Đề xuất định hướng một số giải pháp góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng Khu ATK Định Hóa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng tại khu ATK định hóa tỉnh thái nguyên (Trang 72 - 80)

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. Đề xuất định hướng một số giải pháp góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng Khu ATK Định Hóa

Từ việc đánh giá các mối đe dọa tới công tác QLBVR tại Khu ATK Định Hóa cho thấy, hiện nay có 5 mối đe dọa trực tiếp có tác động lớn nhất tới công tác QLBVR tại khu vực. Dựa trên cơ sở đó, đề tài có một số đề xuất về các công việc ưu tiên thực hiện trong thời gian tới và những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa những tác động xấu tới công tác QLBVR, góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng tại Khu ATK Định Hóa.

Kết quả được thể hiện chi tiết tại bảng 3.10.

Bảng 3.10: Các công việc ưu tiên và những biện pháp giảm thiểu tác động tới công tác QLBVR tại Khu ATK Định Hóa

Tác động Nguyên nhân

Xếp hạng ưu tiên

Biện pháp giảm thiểu

1. Săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã

- Tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

- Nhu cầu của thị trường.

Rất cấp thiết

- Điều tra, xác định các khu phân bố của các loài động vật có giá trị bảo tồn cao.

- Nâng cao năng lực điều tra, giám sát, theo dõi các loài động vật quý hiếm.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ cho điều tra, theo dõi, bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

- Tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan.

- Xây dựng nội quy, quy chế về bảo vệ các loài động vật hoang dã và tăng cường công tác tuyên truyền vận động.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phát triển rừng.

2. Khai thác gỗ trái phép

- Nhu cầu sử dụng tại chỗ.

- Nhu cầu của thị trường.

Rất cấp thiết

- Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng.

- Nâng cao năng lực cho Ban quản lý, Hạt kiểm lâm, các Trạm kiểm lâm về kỹ năng tuần tra hoạt động và ứng phó với các hoạt động chặt phá rừng trái phép.

- Xác định các khu vực trọng điểm thường xảy ra khai thác gỗ trái phép để có biện pháp tăng cường bảo vệ.

- Thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp.

- Xác định mốc ranh giới rõ ràng, xác định các vùng rừng có giá trị bảo tồn cao để tăng cường bảo vệ.

- Trồng các loài cây gỗ chu kỳ ngắn tại vùng đệm để đáp ứng nhu cầu gỗ làm nhà, đồ gia dụng của cộng đồng địa phương.

3. Canh tác nương rẫy, xâm lấn đất rừng

- Diện tích đất canh tác nông nghiệp ít.

- Dân số tăng nhanh gây sức ép về lương thực.

Cấp thiết

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật quản lý bảo vệ rừng, nâng cao ý thức của cộng đồng, đặc biệt trú trọng đến các đối tượng sống trong và giáp ranh vùng phòng hộ, đặc dụng.

- Xác định và cắm mốc ranh giới rõ ràng giữa Khu bảo tồn và đất của dân.

- Phát triển các dự án nhằm cải thiện sinh kế vùng đệm như chăn nuôi tập trung...

- Phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm lựa chọn cây, con và kỹ thuật gây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác nương rẫy bền vững,...

4. Cháy rừng

- Canh tác nương dẫy.

- Người dân sống trong khu ATK

- Người dân vào rừng săn bắn, khai thác lâm sản.

- Do tự nhiên.

Cấp thiết

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác PCCCR.

- Nâng cao năng lực, củng cố kiện toàn lại các ban chỉ đạo, các tổ đội PCCCR ở cấp thôn bản.

- Đào tạo nâng cao năng lực PCCCR cho đội ngũ cán bộ của Ban quản lý Khu ATK và chính quyền địa phương.

- Đầu tư trang thiết bị cho công tác PCCCR.

- Tăng cường công tác tuần tra PCCCR, xử lý vi phạm, đặc biệt là vào mùa khô.

5. Tác động của vùng giáp ranh

- Nhu cầu sử dụng gỗ và động vật hoang dã.

Rất cấp thiết

- Khẩn trương đầu tư xây dựng 2 tuyến đường làm đường tuần tra vào khu vực quản lý để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm xâm nhập của người dân.

- Kịp thời triển khai Quy chế hoạt động của các Ban lâm nghiệp xã.

- Thông báo đến chính quyền và nhân dân vùng giáp ranh biết các diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ban quản lý rừng ATK, các loại rừng và mức độ bảo vệ. Yêu cầu ký cam kết không thực hiện làm nương rẫy

- Xây dựng mối quan hệ gắn bó với UBND các xã vùng giáp ranh, vận động người dân tham gia bảo vệ tài nguyên rừng và nắm chắc các phần tử chuyên khai thác lâm sản và săn bắn động vật hoang dã trái phép để có kế hoạch theo dõi, đối phó ngăn chặn kịp thời có hiệu quả.

- Kiểm tra giám sát chặt chẽ các xưởng chế biến gỗ giáp ranh rừng ATK nhất là tại huyện Phú Lương, Đại Từ.

Thông qua việc đánh giá thực trạng công tác QLBVR, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của rừng Khu ATK Định Hóa, thông qua mô hình phân tích SWOT, nhằm đẩy mạnh công tác QLBVR thực hiện tốt các công việc ưu tiên cũng như các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu tới rừng Khu ATK một cách có hiệu quả, đề tài đề xuất định hướng một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Hiện nay, vấn đề đào tạo, tuyển dụng những cán bộ có kiến thức chuyên sâu về công tác quản lý rừng đang rất thiếu. Do vậy, trong thời gian tới, Ban quản lý rừng Khu ATK Định Hóa cần cử cán bộ đi đào tạo, tổ chức tuyển người có năng lực trong các lĩnh vực này để tham gia công tác quản lý rừng. Cần có quy hoạch sử dụng cán bộ lâu dài, từng bước củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn theo hướng chuyên trách.

- Cần đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế vùng đệm như: Chuyển giao hướng dẫn xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, kỹ thuật canh tác nông lâm nghiệp tiên tiến, hỗ trợ về cây giống, con giống cho người dân,… phát triển kinh tế trang trại nhằm cải thiện đời sống cho người dân, giảm áp lực vào tài nguyên rừng thông qua các dự án đầu tư, quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng,...

- Tận dụng tiềm năng sẵn có về giá trị lịch sử và đa dạng sinh học, sinh cảnh đẹp để xây dựng và đẩy mạnh hoạt động quảng bá phát triển du lịch, trong đó cần đặc biệt chú ý tới sự tham gia của người dân địa phương với các phong tục tập quán đặc sắc bản địa. Việc thực hiện phát triển du lịch có sự tham gia của người dân rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý rừng, nó không chỉ mang lại nguồn lợi về kinh tế cho người dân mà thông qua đó còn nâng cao nhận thức của người dân đối với rừng, giúp họ gắn bó với rừng.

- Thu hút vốn và các dự án đầu tư từ phía nhà nước, các tổ chức phi chính phủ có quan tâm tới công tác QLBVR và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng tới tận thôn bản, xây dựng mối quan hệ tích cực với cộng đồng và kí các cam kết, hương ước tham gia bảo vệ rừng của người dân.

- Thiết chặt mối quan hệ và phát huy vai trò của các bên liên quan trong công tác QLBVR như: Lực lượng kiểm lâm, chính quyền các xã, thôn bản, tổ chức, nhà khoa học,…

- Đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác QLBVR.

- Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cũng như trình độ kiến thức chuyên môn cho cán bộ của Ban quản lý rừng khu ATK Định Hóa.

- Xây dựng cơ chế hưởng lợi phù hợp đối với cộng đồng người dân địa phương trong việc tham gia công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nhận đất nhận rừng khoanh nuôi bảo vệ.

KẾT LUẬN, TỒN TẠI, KHUYẾN NGHỊ

1. Kết luận

Từ những kết quả đã nghiên cứu, đề tài rút ra một số kết luận sau:

Các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu ATK. Ranh giới dễ xác định, địa hình chủ yếu là đồi núi, khí hậu thuận lợi cho nhiều loài động, thực vật phát triển, có đường tỉnh lộ 254 chạy qua là những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng. Dân cư sinh sống quanh khu rừng phần lớn có điều kiện sống còn khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào canh tác nương rãy và tài nguyên rừng, nạn săn bắn thú rừng, đốt nương làm rẫy, đặc biệt tình hình xâm lấn đất rừng cũng gây khó khăn rất lớn cho công tác bảo vệ phát triển rừng.

Cơ cấu tổ chức của khu ATK bao gồm: Ban giám đốc; 3 phòng chức năng: Kế hoạch - kỹ thuật, Tổ chức hành chính, Kế toán và Hạt kiểm lâm, dưới Hạt Kiểm lâm có 5 Trạm bảo vệ rừng, 1 Đội cơ động. Tổng số cán bộ nhân viên của khu ATK là 44 nhân viên, trong đó bao gồm cả biên chế và hợp đồng lao động. Hiện nay có 12 mối đe dọa có ảnh hưởng tới công tác bảo vệ rừng của khu ATK, trong đó 4 mối đe dọa ở mức cao, 3 mối đe dọa ở mức trung bình và còn lại là ở mức thấp. Trong các mối đe dọa trên thì có 5 mối đe dọa là gây ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ rừng, nếu không được giải quyết kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của khu vực, bao gồm: Hoạt động canh tác nương dẫy, xâm lấn đất rừng, săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, cháy rừng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ tính riêng từ năm 2010 - 2013 tổng số vụ vi phạm của các năm tăng dần tăng 33 vụ , tịch thu gỗ các loại quy tròn tăng 64,662 M3, thu nộp ngân sách cho nhà nước tăng 150,014 triệu đồng và đã xảy ra vụ vi phạm đặc biệt có 01 vụ phá rừng đặc dụng trái phép tại xã Bảo Linh, diện tích 1,5 ha.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng của khu được quan tâm chú trọng, trong giai đoạn năm 2010 - 2013 đã tiến hành giao khoán được 1.107,5 ha rừng trồng, khoán

bảo vệ khoanh nuôi tái sinh 5.071,19 ha, khoán chăm sóc rừng 100,1 ha. Việc ngăn chặn xâm phạm trái phép tài nguyên rừng, đóng cọc mốc ranh giới, phòng chống cháy rừng, xây dựng sửa chữa các trạm bảo vệ rừng, mua sắm trang thiết bị,... được quan tâm chú trọng. Thực hiện đề án “Cánh rừng mẫu lớn” tại xã Quy Kỳ, dự án trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây đặc sản, dược liệu dưới tán rừng quy mô 151 ha; dự án ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh rừng trồng sản xuất gần 200 ha;

dự án trồng cây quế để chiết xuất tinh dầu 98 ha và dự án sản xuất lâm nghiệp kết hợp với sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp gần 20 ha. Xây dựng dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, thực hiện đạt kế hoạch trồng đến hết năm 2013 là 1070 ha. Trong đó, trồng rừng đặc dụng 70 ha, trồng rừng phòng hộ 200 ha, trồng rừng sản xuất 800 ha. Triển khai dự án ứng dụng khoa học công nghệ trồng Gừng, Xả, Mây Nếp cuối năm 2013 có 4 hộ dân tham gia với diện tích 2,0 ha. Công tác thực hiện các dự án xây dựng thuộc Đề án 1134 đến hết năm 2013 cơ bản đã hoàn thành. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ của khu bảo tồn và người dân được quan tâm chú trọng như: Tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tuần tra ngăn chặn nạn phá rừng và săn bắn động vật trái phép, định kỳ tuần tra các trạm bảo vệ rừng, đào tạo về điều tra đa dạng sinh học, giám sát sinh thái, tham quan học hỏi kinh nghiệm của một số vườn quốc gia,... Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng như: Xây dựng bảng tin tuyên truyền ở những nơi gần đường đi lại, có nguy cơ bị lấn chiếm, phối hợp với sở văn hóa, đài truyền hình địa phương để xuất bản, tuyên truyền các hoạt động bảo vệ phát triển rừng.

Sáu thành phần chủ yếu có liên quan tới công tác bảo vệ tài nguyên rừng ATK là: Ban quản lý Khu, cộng đồng thôn bản, các tổ đội quản lý bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm huyện Định Hóa và Chi cục kiểm lâm Thái Nguyên, chính quyền địa phương cấp xã, tổ an ninh thôn. Vai trò của các bên liên quan là rất khác nhau trong công tác bảo vệ rừng, trong đó sự tham gia của cộng đồng thôn bản là yếu tố quyết định tới sự thành công của công tác quản lý, bảo vệ rừng của khu vực.

Đề tài đã xác định được các công việc cần phải ưu tiên và giải pháp giảm thiểu tác động tới hoạt động bảo vệ rừng của khu ATK, trong đó việc tìm ra giải pháp ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép và săn bắn động vật hoang dã được coi là 2 nhiệm vụ rất cấp thiết cần phải thực hiện của đơn vị trong thời gian tới. Một số giải pháp mang tính chất định hướng đối với khu bảo vệ rừng được đề tài đưa ra là: Đẩy mạnh công tác tuyển dụng, đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ của khu rừng;

đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đệm thông qua các chương trình cải thiện sinh kế để giảm áp lực vào tài nguyên rừng; phát triển du lịch sinh thái dựa vào các tiềm năng cảnh quan, văn hóa có sẵn của khu; tăng cường quảng bá giá trị di tích lịch sử ATK để thu hút sự quan tâm và đầu tư từ phía chính phủ và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước; đầu tư mua sắm trang thiết bị,…

2. Tồn tại

Đề tài mới chỉ tập trung đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng của khu ATK tới công tác quản lý rừng bền vững mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của nó tác động tới môi trường hay tính đa dạng sinh học.

Do thời gian nghiên cứu có hạn nên đề tài chưa đi sâu nghiên cứu được ảnh hưởng của các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng đang áp dụng tới sinh kế của cộng đồng địa phương và tác động của nó tới bảo vệ tài nguyên rừng.

3. Khuyến nghị

- Xem xét và đi tới áp dụng một số giải pháp định hướng của đề tài đối với rừng khu ATK Định Hóa.

- Tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu tác động của phương thức quản lý rừng hiện nay của khu tới môi trường và đa dạng sinh học, ảnh hưởng của phương thức quản lý rừng tới sinh kế và tác động của nó tới công tác bảo vệ rừng của khu ATK Định Hóa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng tại khu ATK định hóa tỉnh thái nguyên (Trang 72 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)