Chương 1. KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN TRƯỚC NĂM 1986
1.2. Kinh tế, xã hội huyện Phú Bình trước năm 1986
1.2.2. Tình hình xã hội
Tính đến năm 1985, Phú Bình có 86.568 người, trong đó nam chiếm tỉ lệ 45,34%, nữ là 54,66 %. Dân tộc Kinh chiếm tỉ lệ 92,34%, dân tộc Nùng 4,29%, dân tộc Sán Dìu chiếm 1,62%, dân tộc Tày chiếm 1,22%, còn lại là Hoa, Thái, Mông.
Dân số nông thôn thời gian này chiếm tỉ lệ 96,2%, dân số thị trấn chiếm 3,8%. Mật độ dân số trung bình là 468 người/km2 nhưng phân bố không đều, ở các xã miền núi chỉ có 354 người/km2, trong khi đó các xã ở khu vực phía Nam của huyện có 758 người/km2. Người dân Phú Bình chủ yếu theo đạo Phật (khoảng 69%), Thiên chúa giáo là 4,8% so với tổng số dân toàn huyện. [39,Tr 3].
Với sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương, đời sống dân cư trong vùng ngày một được cải thiện. So với thời kì trước năm 1975, trong những năm 1980 - 1986, đời sống nhân dân đã có thay đổi hơn về chất lượng cuộc sống. Kinh tế phát triển tạo ra sự thay đổi trong thu nhập của người dân.
Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 1985 đạt 16 triệu đồng, tăng 10% so với năm 1979. Sinh hoạt hằng ngày của người dân được cải thiện, bữa ăn đảm bảo hơn về dinh dưỡng và chất lượng, song đời sống chưa được nâng cao. Số hộ đói năm 1986 giảm 9%, hộ nghèo giảm 12% so với năm 1980.
Phát huy những lợi thế sẵn có của huyện, đồng thời quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, Đảng bộ và chính quyền huyện Phú Bình đã có nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp phát triển văn hóa – xã hội, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực trong nhân dân. Nhờ đó, công tác văn hóa - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong vòng 10 năm (1976 - 1985), giáo dục huyện Phú Bình có điều kiện phát triển. Phong trào thi đua hai tốt “Dạy tốt - Học tốt” được đẩy mạnh. Năm học 1977 - 1978, toàn huyện có 24.047 học sinh từ mẫu giáo đến cấp III, bình
quân 3,2 người dân có 1 người đi học. Năm học 1983 - 1984, toàn huyện có 26.976 học sinh, tăng gần 3.000 em so với năm 1977 - 1978. Sự nghiệp giáo dục được phát triển cân đối giữa ba ngành học (mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa). Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền trong 3 năm 1983 - 1985, Phú Bình đã đầu tư xây dựng mới 41 phòng học, giải quyết dứt điểm tình trạng học 3 ca. Chất lượng giáo dục tăng lên, số lượng học sinh được lên lớp đạt 89%. Liên tục trong 2 năm 1983 - 1984 và 1984 - 1985, số học sinh thi đỗ tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở đạt 100% [3,tr.301].
Việc xây dựng các nhà trẻ, nhóm trẻ, việc nuôi dạy trẻ cũng có nhiều cố gắng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo chị em phụ nữ có con nhỏ đồng tình ủng hộ. Đến cuối năm 1976, toàn huyện đã xây dựng 122 nhóm trẻ với tổng số 1.300 cháu (tăng 21 nhóm so với năm 1975) [3, tr.258]. Tuy vậy, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chế độ dinh dưỡng cho các cháu chưa đầy đủ; phương pháp nuôi dạy, việc phòng và khám, chữa bệnh cho các cháu chưa thật khoa học, nên nhìn chung sức khỏe của trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 5 chưa đảm bảo. Số lượng trẻ đến lớp còn thấp.
Cùng với sự phát triển của ngành Giáo dục, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển và mở rộng trong các trường học, bệnh viện, công trường, xí nghiệp.
Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được triển khai song còn hạn chế ở các vùng nông thôn.
Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân thường xuyên được duy trì. Phong trào trồng, chế biến và sử dụng thuốc Nam chữa bệnh được triển khai nhân rộng và có hiệu quả. Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn được Đảng bộ quan tâm thỏa đáng. Bệnh viện huyện, khu điều trị bệnh phong và nhiều trạm y tế xã được củng cố. Việc phòng và chữa bệnh được kết hợp chặt chẽ theo phương
châm phòng và chữa bệnh tại chỗ là chủ yếu. Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc tân dược, các cơ sở y tế trong huyện thường xuyên khai thác nguồn thuốc đông, nam dược phụ chữa bệnh ngày càng tốt hơn.
Năm 1978, toàn huyện đã hoàn thành cuộc vận động xây dựng 3 công trình vệ sinh, được Hội đồng Chính phủ tặng Bằng khen. Công tác sinh đẻ có kế hoạch được phát động sâu rộng trong nhân dân… Tuy nhiên, ngành Y tế huyện Phú Bình trong giai đoạn này còn nhiều hạn chế, yếu kém do thiếu thuốc chữa bệnh, cơ sở vật chất, kĩ thuật; điều kiện khám, chữa bệnh quá thiếu thốn, chi phí công điểm, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên một số cán bộ y tế ở tuyến xã chưa tận tâm với nghề [3, tr.274].
Công tác quân sự địa phương luôn nhận được quan tâm hàng đầu của các cấp ủy đảng. Các cấp lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ về đường lối chiến tranh nhân dân và nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nêu cao tình thần cảnh giác đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Công tác động viên tuyển quân hằng năm của huyện đều hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao. Các tuyến phòng thủ cụm chiến đấu được củng cố. Lực lượng dân quân, tự vệ thường xuyên được luyện tập kĩ thuật chiến đấu theo các phương án tác chiến phòng thủ; sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi chiến sự xảy ra. Với tinh thần đoàn kết, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân huyện Phú Bình đã đánh bại những âm mưu phá hoại Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch. Trong 3 năm (1983 - 1985), huyện Phú Bình đã tổ chức đấu tranh xử lí 1.470 tội phạm hình sự, tập trung truy quét những ổ nhóm lưu manh trộm cắp chuyên nghiệp; tiến hành tổng điều tra hộ tịch, hộ khẩu, quản lí chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự…Nhờ đó, số lượng các vụ vi phạm giảm đi rõ rệt.
Tiểu kết chương 1
Phú Bình là một huyện trung du, miền núi có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế. Đảng bộ và chính quyền các cấp trong huyện đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn tạo ra sự ổn định về kinh tế - xã hội của huyện.
Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, sự chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền còn có những hạn chế nên kinh tế, xã hội của huyện còn chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nền nông nghiệp còn manh mún, công cụ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, chưa đủ ăn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất cầm chừng, giá trị giảm sút, chưa có thị trường xuất khẩu lớn. Số người trong độ tuổi lao động không có việc làm chiếm tỉ lệ cao. Giáo dục, y tế còn nhiều bất cập, trình độ dân trí nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn nhiều hạn chế;
đội ngũ lao động có tay nghề kĩ thuật còn thiếu.
Những thách thức trên, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Bình phải có sự chủ động, sáng tạo, đoàn kết, vận dụng linh hoạt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, để nâng cao đời sống của nhân dân trong huyện, đưa Phú Bình sớm trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Tình hình đó đang đặt ra những vấn đề hết sức cấp thiết cần được giải quyết trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Chương 2