Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở HÀ NỘI HIỆN NAY
3.1. Nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục đạo đức trong nhà trường trung học phổ thông hiện nay
Nhận thức là yếu tố đầu tiên của một quá trình hoạt động, nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của một công việc. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội là việc làm vô cùng quan trọng góp phần nâng cao kết quả giáo dục đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Giáo dục là một hoạt động tự giác. Hoạt động này cần phải có sự định hướng đúng đắn của tư tưởng. Vì nó quyết định toàn bộ sự đầu tư cho giáo dục, xác định nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và hỗ trợ lực lượng giáo dục.
Việc nâng cao nhận thức về vai trò của công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường THPT hiện nay là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục đạo đức cho học sinh. Các cán bộ đoàn thể, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều phải xác định được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh, hiểu rõ được tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Muốn làm được điều đó, tất cả các thành viên đều phải có ý thức trách nhiệm, tâm huyết cùng nhau chung sức đưa công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất.
Cụ thể là:
Đối với Ban Giám Hiệu: Đứng trước thực trạng đạo đức của học sinh đang có những biểu hiện xuống cấp đáng báo động như hiện nay, nhất là khi việc “dạy chữ” nhiều hơn việc “rèn người” trong các trường THPT, nhiệm vụ của Ban giám hiệu là phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo
viên trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, để mỗi thầy cô phải thấy rõ đó là vấn đề cốt yếu, là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường và cùng có trách nhiệm trong việc rèn luyện học sinh, hình thành nhân cách theo đúng mục tiêu giáo dục đã đề ra. Để làm tốt việc này, Ban giám hiệu, mà đứng đầu là Hiệu trưởng phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị cho mỗi cán bộ giáo viên, công nhân viên trong nhà trường. Hiệu trưởng phải luôn khơi dậy lương tâm, ý thức nghề nghiệp của mọi thành viên trong nhà trường, trong việc giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của học sinh. Thông qua chỉ đạo sinh hoạt tổ chuyên môn, tự các cá nhân xây dựng các chỉ tiêu thi đua, thảo luận dự thảo nhiệm vụ năm học, nội dung các cuộc vận động (nhà trường văn hóa – nhà giáo mẫu mực – học sinh thanh lịch”; Vận động thực hiện hai không với bốn nội dung). Thảo luận chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT, thảo luận góp ý kiến xây dựng tầm nhìn chiến lược…Những hoạt động này giúp giáo viên có ý thức tự bồi dưỡng năng lực, phong cách, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt ý thức về nhiệm vụ dạy văn hóa đi đôi với dạy người.
Không những thế, Ban giám hiệu còn phải nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của giáo viên, nhân viên trong việc giáo dục đạo đức học sinh.
Ban giám hiệu cần làm cho cán bộ giáo viên hiểu rõ công tác giáo dục đạo đức học sinh không chỉ là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của tổ chức Đoàn thanh niên mà là trách nhiệm của tất cả mọi thành viên trong nhà trường. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên bộ môn trước hết phải có trách nhiệm với giờ dạy của mình trên lớp, phải phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, xử lý tất cả các tình huống sư phạm xảy ra trên lớp. Tất cả mọi thành viên trong hội đồng giáo dục phải kịp thời uốn nắn, chỉnh sửa những hành vi sai phạm của học sinh. Ban giám hiệu cũng cần tăng cường bồi dưỡng tri thức lý luận nghiệp vụ và kỹ năng giáo dục đạo đức học sinh cho giáo viên. Ban
giám hiệu phải coi công việc này có tầm quan trọng đặc biệt, giúp giáo viên có đủ tri thức lý luận và kỹ năng để giáo dục, rèn luyện học sinh nói chung và học sinh hư nói riêng. Vì vậy, song song với việc mở lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, Ban giám hiệu cần chủ động mở các chuyên đề, mời chuyên gia có kinh nghiệm về giáo dục để bồi dưỡng cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng về giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp giáo viên nắm được tâm lý lứa tuổi vị thành niên nói chung và tâm lý của học sinh hư nói riêng để có biện pháp giáo dục thích hợp. Để rèn kỹ năng sống cho học sinh, bản thân các thầy cô giáo cũng phải được bổ sung thêm kiến thức về kỹ năng sống. Vì thế nhà trường tổ chức tập huấn về “Giáo dục kỹ năng sống” cho cán bộ giáo viên, nhân viên, các chuyên đề về giáo dục đạo đức để giáo viên trao đổi kinh nghiệm với nhau, phối hợp với nhau cùng giáo dục học sinh.
Trong quá trình bồi dưỡng cần đưa ra những tình huống có trong thực tiễn giảng dạy, giáo dục để giáo viên cùng phân tích, trao đổi. Từ đó giúp giáo viên có cách thức và kinh nghiệm giải quyết tình huống có hiệu quả. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn, tạo điều kiện, động viên để giáo viên có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Đối với cán bộ Đoàn thanh niên: phải nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính quyền để có định hướng cho hoạt động của đoàn viên trong toàn trường. Đoàn thanh niên cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm phổ biến cho học sinh học tập nội quy trường học, xác định mục đích, thái độ học tập, những yêu cầu thực tiễn về kỷ cương, nề nếp. Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của nhà trường, của các thế hệ học sinh đi trước nhằm nâng cao lòng tự hào, yêu mến của học sinh về mái trường của mình. Đoàn thanh niên cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về “ Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”, “ Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, Bác Hồ vĩ đại”, “ Thanh niên,
học sinh thanh lịch”, “ Nữ sinh duyên dáng” ...nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta, tạo sân chơi rộng rãi và bổ ích góp phần giáo dục đạo đức cho học sinh.
Đối với giáo viên giảng dạy: Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, để họ có nhận thức trong việc giáo dục đạo đức học sinh thông qua các bài giảng, có liên hệ và có nội dung giáo dục đạo đức, đồng thời cùng tham gia với nhà trường quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh trong cũng như ngoài giờ lên lớp.
Đối với giáo viên chủ nhiệm: là “ hiệu trưởng” của một lớp, thay mặt nhà trường quản lý toàn diện mọi hoạt động của học sinh trong lớp được giao chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm phải đóng vai trò trực tiếp trong quá trình giáo dục đạo đức học sinh. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững mục tiêu giáo dục và đào tạo cả về nhân cách và kết quả học tập của học sinh, nắm vững hoàn cảnh cụ thể từng học sinh để có phương pháp giáo dục phù hợp.
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần chủ động phối hợp với gia đình, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để giáo dục đạo đức học sinh hoặc giáo dục học sinh cá biệt.