Tham gia đánh bại cuộc hành quân Phoque của thực dân Pháp, góp phần vào chiến thắng Biên giới năm 1950

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945 - 1954 (Trang 83 - 88)

Chương 3 CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG

3.2. Tham gia đánh bại cuộc hành quân Phoque của thực dân Pháp, góp phần vào chiến thắng Biên giới năm 1950

3.2.1. Âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có thêm những thuận lợi.

Ngày 01-10-1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Từ giữa tháng 1-1950, Trung Quốc, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuy nhiên, sau thất bại ở Việt Bắc, Mĩ từng bước can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Được sự giúp đỡ của Mĩ, với kế hoạch Rơve, thực dân Pháp đã xây dựng được tuyến phòng thủ vững chắc dọc theo Đường số 4, cắt đứt con đường liên lạc giữa Việt Nam với quốc tế; đồng thời thiết lập hành lang Đông-Tây, ngăn chặn con đường thông thương giữa Căn cứ địa Việt Bắc với đồng bằng Liên khu 3 và 4. Như vậy, Căn cứ địa Việt Bắc vẫn nằm trong tình trạng bị thực dân Pháp bao vây phong tỏa và có nguy cơ bị chúng tấn công lần thứ hai.

Trước tình hình trên, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm thực hiện ba mục đích: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; khai thông biên giới Việt -Trung để mở rộng con đường liên lạc với quốc tế; củng cố và mở rộng Căn cứ địa Việt Bắc.

Sáng 16-9-1950, quân ta nổ súng tấn công cụm cứ điểm Đông Khê, ngày 18-9, ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê, làm rung chuyển hệ

thống phòng thủ của Pháp trên Đường số 4. Mất Đông Khê, Thất Khê bị uy hiếp, Cao Bằng rơi vào thế cô lập, có nguy cơ bị tiêu diệt. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương quyết định rút quân khỏi Cao Bằng bằng cuộc “Hành quân kép”: Một mặt dùng binh đoàn cơ động

“Bayard” đánh lên chiếm lại Đông Khê, đón cánh quân ở Cao Bằng rút về,

78

mặt khác Pháp vét hầu hết lực lực lượng dự bị chiến lược ở Bắc Bộ (5 tiểu đoàn) mở cuộc hành quân “Phoque” (Hải Cẩu) tấn công vào thị xã Thái Nguyên - cửa ngõ phía nam ATK Trung ương.

Đánh vào thị xã Thái Nguyên, Pháp nhằm uy hiếp căn cứ địa kháng chiến và hi vọng sẽ kéo bộ đội chủ lực của ta từ biên giới Việt - Trung về đỡ đầu cho đồng bọn che giấu được thất bại, trấn an được dư luận trong chính giới Pháp, phá ta về kinh tế, chặn giữ được cửa ngõ căn cứ địa Việt Bắc và các tuyến đường chiến lược trọng yếu (Quốc lộ số 3, Quốc lộ 1B và Đường 13), phá

vỡ được sự chi viện, tiếp tế của ta cho chiến trường Biên giới. Theo Tổng chỉ huy quân đội Pháp, đổi Cao Bằng lấy Thái Nguyên là “rất tuyệt” [23, tr.242].

Nửa cuối tháng 9-1950, Pháp tăng cường các hoạt động tấn công, càn quét vào khu tự do của cách mạng ở Thái Nguyên. Ngày 20-9-1950, chúng càn quét ở Chã, Xuân Lãng, Nỉ, đồng thời rút quân Âu - Phi từ các căn cứ Hải Dương, Hà Nội lên tập trung ở cầu Đuống, Phả Lại, Đáp Cầu, Phủ Lỗ để chuẩn bị tấn công lên Thái Nguyên.

Ngày 29-9-1950, quân Pháp huy động lực lượng gồm 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo binh, 1 đại đội dù, với khoảng 3000 quân, có máy bay và tàu chiến yểm trợ, tấn công đánh chiếm thị xã Thái Nguyên theo ba hướng.

Hướng thứ nhất (hướng chính) từ Đa Phúc theo Quốc lộ số 3 đánh lên Phổ Yên, Đồng Hỷ Thái Nguyên.

Hướng thứ hai (có 3 ca nô và 10 tàu chiến) từ Đa Phúc theo sông Cầu lên bến đò Hà Châu (Phú Bình) rồi đánh lên thị xã Thái Nguyên.

Hướng thứ ba, từ Phúc Yên theo sườn Tam Đảo, vượt đèo Nhe sang Hợp Thành, Phúc Thuận (Phổ Yên), qua Thịnh Đức, Thịnh Đán (Đồng Hỷ) tiến vào thị xã Thái Nguyên.

Trước tình hình đó, quân và dân Thái Nguyên đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với thực dân Pháp.

79

3.2.2. Quân và dân Thái Nguyên tham gia đánh bại cuộc hành quân Phoque của thực dân Pháp

Để đối phó với cuộc tiến công của Pháp, ngoài bộ đội địa phương và dân quân, du kích của tỉnh Thái Nguyên, còn có Trung đoàn 246, Trung đoàn 121 và các tiểu đoàn 64, 68 bộ đội chủ lực và Bộ đội Phòng không của Liên khu Việt Bắc cùng với lực lượng vũ trang của các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang sẵn sàng chi viện chiến đấu.

Do có sự chuẩn bị đối phó từ trước nên bộ đội địa phương và dân quân, du kích Thái Nguyên đã chặn đánh quân Pháp liên tiếp ở khắp nơi.

Hướng thứ nhất, hơn 1000 quân Pháp vượt cầu Đa Phúc theo Quốc lộ số

3 lên Thái Nguyên bị Đại đội 225 bộ đội địa phương Phổ Yên chặn đánh ở Thanh Xuyên (Trung Thành), Thông Hạc (Nam Tiến), Ba Hàng (Đồng Tiến) làm chậm lại tốc độ tiến công của chúng.

Hướng thứ hai, Đại đội 224 bộ đội địa phương Phú Bình cùng với dân quân, du kích địa phương phục kích quân Pháp ở bến đò Hà Châu, bắn hỏng 3 ca nô, tiêu diệt 12 tên, làm bị thương 8 tên. Từ bến đò Hà Châu, khoảng 1000 quân Pháp đổ bộ lên bờ theo Đường 19 tiến lên thị xã Thái Nguyên, tiếp tục bị Đại đội 224 và dân quân, du kích các xã dọc Đường 19 chặn đánh ở kè Đá Gân, Cổ Dạ, Cầu Mây… Trận đánh ở Kè Đá Gân, ta tiêu diệt 45 tên lính Pháp [23, tr.243].

Hướng thứ ba, gần 1000 quân Pháp sau khi vượt đèo Nhe sang đánh chiếm các xã Hợp Thành, Phúc Thuận (Phổ Yên), ngày 30-9-1950, chúng định vượt sông Công lên Bá Vân (Đồng Hỷ), nhưng bị Đại đội 225 Phổ Yên từ các xã dọc Đường số 3 vận động về vùng Thu Quang, Lợi Xá, Bá Vân chặn đánh.

Ngày 30-9 và 1-10-1950, quân Pháp ồ ạt tấn công vào thị xã Thái Nguyên từ khắp các hướng: Từ Phổ Yên, quân Pháp theo Quốc lộ số 3 lên đánh Na Hoàng, Phố Hương, Lưu Xá, Gia Sàng, Âm Hồn. Từ Hà Châu chúng

80

theo đường đất đỏ lên thị xã Thái Nguyên. Từ Bá Vân quân Pháp qua Thịnh Đức lên Thịnh Đán đánh chiếm Kép-le.

Chiều ngày 01-10-1950, Pháp huy động 27 máy bay các loại ném bom, bắn phá và thả khoảng 200 quân dù xuống đánh chiếm sân bay Đồng Bẩm (huyện Đồng Hỷ). Tại đây, quân dù đã phối hợp với hai cánh quân từ Phổ Yên và Phú Bình lên chiếm sân bay, tràn qua cầu Gia Bảy và ngầm Bến Tượng, chiếm thị xã Thái Nguyên. Quân Pháp chiếm giữ, củng cố nơi đóng quân ở các vị trí trọng yếu, như núi Cô Kê, đồi Yên Ngựa, đồi Két nước cầu Gia Bảy, chùa Phủ Liễn. Chiếm được thị xã Thái Nguyên, thực dân Pháp tuyên bố “đã chiếm được thủ đô quân sự và chính trị của Việt Minh”.

Đảng bộ Thái Nguyên đã kịp thời vận động nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Thái Nguyên thực hiện Chỉ thị “Luôn bám sát tiêu diệt quân Pháp” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trung đoàn 246 phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân, du kích triển khai đánh Pháp tại nhiều nơi, ngày đêm quấy rối các vị trí đóng quân của chúng, gây cho chúng nhiều tổn thất, điển hình là các trận đánh tại Gia Sàng, Đồng Quang, Lưu Xá, Cầu Loang, Thác Huống, Thịnh Đán, An Khánh… diệt gần 200 lính Pháp, thu nhiều vũ khí và trang bị. Tại Cầu Loàng, một trung đội của Đại đội 223 Đồng Hỷ phối hợp với một đơn vị Trung đoàn 246 diệt gần 100 lính Pháp, thu nhiều vũ khí. Với những chiến công đánh giặc xuất sắc, Đại đội 223 được vinh dự nhận Huân chương chiến công hạng Hai. Bộ đội địa phương và du kích Phổ Yên đã đánh 12 trận lớn nhỏ, diệt 36 lính Pháp, làm bị thương 52 tên. 16 giờ ngày 1-10-1950, Đại đội 225 bộ đội địa phương Phổ Yên do Trung đội trưởng Tân Lợi chỉ huy đã bắn cháy 1 chiếc máy bay của Pháp rơi xuống xã Trung Thành (Phổ Yên [23, tr.245].

81

Ngày 03-10-1950, lính Pháp từ thị xã Thái Nguyên kéo vào làng Um, làng Hà xã Phúc Xuân, càn quét, cướp bóc. Du kích địa phương tổ chức lực lượng chiến đấu buộc chúng phải rút lui.

Ngày 05-10, bộ đội địa phương và du kích Đồng Hỷ đã chặn đánh các toán quân Pháp từ thị xã càn vào các xóm Xuân Thịnh, Kép le, làng San thuộc xã Hiệp Hòa.

Ngày 06-10, khoảng 4 trung đội quân Pháp từ Vân Dương kéo vào càn thôn Niên Quang, bị du kích xã Tân Quang chặn đánh. Cùng ngày, du kích Quan Triều chặn đánh quân Pháp càn lên xã Sơn Cẩm (Phú Lương).

Ngày 07-10, khoảng 80 lính Pháp từ Gia Sàng càn xuống Tích Mễ, Phố

Hương, bộ đội địa phương và du kích chặn đánh tiêu diệt 5 tên và làm bị

thương 1 tên.

Ngày 10-10, quân Pháp từ ba hướng tiến vào càn quét khu vực Đồng Tiến, bị du kích xã và bộ đội địa phương phối hợp chặn đánh.

Do liên tục bị đánh và không đạt được ý đồ đổi Cao Bằng lấy Thái Nguyên nên từ chiều ngày 11-10-1950, Bộ Chỉ huy quân Pháp buộc phải cho quân rút khỏi địa phận thị xã Thái Nguyên về Hà Nội.

Trong gần nửa tháng chiến đấu chống lại cuộc hành quân Phoque của Pháp, quân và dân tỉnh Thái Nguyên cùng với bộ đội chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh và Liên khu Việt Bắc đã đánh trên 60 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 872 lính Pháp, bắn rơi 1 máy bay, làm hư hỏng nặng 3 ca nô, thu 160 súng các loại [23, tr.251].

Thực tế cho thấy đường lối chiến tranh nhân dân được thể hiện rõ nét qua cuộc chiến đấu của quân dân Thái Nguyên chống lại cuộc hành quân Phoque của thực dân Pháp. Trong cuộc chiến đấu này, lực lượng chủ yếu là

bộ đội địa phương và dân quân, du kích cùng với nhân dân địa phương. Từ khi quân Pháp tiến vào Thái Nguyên cho đến khi rút chạy, hầu như ngày nào

82

và bất cứ ở đâu, chúng cũng đều gặp phải sự đánh trả của quân và dân ta. Ở những nơi không có chiến sự, nhân dân các dân tộc vận động quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm và tiền bạc… cho bộ đội, dân quân, du kích. Thực dân Pháp không thể chiếm đóng lâu dài Thái Nguyên, một phần là do chúng không thực hiện được âm mưu thu hút chủ lực của ta ở Mặt trận Biên giới, một phần là do vấp phải thế trận chiến tranh nhân dân của quân và dân tỉnh Thái Nguyên.

Với thắng lợi đập tan cuộc hành quân Phoque của thực dân Pháp, quân và

dân Thái Nguyên đã góp phần vào chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, Hành lang Đông - Tây bị chọc thủng, thế bao vây của Pháp cả trong lẫn ngoài đối với Căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Với chiến thắng Biên giới, con đường liên lạc giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa được khai thông. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kháng chiến của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945 - 1954 (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)