Chương 2. CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN PHÚ BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN TRONG 10 NĂM ĐẦU ĐỔI MỚI (1986 - 1996)
2.1. Đường lối đổi mới của Đảng và sự vận dụng của Đảng bộ địa phương
Nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng để phát triển đi lên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, xã hội, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trọng tâm là đổi mới kinh tế.
Quan điểm chung của Đảng ta là: Xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng, động viên và tạo điều kiện cho người lao động phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước.
Phát triển kinh tế xã hội theo quan điểm đổi mới ở Việt Nam là quá trình giải phóng sức lao động, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, động viên và tạo điều kiện cho người lao động phát huy ý chí tự lực tự cường cần kiệm và xây dựng bảo vệ tổ quốc, ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước. Mục tiêu của
chính sách xã hội phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người.
Đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với hoàn cảnh đất nước và nguyện vọng của nhân dân, được Đảng bộ các địa phương, trong đó có Đảng bộ huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên quán triệt và vận dụng sáng tạo.
Sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng không chỉ thể hiện ở các văn kiện của các kì đại hội Đảng bộ mà còn thể hiện ở nghị quyết các kì họp Ban Thường vụ Huyện ủy, của Hội đồng Nhân dân. Hơn nữa, các chương trình đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện qua các kì Đại hội Đảng bộ huyện cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt đó.
Dưới ánh sáng Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Bắc Thái, Đảng bộ huyện Phú Bình đã kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện. Căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (20 - 23/9/1986) quyết định “tập trung mọi cố gắng của toàn Đảng toàn dân trong huyện, khai thác tiềm năng đất đai, lao động và cơ sở vật chất kĩ thuật phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn về lương thực thực phẩm, hàng xuất khẩu. Phát triển lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tự sản xuất một phần hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân” [3, tr.304 - 305].
Tiếp đến là Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (9 - 11/3/1989). Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình thực tế, khẳng định những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại cần giải quyết sau hơn 2 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội đề ra nhiệm vụ trọng tâm 1989 - 1990 là: “... tiếp tục đẩy mạnh sản xuất thực hiện bằng được mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội. Giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm, đủ ăn và có tích lũy; đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, tăng cường mở rộng hàng xuất khẩu để ổn định và từng bước nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện” [3, tr.313]. Với nhiệm vụ mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Phú
Bình tiếp tục công cuộc xây dựng quê hương, đất nước trên tinh thần đoàn kết vượt mọi khó khăn.
Tháng 6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã họp tại Hà Nội. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu đạt được và căn cứ vào tình hình hiện tại của đất nước, Đại hội chủ trương thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN đã được đề ra. Chiến lược cụ thể là phát triển ổn định đến năm 2000 [22, tr.34].
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái (9/1991), Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (28 - 31/10/1991) xác định phương hướng nhiệm vụ 5 năm (1991 - 1995) là “Giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…. Đổi mới cơ chế quản lí kinh tế, phấn đấu hình thành bằng được cơ cấu kinh tế nhiều thành phần…” [3, tr.322].
Trong không khí sôi nổi chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII (25 - 27/1/1996) đã họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kì 1991 - 1995 và đề ra phương hướng nhiệm vụ đến năm 2000 “phải tập trung mọi nỗ lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ, đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, an ninh quốc phòng;
đưa huyện ta vượt qua tình trạng nghèo và kém phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa;
khai thác mọi tiềm năng thiên nhiên, sức lao động, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[3, tr.342, 343].
Qua những văn kiện, nghị quyết trên, huyện Phú Bình đã vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo chủ trương đương lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh
cụ thể của địa phương trong giai đoạn 1986 - 1996. Đây chính là một nhân tố có tính quyết định dẫn đến sự chuyển biến kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện trong những năm 1986 -1996.