ như thế không phải ít trong cuộc sống, nó phản ánh một sự thật hiển nhiên trong đời sống con người:
Không phải khi ta trao đi là sẽ được đáp lại. Con người rất nhiều khi phải nếm trải bẽ bàng, thất bại một cách đau thương.
Kiểu kết thúc đóng thể hiện quan điểm đạo đức, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn - quan niệm về sự thưởng - phạt và công lý. Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột rõ ràng giúp người đọc dễ cảm thụ và nắm rõ ý đồ của tác giả.
Tóm lại, kết thúc đóng không mang tính phán truyền mà hướng đến người đọc với mong muốn được chia sẻ. Với ý nghĩa đó, những truyện có kiểu kết thúc nói trên thường tạo được sự thoải mái cho người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm.
3.1.2.3. Kết thúc mở
Không như ở giai đoạn trước, phần lớn kết thúc truyện đều tuân thủ lối kết thúc có hậu giúp người đọc có một cái nhìn hoàn thiện về cuộc đời nhân vật. Kết thúc tác phẩm đồng nghĩa với dấu chấm cuối cùng, nó không có sức gợi, không có khả năng gợi mở. Truyện ngắn đương đại đã khắc phục được hạn chế đó bằng kết thúc mở. Đời sống là một thực thể chưa và sẽ không bao
giờ hoàn thiện. Kết thúc mở sẽ đưa đến cho người đọc một dòng chảy của cuộc sống chưa hoàn thành, vẫn còn tiếp diễn. Kết thúc mở thường tạo các khoảng trống, khiến độc giả cũng trở thành người đồng sáng tạo, tự suy nghĩ để giải mã các vấn đề đặt ra.
Khảo sát truyện ngắn ĐBSCL sau 1975, chúng tôi thấy đa số tác phẩm được viết theo hình thức kết thúc mở. Kết thúc truyện ngắn Hiu hiu gió bấc, Nguyễn Ngọc Tư viết:
‘‘Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người sức dầu nhị thiên đường của chi mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm ‘‘Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàng, chờ người ta thôi buồn khi đưa con chốt qua sông.
Nhưng mà chờ tới chừng nào lận? Ai mà biết?
Mùa này gió bấc hiu hiu lại về’’[169, tr.81].
Câu chuyện kết thúc bằng câu hỏi, câu trả lời thuộc người đọc. Với truyện Vài ngày ở Cần Thơ, kết thúc là sự gặp gỡ giữa hai người bạn cũ là
“tôi” và Nhiệm biến thành một cuộc ngoại tình đầy chất bi hài, để rồi để lại
“một đời sống khác đang âm thầm phôi dựng trong nàng”[183, tr.334] - một
“biến cố”. Kết thúc gợi cho người đọc những liên tưởng về tương lai của các nhân vật trong truyện.
Tiếng bước chân của Anh Động tái hiện lại cuộc sống còn rất vất vả, đạm bạc của những con người đã một thời xả thân vì Tổ quốc như nhân vật “tôi”
và nhân vật người cha nuôi. Riêng ông cụ này cho đến cuối đời vẫn nghèo xơ xác và ước mơ duy nhất chỉ đơn giản là một chiếc hòm để dành khi chết.
Nhưng chiếc hòm vẫn nằm trong sự chờ đợi mỏi mòn trong thời kỳ bao cấp với một bộ phận người khá thờ ơ. Không biết rằng ông cụ hom hem mà hai hàm chỉ còn trơ ra lợi này có kịp có được chiếc hòm trước khi xuôi tay nhắm mắt hay không…