Chương 3. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG THỜI KÌ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (1997 - 2015)
3.1. Chuyển biến kinh tế
3.1.3. Thương mại, dịch vụ
Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ năm 1997 đến năm 2015, các hoạt độngthương mại dịch vụ ở huyện Phú Bình bắt đầu có điều kiện phát triển và tăng dần qua các năm. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ do có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đã thúc đẩy thị
trường kinh tế trong huyện có sự chuyển biến theo hướng tích cực so với giai đoạn 1986-1996.
Trong những năm từ 1997 đến 2004, ngành Thương mại, Dịch vụ của huyện chưa thực sự tạo ra bước chuyển lớn, chỉ là thời kì bắt đầu khởi điểm.
Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng trong vùng còn hạn chế, kinh tế đang ở giai đoạn đầu của thời kì phát triển. Ngành Dịch vụ phát triển khá chủ yếu là dịch vụ giao thông, dịch vụ thương mại… Ngành Dịch vụ thương mại góp phần giải quyết công ăn việc làm thúc đẩy quá trình phân công lao động làm chuyển biến cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng ngành Dịch vụ, Thương mại, và chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của huyện Phú Bình. Trong vòng 5 năm (2000-2004), ngành Dịch vụ của huyện có sự tăng trưởng đạt mức khá (bình quân tăng 1,13%/năm, năm 2004 chiếm tỉ lệ 20,13% trong cơ cấu ngành các ngành kinh tế).
Từ năm 2005 đến năm 2015, ngoài các ngành dịch vụ thương mại, dịch vụ giao thông đã phát triển ở giai đoạn trước, huyện Phú Bình đẩy mạnh triển khai nâng cấp các dịch vụ kĩ thuật, vận chuyển vật tư nông nghiệp và chuyển giao công nghệ tới người dân. Trong bối cảnh hội nhập của đất nước, huyện Phú Bình đã đẩy mạnh một số dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện, như thông tin liên lạc, khách sạn du lịch, dịch vụ bảo vệ sức khoẻ….Những dịch vụ mới ra đời bước đầu hoạt động đúng hướng, góp phần tiêu thụ hàng hoá, thúc đẩy kinh tế hàng hoá nông thôn phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế trong toàn huyện. Số hộ tham gia kinh doanh các loại hình dịch vụ tăng lên hằng năm.
Hệ thống thông tin liên lạc trên toàn huyện và chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông trong những năm gần đây (2010-2015) không ngừng được nâng cao. Số trạm thu phát sóng điện thoại của các nhà mạng được tăng cường qua các năm. Đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc được thông suốt trong mọi tình huống đáp ứng yêu cầu khách hàng, phát triển kinh tế địa phương.
Dịch vụ vận tải phát triển nhanh, Phú Bình có hệ thống giao thông thuận tiện, lại có ngành vật liệu xây dựng phát triển mạnh. Bởi vậy, sản phẩm của các ngành công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp luôn được đảm bảo trong công tác lưu thông hàng hóa và vận chuyển đến các tỉnh trong cả nước; một phần dành cho xuất khẩu.
Trong năm 2013, điều kiện giá cả thị trường có những biến đổi lớn, đặc biệt là giá điện, xăng, dầu, vật tư tăng cao, song các cơ sở vẫn duy trì sản xuất, tăng trưởng và đảm bảo đời sống cho người lao động. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả năm 2013 đạt 751.000 triệu đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 và tăng 24,8% so với kế hoạch [69, tr 4]. Bên cạnh đó, UBND huyện tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giúp ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Trong năm (2013), Đội Quản lí thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lí 75 vụ vi phạm trong kinh doanh thương mại với tổng số tiền thu phạt, bán hàng hóa tịch thu và giá trị hàng hóa tiêu hủy ước đạt 172,7 triệu đồng, tăng 72% so với cùng kì năm 2012.
Sang năm 2015, hoạt động thương mại và dịch vụ mặc dù chịu ảnh hưởng chung của sự suy thoái kinh tế trên thế giới cũng như trong nước, giá cả các mặt hàng đều có sự biến động nhỏ nhưng tình hình thị trường trong huyện tương đối ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 903,9 tỉ đồng , tăng 9,2% so với cùng kì năm 2014. Ban Chỉ đạo 389 của huyện đã tăng cường chỉ đạo các hoạt động đấu tranh, phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, năm 2015 đã kiểm tra 145 vụ, trong đó xử lí 97 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính: 117,705 triệu đồng, giá trị hàng hóa, phương tiện bị tịch thu trên 23 triệu đồng, giá trị hàng tiêu hủy trên 11 triệu đồng [71, tr 3].