Một số nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự khác biệt về lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi (Trang 40 - 44)

Nghiên cứu “Nhận xét một số đặc điểm về bệnh nhồi máu cơ tim cấp ở người lớn tuổi” của tác giả Nguyễn Hữu Tùng [33] thực hiện năm 2004 tại bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh (hồi cứu tất cả các trường hợp NMCT cấp từ tháng 3/1999- 3/2004) trên 167 bệnh nhân cho thấy lâm sàng của NMCT cấp ở người cao tuổi (≥65 tuổi) thường không điển hình, trong đó khó thở là triệu chứng thường thấy nhất (88,7%); nồng độ men trong NMCT cấp tăng cao hơn; nhồi máu vùng trước rộng và nhiều vùng kết hợp, nhồi máu không sóng Q chiếm tỷ lệ cao;

các biến chứng và suy tim sau nhồi máu cũng chiếm tỉ lệ cao hơn so với người nhỏ tuổi (<65 tuổi).

“Nghiên cứu hiệu quả của phương pháp can thiệp động mạch vành qua da trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp” của Nguyễn Quang Tuấn [32] thực hiện tại Viện Tim Mạch Quốc Gia Việt Nam từ 01/2001-06/2003. Đây là nghiên cứu tiền cứu, theo dõi dọc theo thời gian, có so sánh đối chứng trên 149 bệnh nhân NMCT cấp, trong đó có 83 bệnh nhân can thiệp mạch vành qua da và 66 bệnh nhân điều trị nội khoa đơn thuần. Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân NMCT cấp ≥70 tuổi được can thiệp ĐMV qua da có nguy cơ tử vong cao hơn những bệnh nhân <70 tuổi là 3,8 lần (OR= 3,8; 95% CI từ 1,1 đến 13,9; p<0,05), bệnh nhân nữ có nguy cơ tử vong cao hơn các bệnh nhân nam giới 3,4 lần (OR= 3,4; 95% CI từ 0,9 đến 12,7;

p<0,05).

Nghiên cứu “Khảo sát yếu tố tiên lượng nặng và tử vong trong nhồi máu cơ tim cấp ở người có tuổi” của tác giả Lê Thị Thu Ba [1] thực hiện tại BV. Thống Nhất năm 2007. Nghiên cứu được thực hiện trên 149 bệnh nhân NMCT cấp với thiết kế hồi cứu, mô tả, cắt ngang từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2006. Nghiên cứu chia thành 2 nhóm: nhóm I (những bệnh nhân NMCT cấp, sống và ra viện), nhóm II (những bệnh nhân NMCT cấp tử vong tại bệnh viện, những bệnh nhân nặng có Killip 3,4). Kết quả cho thấy một số yếu tố có liên quan đến tiên lượng nặng và tử vong trong NMCT cấp như thời gian nhập viện (thời gian nhập viện >24 giờ, tỷ lệ

nặng và tử vong cao hơn tỷ lệ sống và ra viện: 12,5% (nhóm II) so với 2% (nhóm I) (p= 0,017), đau ngực tái phát-kéo dài (trong nhóm II: tỷ lệ đau ngực 68,8%, không đau 31,2% với p<0,001), tuổi càng cao thì tiên lượng nặng và tử vong càng cao (nhóm II: 60-69 tuổi, có tỷ lệ 33,3%; 70-79 tuổi, có tỷ lệ 37,5% với p= 0,005).

“Nghiên cứu sự hiệu quả và an toàn của phương pháp can thiệp động mạch vành qua da ở người cao tuổi bị hội chứng vành cấp tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh” của tác giả Mai Hồ Duy [6] thực hiện tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh năm 2011. Thiết kế nghiên cứu là quan sát hồi cứu có phân tích trên 127 bệnh nhân bị HCVC từ 1/1/2006 đến 31/12/2010 với tuổi trung bình là 70,7 ± 6,8. Kết quả cho thấy bệnh nhân cao tuổi đa số có bệnh mạch vành nặng: bệnh mạch vành 2 nhánh, 3 nhánh chiếm hơn 1/2 tổng số bệnh nhân (55,9%), hầu hết bệnh nhân bị hẹp ≥70%

đường kính lòng mạch vành. Có mối liên quan giữa tỷ lệ biến cố tim mạch nặng với thể bệnh lâm sàng của HCVC: biến cố tim mạch nặng trong vòng 6 tháng sau CTMVQD ở nhóm NMCT cấp STCL cao hơn nhóm HCVC không STCL (11,8%

so với 2,2%, p= 0,044).

Nghiên cứu “Can thiệp động mạch vành qua da và dự hậu ngắn hạn nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân cao tuổi” của tác giả Nguyễn Văn Tân và cộng sự [22]

thực hiện tại BV. Thống Nhất năm 2012. Thiết kế nghiên cứu là đoàn hệ tiến cứu trên 222 bệnh nhân NMCT cấp tại BV. Thống Nhất trong năm 2009. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân <70 tuổi nhập viện đa số ở thể NMCT cấp có đoạn ST chênh lên (76,4%), trong khi đó ở nhóm ≥70 tuổi thì chỉ có 63,2%

(p=0,032). Phân suất tống máu thất trái (EF) thấp hơn ở nhóm ≥70 tuổi (49,8 ± 13,5 so với 56 ± 10,3; p<0,0001) và Killip ở nhóm ≥70 tuổi cao hơn một cách có ý nghĩa so với nhóm <70 tuổi (16,5% so với 21%, p=0,026). Phân độ tổn thương mạch vành theo AHA thì ở nhóm ≥70 tuổi đa số ở dạng típ B và C (48,5% và 43,9%), típ A chỉ chiếm 7,6%; trong khi đó ở nhóm <70 tuổi thì đa phần là ở dạng típ B (40,2%) nhưng típ A chiếm tỷ lệ tới 28,2% (p=0,004). Có sự khác biệt về mặt thống kê giữa nhóm <70 tuổi và nhóm ≥70 tuổi trên tỷ lệ các biến cố tim mạch nặng và tử vong tại thời điểm xuất viện, 30 ngày và 6 tháng.

Tóm lại, các nghiên cứu trong nước về NMCT trên các đối tượng là người cao tuổi cho tới hôm nay còn rất ít. Hầu hết các nghiên cứu là hồi cứu, mô tả cắt ngang. Các kết quả từ các nghiên cứu này chỉ có thể cho chúng ta những nét khái quát chung về NMCT cấp trên NCT. Do đó, cần có một nghiên cứu đầy đủ hơn để làm sáng tỏ các vấn đề này.

1.5.2. Nghiên cứu ngoài nước

Nghiên cứu “Acute myocardial infarction in young and very old Chinese adults: clinical characteristic and therapeutic implications(Nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ và người cao tuổi Trung Quốc: những đặc điểm lâm sàng và liên quan

điều trị) của tác giả Jeng-Kai Teng và cộng sự [129] năm 1994 thực hiện trên 475 bệnh nhân NMCT cấp. Thiết kế nghiên cứu này là hồi cứu. Tác giả rút ra kết luận như sau: bệnh nhân cao tuổi bị NMCT có nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam (nam/nữ là 0,9), biểu hiện lâm sàng thường không điển hình, suy tim thường xảy ra sau nhồi máu; tuy nhiên, kích thước, vị trí nhồi máu và sự xuất hiện sóng Q, những loạn nhịp nguy hiểm, các biến chứng cơ học thì không khác biệt giữa các nhóm tuổi.

Nghiên cứu “Comparision of outcome in patients with acute myocardial infarction aged >75 years with that in younger patients” (So sánh tiên lượng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trên 75 tuổi với bệnh nhân trẻ tuổi hơn) của tác giả William Devlin và cộng sự [250] năm 1994 thực hiện trên 994 bệnh nhân (chia hai nhóm ≥75 tuổi và <75 tuổi) ở bệnh viện William Beaumont, Michigan, Hoa Kỳ.

Tác giả rút ra kết luận sau: bệnh nhân cao tuổi bị NMCT có nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam (56% so với 31% với p <0,01), tiền căn NMCT cũ cũng nhiều hơn (32%

so với 23%, với p <0,01), tần suất bị blốc nhánh cao hơn (18% so với 8%, với p

<0,01) và mặc dù tỉ lệ NMCT cấp không sóng Q cao hơn so với nhóm trẻ (56% so với 44% với p <0,01) nhưng tỷ lệ mới mắc suy tim sung huyết (47% so với 23% với p <0,01) và tử vong (28% so với 11% với p= 0,001) ở nhóm ≥75 tuổi cao hơn.

Nghiên cứu “Acute myocardial infarction in the elderly: differences by age”

(Nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi: sự khác biệt theo tuổi) của tác giả Rajendra H và cộng sự [187] năm 2001 thực hiện trên 163.140 bệnh nhân ở Michigan. Tác

giả rút ra kết luận có sự khác biệt liên quan tới tuổi trong các biểu hiện lâm sàng của NMCT cấp, một vài sự khác biệt liên quan tới tuổi trong tỷ lệ tử vong. Trong thực hành nếu xem nhóm bệnh nhân cao tuổi như là nhóm tuổi đơn độc có thể làm che mờ đi tầm quan trọng của sự khác biệt liên quan tới tuổi.

Nghiên cứu “Acute Myocardial infarction in the elderly - The Differences compared with the young” (Nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi- Sự khác biệt so với người trẻ tuổi) của tác giả Woon V C và cộng sự [253] thực hiện ở Singapore năm 2003 khảo sát trên 112 bệnh nhân <65 tuổi và 101 bệnh nhân ≥65 tuổi bị NMCT cấp. Các tác giả đã đưa ra kết luận đau ngực là triệu chứng thường gặp ở cả hai nhóm tuổi, mặc dù ít thường hơn ở nhóm bệnh nhân cao tuổi. Biểu hiện không điển hình thường thấy ở người cao tuổi, với khó thở là thường gặp nhất. Ở người cao tuổi, tần suất suy tim cũng cao hơn, dùng ức chế beta ít hơn và tỷ lệ tử vong trong bệnh viện cao hơn so với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.

Tóm lại, phần lớn các nghiên cứu ngoài nước về NMCT cấp ở NCT rút ra từ các nghiên cứu lớn khác, một số được thực hiện hồi cứu. Kết quả của các nghiên cứu này nhìn chung cho thấy có sự khác biệt trong một số các biểu hiện lâm sàng, điều trị, tiên lượng của hai nhóm bệnh nhân ≥ và <65 tuổi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự khác biệt về lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)