Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Phân tích SWOT và các bên liên quan trong việc tham gia công tác QLBVR tại Khu ATK Định Hóa
3.4.1. Phân tích vai trò của các bên liên quan trong việc tham gia công tác
Kết quả điều tra, đánh giá và phân tích vai trò của các đối tượng có liên quan tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Khu ATK Định Hóa được tổng hợp tại bảng 3.8.
Bảng 3.8: Phân tích vai trò của các bên liên quan tới công tác QLBVR rừng tại Khu ATK Định Hóa
TT Đối tượng Vai trò
1 Ban quản lý Khu ATK - Vai trò: Đây là đơn vị chính được thành lập với mục tiêu bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học của khu ATK. Đây là đơn vị trung tâm, có vai trò kết nối các lực lượng khác tham gia vào bảo vệ tài nguyên rừng, định hướng và đưa ra các quyết sách liên quan tới sự phát triển của khu ATK.
- Thuận lợi: Là đơn vị có trọng trách chủ yếu và có quyền đưa ra những định hướng, quyết định sự phát triển của Khu, được sự chỉ đạo chặt chẽ của chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợn của các ban, ngành UBND các xã, thị trấn, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ trong đơn vị BQL rừng ATK.
- Khó khăn: Lực lượng mỏng, trình độ chuyên môn còn chưa cao và chưa đồng đều, trong đó 10 công chức, 20
viên chức, hợp đồng 14 người. Thiếu cán bộ có chuyên môn sâu trong nghiệp vụ quản lý rừng. Kinh nghiệm còn non trẻ do đó công tác tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp còn hạn chế.
2 Cộng đồng thôn bản - Vai trò: Đây là đối tượng chính có tác động tiêu cực hoặc tích cực tới công tác QLBVR. Có thể nói rằng, công tác QLBVR có thuận lợi hay không là phụ thuộc rất lớn vào ý thức của đối tượng này.
- Thuận lợi: Đây là những người dân bản địa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng rừng. Người dân đã gắn bó với rừng từ bao đời, rừng là nguồn sống chính của họ nên họ cũng có nhu cầu QLBVR nên công tác tuần tra bảo vệ rừng được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại cơ sở khi mới phát sinh.
- Khó khăn: Việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu QLBVR, phát triển với khai thác sử dụng để bảo đảm sinh kế cho bản thân họ là điều khó khăn.
3 Các tổ đội quản lý bảo vệ rừng
- Vai trò: Được thành lập với mục đích ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật xảy ra trên địa bàn các thôn, nhằm phát hiện và xử lý những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên rừng ở thôn, hoặc báo cáo cho các cấp có thẩm quyền khi sự việc xãy ra ngoài khả năng của tổ, đây là lực lượng nòng cốt mà chính quyền địa phương xã có thể huy động bất kỳ lúc nào khi xảy ra cháy rừng hoặc những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên rừng, là những tuyên truyền viên của cộng đồng cần được đào tạo để nâng cao khả năng vận động người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng.
Có khả năng trực tiếp tham gia hoặc giám sát các hoạt
động của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng, cùng Ban quản lý rừng tiến hành các hoạt động giám sát đánh giá quản lý tài nguyên.
- Thuận lợi: Lực lượng này phần lớn được lấy từ những người dân có uy tín trong cộng đồng sở tại. Do đó, đối với người dân trong chính cộng đồng của họ sẽ có tiếng nói và mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với lực lượng bảo vệ được lấy từ nơi khác tới. Lực lượng bảo vệ rừng cũng thường xuyên được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ trong công tác tuần tra, giám sát tài nguyên rừng.
- Khó khăn: Lực lượng mỏng, kinh phí chi trả lương cho họ còn thấp nên họ chưa thực sự gắn bó với công việc được giao.
4 Hạt Kiểm lâm huyện Định Hóa, và Chi cục kiểm lâm Thái Nguyên.
- Vai trò: Đây là các cơ quan có chức năng được thành lập dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm giám sát các hoạt động quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn, thường xuyên phối hợp cùng Ban quản lý khu ATK trong công tác kiểm tra giám sát các hoạt động khai thác trái phép lâm sản trong Khu ATK. Phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý tài nguyên rừng dựa vào cộng đồng. Là cơ quan tham mưu để đưa ra cơ chế chính sách hợp lý cho công tác QLBVR.
- Thuận lợi: Đây là lực lượng chuyên trách có đầy đủ thẩm quyền xử lý các sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
- Khó khăn: Lực lượng mỏng, phải tham gia tuần tra, xử lý nhiều hành vi vi phạm khác trong quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn chứ không phải lực lượng chuyên trách trong QLBVR của Khu ATK. Do đó, vai trò của lực lượng này
phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và xử lý các sai phạm do tổ tuần tra bảo vệ rừng hoặc các đối tượng khác phát hiện, khai báo.
5 Chính quyền địa phương cấp xã.
- Vai trò: Là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với Ban quản lý Khu để cùng thực hiện công tác bảo vệ rừng, đồng thời cùng với Khu đưa ra các sách lược phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm, tuyên truyền phổ cập tới người dân tham gia phát triển rừng. Đây cũng là cơ quan thẩm quyền xử lý các vi phạm nhỏ trong quản lý bảo vệ rừng tại Khu.
- Thuận lợi: Là lực lượng chính quyền cơ sở được sự tín nhiệm rất lớn của cộng đồng, đồng thời đây cũng là đơn vị có tính pháp lý cao nhất ở cấp thôn, xã.
- Khó khăn: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ lâm nghiệp xã còn hạn chế. Chính quyền xã mới chỉ tham gia ở mức là đơn vị phối hợp, là cầu nối giữa Ban quản lý Khu và cộng đồng thôn bản. Chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cũng như chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện kế hoạch bảo ệ và phát triển rừng được giao.
6 Tổ an ninh thôn - Vai trò: Tổ an ninh thôn dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cấp xã mà cụ thể trực tiếp là Trưởng Công an xã có vai trò bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, có chuyên môn và kinh nghiệm quản lý an ninh trật tự kể cả trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, được giao quyền hạn xử lý các vụ việc trên phạm vi địa bàn thôn theo quy định của luật pháp.
- Thuận lợi: Là đơn vị hoạt động dưới sự chỉ đạo của Trưởng công an xã, có thẩm quyền xử lý các sai phạm.
- Khó khăn: Lực lượng mỏng, thiếu kinh phí hoạt động.