Thực trạng về cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất của Ban quản lý Khu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng tại khu ATK định hóa tỉnh thái nguyên (Trang 45 - 50)

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.2. Thực trạng công tác quản lý bảo vệ và phát triển tại Khu ATK Định Hóa

3.2.1. Thực trạng về cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất của Ban quản lý Khu

Ban quản lý rừng ATK Định Hóa chính thức được thành lập theo Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 13/01/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Trong năm 2012, lãnh đạo Ban quản lý rừng ATK tiếp tục được củng cố kiện toàn; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã bổ nhiệm Trưởng ban kiêm Hạt trưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT bổ nhiệm 2 Phó trưởng ban, trong đó có 1 Phó trưởng ban kiêm Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm; được Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm điều động bổ nhiệm 2 Trạm trưởng trạm kiểm lâm địa bàn. Hiện nay cơ cấu tổ chức bộ máy của BQL rừng ATK gồm 44 cán bộ, trong đó:

* Về biên chế lực lượng

Công chức 10 người, viên chức 20 người, hợp đồng QLBVR hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 7 người và hợp đồng thực hiện gieo ươm cây giống không ảnh hưởng lương từ ngân sách 7 người.

* Về tổ chức

Bao gồm: Lãnh đạo Ban, 3 phòng nghiệp vụ, 5 Trạm kiểm lâm đặt tại địa bàn, 1 tổ Kiểm lâm cơ động và PCCCR, 1 tổ gieo ươm cây giống.

Sau khi bộ máy đơn vị được kiện toàn, nội bộ đoàn kết thống nhất, tình hình tư tưởng cán bộ BQL rừng ATK ổn định, cơ quan hoạt động có nề nếp. Lãnh đạo đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ đảng viên, từ đó các nhiệm vụ được triển khai kịp thời, không tồn đọng.

Về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng phòng ban được mô tả như sau:

- Trưởng ban

+ Trưởng ban có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hạng mục đầu tư theo Dự án được duyệt sao cho vừa thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Khu, vừa tận dụng được các lợi ích khác và giảm nhẹ nguồn chi cho ngân sách nhà nước.

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nội quy, quy định trong Khu.

+ Quản lý các hoạt động, chỉ đạo trực tiếp Hạt kiểm lâm và các bộ phận chức năng theo nhiệm vụ được phân công.

+ Báo cáo đầy đủ tình hình hoạt động của Khu, kịp thời, chính xác lên cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền quản lý.

- Hạt kiểm lâm

Gồm có Hạt trưởng (do Trưởng ban kiêm nhiệm), các Phó hạt trưởng, 5 trạm (mỗi trạm biên chế 5 cán bộ kiểm lâm) và 1 đội cơ động. Hạt kiểm lâm được đặt tại trụ sở Ban quản lý Khu. Chức năng, nhiệm vụ của Hạt kiểm lâm như sau:

+ Quản lý các hoạt động, chỉ đạo trực tiếp các Trạm QLBVR và Đội cơ động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng trạm về: Phạm vi, đối tượng, nội dung QLBVR, nội quy, quy chế kiểm tra giám sát và các phương án ứng cứu, hỗ trợ với nhau khi có tình huống đột xuất xảy ra.

+ Tổ chức thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tới nguồn tài nguyên rừng của Khu.

+ Hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên thực tập, khách tham quan du lịch thực hiện tốt nội quy, quy định của Khu.

+ Xử lý các vụ vi phạm lâm luật theo quy định của pháp luật hiện hành.

+ Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân sinh sống xung quanh Khu về công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên rừng và chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng.

+ Tham mưu cho Trưởng ban về kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện và phương án phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

+ Phối hợp chặt chẽ với phòng khoa học kỹ thuật trong việc triển khai công tác QLBVR, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng rừng theo kế hoạch trong dự án đầu tư được phê duyệt.

- Phòng kế hoạch - kỹ thuật

+ Chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong các trương trình phục hồi hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học.

+ Tham mưu cho Trưởng ban kế hoạch triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và các lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ công nhân viên có liên quan tới Khu và các hoạt động trong dự án vùng đệm đã được duyệt.

+ Tiếp nhận, tổng hợp các thông tin, dữ liệu, kết quả nghiên cứu khoa học đã thực hiện trong Khu.

+ Trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện một phần trong số các đề tài nghiên cứu khoa học trong điều kiện cụ thể.

+ Tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát để cập nhật thông tin về giá trị đa dạng sinh học, các loài động thực vật quý hiếm, xây dựng hồ sơ khoa học của hệ sinh thái rừng điển hình và các giá trị đặc biệt của Khu.

- Phòng tổ chức hành chính

+ Thực hiện công tác tổ chức quản lý cán bộ công nhân viên, các công việc hành chính và du lịch, dịch vụ trong Khu.

+ Tham mưu cho Ban giám đốc tổ chức liên doanh, liên kết khai thác các tiềm năng về du lịch, các dịch vụ trong Khu.

- Phòng kế toán

+ Lập kế hoạch và giám sát thực hiện kế hoạch về khối lượng, thời gian.

+ Chịu trách nhiệm về tài chính, giúp giám đốc thực hiện thu chi theo từng chế độ, báo cáo các chứng từ kế toán theo quy định.

3.2.1.2. Cơ sở vật chất ban Quản lý ATK a) Nhà Trạm bảo vệ rừng

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, tiến hành xây dựng thêm 02 nhà Trạm bảo vệ rừng, diện tích sử dụng 200 m2/trạm. Nhà gồm 5 gian, 3 gian làm việc, 1 gian bếp kho và 01 gian vệ sinh; nhà cao 3 m, hành lang rộng 1,5 m. Bên cạnh đó

bố trí thêm một số hạng mục phụ trợ như nhà để xe, sân bãi tập kết tang vật, phương tiện vi phạm, hàng rào bảo vệ.

Kết cấu nhà: Khung bê tông cốt thép hoặc tường chịu lực, trần nhựa, mái lợp tôn hoặc ngói chống thấm, chống nóng, nền lát gạch ceramic, cửa đi, cửa sổ dùng cửa gỗ, có hoa sắt bảo vệ. Bố trí hệ thống cấp điện, cấp thoát nước.

b) Đường tuần tra rừng kết hợp PCCCR

Định Hóa là huyện có địa hình rừng núi hiểm trở, việc đi lại quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, vận chuyển sản phẩm khai thác từ rừng của lực lượng chức năng và nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để việc đi lại quản lý bảo vệ rừng được thuận lợi, xây dựng hệ thống đường tuần tra rừng kết hợp sử dụng làm đường băng cản lửa và phục vụ việc khai thác sản phẩm của người dân là cần thiết. Tiến hành xây dựng 20 km đường tuần tra rừng kết hợp PCCCR, đường có chiều rộng 3,5m, thiết kế theo dạng đường lâm nghiệp.

c) Công trình phòng cháy chữa cháy rừng + Đập ngăn nước PCCCR

Tiến hành 03 đập chứa nước tại các xã: Quy Kỳ, Phú Đình và Tân Thịnh.

+ Chòi canh lửa rừng

- Mục đích: phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng, ngăn ngừa các hoạt động tác động tiêu cực đến rừng đặc dụng và cảnh quan khu vực nói chung, đồng thời kết hợp phục vụ tham quan du lịch…

- Khối lượng xây dựng: 2 chòi canh tại Phú Đình và Kim Sơn.

- Giải pháp xây dựng:

+ Chòi canh phải có độ cao và tầm nhìn xa cao hơn cây rừng, tối thiểu chòi canh có chiều cao là từ 15-20 m, chòi canh được đặt ở đỉnh đồi hoặc vị trí trung tâm của vùng rừng dễ cháy. Chòi canh có tầm quan sát tối thiểu ≥ 10 km;

+ Chòi canh làm bằng nguyên liệu bền chắc như: sắt, gỗ sẵn có ở địa phương, tuổi thọ của chòi có thể từ 15-20 năm.

d) Trạm dự báo phòng cháy chữa cháy rừng

Tại trụ sở Ban quản lý triển khai xây dựng mới 01 trạm dự báo PCCCR.

đ) Xây dựng Bảng tuyên truyền phòng cháy rừng

Để tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, ngoài các hình thức tuyên truyền bằng miệng, trên phương tiện thông tin đại chúng thì rất cần thiết phải xây dựng và lắp đặt các biển hiệu tuyên truyền đặt ở nơi tập trung đông người qua lại.

Hiện nay một số biển hiệu trong các khu đặc dụng đã xuống cấp, nhiều tuyến đường mới được mở. Do vậy cần sửa chữa và xây dựng thêm ở các vị trí đông người qua lại, gần trường học, nhà văn hóa thôn. Tổng số lượng 40 biển.

e) Xây dựng đường băng xanh cản lửa

Đối với khu ATK rừng nằm xen với các khu dân cư, các điểm di tích lịch sử văn hóa và các hoạt động kinh tế xã hội khá sôi động, cùng với khu vực có khí hậu khô hanh vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy rừng, do vậy cần quy hoạch xây dựng hệ thống đường ranh cản lửa PCCCR.

Căn cứ vào hiện trạng phân bố rừng và các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, tiến hành xây dựng 10 km đường băng cản lửa xanh. Chiều rộng đường băng cản lửa trung bình là 10 m. Đường băng cản lửa được bố trí đều trên diện tích (cơ bản bố trí theo các đường ranh giới lô, khoảnh). Trên đường băng cản lửa tiến hành trồng loài cây thường xanh như: Muồng đen, muồng hoa vàng, dứa, chuối…

f) Thiết bị bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng - Ô tô bán tải phục vụ tuần tra rừng và PCCCR: 01 chiếc.

- Máy bơm nước: 02 chiếc.

- Xe máy phục vụ tuần tra rừng: 08 chiếc.

- Ống nhòm: 08 chiếc.

- Máy định vị vệ tinh GPS: 05 chiếc.

g) Đóng mốc ranh giới khu rừng đặc dụng

Căn cứ phạm vi, ranh giới khu rừng đã được xác định tại bản đồ quy hoạch đến năm 2020, triển khai đóng mốc ranh giới khu rừng đặc dụng. Tổng số 600 mốc.

Quy cách mốc kích thước: 100 x 30 x12 cm, mốc được chọn cố định đảm bảo chắc chắn, phần nổi trên mặt đất cao 50 cm, mặt ghi số hiệu và tên khu rừng quay ra phía ngoài.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng tại khu ATK định hóa tỉnh thái nguyên (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)