Nông - lâm - ngư nghiệp

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện phú bình, tỉnh thái nguyên từ năm 1986 đến năm 2015 (Trang 38 - 47)

Chương 2. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG 10 NĂM ĐẦU ĐỔI MỚI (1986 - 1996)

2.2. Chuyển biến kinh tế

2.2.2. Nông - lâm - ngư nghiệp

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Bởi nông nghiệp phát triển không chỉ tạo ra những mặt hàng tiêu dùng trực tiếp cho con người mà còn có tác động đến sự phát triển của ngành Công nghiệp, như: Công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ… Sản phẩm nông nghiệp tham gia vào tổng sản phẩm xã hội, làm tăng thu nhập quốc dân và mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời nông thôn là thị trường tiêu thụ rộng lớn các sản phẩm công nghiệp, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế khác. Vì vậy, trong đường lối đổi mới của Đảng, vấn đề đổi mới kinh tế nông nghiệp rất được chú trọng.

Trong 5 năm đầu đổi mới (1986 - 1990), Đảng chủ trương tập trung thực hiện bằng được 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực - Thực phẩm - Hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) về vấn đề nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XIX đã thông qua nghị quyết:

“Tập trung mọi cố gắng của toàn Đảng, toàn dân trong huyện, khai thác tiểm năng đất đai, lao động và cơ sở vật chất kĩ thuật phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn về lương thực, thực phẩm, hàng xuất khẩu. Phát triển lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tự sản xuất một phần hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân” [3, tr.304].

- Về trồng trọt: Huyện uỷ, Ủy ban Nhân dân huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề then chốt có tính chiến lược tạo ra tiền đề cho phát triển

trước mắt cũng như lâu dài. Trước hết về vấn đề lương thực, huyện đã chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất lương thực theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật và đưa vào sản xuất thử nghiệm một số giống lúa có năng suất cao, chịu hạn và bệnh tốt, như V15, CK 39, Ô môn 80… Các giống ngô TSB2, MSB49 được đưa nhanh vào gieo trồng đại trà (từ 225 ha năm 1986, lên 1.300 ha năm 1988).

Nhờ đó đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong nông nghiệp. Sản lượng cây trồng tăng dần qua các năm. “Năm 1987, sản lượng lương thực đạt 39.167 tấn, năm 1988 đạt 40.121 tấn, tăng 4.500 tấn so với năm 1985, trong đó sản lượng thóc đạt 32.600 tấn, tăng 2.000 tấn so với 1985. Sản lượng màu quy thóc tăng nhanh, so với mục tiêu do Đại hội Đảng bộ huyện XIX đề ra, năm 1987 vượt 1.600 tấn, năm 1988 vượt 2.600 tấn. Sản lượng màu quy thóc năm 1988 đạt gần gấp 2 lần năm 1985” [3, tr.305].

Cơ chế quản lí trong nông - lâm nghiệp cũng được đổi mới. Nông dân Phú Bình phấn khởi đón nhận Chỉ thị 100 (13/1/1981) của Ban Bí thư Trung ương, bỏ vốn xây dựng, mua sắm trâu bò, nông cụ, tận dụng đất đai, ao hồ phát triển sản xuất. Tuy vậy, Chỉ thị 100 vẫn còn những mặt hạn chế, cơ chế quản lí trong hợp tác xã còn nhiều bất hợp lí. Bộ máy quản lí còn cồng kềnh, kém hiệu lực. Sản xuất tăng chậm, trong khi các quỹ đóng góp trong hợp tác xã ngày càng lớn. Bình quân lương thực theo đầu người giảm sút. Nạn đói trong các kì giáp hạt xảy ra ở một số nơi.

Trước tình hình trên, đầu tháng 1/1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Thái đã ra Nghị quyết 05 nhằm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lí trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tháng 4/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10

“Về đổi mới quản lí kinh tế nông nghiệp” (gọi tắt là Khoán 10) [3, tr.307].

Hưởng ứng và vận dụng sáng tạo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Huyện uỷ Phú Bình kịp thời đề ra nhiều chủ

trương mới, nhằm động viên mạnh mẽ sức sản xuất trong nông nghiệp. Người nông dân được hoàn toàn chủ động đối với cây trồng, vật nuôi, tích cực đầu tư thâm canh tăng năng suất lao động, tiềm năng đất đai, tiến bộ khoa học kĩ thuật, vật tư, nguồn vốn được khai thác, phát huy có hiệu quả. Nhịp độ sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được ổn định, có mặt được cải thiện, những tiêu cực trong quản lí kinh tế được hạn chế một phần.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 10, nhân dân và Đảng bộ huyện đã gặp một số khó khăn vướng mắc. Đó là tình trạng tranh chấp ruộng đất đã diễn ra ở một số nơi và ngày càng có chiều hướng phức tạp.

Tháng 3 năm 1989, Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XX được tổ chức theo tinh thần thật sự đổi mới, khẩn trương, nghiêm túc, công khai, dân chủ. Đại hội xác định quyết tâm “giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm đủ ăn và có tích lũy…từng bước nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện”.

Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, năm 1990 xảy ra hạn hán, tiếp theo là lụt úng gây thiệt hại lớn cho 2 vụ lúa. “Năm 1991, thời tiết âm u kéo dài, thiếu nắng, lúa không trỗ được, vụ chiêm xuân gần như mất trắng. Sâu bệnh phát triển nhiều, nhưng diện tích được phòng trừ ít, dẫn đến kết quả sản xuất lương thực tiếp tục giảm sút. Năm 1989, tổng sản lượng lương thực đạt 45.000 tấn; năm 1990 đạt 38.000 tấn; năm 1991 đạt 34.200 tấn, trong đó sản lượng thóc cũng giảm dần từ 36.417 tấn năm 1989 xuống 28.968 tấn năm 1990. Bình quân lương thực đầu người giảm từ 402 kg năm 1989 xuống 342 kg năm 1990” [3, tr.314].

Tại Đại hội đại biểu lần thứ XXI (28 - 31/10/1991), Đảng bộ huyện đã nhận định “Phú Bình kinh tế còn mang nặng tính tự cung tự cấp, độc canh cây lúa và chưa chuyển mạnh sang nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần…”.

Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kì 5 năm 1991 - 1995 là “Giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn để ổn định và phát triển

kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân”. Để thực hiện mục tiêu tổng quát, Đại hội đề ra những nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp chủ yếu nhằm ổn định và phát triển sản xuất: “Đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, phấn đấu hình thành bằng được cơ cấu kinh tế nhiều thành phần…” [3, tr.321- 322].

Trong hai ngày 4 và 5 tháng 3/1992, Huyện ủy đã họp hội nghị mở rộng, ra nghị quyết nhấn mạnh quan điểm “Dù có đổi mới nhưng hợp tác xã nông nghiệp vẫn phải được giữ vững, sản xuất phải phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân phải được nâng lên”. Hội nghị phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các cụm, các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách các xã, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các xã phải lãnh đạo, chỉ đạo xã mình.

Trải qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (5/4/1988) Về đổi mới cơ chế quản lí kinh tế nông nghiệp, sức sản xuất ở các cơ sở của Phú Bình từng bước được giải phóng, tiềm năng lao động được phát huy, nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng, yên tâm với mảnh ruộng được khoán; trình độ thâm canh tăng năng suất lúa và hoa màu được nâng lên; nhiều giống lúa và hoa màu mới có năng suất cao được đưa vào sản xuất; tổng sản lượng lương thực ngày một tăng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Đầu năm 1992, thời tiết không thuận lợi, rét đậm kéo dài khiến lúa chiêm xuân chết nhiều hoặc không phát triển được. Trước tình hình đó, Uỷ ban Nhân dân huyện đã cử cán bộ các cơ quan huyện xuống cơ sở trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tăng cường làm cỏ, bón phân, thâm canh tăng năng suất và đẩy mạnh trồng cây hoa màu. Công ti Vật tư nông nghiệp huyện trực tiếp đưa phân bón, thuốc trừ sâu xuống phục vụ tại các điểm dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thâm canh lúa và hoa màu. Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện đẩy mạnh việc cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên,“do rét đậm kéo dài, lúa chiêm xuân bị chết nhiều và phát triển kém, sâu

hại lúa lại phát triển nhiều trên diện rộng nên cả năng suất và sản lượng chỉ đạt 24% kế hoạch” [3, tr.25].

Để bù vào sản lượng vụ chiêm xuân bị giảm sút nghiêm trọng, Huyện uỷ ra nghị quyết lãnh đạo sản xuất lương thực vụ mùa, chỉ rõ nhiệm vụ các ngành, các cấp phải chuẩn bị đủ giống, vật tư, thuốc trừ sâu, nước tưới tiêu, hướng dẫn quy trình kĩ thuật, đảm bảo cho cơ sở cấy hết diện tích và chăm bón lúa. Đội ngũ cán bộ khuyến nông tăng cường hoạt động, thông báo kịp thời tình hình và hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu hại lúa. Do vậy, vụ mùa năm 1992, sản lượng thóc toàn huyện đạt gần 26.000 tấn, sản lượng màu quy thóc đạt hơn 9.000 tấn, tổng sản lượng quy thóc hằng năm đạt 39.018 tấn, bằng 82% kế hoạch và vượt hơn 3.970 tấn so với năm 1991.

Nguồn: [ 34, Tr.10; 35,Tr.8;39, Tr.12]

Biểu đồ 2.1. Bình quân lương thực (người/năm) từ 1986 - 1996 0

100 200 300 400 500 600

1986 1990 1991 1992 1993 1995

(Năm) 342kg 356kg 378kg

395kg

407kg

332kg (Kg)

Từ năm 1993, Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân mạnh dạn tiếp thu và đưa các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích cấy các giống lúa mới có năng suất cao, nên sản xuất của huyện liên tiếp giành được những thắng lợi toàn diện. “Vụ chiêm xuân 1993 đạt được kết quả cao nhất so với những năm trước đó. Toàn huyện cấy được 4.243ha, năng suất bình quân đạt 36,46 tạ thóc/ha (tăng 11,1% so với kế hoạch), sản lượng thóc đạt 15.469 tấn;

ngô xuân trồng được 228ha, năng suất đạt 13,1 tạ/ha, sản lượng đạt 300 tấn (tăng 56,2% so với năm 1992); sản lượng khoai lang xuân đạt 1.378 tấn; sản lượng màu quy thóc đạt 6.375 tấn; sản lượng lương thực quy thóc đạt 21.884 tấn (tăng 32,6% so với cùng kì năm 1992). Sản lượng các lại cây công nghiệp ngắn ngày cũng tăng hơn trước: Lạc đạt 1.183 tấn (tăng 17,7% so với kế hoạch và tăng 79,2% so với cùng kì năm 1992), Đỗ tương đạt 223 tấn(tăng 62,7% so với cùng kì năm 1992)… Tính chung năm 1993, tổng sản lượng lương thực quy thóc toàn huyện đạt 48.500 tấn (tăng 9.482 tấn so với năm 1992 và tăng 1% so với kế hoạch)” [3, tr.326].

“Sang năm 1994, tổng sản lượng lương thực quy thóc cả huyện tăng 500 tấn so với năm 1993 và tăng 8% so với kế hoạch; trong đó, sản lượng thóc đạt 40.000 tấn, sản lượng màu 9.000 tấn. Năm 1995, tổng sản lượng lương thực toàn huyện tăng 4,7% so với kế hoạch. Bình quân lương thực đầu người trong địa bàn huyện tăng từ 324 kg (năm 1992) lên 390kg (1993), 414 kg (năm 1994). Năm 1995, bình quân lương thực đầu người trong huyện đạt 407 kg (giảm 7kg so với năm 1994)” [3, tr.327].

Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Bình thời kì này là đã tập trung vào chuyển dịch cơ cấu, đưa các giống lúa bao thai, tám thơm, nếp hoa vàng có năng suất cao, chất lượng gạo ngon vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa vụ đông thành vụ sản suất chính trong năm và tăng cường sản xuất vụ hè thu. Hệ số sử dụng đất bình quân toàn huyện tăng từ 2,20 lần (năm 1992), lên 2,25 lần (năm 1993, 1994) và 2,28 lần (năm 1995) [3, tr.327].

Cây lạc là thế mạnh của huyện Phú Bình, được Đảng bộ và chính quyền các cấp trong huyện coi trọng nên sản lượng không ngừng tăng: Từ 720 tấn (năm 1992), lên 1.260 tấn (năm 1993), 1.142 tấn (năm 1994) và 6 tháng đầu năm 1995 đạt 1.412 tấn, bằng 94% kế hoạch cả năm.

Năm 1996, do thời tiết rét đậm và hạn hán kéo dài làm chậm thời vụ gieo, cấy lúa xuân và làm cho trên 2.000 ha lúa chiêm xuân bị chết phải cấy lại.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời ra Chỉ thị số 02, lãnh đạo chỉ đạo nhân dân khắc phục hiệu quả. Ủy ban Nhân dân huyện cử cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo, động viên nhân dân cấy lại hết diện tích lúa bị chết. Ban Vật tư nông nghiệp đưa phân bón về tận cơ sở cung cấp cho nông dân chăm bón 2.000 ha lúa phải cấy lại. Nông dân đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn cấy lại hết diện tích lúa bị chết và tích cực thâm canh tăng năng suất lúa chiêm xuân. Nhờ đó, tuy “diện tích lúa chiêm xuân năm 1996 bị giảm 4,7% so với kế hoạch (giảm 130ha so với vụ chiêm xuân năm trước) nhưng năng suất tăng 2,6% so với kế hoạch và tăng 328 kg thóc một ha so với vụ chiêm xuân năm trước, sản lượng lúa đạt hơn 15,053 tấn (tăng trên 133 tấn so với kế hoạch và tăng 1.226,5 tấn so với vụ chiêm xuân 1995)” [3, tr.345].

Cũng giống như một số huyện khác trong tỉnh, Phú Bình có ưu thế phát triển một số cây ăn quả như nhãn, vải, xoài… Cuối năm 1991, Ban Thường vụ Huyện ủy ra nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng cây lấy gỗ sang trồng cây ăn quả. Thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, “trong 2 năm 1993 - 1994 , toàn huyện đã trồng được gần 10 vạn cây ăn quả các loại, với diện tích gồm 134ha cây vải thiều, 12ha cây cam quýt, 10ha cây na, 17ha cây mơ, và 250ha cây ăn quả các loại khác” [3, tr.329]. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, Hội Làm vườn huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân

trồng cây ăn quả, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và mở ra cho huyện một hướng phát triển kinh tế mới.

Như vậy, sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Trồng trọt của huyện đã phát triển đúng hướng. Từ chỗ kinh tế nông nghiêp chủ yếu độc canh cây lúa, nay huyện đã có một nền kinh tế đa dạng đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Về chăn nuôi: Sản xuất nông nghiệp phát triển là tiền đề thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng về thực hiện 3 chương trình kinh tế: Lương thực - Thực phẩm - Hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh, cùng với sự đầu tư vốn, giống, trong những năm đầu đổi mới, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn xác định chăn nuôi có một vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi đã chiếm một phần đáng kể trong các hộ gia đình, tạo thêm việc làm cho người lao động, cung cấp thực phẩm, sức kéo, đồng thời còn cung cấp phân hữu cơ cần thiết cho ngành Trồng trọt.

Bảng 2.1. Tình hình chăn nuôi của huyện Phú Bình từ 1991 đến 1995 Đơn vị tính: Con

1991 1992 1993 1994 1995

Trâu 13.616 13.989 13.990 14.120 14.974

6.420 7.430 6.866 6.896 6.985

Lợn 42.044 42.560 45.328 51.433 52.170

Nguồn: [34, Tr.6;35,Tr.8-9]

Khác với giai đoạn 1986 - 1995, chăn nuôi gia súc giai đoạn này không phải nhằm mục đích chính là lấy sức kéo mà nhằm mục đích phục vụ nhu cầu thị trường. Vì thế từ năm 1991, ngành Chăn nuôi của huyện chú trọng vào những loại giống có năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như lợn hướng nạc, vịt siêu trứng, bò lai sin…

- Về ngư nghiệp: Do còn nhiều khó khăn, hơn nữa nhu cầu về lương thực còn cao nên trong những năm đầu đổi mới huyện Phú Bình chưa có nhiều điều kiện để triển khai kế hoạch nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1991 trở đi, huyện mới bắt đầu chú trọng chuyển dịch cơ cấu sang nuôi trồng thủy sản. Ban đầu, huyện xây dựng mô hình nuôi cá lồng, cá ruộng, nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình mẫu và bước đầu đạt hiệu quả. Từ năm 1996 trở đi, diện tích và năng suất trong nuôi trồng thủy sản mới bắt đầu tăng cao.

- Về lâm nghiệp: Mặc dù là huyện trung du - miền núi, nhưng lâm nghiệp không phải thế mạnh của huyện, nó chỉ giữ vai trò nhất định trong nền kinh tế của Phú Bình.

Sau khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc giao khoán đất rừng và rừng, nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất lâm nghiệp đối với nền kinh tế địa phương, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã có rừng kiểm tra và quy hoạch lại các loại đất rừng. Trên cơ sở đó, Huyện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa, đẩy mạnh giao đất giao rừng cho các hộ nông dân, động viên nhân dân đầu tư vốn để phát triển rừng.

Từ năm 1991 - 1995, công tác trồng rừng thu được kết quả tốt. Từ chỗ có 4.543 ha đất trống đồi trọc năm 1989 trên tổng số đất lâm nghiệp trong huyện là 5.514,7ha, đến năm 1995 đã hoàn thành phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Việc quản lí khai thác rừng được thực hiện theo đúng quy định. Giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp của huyện đạt 1,3 tỉ đồng (năm 1996) [3, tr.349].

Nhìn chung, ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp của huyện Phú Bình trong 10 năm đầu tiến hành đổi mới (1986 - 1996) đã có sự chuyển biến tích cực, phát triển tương đối toàn diện, mở rộng diện tích trồng trọt, tăng tổng đàn bò, đàn lợn và gia cầm, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân nhân trong huyện. Tuy nhiên, giá trị các sản phẩm trong nông nghiệp còn hạn chế do năng suất thấp, sản lượng tăng chậm, công nghệ chế biến nông sản chưa phát triển mạnh nên hàng hóa xuất đi còn dưới dạng thô (vải, nhãn) nên giá trị thấp.

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện phú bình, tỉnh thái nguyên từ năm 1986 đến năm 2015 (Trang 38 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)