Thực tế sản xuất nông lâm kết hợp ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất một số mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả tại xã cát thịnh huyện văn chấn (Trang 37 - 42)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Tình hình nghiên cứu trong nước

1.3.4 Thực tế sản xuất nông lâm kết hợp ở Việt Nam

Theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng toàn quốc của Bộ NN&PTNT, 2005 thì tính đến ngày 31/12/2005 quỹ đất lâm nghiệp của cả nước là

19.028.690 ha chiếm khoảng hơn một nửa diện tích tự nhiên. Trong đó đất có rừng là 12.616.700, đạt độ che phủ toàn quốc 37%, đó là do kể từ năm 1999 đến nay chúng ta đã nỗ lực trồng rừng. Diện tích đất trống đồi núi trọc vẫn còn nhiều 6.411.990 ha. (Bộ NN&PTNT, 2005) [3] .

- Đất nông nghiệp hơn 7,3 triệu ha, trong đó đất trồng cây hàng năm là 5,6 triệu ha, cây lâu năm là 1,4 triệu ha và đất có mặt nước dùng vào nông nghiệp là 0,273 triệu ha. Như vậy, tỷ lệ đất sử dụng còn thấp, đất nông nghiệp mới chỉ chiếm 21% trong tổng diện tích đất tự nhiên và điều đáng nói là nước ta đã có đến có khoảng hơn 10 triệu ha đất dốc bị thoái hoá nghiêm trọng Thực trạng cho thấy quĩ đất đai của nước ta quá ít, và đất đã được sử dụng lại càng ít. Hơn nữa chúng ta có đến 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp.

Bình quân đầu người về đất nông nghiệp là 0,108 ha/người (trong khi đó bình quân của thế giới là 1,2 ha/người). Tỷ lệ tăng dân số bình quân 2,3 - 2,5%/năm. Bình quân lương thực hiện nay là khoảng 350 kg/ người/ năm.

Vì vậy phát triển NLKH đã giúp cho người dân miền núi tận dụng đất đai, giảm bớt xói mòn và ngày càng mang lại đời sống ấm no cho người dân miền núi.

Hiện nay ở Việt Nam NLKH đang ngày càng phát triển và nó thực sự mở ra hướng đi mới trong nền sản xuất nông - lâm nghiệp nước nhà.

Đặc biệt từ sau khi có các nghị định của Thủ Tướng Chính Phủ như: nghị định 327/CP tháng 9 năm 1992 về chủ trương sử dụng đất trống đồi núi trọc, bãi bồi ven biển và mặt nước. Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 và 02/CP ngày 15/7/1994 qui định vế việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức hộ gia đình sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp đã thúc đẩy hoạt động NLKH phát triển rộng rãi thêm một bước nữa.

Các mô hình NLKH đang tồn tại ở Việt Nam như: VAC (vườn - ao - chuồng), VR (vườn - rừng), RVCA (Rừng - vườn - ao - chuồng), RVC (Rừng - vườn - chuồng), R – ong (rừng – ong)... đang ngày càng phát huy

hiệu quả bảo vệ đất, nước, tăng năng suất cây trồng góp phần ổn định cuộc sống của người dân miền núi, nhiều hộ gia đình đã vươn lên giàu có nhờ thực hiện NLKH.

Trong sự phát triển cộng đồng do CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng với UBND huyện Lục Ngạn, ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Hà Bắc triển khai xây dựng một số mô hình canh tác trên đất dốc, nhằm khai thác sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên đất, đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp. Đã phổ cập hệ thống canh tác cho nông dân với mô hình nông lâm kết hợp, có hàng rào xanh cho hiệu quả tốt nhất là:

Với độ dốc lớn hơn 200 khoảng cách hàng rào xanh tốt nhất là dưới 5m.

+ Với độ dốc nhỏ hơn 200 thì khoảng cách tốt nhất là 5 - 7m.

+ Với cốt khí thì hàng rào kép có hiệu quả tốt nhất.

Mô hình đã chọn được tổng hợp cây trồng phù hợp nhất là:

+ Vải thiều + đậu, đỗ + băng cốt khí.

+ Ong + cây ăn quả + rừng tự nhiên.

Đây là những mô hình mang lợi ích kinh tế lớn tăng thu nhập cho những hộ nghèo (Lê Duy Thước, 1992) [16].

Trên cơ sở khảo sát và thử nghiệm một số mô hình NLKH trên đất đồi núi tỉnh Lạng Sơn, Vũ Biệt Linh, 1995 đã đưa ra kết quả về một số mô hình phổ biến và đạt hiệu quả cao ở vùng này là:

- Hồi - chè dưới tán rừng tự nhiên - Quýt - rừng tái sinh

- Cà phê - chè - dứa - rừng trồng

- Cà phê - vải - chè - rừng tái sinh tự nhiên - Mận - Hồng - rừng tái sinh tự nhiên

- Cà phê - keo - rừng trồng (Vũ Biệt Linh,1995) [12]

Năm 1995 - 1996 tại huyện Na Rì - Bắc Kạn, Trường Đại học Nông Lâm chủ trì dự án "Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm góp

phần ổn định phát triển nông thôn vùng cao". Dự án đã thiết kế 26 mô hình SALT đưa các giống cây ăn quả và đặc sản có giá trị kinh tế cao như vải, nhãn, hồng không hạt, mận tam hoa, cam, quýt và cây hồi trồng xen với các cây họ đậu và cây lương thực. Kết quả cho thấy cây ăn quả vải và nhãn có tỷ lệ sống 55 %, các cây khác có tỷ lệ sống 80 - 83% và sinh trưởng phát triển tốt. Qua kết quả đánh giá sơ bộ các mô hình canh tác NLKH là thành công, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng xây dựng mô hình trình diễn là hướng đi đúng cần được nhân rộng.

Ở Đoan Hùng - Phú Thọ các mô hình NLKH được xây dựng là:

- Mỡ - Sắn- Diễn bao đồi

- Mỡ - Thông- Sắn- Diễn bao đồi - Mỡ - lạc

- Bạch đàn trắng- Sắn - Cốt khí- Diễn bao đồi - Thông - Sắn

- Thông - Mỡ- Lúa (lạc )- Chè- trẩu - Cốt khí - Muồng lá nhọn.

Các mô hình trên đã hạn chế xói mòn và cho hiệu quả khả quan về kinh tế [10].

Nguyễn Trần Trọng, 1996 khi nghiên cứu về mô hình nông lâm kết hợp đã đưa ra hệ thống trồng kết hợp trong hệ sinh thái vùng đồi núi như sau [18]:

- Cây phòng hộ: muồng đen, keo dậu, keo lá tràm, phi lao, trẩu, mít.

- Cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê; cây công nghiệp ngắn ngày như: lạc, mía, đỗ trồng; cây lương thực, thực phẩm như: lúa, lúa nương, ngô, cây có củ, rau các loại. Các loại cây ngắn ngày thường trồng xen giữa hai hàng cây lâu năm chưa khép tán hoặc trồng thành băng ở chân đồi [18] .

Nguyễn Dương Tài (1993) xây dựng mô hình: Rừng + nương + vườn + ruộng ở một số vùng thuộc các tỉnh Vĩnh Phú, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai mô hình có diện tích ruộng từ 5 - 10 ha, phần đỉnh đồi rừng thứ sinh giữ

lại để điều tiết nước, giữ đất và bảo vệ nương, vườn nhà cửa phía dưới, kết hợp thu củi gỗ và lâm sản khác.

Ở nơi ít dốc dành làm vườn nhà, vườn được trồng chè, dứa, xung quanh nhà trồng cam, chanh, chuối, mít, xen với rau đậu. Mô hình này đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân và đất đai vẫn được duy trì và bảo vệ.

Như vậy NLKH được tiến hành không chỉ nhằm nâng cao năng suất nông lâm nghiệp mà còn tạo ra môi trường ổn định cho vùng.

Từ năm 1990 chương trình chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp trên đất dốc SALT đã được triển khai tại Việt Nam, chương trình đã xây dựng được rất nhiều mô hình, được nông dân chấp nhận, thu nhập từ canh tác SALT cũng được nâng cao. Kết quả các thí nghiệm đã khẳng định, canh tác theo mô hình SALT giảm đáng kể lượng đất mặt bị xói mòn, ngay trong năm đầu đã hạn chế được từ 50 - 57% lượng đất bị xói mòn [8].

Nguyễn Ngọc Bình 1998 đã đưa ra mô hình trồng chè kết hợp trồng cây cốt khí, cây muồng lá nhọn và cây mỡ che bóng cho chè, giữ đất, giữ ẩm.

Theo mô hình này, trên 1 ha trồng được 16.000 - 19.000 cây chè. Kết quả 3 năm xây dựng mô hình cho thấy tỷ lệ chè sống trên 90%, ngăn được dòng chảy, giảm lượng đất xói mòn chỉ còn dưới 1 tấn đất/ha/năm, chè sinh trưởng tốt năm thứ 3 đã cho năng suất 4 tấn búp/ ha, giữ được độ ẩm đất cao trong các tháng mùa khô [1].

Trong phong trào phát triển kinh tế đồi rừng hiện nay, các địa phương đã có nhiều nỗ lực tìm ra các biện pháp canh tác thích hợp vừa tiến hành sản xuất vừa bảo vệ môi trường đất đai và môi trường sinh thái, nhiều mô hình canh tác tiến bộ đã được giới thiệu và áp dụng có kết quả tốt. Việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất dốc giữa kiến thức lâu đời của người dân đại phương với những kỹ thuật tiên tiến theo phương thức nông lâm kết hợp là một

phương thức canh tác chiến lược cần được phổ cập rộng rãi đối với vùng đồi núi [15].

Tóm lại:

Qua các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy NLKH thực sự có một vai trò vô cùng quan trọng ở khu vực đất dốc. Nó vừa có tác dụng bảo vệ và duy trì khả năng canh tác trên đất dốc vừa có tác dụng tạo ra sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích, giúp nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

Việc phát triển các mô hình NLKH ở Việt Nam đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá và một hệ thống ưu việt. Tuy nhiên việc áp dụng nó và phát triển nó còn mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là tự phát do người dân tự làm. Chính vì vậy để có được những cơ sở đầy đủ hơn cũng như những thông tin cần thiết để có thể giúp cho người dân cũng như các nhà làm chính sách có thể mở rộng hiệu quả các mô hình tốt trên diện rộng, đề tài hy vọng sẽ góp một phần trong công việc phát triển kinh tế địa phương.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất một số mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả tại xã cát thịnh huyện văn chấn (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)