Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện phú bình, tỉnh thái nguyên từ năm 1986 đến năm 2015 (Trang 64 - 69)

Chương 3. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1997 - 2015)

3.1. Chuyển biến kinh tế

3.1.1. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Tính đến năm 2000, toàn huyện có 1.001 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 10.969 triệu đồng, đứng thứ 8 trong số 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Các sản phẩm gạch ngói Nga My, đồ gỗ Hợp tác xã xẻ - mộc Tân Khánh…đạt chất lượng cao, được thị trường chấp nhận [3, tr.350].

So với những năm trước, trong giai đoạn 1996 - 2000 các cơ sở vật chất kĩ thuật của ngành Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp được tăng cường hơn, máy móc thiết bị ngày càng được cải tiến, chuyển dần từ thủ công sang bán cơ khí, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng cho xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 9,83 tỉ đồng (năm 1996) lên 13,4 tỉ đồng (năm 2000) [35, tr.4]. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện vẫn phát triển chậm, chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong 5 năm tiếp theo (2001 - 2005), ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp của huyện có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày 3/1/2002, Huyện ủy Phú Bình ra Nghị quyết số 13 về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2002 - 2005. Năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện đạt 17.847 triệu đồng, vượt 4,98% so với kế hoạch và tăng 3,97%

so với năm 2002. Năm 2004, toàn huyện có 1.758 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thuộc 13 ngành nghề khác nhau, thu hút được 3.040 lao động. Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm xong quy hoạch 3 cụm công nghiệp nhỏ tại 2 xã Kha Sơn, Điềm Thụy và thị trấn Hương Sơn, với diện tích 26 ha để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2005 đạt 15,991 tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm (2001 - 2005) còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. So với ngành Nông, Lâm nghiệp, ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ và có mức độ tăng trưởng thấp nhất, trung bình chỉ khoảng 0,8% năm [3, tr.380].

Nhằm khắc phục hạn chế trên, Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XXIV (11/2005) ra nghị quyết “đến năm 2010 đạt cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản - dịch vụ - công nghiệp xây dựng”.

Trong giai đoạn 2006 - 2010, huyện Phú Bình đã hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp Điềm Thụy 170 ha, cụm công nghiệp Điềm Thụy 52 ha, cụm công nghiệp Kha Sơn trên 9 ha. Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình với quy mô trên 8.009 ha được Tỉnh trình Chính phủ phê duyệt, thu hút 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp nhỏ Điềm Thụy và Kha Sơn.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh, có 3 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Công tác khuyến công được quan tâm thông qua việc hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư xây dựng hạ tầng, khuyến khích các ngành nghề truyền thống, phát triển ngành nghề mới. Tính chung, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm (2006 - 2010) tăng bình quân 14,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2010 đạt 31,84 tỉ đồng. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt. Tổ chức thành công hội thảo xúc tiến đầu tư vào huyện Phú Bình, trao giấy chứng nhận đầu tư 3 dự án, kí cam kết đầu tư với 6 nhà đầu tư thực hiện 7 dự án, với tổng số vốn cam kết thực hiện là 12.120 tỉ đồng. [31, tr.2,3]

Bảng 3.1. Số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện phân theo ngành Công nghiệp (2005 - 2010)

2005 2007 2010

Công nghiệp khai thác 20 28 38

Công nghiệp chế biến 1.231 1.709 1.986

Tổng số 1.251 1.737 2.024

Nguồn: [37, tr.9-11]

Qua bảng số liệu trên ta thấy, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt là công nghiệp chế biến có sự phát triển nhanh hơn nhiều so với công nghiệp khai thác. Do công nghiệp khai thác giai đoạn này gặp khó khăn vì nguồn khoáng sản, tài nguyên cạn kiệt,

ví dụ như bãi cát sỏi sông Cầu giờ không còn nhộn nhịp như trước. Cùng với việc gia tăng các cơ sở sản xuất công nghiệp, số lượng lao động công nghiệp trên địa bàn huyện cũng tăng theo.

Bảng 3.2. Số lao động công nghiệp trên địa bàn huyện từ 2005 - 2010

2005 2007 2010

Công nghiệp khai thác 126 153 209

Công nghiệp chế biến 2.543 3.381 3.788

Tổng số 2.669 3.534 3.997

Nguồn: [37, tr.15-16]

Căn cứ vào bảng trên ta thấy, số lao động tham gia vào các ngành công nghiệp ngày càng đông. Điều đó là do sự mở mang quy mô sản xuất, sự hình thành và phát triển các cụm, khu công nghiệp đỏi hỏi nguồn nhân lực tương xứng. Mặt khác, khi công nghiệp phát triển, đáp ứng ngày càng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân, thì nhu cầu người lao động tham gia vào công nghiệp ngày một nhiều. Điều đó tác động trở lại, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói riêng và kinh tế huyện Phú Bình nói chung phát triển.

Đến năm 2010, huyện Phú Bình đã hoàn thành một cách toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt 9,4%/năm, hoàn thành chỉ tiêu đề ra và cao hơn giai đoạn 2001 - 2005 là 2,58%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,2%, công nghiệp xây dựng tăng 13,5%, dịch vụ 15,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành Nông nghiệp [32, tr.2].

Bảng 3.3. Giá trị sản lượng công nghiệp – thủ công nghiệp trên địa bàn huyện (2005 - 2010)

STT Giá trị

Năm

Giá trị SLCN -TCN (giá cố định)

(triệu đồng)

Tốc độ tăng trưởng GTSX %

1 2005 15.991 10,66

2 2006 16.982 6,2

3 2007 18.817 10,81

4 2008 19.850 5,49

5 2009 21.200 6,8

6 2010 32.100 51,42

Nguồn: [38, tr.14-16]

Căn cứ vào bảng số liệu trên ta thấy, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng rất nhanh kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng. Kết quả đó chứng minh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện là đúng hướng, thể hiện tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của một huyện trung du - miền núi, góp phần khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhằm mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Bước sang giai đoạn 2011-2015, kinh tế công nghiệp – thủ công nghiệp của huyện tiếp tục có xu hướng tăng. Tuy nghiên kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp xây dựng và sản xuất sản phẩm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kì năm 2011. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 33.129,8 tỉ đồng, năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 410.022,3 bằng 100% kế hoạch. Tăng dần tỉ trọng của các ngành sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim (tăng từ 8,6% năm 2000 lên 12,5% vào năm 2011 và 18,9% năm 2015) [9,tr47]. Giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế có xu hướng tăng khu vực kinh tế có vốn

đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước, giảm khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2015 là 2.030 tỉ đồng, tăng 616% so với cùng kì năm 2014, tăng 141 tỉ đông so với năm 2011 (1.889 tỉ đồng).

Trong sản xuất thủ công nghiệp, huyện đẩy mạnh quản lí các hoạt động của các làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh gạch đất sét nung và các hộ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp (mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, gia công cơ khí, mây tre đan…). Năm 2015 huyện Phú Bình có thêm, 5 làng nghề mới (3 làng nghề chè ở xã Tân Khánh, 1 làng nghề chè ở xã Bàn Đạt và 1 làng nghề tương nếp ở xã Úc Kỳ) được UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số làng nghề trên địa bàn huyện lên 12 làng nghề.

Trong 18 năm đổi mới (1996 - 2015), ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp ở Phú Bình đã có bước chuyển biến rõ rệt, đã đóng góp một phần vào nền kinh tế của huyện, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động của huyện. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn bé, khả năng liên kết mở rộng sản xuất còn hạn chế, thu hút lao động chưa nhiều, chưa tận dụng và khai thác triệt để các tiềm năng thế mạnh của huyện.

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện phú bình, tỉnh thái nguyên từ năm 1986 đến năm 2015 (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)