Chương 1: LÝ LUẬN VỀ SỨC MẠNH MỀM VÀ NGOẠI
1.2. Ngoại giao văn hóa với tư cách là công cụ của Sức mạnh mềm ở thế kỷ XXI
1.2.2. Vai trò của ngoại giao văn hóa
Về vai trò của ngoại giao văn hóa đối với sự phát triển của quốc gia, trong bản báo cáo về ngoại giao văn hóa vào tháng 9/2005, Ủy ban Tư vấn Ngoại giao văn hóa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đánh giá về vai trò ngoại giao văn hóa như sau “ngoại giao văn hóa là trụ cột của ngoại giao nhân dân” vì “trong những hoạt động văn hóa, quan điểm của một quốc gia được thể hiện tốt nhất”, “ngoại giao văn hóa thể hiện phần hồn của một quốc gia.”29 Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản lại cho rằng: “Giao lưu và tín nhiệm lẫn nhau về văn hóa trong thời đại chúng ta đang sống là rất khó, các loại xung đột và đối lập làm cho khắp nơi trên toàn cầu đều cảnh giác và đề phòng lẫn nhau. Bởi thế giá trị đặc biệt của ngoại giao văn hóa ngày càng quan trọng”, còn người dân thì cho rằng “không có sự tín nhiệm lẫn nhau về văn hóa thì không thể có vũ đài văn hóa quốc tế cũng không thể phát hiện lực ảnh hưởng quốc gia, nâng cao hình tượng văn hóa chỉ là một câu nói trống rỗng”.30 Vì vậy, Nhật Bản đã nâng cao vị thế của mình bằng cách xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua hình tượng văn hóa để giành lấy sự tín
29 Advisory Committee on Cultural Diplomacy (2005), “Cultural Diplomacy – The Linchpin of Public Diplomacy”, US Department Report. http://www.state.gov/documents/organization/54374.pdf
30 Fullbright/Culcon Joint Symposium, “Japan and US Soft Power: Addressing Global Challenges”, 12.6.2009, www.jpf.go.jp.
27
nhiệm của nhân dân các nước khác trên thế giới, gần nhất là các nước Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, vai trò của ngoại giao văn hoá tuy vẫn còn được bàn luận, nhưng về cơ bản vẫn nhận được sự đồng tình của đa số học giả cũng như các nhà hoạch định đường lối, chính sách với các chức năng và vai trò sau: (1) Mở đường cho các hoạt động đối ngoại của đất nước ra khu vực và thế giới. (2) Tham mưu đồng hành giải quyết các khó khăn cho đất nước. (3) Quảng bá và xây dựng hình ảnh đất nước ra thế giới. (4) Vận động thế giới công nhận các giá trị văn hóa của đất nước. (5) Tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới, làm giàu thêm cho văn hóa Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở để hội nhập tốt với thế giới.
Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại, có thể phân chia sự phát triển ngoại giao văn hóa của Việt Nam thành 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1954-1975: Trước sự trưởng thành mạnh mẽ của ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoại giao văn hóa đã phát huy thành công bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè thế giới và đông đảo kiều bào ở các nước, qua đó hình thành một mặt trận thế giới giúp Việt Nam vừa xây dựng đất nước, vừa chiến đấu vì độc lập, thống nhất đất nước. Trên mặt trận đàm phán ở Paris, ngoại giao văn hóa đã phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị để từng bước đấu tranh có hiệu quả buộc đối phương phải ký kết Hiệp định Paris 1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng cho Đại thắng mùa xuân lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1975-1990: Trong thời kỳ đất nước bị bao vây, cấm vận chặt chẽ về kinh tế, ngoại giao văn hóa cũng đã đóng góp tích cực vào việc củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời để “phá băng”, “giữ cầu”, “mở đường” cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các đối
28
tác khác, đặc biệt là các quốc gia trong khối ASEAN. Chính trong bối cảnh khó khăn này, ngoại giao văn hóa bắt đầu được thúc đẩy như một công cụ quan trọng trong đường lối chính sách ngoại giao “thêm bạn, bớt thù”, “đa phương hóa, đa dạng hóa” và bước đầu hội nhập khu vực và thế giới, mà trước mắt là hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Giai đoạn đầu năm 1990-nay: Đây là thời kỳ phát triển mạnh của ngoại giao văn hóa, đặc biệt kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đầu những năm 1990. Sự ra đời nghị quyết TW 5 khóa VIII của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc năm 1998 được xem là một văn bản quan trọng, là chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ Đổi mới. Trên cơ sở đó, ngoại giao văn hóa lúc này được xem là một nội dung quan trọng gắn chặt với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế để phục vụ tốt mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam.
Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, ngoại giao văn hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi nhất cho sự phát triển tăng tốc và đầy đủ do một số nhân tố sau đây31:
Một là, sau hơn 20 năm đổi mới và thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đối ngoại hiện đang được phát triển từ chiều rộng sang việc đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định bền vững. Định hướng này không chỉ là chính sách thuần tuý mà đòi hỏi phải chủ động bố trí và sử dụng mọi nguồn lực và công cụ ngoại giao phù hợp để triển khai thực hiện thắng lợi chính sách này. Do đó, song song với ngoại giao chính trị, việc đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa là một bước đi logic tiếp theo.
Hai là, môi trường quốc tế hiện nay tạo nên những cạnh tranh khốc liệt, nền ngoại giao các nước nhất là các nước nhỏ, muốn phát huy hiệu quả phải huy động sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực, bao gồm cả sức mạnh vật chất và tinh thần
31 Dẫn theo Trần Thị Thu Hà (2012), “Ngoại giao văn hóa và vai trò của nó đối với chính trị Việt Nam từ năm 1986 đến nay”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại Ngữ 28 (2012), tr. 185-193.
29
trong đó có công cụ văn hóa.
Ba là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao thoa văn hóa phát triển mạnh mẽ, nền văn hóa Việt Nam có thể giành được chổ đứng nhất định trên thế giới dễ dàng hơn so với các lĩnh vực khác vì bản sắc văn hóa lâu đời và đặc sắc của dân tộc có thể tạo cho Việt Nam lợi thế so sánh về văn hóa kể cả so với các nước có trình độ phát triển hơn.
Bốn là, dưới góc độ đối ngoại, có thể thấy chính sách của Đảng ta hiện nay thể hiện qua Nghị quyết TW5 khóa VIII khá thuận lợi cho việc triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa, thể hiện ở 3 điểm: tính rộng mở: ủng hộ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa; tính cầu thị: chấp nhận sự tiếp biến văn hóa, cải biến những khía cạnh lạc hậu của văn hóa Việt Nam và tiếp thu giao lưu văn hóa bên ngoài trong quá trình giao thoa văn hóa; tính xây dựng: ủng hộ góp phần xây dựng kho tàng văn hóa thế giới, coi văn hóa là một mặt trận hậu thuẫn cho các lĩnh vực khác.
Nhìn chung, ngoại giao văn hóa được xem là con đường hai chiều, đang trở nên rộng mở và thông suốt trong bối cảnh Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin viễn thông. Những cơ sở trên thực sự mở ra cơ hội chưa từng có để các quốc gia có tiềm năng sức mạnh mềm về văn hóa như Việt Nam, tranh thủ quảng bá văn hóa, đất nước, con người, đồng thời tiếp biến những tinh hoa văn hóa từ nước ngoài vào trong nước một cách dễ dàng hơn trước, qua đó làm cho văn hóa của quốc gia thêm phong phú và đa dạng.
Có thể nói, ngoại giao văn hóa là kênh tác động vào lòng người trực tiếp nhất, hiệu quả nhất vì chủ thể của các hoạt động này không chỉ đơn thuần là nhà nước mà còn cả nhân dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Trong bối cảnh hiện nay, khi xu thế vận động của thế giới là hòa bình, hợp tác kinh tế và phát triển là chủ đạo thì ngoại giao văn hóa có điều kiện hết sức thuận lợi để phát huy vai trò,
30
đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hiện đại hóa đất nước, đồng thời bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.