Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh chiến lược thương mại điện tử là những hoạt động quản trị nhằm đảm bảo cho các công việc được hoàn thành theo đúng dự kiến, nhờ đó đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình này được thực hiện trong cả quá trình thực hiện chiến lược và bao gồm ba giai đoạn kế tiếp: kiểm tra lại các nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp; đo lường, đánh giá các kết quả kinh doanh; điều chỉnh chiến lược thương mại điện tử.
5.5.1. Kiểm tra lại các nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp
Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình kiểm tra đánh giá và điều chỉnh chiến lược.
Việc kiểm tra, xem xét lại các nhân tố bên trong và bên ngoài được thực hiện nhằm kịp thời phát hiện những trục trặc, sai lầm trong quá trình thực hiện công việc và có kế hoạch thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường.
5.5.2. Đo lường, đánh giá các kết quả kinh doanh
Việc đo lường và đánh giá kết quả kinh doanh được thực hiện để xác định mức độ thành công và những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện chiến lược thương mại điện tử. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức đo lường lợi ích và chi phí để làm cơ sở cho đánh giá.
Trong quá trình đo lường lợi ích, doanh nghiệp cần lượng hóa được tất cả các lợi ích đạt được thành tiền, cả lợi ích hữu hình như: tăng doanh số, giảm chi phí… lẫn lợi ích vô hình như: sự hài lòng của khách hàng (cần lượng hóa: bao nhiêu khách hàng quay lại mua hàng?..);
nhận thức về thương hiệu (khảo sát nhận thức của khách hàng?). Một ví dụ về đo lường lợi ích được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 5.5. Đo lường lợi ích của một số chiến lược thương mại điện tử
CHIẾN LƯỢC ĐO LƯỜNG LỢI ÍCH
Xây dựng thương hiệu - Điều tra thăm dò ý kiến về nhận thức thương hiệu Trợ giúp chương trình tiếp thị - Thay đổi về số lượng sản phẩm bán ra
Nâng cao dịch vụ khách hàng - Khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng, - Số lượng những khách hàng khiếu nại
Giảm chi phí hỗ trợ sau bán - Số lượng và các loại hoạt động hỗ trợ sau bán được giảm (điện thoại, fax, email…)
Nâng cao hiệu quả mạng lưới cung cấp - Chi phí, chất lượng thời gian giao hàng
Tổ chức đấu giá - Số lượng các đấu giá, người đấu giá, người bán, sản phẩm được bán, người tham gia, doanh số bán
Tạo cổng thông tin và cộng đồng ảo - Số khách xem, số khách quay lại và thời gian các lần xem
Nguồn: Bùi Đức Tuấn, Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ OSB, lập kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử, website: www.osbholding.com
Để đo lường chi phí, doanh nghiệp cần liệt kê tất cả các loại chi phí như: chi phí nhân sự, chi phí duy trì hoạt động, chi phí phần cứng (trang thiết bị, mức độ khấu hao), chi phí phần mềm, chi phí thuê ngoài (thiết kế lần đầu, tái thiết kế),…
Những lợi ích và chi phí được liệt kê và so sánh sẽ làm cơ sở đánh giá hiệu quả của việc thực hiện chiến lược.
5.5.3. Điều chỉnh chiến lược thương mại điện tử
Từ kết quả kiểm tra các nhân tố ảnh hưởng đến việc kinh doanh và đo lường đánh giá các kết quả kinh doanh, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định điều chỉnh chiến lược thương mại điện tử. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu và đề xuất các phương án làm gia tăng lợi ích hơn nữa hoặc tiết kiệm chi phí hơn, chẳng hạn như: thuê ngoài hoàn toàn, sử dụng phần mềm thương mại điện tử trọn gói hoặc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử… Qui trình quản trị chiến lược lại tiếp tục được quay vòng về bước đầu và làm cơ sở để hình thành những chiến lược thương mại điện tử mới.
CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 5
1. Chiến lược kinh doanh là gì? Có bao nhiêu cấp chiến lược kinh doanh? Những cấp chiến lược đó do đơn vị nào xây dựng?
2. Doanh nghiệp có thể thực hiện những chiến lược thương mại điện tử gì?
3. Dựa vào đâu để doanh nghiệp xây dựng chiến lược thương mại điện tử?
4. Dựa vào đâu để doanh nghiệp lựa chọn thực hiện chiến lược thương mại điện tử?
5. Để xây dựng website, doanh nghiệp cần thực hiện những hoạt động gì?
6. Tên miền là gì? Vì sao phải đăng ký tên miền?
Nếu thực hiện kinh doanh thương mại điện tử, nên lựa chọn tên miền cao cấp nhất là gì? “Com”, “org”, “biz”, “net”,…? Tại sao?
7. Khảo sát và đưa ra một vài nhận xét về một số tên miền của một số công ty đang có trên mạng Internet?
8. Hãy trình bày những hình thức marketing trực tuyến.
9. Với ý tưởng kinh doanh đã xây dựng ở bài tập chương 1, hãy chọn một chiến lược kinh doanh thương mại điện tử rồi viết một bài mô tả chiến lược theo các nội dung sau:
- Mục tiêu kinh doanh
- Thị trường mục tiêu
- Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược kinh doanh - Marketing – mix
- Lựa chọn hình thức thanh toán - Đo lường lợi ích, chi phí - Kế hoạch triển khai
Chương 6
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Việt Nam đang trong quá trình tích cực hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thương mại điện tử sẽ là cầu nối giúp mở rộng thị trường, tham gia hội nhập tích cực. Với một chi phí rất thấp, khả thi, bất cứ một doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể nhanh chóng tham gia thương mại điện tử để đem lại cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì vậy dù muốn hay không các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận và tham gia thương mại điện tử. Nếu không bắt tay vào tham gia thương mại điện tử thì sẽ bỏ lỡ một hình thức kinh doanh qua mạng, sẽ là hình thức phổ biến trong thế kỷ này.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài, mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm sẽ thông qua thương mại điện tử để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải tích cực ứng dụng thương mại điện tử. Quá trình tham gia thương mại điện tử là quá trình doanh nghiệp từng bước chuẩn bị nguồn lực và kinh nghiệm. Vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp khi triển khai thương mại điện tử là nguồn lực, trình độ am hiểu công nghệ thông tin của cán bộ kinh doanh trực tuyến. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động:
- Giới thiệu hàng hoá và sản phẩm của mình.
- Tìm hiểu thị trường: nghiên cứu thị trường, mở rộng thị trường.
- Xây dựng quan hệ trực tuyến với khách hàng.
- Mở kênh tiếp thị trực tuyến.
- Tìm đối tác cung cấp nguyên vật liệu nhập khẩu.
- Tìm cơ hội xuất khẩu.
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang trong quá trình phát triển. Số người tham gia truy cập internet còn thấp nên chưa tạo được một thị trường nội địa. Hơn nữa, các cơ sở để phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam còn chưa hoàn thiện: hạ tầng viễn thông chưa đủ mạnh và cước phí còn đắt, hạ tầng pháp lý còn đang xây dựng, hệ thống thanh toán điện tử chưa phát triển. Tất cả điều là những rào cản cho phát triển thương mại điện tử.
Trước thực trạng đó, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc phát triển internet và các ứng dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chấp nhận và tham gia thương mại điện tử.
Một số chính sách của nhà nước tập trung vào các vấn đề về: phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, đẩy mạnh học tập và ứng dụng internet trong nhà trường, các vùng nông thôn, trong thanh niên; phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin ở các mức độ khác nhau; xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính để từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giao tiếp với người dân; xây dựng hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử; phát triển hệ thống thanh toán dùng thẻ; xây dựng các dự án điểm, các cổng thông tin để các doanh nghiệp từng bước tiếp cận thương mại điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để tạo sự thông thoáng cho hàng hoá và dịch vụ.
Việc tìm ra con đường tiếp cận và phát triển thương mại điện tử của mỗi doanh nghiệp là bài toán cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố chiến lược kinh doanh, nguồn lực, chủng loại mặt hàng, thị trường truyền thống của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên cơ sở nghiên cứu về thương mại điện tử và thực trạng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, có thể đưa ra một quy trình tổng quát cho các doanh nghiệp tiếp cận và phát triển thương mại điện tử một cách hiệu quả nhất. Chương này chủ yếu giới thiệu về thực trạng và xu hướng phát triển của