Chương 1. KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN TRƯỚC NĂM 1986
1.2. Kinh tế, xã hội huyện Phú Bình trước năm 1986
1.2.1. Tình hình kinh tế
Trong hoàn cảnh lịch sử mới, từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Đại hội đã
đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 - 1980) nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu về lương thực, thực phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo tích lũy cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ II (4/1977), Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XVI (1977) đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kì 2 năm (1977 - 1979) là: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; ra sức phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường công tác lưu thông phân phối; ra sức phát triển và mở rộng các mặt hàng xuất khẩu;
giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao…” [3, tr.263]
Là một vùng quê thuần nông nên cơ cấu kinh tế của huyện Phú Bình chủ yếu là nông nghiệp. Đến năm 1985, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Các tiến bộ khoa học kĩ thuật được áp dụng, nhiều giống lúa mới có năng suất cao được gieo trồng. Nhờ đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra về năng suất và sản lượng. Tổng sản lượng lương thực toàn huyện năm 1985 đạt 35.662 tấn (có 30.559 tấn thóc và 5103 tấn màu quy thóc) [3, tr.295]. Trong 3 năm từ 1977 đến 1979, huyện Phú Bình đã thực hiện có hiệu quả việc đưa giống lúa có năng suất cao vào sản xuất như giống Bao thai lùn, Nông nghiệp 8 sớm, Nông nghiệp 5, Nông nghiệp 22, Nông nghiệp 294… Cơ cấu vụ mùa được thay đổi ngày càng phù hợp hơn.
Năm 1979, trong số 1.600 ha cấy lúa sớm đã có 800 ha cấy giống lúa sớm năng suất cao.
Quán triệt quan điểm Hợp tác hóa đi đôi với thủy lợi hóa, huyện xác định rõ công tác thủy lợi là một trong những biện pháp hàng đầu của sản xuất nông nghiệp. Trong 3 năm (1977 - 1979), huyện tập trung xây dựng các công trình thủy lợi. Bên cạnh 20 đội chuyên trách thủy lợi gồm 912 hội viên thường xuyên hoạt động, hằng năm Huyện ủy còn lãnh đạo tổ chức các chiến dịch xây dựng các công trình thủy lợi, thu hút hàng ngàn người tham gia. Riêng trong đợt ra quân đầu năm 1977, toàn huyện có trên 6.000 người - nòng cốt là thanh niên và dân quân, tham gia đào đắp hàng trăm ngàn mét khối đất đá, xây dựng được hàng chục công trình thủy lợi lớn, nhỏ. Trong năm 1978, toàn huyện huy động trên 210.000 ngày công xây dựng hệ thống kênh mương Núi Cốc cấp I và cấp II theo kế hoạch tỉnh giao; gần 17.000 ngày công đào đắp, xây lắp hoàn chỉnh về căn bản hệ thống thủy nông 7 xã vùng sông Máng; đào đắp, xây lắp 16 công trình tiểu thủy nông khác [3, tr.264- 265]. Các công trình này có tác dụng đưa diện tích cấy lúa không ngừng tăng.
Cùng với trồng trọt, ngành Chăn nuôi được coi trọng. Do chủ động nguồn thức ăn và cải tiến phương thức chăm sóc, tổ chức tiêm phòng, nên chăn nuôi có bước phát triển. Trong vòng 7 năm, từ 1978 đến 1985, đàn trâu tăng từ 13.000 con lên 14.570 con, đàn bò tăng từ 3.000 con lên 4.200 con, đàn lợn tăng từ 28.000 con lên 33.000 con [3, tr.264, 296]. Tuy có bước phát triển, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành Chăn nuôi còn chậm, chưa tương xứng với điều kiện đất đai, đồng cỏ và nguồn thức ăn sẵn có của địa phương.
Là một huyện có nhiều sông, suối, ao, hồ nên trữ lượng thủy sản của huyện cũng ngày một phát triển. Từ trước những năm 1960, sản lượng thủy sản của huyện chủ yếu là từ đánh bắt tự nhiên, đạt 35-40 tấn/năm. Tuy nhiên, từ sau năm 1960, nhân dân trong vùng đã có sự đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) nên sản lượng thủy sản đạt 50-60 tấn/năm. Thêm vào đó, người dân có áp dụng khoa học kĩ thuật vào nuôi trồng thủy sản nên góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế trong huyện.
Trong sản xuất lâm nghiệp, Đảng bộ huyện Phú Bình đã coi trọng lãnh đạo các hợp tác xã thành lập các đội chuyên trồng cây, gây rừng do các cụ phụ lão đảm nhiệm. Năm 1969, nhân dân các dân tộc trong huyện đã trồng được 2.702.000 cây các loại (tăng 2 lần so với năm 1968), phủ xanh được 800,4 ha đất trống, đồi trọc (trong đó có 2.421.500 cây bạch đàn, 133.600 cây ăn quả, 147.000 cây ghẹ, cây tre). Với kết quả này, huyện Phú Bình đã vượt chỉ tiêu về trồng rừng. Nhưng sang đến năm 1970, huyện Phú Bình chỉ đạt 60% so với kế hoạch và thấp hơn so với các năm trước. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thời tiết không thuận lợi cho việc gieo giống, ươm cây, nên thiếu cây non. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện xuống cơ sở chưa mạnh, nên không tạo được phong trào trồng cây gây rừng mạnh mẽ như trước. Cấp ủy và Ban Quản trị các hợp tác xã Hà Châu, Cấp Tiến, Tây Bắc, Hồng Hà chưa chú trọng lãnh đạo. Việc chặt cây, cuốc gốc lấy củi đun còn xảy ra khá nghiêm trọng và phổ biến ở một số nơi trong huyện.
Từ sau năm 1970 cho đến năm 1985, Huyện ủy cùng nhân dân đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác trồng rừng nên số diện tích rừng trồng mới vẫn được tăng hằng năm.
Ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp của huyện có chiều hướng không phát triển. Sản phẩm hàng hóa công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện mỗi năm một giảm. Các ngành thủ công nghiệp chủ yếu của huyện là:
làm gạch, đan lát, làm gốm. Đến năm 1985, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa do ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp sản xuất chỉ đạt 10 triệu đồng, sản xuất được 2 triệu viên ngói, 10 triệu viên gạch chỉ… Một số mặt hàng (gốm, sứ) trước đây tự sản xuất được, thì nay phải nhập từ bên ngoài [3, tr.270- 289-297].
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện xuống đến cơ sở thiếu chặt chẽ; công tác quản lí vật tư, thiết bị và một số chính sách về giá cả chưa hợp lí; nguồn
nguyên vật liệu đảm bảo cho hoạt động sản xuất của các ngành nghề thường xuyên thiếu hụt; thu nhập của xã viên thấp và không ổn định nên không thu hút được lao động có tay nghề cao...
Thương nghiệp Quốc doanh đóng vai trò quan trọng trong quản lí, điều tiết thị trường, phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện. Công tác lưu thông phân phối được chỉ đạo chặt chẽ và có bước chuyển biến kịp thời theo hướng tích cực. Việc liên kết kinh tế được đẩy mạnh đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi, tạo cơ sở kinh doanh và phục vụ khá hơn so với những năm trước.
Điểm yếu của nền kinh tế huyện Phú Bình là cơ sở vật chất còn hết sức nghèo nàn, cơ cấu kinh tế phát triển không cân đối. Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức và chưa có những chủ trương, biện pháp tích cực để khuyến khích 2 ngành Lâm nghiệp và Thủ công nghiệp phát triển. Đến năm 1985, trong cơ cấu kinh tế của huyện, tỉ trọng kinh tế Lâm nghiệp mới chỉ chiếm 0,28%, tiểu thủ công nghiệp mới chiếm 4,2%. Sản xuất nông nghiệp vẫn mang nặng tính độc canh cây lúa. Các loại rau, màu lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày chưa được coi trọng. Tỉ lệ màu lương thực mới chiếm 18%. Trong các loại cây lương thực, chỉ có cây lạc là phát triển khá, các cây thuốc lá, đỗ tương đều phát triển chậm, thậm chí giảm sút. Năng suất lúa còn thấp, chưa năm nào vượt quá mức 60 tạ/ha hai vụ. Tuy vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính để giải quyết vấn đề lương thực của huyện, nhưng hiệu quả kinh tế nói chung còn thấp, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều. Huyện vẫn chưa có tích lũy về kinh tế và dự trữ về lương thực [3, tr. 298].
Trước năm 1986, kinh tế toàn huyện nói chung còn nhiều khó khăn, dịch vụ và thương mại chưa phát triển do cơ sở hạ tầng chưa có nhiều dầu tư, nhất là hệ thống dường giao thông. Thương mại - dịch vụ năm 1984 chiếm 15% trong thành phẩn kinh tế của huyện.