Chính phủ điện tử (e-Government) là tên gọi của một chính phủ mà mọi hoạt động của nhà nước được “điện tử hóa”, “mạng hóa”. Tuy nhiên, Chính phủ điện tử không đơn thuần là máy tính, mạng internet, mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là các quan hệ giữa nhà nước và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính phủ, và ngay cả các quan niệm về các hoạt động đó. Chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin để các cơ quan của Chính quyền từ trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.
Chính phủ điện tử hiện nay còn được hiểu theo nhiều nghĩa, điều đó phụ thuộc vào mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý công, khả năng ưu tiên về chính sách, và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của từng chính phủ cụ thể. Theo nghĩa rộng thì e-gov là việc sử dụng Internet (online-trực tuyến) trong các hoạt động tương tác giữa chính phủ với các bộ phận khác nhau trong xã hội hoặc chỉ đơn giản là nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của nhân viên hành chính thuộc bộ máy công. Theo nghĩa cụ thể hơn thì
“Chính phủ điện tử là việc sử dụng công nghệ thông tin, mà đặc biệt là Internet, như là một công cụ để hỗ trợ nhằm đạt đến một chính phủ hoạt động hiệu quả nhất” (OECD, 2003). Một mô hình chính phủ điện tử hiệu quả sẽ bao gồm các mô thức giải quyết quan hệ tương tác về thông tin giữa ba chủ thể: chính phủ, doanh nghiệp và dân chúng.
Các khái niệm về Chính phủ điện tử bao gồm từ “việc sử dụng ICT để giải phóng các luồng di chuyển thông tin nhằm khắc phục những rào cản về mặt vật lý của các hệ thống vật lý dựa trên giấy tờ truyền thống” cho tới “sử dụng ICT để cải tiến việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ chính phủ nhằm đem lại lợi ích cho người dân, các đối tác kinh doanh và người lao động”. Hàm ý chung đằng sau những khái niệm này là Chính phủ điện tử bao gồm việc tự động hóa hoặc vi tính hóa các thủ tục giấy tờ hiện hành và qua đó sẽ tạo ra phong cách lãnh đạo mới, các cách thức mới trong việc xây dựng và quyết định chiến lược, giao dịch kinh doanh, lắng nghe người dân và cộng đồng cũng như trong việc tổ chức và cung cấp thông tin.
Mặc dù còn có những quan niệm khác nhau, song có thể hiểu một cách đơn giản:
Chính phủ điện tử là sự ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông để các cơ quan chính phủ đổi mới, làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước. Nói cách ngắn gọn, Chính phủ điện tử là chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông. Chính phủ điện tử nhằm mục đích cải tiến việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ chính phủ nhằm đem lại lợi ích cho người dân. Quan trọng hơn nữa, Chính phủ điện tử còn nhằm mục tiêu tăng cường năng lực của chính phủ theo hướng quản lý, điều hành có hiệu quả và nâng cao tính minh bạch nhằm quản lý tốt hơn các nguồn lực kinh tế và xã hội của đất nước vì mục tiêu phát triển.
4.4.2. Vai trò và chức năng của Chính phủ điện tử
Chính phủ đóng vai trò như một công cụ trong việc khuyến khích sự tăng trưởng của thương mại điện tử qua những phương pháp thực hành cụ thể như: tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi cho thương mại điện tử; trở thành người sử dụng hàng đầu của thương mại điện tử và các ứng dụng của nó trong hoạt động của mình và là người cung cấp các dịch vụ cho các công dân của chính phủ, nhằm khuyến khích việc sử dụng rộng khắp. Chính phủ điện tử có ý nghĩa đưa chính phủ tới gần dân và đưa dân tới gần Chính phủ hơn; làm minh bạch hóa hoạt động của chính phủ, chống tham nhũng, quan liêu, độc quyền; giúp chính phủ hoạt động có hiệu quả trong quản lý và phục vụ dân (cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công)
Chính phủ điện tử có chức năng xây dựng và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như:
- Mua bán trên mạng: các tổ chức chính phủ cần có khả năng thương mại điện tử với tất cả những nhà cung cấp sử dụng những tiêu chuẩn mở qua chương trình “khả năng của cơ quan”, “khả năng của nhà cung cấp”, và hệ thống thông tin mua bán trên mạng
- Thủ tục hành chính: với việc tin học hoá các công đoạn và vận hành (nộp đơn trên mạng, xử lý và thanh toán trên mạng và hệ thống tự động cho vào số liệu nhằm lồng ghép các bảng biểu, mã và đánh giá khách hàng), người ta có thể hy vọng vào những thông tin chính xác hơn được đoán trước về thời gian làm thủ tục và hàng đã giao.
- Quản lý thuế: việc này bao gồm một hệ thống xử lý điện tử và chuyển tải các thông tin hoàn thuế, bảo hiểm về thủ tục thanh toán thuế, giấy phép trên mạng và quá trình đăng ký trên mạng của doanh nghiệp và người trả thuế
Các sáng kiến thương mại điện tử của chính phủ là thước đo chỉ ra liệu hạ tầng đó có ủng hộ việc sử dụng thương mại điện tử của các công ty tư nhân. Điều này có nghĩa nếu chính phủ không có khả năng ứng dụng mua bán trên mạng, bảo mật các dữ liệu trên mạng hay có phí hải quan hoàn trả điện tử hay không, do đó thành phần tư nhân cũng có những khó khăn trong việc ứng dụng thương mại điện tử. Lợi ích từ thương mại điện tử cũng đến với chính phủ, theo như kinh nghiệm của một số nước.
4.4.3. Lợi ích của Chính phủ điện tử
Nhiệm vụ của Chính phủ điện tử là xây dựng chiến lược dài hạn, có phạm vi sâu rộng nhằm liên tục cải tiến các hoạt động với mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua việc thay đổi các hoạt động như quản lý cán bộ, công nghệ và qui trình công việc. Do vậy, Chính phủ điện tử cần phải mang lại kết quả là cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan và nhân viên chính phủ.
Lợi ích đối với người dân và doanh nghiệp: đơn giản hóa các thủ tục và tăng tính hiệu quả của quá trình phê duyệt.
Lợi ích đối với các cơ quan và nhân viên chính phủ: Chính phủ điện tử hỗ trợ hợp tác giữa các cơ quan nhằm đảm bảo đưa ra các quyết định một cách chính xác và kịp thời.
4.4.4. Các mô hình giao dịch của Chính phủ điện tử
Có bốn dạng giao dịch của Chính phủ điện tử là G2G, G2B, G2C, G2E. Trong đó, G2G là cấp độ thường được khởi động trước tiên khi xây dựng một chính phủ điện tử. Việt Nam hiện đã và đang có một vài hoạt động ở cấp độ này là hệ thống thông tin pháp luật trực tuyến, hệ thống này cập nhật các hoạt động của chính phủ thông qua hệ thống trang tin điện tử (website) giữa trung ương, bộ ngành và địa phương …Cấp độ tương tác e-gov này giúp cho các cơ quan hành chính chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và thời gian hội họp không cần thiết
G2B là cấp độ e-gov kỳ vọng nhất của bất cứ đề án chính phủ điện tử nào. Có nhiều hoạt động trực tuyến có thể được kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ từ mức độ chuyên nghiệp như là mua sắm hàng hóa công, đấu thầu các dự án chi tiêu công cho đến những ứng dụng đơn giản như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, hỏi đáp pháp luật.
Ở cấp độ tương tác G2C, G2E, Chính phủ sẽ cung cấp các dịch vụ công như làm hoặc cấp mới các giấy tờ cá nhân, các chứng chỉ, đóng và hoàn thuế thu nhập, nhận trợ cấp…
Chương trình quản lý nhà đất, hộ khẩu hộ tịch của quận Gò Vấp là một nỗ lực bước đầu của ứng dụng mô hình e-gov ở cấp độ tương tác chính phủ và dân chúng.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 4 1. Có những hệ thống giao dịch nào trong thương mại điện tử?
2. Có những mô hình giao dịch nào trong thương mại điện tử?
3. Các cá nhân có thể tham gia thương mại theo những mô hình giao dịch nào?
4. Các doanh nghiệp có thể tham gia thương mại theo những mô hình giao dịch nào?
5. Chính phủ điện tử là gì?