PHẦN IV: CÁC NGUYÊN TẮC, THỦ THUẬT, PHƯƠNG THỨC CHẨN BỆNH
B. CÁC THỦ THUẬT CHẨN BỆNH
Thủ thuật: Là kỹ thuật sử dụng các ngón tay thao tác trên hệ cột sống cùng các vị trí có liên quan để thực hiện nội dung của phương pháp TĐCS để chẩn bệnh, trị bệnh và phòng bệnh.
Có 5 thủ thuật chẩn bệnh:
1. Thủ thuật Áp.
2. Thủ thuật Vuốt.
3. Thủ thuật Ấn.
4. Thủ thuật Vê.
5. Thủ thuật Miết.
I. THỦ THUẬT ÁP
Thủ thuật áp là thủ thuật chẩn bệnh được tiến hành trước tiên trong phương pháp TĐCS để chẩn bệnh.
Mục đích: Nhằm phát hiện sự biến đổi về nhiệt độ da bất thường trên hệ cột sống và ngoại vi để làm cơ sở chuẩn đoán, tiên lượng, cũng như theo dõi diễn biến của bệnh trong quá trình thao tác điều trị.
Cách thức tiến hành: Dùng lòng bàn tay hay mu bàn tay, đặt sát với lớp da của những vùng đã quy định hoặc những vùng có yêu cầu trên người bệnh để xác định đầy đủ, chính xác sự biến đổi về nhiệt độ da của người bệnh. Ngoài ra còn có thể dùng máy đo nhiệt độ để thay thế cho thủ thuật áp.
Áp không định khu: Dùng lòng bàn tay đặt nhẹ sát tới mặt da rồi xê dịch liên tục từ nhanh đến chậm tại khu vực có yêu cầu, độ vài ba lần qua lại để có thể xác định được những vùng nhiệt độ cao hay thấp hơn bình thường.
Áp định khu: Dùng lòng bàn tay đặt nhẹ sát tới mặt da không quá 5 giây, rồi nâng bổng tay lên độ 5 giây, rồi lại đặt xuống, và nhấc lên như thế 3 đến 5 lần ở những khu vực có nhiệt độ cao để so sánh xác định vùng đó có nhiệt độ da cao nhất.
Chuẩn bị về tư thế và thủ thuật:
Tuỳ thuộc vào những hạn chế của mỗi người bệnh mà ứng dụng các tư thế đứng, ngồi hay nằm cho thích hợp với việc khám.
Trước khi thao tác người kỹ thuật viên cần chuẩn bị để bàn tay và ngón tay
II. THỦ THUẬT VUỐT
Thủ thuật vuốt là thủ thuật chẩn bệnh được tiến hành trong phạm vi trọng khu sau khi đã xác định bằng thủ thuật áp.
Mục đích: Để phát hiện những hiện tượng bất thường của bệnh lý khu trú trên hệ cột sống và lớp cơ như:
+ Về hình thái đốt sống: Lồi, lõm, lệch đơn hoặc liên.
+ Về hình thái lớp cơ đệm: Co, cứng, mềm, dày, xơ, sợi, teo.
Ngoài ra còn phát hiện các sợi cơ bệnh lý tại các vùng có liên quan với trọng khu để xác định điểm đối động giúp phân định các thể hẹp, rộng, lớn làm cơ sở tiến hành thủ thuật ấn.
Cách thức tiến hành: Dùng đầu hay cả thân của các ngón trỏ, giữa, đeo nhẫn, có thể dùng một hay cả ba ngón đặt lên cơ lưng hoặc cột sống người bệnh, thao tác theo hướng kéo hất ngón tay vào lòng bàn tay. Tuỳ theo thực trạng cụ thể của hệ cột sống người bệnh mà có thể thao tác từ nhanh đến chậm, dài hay ngắn, nông hay sâu.
Khi vuốt phải cắt ngang của lớp cơ bệnh lý nên thủ thuật vuốt có bốn hình thức:
Vuốt dọc: Vuốt dọc hệ cột sống từ trên xuống dưới, nhằm phát hiện đốt sống biến đổi (lồi, lệch, lõm, đơn hoặc liên) và lớp cơ bệnh lý biểu hiện từ cột sống ngang ra cơ lưng.
Vuốt ngang: Vuốt từ cột sống kéo ngang ra cơ lưng, nhằm phát hiện lớp cơ bệnh lý nằm dọc theo hệ cột sống.
Vuốt chéo ra: Vuốt chéo chếch xuống từ cột sống kéo chéo ra ngoài lưng để phát hiện những lớp cơ bệnh lý biểu hiện từ cột sống chếch hoặc chéo ngược lên phía trên.
Vuốt chéo vào: Đặt tay từ ngoài cơ lưng kéo chếch xuống từ cơ lưng vào cột sống, phát hiện những lớp cơ bệnh lý biểu hiện từ cột sống chéo hoặc chếch xuống dưới.
Chú ý: Khi cần phát hiện hình thái bệnh lý ở lớp cơ trong thì ta phải phối hợp với vuốt ngắn ở lớp cơ trong. Trước khi thao tác cần chuẩn bị về thủ thuật và tư thế như sau:
Chuẩn bị về tư thế và thủ thuật:
Tạo cho bàn tay được mềm mại và nóng ấm bằng các động tác nắm và mở ra nhiều lần, khi các ngón tay hết cứng ngượng thì mới tiến hành thao tác.
Căn cứ vào trọng khu tức là khu vực nhiệt độ cao nhất trên hệ cột sống mà áp dụng các tư thế thích hợp:
- Trọng khu nằm ở vùng cổ từ C1÷C7 thì áp dụng tư thế ngồi đầu cúi xuống.
- Trọng khu ở vùng lưng trên từ D1÷D7 thì áp dụng tư thế ngồi ngay lưng.
- Trọng khu ở vùng giữa lưng từ D8÷D12 áp dụng tư thế ngồi cong lưng.
- Trọng khu ở vùng thắt lưng từ L1÷L5 thì áp dụng tư thế ngồi ngửa người, đứng cong lưng hoặc nằm nghiêng.
- Trọng khu ở vùng cụt thì áp dụng tư thế nằm sấp.
Trình tự thao tác:
- Thao tác ở phía ngoài cơ thẳng lưng để phân định thể bệnh lý (Thể lớn).
- Thao tác ở phía trong cơ thẳng lưng vào cột sống (rãnh sống) để phân định thể bệnh lý (Tức thể rộng).
- Thao tác trên hệ cột sống để phân định loại hình thái bệnh lý của đốt sống lồi, lõm, lệch đơn hoặc liên và phân định thể (Thể hẹp).
Hình thức tiến hành bao gồm 6 cách như sau:
- Vuốt trượt: Dùng đầu ngón tay vuốt phẩy trượt trên lớp cơ bệnh lý trong một diện hẹp.
- Vuốt chìm: Đặt tĩnh ngón tay trên mặt da (không nhấc ngón tay lên khỏi mặt da) thao tác trên một diện rộng.
- Vuốt dài: Vuốt dọc cột sống và cơ lưng, có những trường hợp vuốt dọc hết cột sống để có khái niệm ban đầu về các khu vực có hiện tượng bệnh lý (có thể vuốt nhanh, chậm, nông, sâu tuỳ ý).
- Vuốt ngắn: Vuốt trên khu vực bệnh lý (vùng trọng khu) thao tác có thể ngắn nhất chỉ trong phạm vi một đốt sống (có thể vuốt nhanh, chậm, nông, sâu tuỳ ý).
- Vuốt nông: Phối hợp với thao tác dài, ngắn, nhanh, chậm chủ yếu để phát hiện hình thái bệnh lý khu trú ở lớp ngoài.
- Vuốt sâu: Phối hợp với thao tác dài, nhanh, khi vuốt chậm có thể vuốt dài hay ngắn, chủ yếu để phát hiện hình thái bệnh lý khu trú ở lớp cơ trong.
- Vuốt nhanh: Phối hợp với thao tác vuốt dài ở lớp ngoài (hoặc trong), vuốt nông để có khái niệm về các khu vực có hiện tượng bệnh lý ở lớp ngoài (hoặc trong);
vuốt nhanh phối hợp với thao tác ngắn và nông (hoặc sâu) trên khu vực bệnh lý chủ yếu để phát hiện hình thái bệnh lý khu trú ở lớp cơ ngoài (hoặc sâu).
- Vuốt chậm: Phối hợp với thao tác dài ở lớp nông (hoặc lớp trong) phát hiện các khu vực bệnh lý khu trú ở lớp ngoài (hoặc trong); vuốt chậm phối hợp với thao tác ngắn và nông (hoặc sâu) trên khu vực bệnh lý chủ yếu để phát hiện hình thái bệnh lý khu trú ở lớp cơ ngoài (hoặc sâu).
III. THỦ THUẬT ẤN
Là thủ thuật chẩn bệnh được tiến hành thao tác tại lớp cơ bệnh lý khu trú trên hệ cột sống (không có ở ngoại vi) sau khi đã được xác định bằng thủ thuật vuốt.
Mục đích: Để phát hiện:
Hình thái lớp cơ bệnh lý: Loại không di động, dày hoặc mỏng, co cứng hoặc mềm.
Cảm giác: Đau tăng hoặc giảm.
Hình thức thao tác:
Dùng phần mềm ở đầu ngón cái hoặc ngón giữa, thao tác trên lớp cơ bệnh lý bằng hình thức ấn từ lớp cơ ngoài vào lớp cơ trong, nhanh hoặc chậm, nông hoặc sâu để thực hiện yêu cầu trên.
Thao tác nhanh để có một khái niệm ban đầu về khu vực có hiện tượng bệnh lý khu trú.
Thao tác chậm để xác định loại di động hoặc không di động, lớp cơ dầy hoặc mỏng, cứng hoặc mềm.
Thao tác nông để xác định hiện tượng bệnh lý khu trú ở lớp cơ ngoài.
Thao tác sâu để xác định hiện tượng bệnh lý khu trú ở lớp cơ trong.
Chuẩn bị thao tác:
Tư thế vẫn áp dụng tư thế trong thủ thuật vuốt.
Thủ thuật dùng ngón cái và ngón giữa búng bật vào nhau năm bảy lần sao cho ngón tay co vào duỗi ra được dễ dàng và mềm mại.
Trình tự thao tác:
Thao tác ở hai bên cạnh đốt để xác định các hiện tượng đối xứng và mất đối xứng bệnh lý khu trú ở lớp ngoài, lớp giữa hoặc lớp trong.
Thao tác ở giữa thân đốt để xác định hình thái của đốt sống lồi, lõm, lệch (đơn hoặc liên).
Thao tác nông để phát hiện hiện tượng bệnh lý khu trú ở lớp cơ ngoài.
Thao tác sâu để phát hiện hiện tượng bệnh lý khu trú ở lớp cơ trong.
Thao tác nhanh để phát hiện hiện tượng bệnh lý đối xứng và mất đối xứng.
Thao tác chậm để phát hiện về hình thái cảm giác và vùng khu trú của hiện tượng bệnh lý.
IV. THỦ THUẬT VÊ
Mục đích: Để xác định trọng điểm khu trú trên hệ cột sống, làm cơ sở cho việc chuẩn đoán và phương hướng điều trị sau khi tiến hành thủ thuật ấn.
Cách thức tiến hành: Dùng phần mềm ở đầu ngón tay đặt trên lớp cơ bệnh lý đã được xác định bằng thủ thuật ấn đẩy để xác định trọng điểm.
Trọng điểm được quy định bằng hình thái của đốt sống, của lớp cơ đệm và trạng thái về cảm giác và nhiệt độ da như sau:
- Về đốt sống.
+ Điểm lồi nhất trên các đốt sống lồi.
+ Điểm lồi nhất trên đốt sống lõm nhất.
+ Điểm lệch nhất trên đốt sống lệch.
- Về lớp cơ.
+ Điểm co nhất trong lớp cơ co.
+ Điểm cứng nhất trong lớp cơ cứng.
+ Điểm dày nhất trong lớp cơ dày.
+ Điểm dày nhất trong lớp cơ teo.
+ Điểm xơ nhất trong lớp cơ xơ.
+ Sợi co nhất trong các sợi cơ co.
- Về cảm giác.
+ Điểm đau nhất trong các điểm đau.
- Về nhiệt độ.
+ Điểm có nhiệt độ cao nhất trong trọng khu.
Bốn đặc trưng trên đây đều khu trú tại một điểm nhỏ ở trên hệ cột sống gọi là trọng điểm.
Hình thức của thao tác: Là tác động trên một diện hẹp để xác định trọng điểm bằng hình thức:
1. Vê di di.
2. Vê day day.
3. Vê xoay xoay.
4. Vê đẩy đẩy.
Vê di-di: Di chuyển ngón tay trên lớp cơ bệnh lý để xác định hình thái của đốt sống và hình thái của lớp cơ bệnh lý co, cứng hay mềm.
Vê day-day: Đặt tĩnh ngón tay trên lớp cơ bệnh lý, day day tạo cho lớp cơ di chuyển để xác định hình thái lớp cơ bệnh lý dày, mỏng, xơ, sợi và teo.
Vê xoay-xoay: Đặt tĩnh ngón tay trên lớp cơ bệnh lý, thao tác bằng hình thức xoay tròn theo hướng trục cột sống, rộng, hẹp, nông, sâu tuỳ ý để xác định điểm có cảm giác đau nhất trong trọng khu.
Vê đẩy-đẩy: Đặt tĩnh ngón tay trên lớp cơ bệnh lý, thao tác đẩy-đẩy để xác định loại di động hoặc không di động.
Để xác định điểm có cảm giác đau nhất trong những trường hợp cơ co cứng khi thao tác chỉ cần căn cứ vào hệ cơ và sự phản ứng của tiết đoạn thần kinh, biểu hiện ở những sợi cơ bệnh lý cũng đủ để xác định điểm có cảm giác đau nhất, không cần phải hỏi bệnh nhân. Nhưng những trường hợp cơ teo nhược phải căn cứ vào cảm giác của người bệnh, do đó trong khi thao tác phải hỏi người bệnh để xác định trọng điểm.
Trình tự thao tác: Các khu vực tiến hành thao tác gồm mỏm gai sau đốt sống (còn gọi là gai sau đốt sống) và khe đốt (gồm giữa và cạnh bên của khe đốt).
Thao tác ở giữa gai sau đốt sống để xác định về hình thái lớp cơ bệnh lý và điểm bệnh lý khu trú ở giữa gai đốt sống hay ở phần trên hoặc phần dưới.
Thao tác ở phần giữa khe đốt để phân biệt hình thái của đốt sống và lớp cơ bệnh lý khu trú ở phần trên và dưới của khe đốt.
Thao tác ở phần cạnh khe đốt để phân biệt hình thái của đốt sống và lớp cơ bệnh lý khu trú ở phía phải hoặc trái, trên hoặc dưới.
Chú ý: Những trường hợp liên đốt cũng phải thao tác theo trình tự trên đây thì mới xác định được trọng điểm một cách chính xác.
V. THỦ THUẬT MIẾT
Mục đích: Là thủ thuật chẩn bệnh sau khi đã áp dụng các thủ thuật Áp, Vuốt, Ấn, Vê để kiểm tra, thăm dò tiên lượng, đồng thời là thủ thuật trị bệnh (tác động theo hướng trục) khi phối hợp các thủ thuật khác trong điều trị. Thủ thuật miết giúp người thầy thuốc có cơ sở cho việc quy nạp, chẩn đoán bệnh, thăm dò tiên lượng và xác định phương hướng điều trị.
Hình thức thao tác: Người thầy thuốc dùng phần mềm của ngón tay giữa (hoặc ngón trỏ, ngón cái), đặt tĩnh tại vị trí đã xác định là trọng điểm bằng các thủ thuật trên. Thủ thuật miết có 4 hình thức gồm: Miết Xoay, Miết Đẩy, Miết Bật, Miết Rung.
Miết xoay: Dùng phần mềm của ngón tay giữa (hoặc ngón trỏ, ngón cái) thao tác nhẹ và chậm tại vị trí trọng điểm thuộc loại co mỏng không dịch động, tại đầu gai sống bị biến đổi theo hướng trục. Thời gian thao tác tùy thuộc vào người bệnh và mức độ biến đổi.
Miết đẩy: Dùng phần mềm của ngón tay giữa (hoặc ngón trỏ, ngón cái) đặt tại vị trí đã được xác định, thao tác từ nhẹ đến mạnh và từ chậm đến nhanh tại trọng điểm thuộc loại co cộm dầy (không dịch động). Miết đẩy mạnh từ ngoài đến lớp cơ biến đổi trên đầu gai sống, trên đầu gai sống bị biến đổi theo hướng trục. Thời gian thao tác tùy thuộc vào người bệnh và mức độ biến đổi.
Miết bật: Dùng phần mềm của ngón tay giữa (hoặc ngón trỏ, ngón cái) đặt tại vị trí cần thao tác, tác động từ nhẹ đến mạnh và từ chậm đến nhanh, tại trọng điểm thuộc loại cơ xơ sợi, di động, theo hướng trục. Thời gian thao tác tùy thuộc vào người bệnh và mức độ biến đổi.
Miết rung: Dùng phần mềm của ngón tay giữa (hoặc ngón trỏ, ngón cái) đặt tại vị trí đã được xác định, tác động từ nhẹ đến mạnh và từ chậm đến nhanh, tại trọng điểm thuộc loại teo nhược (không di động), theo hướng trục. Thời gian thao tác tùy thuộc vào người bệnh và mức độ biến đổi.
Chú ý: Trong khi thao tác cần theo dõi sự thay đổi của nhiệt độ da tại vùng tương ứng. Nếu nhiệt độ da thay đổi thuận chiều thì điểm thao tác trên cột sống được gọi là trọng điểm. Thủ thuật miết luôn áp dụng trong phương thức song chỉnh, khi thao tác ta cần theo dõi sự biến đổi nhiệt độ da vùng tương ứng bằng thủ thuật áp.