Đặc điểm cận lâm sàng của hai nhóm nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự khác biệt về lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi (Trang 100 - 112)

4.3.1. Đặc điểm về điện tâm đồ lúc nhập viện:

Tỷ lệ bệnh nhân NMCT cấp STCL trên điện tâm đồ lúc nhập viện của mẫu nghiên cứu chung là 48,4%, còn lại 51,6% bệnh nhân NMCT cấp KSTCL. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với tác giả Trương Hoàng Anh Thư [26]. Theo tác giả Trương Hoàng Anh Thư thì tỷ lệ bệnh nhân NMCT cấp STCL chiếm 87,8% và NMCT cấp KSTCL chỉ chiếm 12,2%. Sự khác biệt có thể do mẫu nghiên cứu của tác giả này nhỏ (n =139), tuổi trung bình (66,35 ± 11,23) thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi.

Điện tâm đồ của nhóm bệnh nhân <65 tuổi có đoạn STCL chiếm tỷ lệ 66,9%

cao hơn nhiều so với nhóm ≥65 tuổi (39%) và ngược lại với đặc điểm KSTCL trên

điện tâm đồ, nhóm bệnh nhân ≥65 tuổi chiếm 61% cao hơn so với nhóm <65 tuổi (33,1%), với p <0,001.

Tỷ lệ NMCT có STCL gặp nhiều ở nhóm bệnh nhân không cao tuổi so với bệnh nhân cao tuổi, ngược lại nhóm bệnh nhân cao tuổi khi bị NMCT thì loại KSTCL chiếm tỷ lệ nhiều hơn (p <0,001). Tỷ lệ NMCT không STCL trong nhóm

<65 tuổi là 33,1%, gần tương tự với tác giả Richard GB [193] (36,4%). Tuy nhiên, cũng theo tác giả này thì tỷ lệ NMCT không STCL ở nhóm cao tuổi là 38,3%, thấp hơn kết quả nghiên cứu của chúng tôi (61%). Ngoài sự khác biệt có thể do nhiều nguyên nhân như chọn lựa các đối tượng nghiên cứu, các yếu tố nguy cơ đi kèm thì tuổi trung bình trong nhóm cao tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của tác giả Richard GB (77,12 ± 6,9 so với 72,9 ±5,6).

Về vị trí NMCT trên điện tâm đồ, chúng tôi nhận thấy có 58% bệnh nhân NMCT trong mẫu nghiên cứu có biểu hiện đoạn STCL ở thành trước và 42% ở thành dưới. Những bệnh nhân NMCT cấp STCL ở vị trí thành trước thuộc nhóm

<65 tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhóm ≥65 tuổi (62,9% so với 53,7%). Ngược lại, ở vị trí thành dưới chiếm tỷ lệ cao ở nhóm ≥65 tuổi hơn so với nhóm <65 tuổi (46,3% so với 37,1%). Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê, với p =0,16. Kết quả này khác với nghiên cứu của tác giả Marisa FL và cộng sự [161].

Theo tác giả này tỷ lệ NMCT thành trước là 45,1% ở nhóm cao tuổi so với 41,6% ở nhóm không cao tuổi và NMCT thành dưới là 41,6% ở nhóm cao tuổi so với 41% ở nhóm không cao tuổi.

Ngoài ra, dựa trên dấu hiệu đoạn ST chênh lên ≥1 mm ở chuyển đạo V3R hoặc V4R trên điện tâm đồ những trường hợp NMCT cấp STCL ở thành dưới, chúng tôi nhận thấy nhóm bệnh nhân <65 tuổi có tỷ lệ NMCT thất phải là 46,15%

(n =18), trong khi ở nhóm bệnh nhân ≥65 tuổi là 39,28% (n =22). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05. Tỷ lệ NMCT thất phải chung của dân số nghiên cứu là 42,1% (n =40).

So sánh vị trí NMCT trong nghiên cứu chúng tôi với một số tác giả khác được trình bày trong bảng 4.3.

Bảng 4.54. So sánh vị trí NMCT với các tác giả khác.

Nhóm ≥65 tuổi Nhóm <65 tuổi Tác giả

Thành trước Thành dưới Thành trước Thành dưới

Marisa FL [161] 45,1% 41,6% 41,6% 41%

Dang AD [87] 63,8% 33% 63,3% 32,9%

Chúng tôi 62,9% 37,1% 65% 46,3%

4.3.2. Các dạng rối loạn nhịp và dẫn truyền trên điện tâm đồ lúc nhập viện.

Dựa trên điện tâm đồ lúc nhập viện, chúng tôi ghi nhận một số dạng rối loạn nhịp với tỷ lệ tương ứng như sau nhịp nhanh xoang (22,3%), blốc nhĩ thất độ III (10,95%), ngoại tâm thu thất (9,9%), rung hoặc cuồng nhĩ (6,2%), blốc nhĩ thất độ II (5,24%), blốc nhánh trái (4,5%), blốc nhánh phải (3,9%). Các loại rối loạn nhịp như rung hoặc cuồng nhĩ, blốc nhánh phải, blốc nhánh trái chiếm tỷ lệ cao hơn trong nhóm bệnh nhân ≥65 tuổi so với nhóm <65 tuổi. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với các tỷ lệ tương ứng như sau (8,1% so với 2,5%; p =0,01), (5,2% so với 1,3%; p =0,03) và (5,8% so với 1,9%; p =0,04).

Nghiên cứu chúng tôi cho thấy tần suất cao của rung nhĩ ở nhóm bệnh nhân cao tuổi so với bệnh nhân không cao tuổi. Scoenenberger và cộng sự [212] cũng ghi nhận tần suất thấp của rung nhĩ ở người trẻ mà không đề cập đến ý nghĩa của quan sát này. Tần suất của rung nhĩ được cho thấy là gia tăng theo tuổi [96]. Cho nên, tần suất cao của rung nhĩ ở bệnh nhân cao tuổi bị NMCT trong nghiên cứu này cũng có thể phản ảnh tần suất rung nhĩ trong toàn bộ dân số. Takahashi và cộng sự [230] đã cho thấy những bệnh nhân rung nhĩ bị giảm khả năng gắng sức và dãn mạch do giảm sản xuất hoặc giảm hoạt tính của NO lúc gắng sức. NO đã được chứng minh có hoạt tính kháng đông bằng cách giảm trương lực ĐMV. Điều này cho thấy sự hiện diện của rung nhĩ trên bệnh nhân NMCT cấp cao tuổi không chỉ làm gia tăng nguy cơ tạo huyết khối mà còn thúc đẩy xơ vữa ĐM và hình thành huyết khối.

Theo ghi nhận của y văn thì blốc nhánh trái thường gặp ở NCT hơn người trẻ khi bị NMCT cấp [49]. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự với tỷ

lệ blốc nhánh trái ở nhóm cao tuổi là 5,8%, nhóm không cao tuổi là 1,9%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p =0,04. Trong số những bệnh nhân NMCT cấp STCL ở nghiên cứu sổ bộ NRMI (National Registry of Myocardial Infarction) [196], đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ chiếm 96,3% bệnh nhân <65 tuổi nhưng chỉ 69,9% ở những người ≥85 tuổi. Ngược lại, blốc nhánh trái xuất hiện khoảng 5% ở nhóm <65 tuổi nhưng đến 33,8% ở nhóm ≥85 tuổi. Trong nghiên cứu NRMI-2 sau đó trên 772.586 bệnh nhân NMCT cấp nhập 1470 bệnh viện ở 50 bang của Hoa Kì, Shlipak MG đã cho thấy số bệnh nhân bị blốc nhánh trái là 29.585 người (chiếm 3,8%) [219]. Blốc nhánh trái thường đi kèm với NMCT thành trước rộng, tuổi trung bình của các bệnh nhân này là 76,4 tuổi, tỷ lệ tử vong là 22%. Các yếu tố khác góp phần làm tỷ lệ tử vong cao bao gồm tần suất cao nhiều bệnh đi kèm, suy tim sung huyết gần 40%, đái tháo đường 37% và tăng huyết áp chiếm hơn 50% trong toàn mẫu nghiên cứu. Khi phân chia theo nhóm tuổi, nghiên cứu này cho thấy blốc nhánh trái chiếm 2,7% ở nhóm bệnh nhân <65 tuổi nhưng đến 10,5% bệnh nhân >75 tuổi và trong nhóm NMCT cấp có blốc nhánh trái thì 37% bệnh nhân <65 tuổi có biểu hiện đau ngực trong khi đến 50% bệnh nhân 75 tuổi không có biểu hiện đau ngực.

Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận được 5 trường hợp (chiếm tỷ lệ 1,1%) bị nhanh/rung thất (trong đó có 1 trường hợp <65 tuổi và 4 trường hợp ≥65 tuổi). Các trường hợp này đều được sốc điện chuyển nhịp cấp cứu thành công.

4.3.3. Đặc điểm về siêu âm tim.

Siêu âm tim là xét nghiệm không xâm lấn có giá trị trong đánh giá chức năng thất trái, tình trạng các van tim, và các biến chứng sau NMCT cấp. Tỷ lệ bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái giảm phân bố theo từng mức độ ở nhóm ≥65 tuổi luôn cao hơn so với nhóm <65 tuổi. Các tỷ lệ tương ứng theo từng mức độ phân suất tống máu thất trái giảm như sau: giảm (15,5% so với 10,3%), giới hạn (26,9%

so với 18,6%) và ngược lại nhóm <65 tuổi có phân suất tống máu thất trái bảo tồn cao hơn nhóm ≥65 tuổi (71,2% so với 57,6%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê, với p =0,017.

Nghiên cứu MEDI-ACS [41] có 54,7% bệnh nhân có phân xuất tống máu thất trái <45%.

Phân suất tống máu thất trái thấp được biết như là yếu tố tiên lượng tử vong nội viện cho bệnh nhân NMCT cấp [75]. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 15,5% bệnh nhân ≥65 tuổi và 10,3% bệnh nhân <65 tuổi có EF ≤40%. Theo tác giả Lê Thị Yến [42] thì phân suất tống máu thất trái giảm ở những bệnh nhân NMCT cấp diện rộng như vùng trước rộng giảm rõ nhất, đa số ≤40%, vùng NMCT nhỏ nhất, phân suất tống máu giảm ít nhất, đa số khoảng 50%. Còn theo tác giả Butnaru A [78] thì đo lường chỉ số phân suất tống máu thất trái sau NMCT là một dấu hiệu tiên lượng có ý nghĩa nhất để phân tầng nguy cơ, phân suất tống máu thất trái giảm (≤40%) là yếu tố tiên lượng nặng trong NMCT cấp.

Về rối loạn vận động vùng trên siêu âm tim, chúng tôi nhận thấy nhóm bệnh nhân <65 tuổi có tỷ lệ rối loạn vận động vùng thấp hơn so với nhóm ≥65 tuổi (58,1% so với 68%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p =0,042. Trong HCVC, các bất thường vận động vùng có thể hữu ích hơn là chức năng toàn bộ bởi vì có hiện tượng tăng động bù trừ của những vùng cơ tim không bị ảnh hưởng dẫn đến ước tính không chính xác vùng cơ tim bị tổn thương. Bất thường vận động vùng thường là hậu quả của bệnh ĐMV và mỗi vùng thất trái có thể chịu sự chi phối của một trong ba nhánh ĐMV chính nên khi nhánh ĐMV bị tắc nghẽn thì vùng cơ tim chịu sự chi phối tương ứng sẽ bị ảnh hưởng. Khi một ĐMV bị tắc thì sẽ có tuần hoàn bàng hệ từ nhánh ĐMV khác đến chi phối, nhưng điều này bị giảm ở NCT.

Theo tác giả Kurotobi T và cộng sự [145] thì tần suất của tuần hoàn bàng hệ giảm theo tuổi theo thứ tự từ 47,9%, 45,8%, 43,4% và 34% ở bệnh nhân <50 tuổi, 50-59 tuổi, 60-69 tuổi và ≥70 tuổi (p <0,001). Tuổi cao có liên quan đến giảm tuần hoàn bàng hệ tới nhánh ĐMV thủ phạm gây NMCT cấp. Bất thường này có thể góp phần dẫn đến tiên lượng kém cho bệnh nhân cao tuổi bị NMCT cấp.

Khi đánh giá tổn thương van tim dựa trên siêu âm Doppler màu, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tổn thương van tim giữa hai nhóm bệnh nhân ≥ và <65 tuổi (p =0,001). Tỷ lệ hở van hai lá ≥2/4 và hở van động mạch

chủ ở nhóm ≥65 tuổi cao hơn so với nhóm <65 tuổi (15,9% so với 7,7% và 9,4% so với 3,2%). Theo tác giả Phạm Nguyễn Vinh [39] thì hở van hai lá trước hoặc sau NMCT cấp đều là yếu tố tiên lượng nặng trong NMCT cấp. Hở van hai lá do thiếu máu cục bộ thường có tiên lượng kém trong giai đoạn cấp cũng như giai đoạn sau của NMCT cấp và có liên quan đến gia tăng tỷ lệ tử vong [216]. Theo tác giả Lehmann và cộng sự [151] thì tần suất hở hai lá do thiếu máu cục bộ chiếm 13% và sự hiện diện của hở hai lá tiên đoán tử vong do tất cả nguyên nhân tại thời điểm 1 năm (không hở hai lá: 5%, hở hai lá nhẹ: 18,2%, hở hai lá trung bình hoặc nặng:

60%). Tác giả Feinberg [95] nghiên cứu trên 417 bệnh nhân NMCT cấp và thực hiện siêu âm tim Doppler trong 48 giờ đầu tiên sau nhập viện và kết quả cho thấy bệnh nhân với không hở hai lá, hở hai lá nhẹ, trung bình hoặc nặng có tỷ lệ tử vong 30 ngày theo thứ tự 3,3%, 6,6% và 16% (p =0,001) và tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tại thời điểm 1 năm là 4,8%, 12,4%, và 24% (p <0,001). Nghiên cứu CARDILLAC (Controlled Abciximab and Device Investigation to Lower Late Angioplasty Complications) [181] cho thấy gia tăng độ nặng của hở hai lá có liên quan tới tỷ lệ tử vong cao tại thời điểm 30 ngày (không hở hai lá: 1,4%, hở nhẹ:

3,7%, hở trung bình hoặc nặng: 8,6%) và một năm (không hở hai lá: 2,9%, hở nhẹ:

8,5%, hở trung bình hoặc nặng: 20,8%).

Một trong những chỉ số đánh giá chức năng tâm thu thất trái là áp lực ĐM phổi tâm thu. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ gia tăng áp lực ĐM phổi tâm thu của mẫu nghiên cứu chung là 31,1% và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p =0,002) giữa hai nhóm bệnh nhân ≥ và <65 tuổi. Tỷ lệ áp lực ĐM phổi tâm thu tăng ở nhóm bệnh nhân ≥65 tuổi cao hơn so với nhóm <65 tuổi (36,07% so với 21,01%). Theo tác giả Nguyễn Lân Hiếu [8] thì đo áp lực cuối tâm trương thất trái cho phép xác định gián tiếp áp lực trung bình của mao mạch phổi. Sự gia tăng rõ rệt áp lực này chỉ ra sự giảm nặng nề chức năng tống máu của thất trái.

4.3.4. Đặc điểm hình ảnh X-quang ngực ghi nhận trong 24 giờ đầu nhập viện X-quang ngực thường được dùng để đánh giá suy tim sung huyết sau NMCT cấp. Trong một số trường hợp thì sung huyết phổi và bóng tim to trên x-quang được

dùng như là chỉ số đánh giá tình trạng suy tim cùng với các thông số lâm sàng khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm bệnh nhân ≥65 tuổi có biểu hiện hình ảnh bóng tim to và sung huyết phổi trên X-quang ngực trong 24 giờ đầu nhập viện với tỷ lệ cao hơn so với nhóm <65 tuổi (các tỷ lệ tương ứng như sau 45,2% so với 24,2% và 26,1% so với 22,3%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê, với p <0,001.

Battler A và cộng sự [66] đã nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của x- quang ngực ban đầu trong tiên đoán tỷ lệ tử vong và sống còn sau NMCT cấp. Tổng số có 273 bệnh nhân được chụp x-quang ngực trong 24 giờ đầu nhập viện sau NMCT cấp. X-quang ngực được phân chia thành 4 mức độ của sung huyết phổi: độ O- không sung huyết phổi (n =141), độ I – tái phân bố tuần hoàn phổi (n =38), độ II- phù mô kẽ phổi (n =61), độ III- phù phế nang khu trú (n =20), độ IV- phù phế nang lan tỏa (n =13). Trong trường hợp không có sung huyết phổi 94% bệnh nhân còn sống tại tháng đầu tiên và 88% còn sống tại thời điểm 1 năm và khi kích thước tim cũng bình thường thì 96% bệnh nhân còn sống tại thời điểm 1 tháng và 91%

bệnh nhân còn sống tại thời điểm 1 năm. Tỷ lệ tử vong 30 ngày ở nhóm sung huyết phổi độ II, III, IV cao hơn có ý nghĩa thống kê so với độ O (p <0,005) và tỷ lệ tử vong muộn gia tăng một cách có ý nghĩa (p <0,005) với bất kỳ mức độ sung huyết phổi nào so với độ O. Tỷ lệ tử vong với mức độ sung huyết độ II, III thì tương tự nhau và <50% bệnh nhân còn sống sau 1 năm, còn với mức sung huyết phổi độ IV thì chỉ có 18% bệnh nhân còn sống sau 30 ngày và không có bệnh nhân nào còn sống sau 1 năm. Đối với những trường hợp không có sung huyết phổi thì 24% bệnh nhân có gia tăng đường kính thất trái (≥50 mm/m2) và chỉ số tim lồng ngực (≥0,5) tử vong sau năm đầu so với chỉ 6% bệnh nhân có đường kính thất trái ban đầu bình thường và 9% bệnh nhân có chỉ số tim lồng ngực ban đầu bình thường. Tỷ lệ tử vong sớm và muộn ở những bệnh nhân không có sung huyết phổi thì thấp hơn có ý nghĩa thống kê (p <0,01) so với những bệnh nhân có bất kỳ mức độ sung huyết phổi nào, bất kể đường kính thất trái và chỉ số tim lồng ngực là bao nhiêu. Vì vậy, mức độ sung huyết và kích thước tim trái trên x-quang ngực ban đầu sau NMCT cấp có

tính hữu dụng cao trong việc xác định nhóm bệnh nhân có gia tăng nguy cơ tử vong hoặc sống còn trong tháng đầu hoặc năm đầu tiên sau NMCT cấp.

Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam trong chẩn đoán và điều trị NMCT cấp STCL hoặc KSTCL giai đoạn 2006-2010: biểu hiện ứ huyết ở phổi là yếu tố tiên lượng nặng làm gia tăng nguy cơ tử vong trong 30 ngày đầu sau NMCT [36].

4.3.5. Kết quả chụp động mạch vành qua da.

Tỷ lệ bệnh nhân được chụp ĐMV trong toàn mẫu nghiên cứu là 57,4%. Tỷ lệ bệnh nhân NMCT cấp được chụp ĐMV trong nhóm bệnh nhân <65 tuổi cao hơn so với nhóm ≥65 tuổi (77,7% so với 52,9%) và có 47,1% bệnh nhân ở nhóm ≥65 tuổi không được chụp mạch vành so với 22,3% ở nhóm <65 tuổi. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,001. Tỷ lệ bệnh nhân nhóm <65 tuổi được chụp ĐMV cấp cứu cao hơn so với nhóm ≥65 tuổi (73,8% so với 53,7%). Ngược lại, tỷ lệ chụp ĐMV chương trình ở nhóm ≥65 tuổi cao hơn so với nhóm <65 tuổi (46,3% so với 26,2%, p =0,001). So với tác giả Shiraki T [218] thì tỷ lệ bệnh nhân được chụp ĐMV là 77% ở nhóm cao tuổi thì tỷ lệ của chúng tôi có thấp hơn. Theo tác giả Suphot S và cộng sự [228] nghiên cứu tại Thái Lan, tỷ lệ chụp ĐMV cho bệnh nhân bị HCVC dao động từ 50,1%-62,7% cho NMCT cấp STCL và 34%-43,9% cho hội chứng vành cấp KSTCL.

Trong NMCT cấp sau khi có kết quả chụp ĐMV chọn lọc thì số lượng ĐMV bị tổn thương là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của người thầy thuốc. Biết được số lượng ĐMV bị tổn thương không chỉ giúp chúng ta lựa chọn phương pháp điều trị tái tưới máu mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng bệnh. Khi phân loại theo số lượng nhánh ĐMV bị tổn thương, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhóm bệnh nhân <65 tuổi có tỷ lệ tổn thương một nhánh ĐMV là 38,9%, hai nhánh là 30,1%, ba nhánh là 31% và thân chung là 3,15%. Các tỷ lệ này tương ứng trong nhóm bệnh nhân ≥65 tuổi là 16,5%, 29,5%, 54% và 8,74%.

Như vậy, tỷ lệ tổn thương một và hai nhánh ĐMV ở nhóm <65 tuổi cao hơn so với nhóm ≥65 tuổi và ngược lại những bệnh nhân có tổn thương ba nhánh ĐMV hoặc

tổn thương thân chung chiếm tỷ lệ cao ở nhóm ≥65 tuổi hơn so với nhóm <65 tuổi, p <0,001. Khi so sánh kết quả tổn thương ĐMV theo mức độ 1 nhánh, 2 nhánh và 3 nhánh với một số tác giả khác như Trương Quang Bình [3], Phạm Hoàn Tiến [28], Mehta RS [166] thì tỷ lệ tổn thương mạch vành 3 nhánh của chúng tôi cao hơn.

Ngoài những yếu tố nguy cơ mạch vành ra, thì tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nhiều so với các tác giả trên, và đây có thể là nguyên nhân gây ra sự khác biệt này. So sánh đặc điểm tổn thương mạch vành trong nghiên cứu của chúng tôi với một số tác giả khác được trình bày trong bảng 4.55.

Bảng 4.55. Đặc điểm tổn thương ĐMV trong một số nghiên cứu.

Nghiên cứu Bệnh ĐMV

1 nhánh

Bệnh ĐMV 2 nhánh

Bệnh ĐMV 3 nhánh Trương Q. Bình (2007) [3] 42,7% 35% 22,3%

Phạm H. Tiến (2004) [28] 50,8% 34,7% 14,5%

Mehta RS (2009) [166] 31,6% 24,5% 17,1%

Chúng tôi 23,42% 26,22% 38,46%

Khi đánh giá tổn thương ĐMV theo vị trí các nhánh bao gồm LAD, LCX, RCA cho cả hai trường hợp chụp ĐMV cấp cứu và chương trình, nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận: LAD là vị trí bị tổn thương nhiều nhất (238 trường hợp), kế đến là RCA (202 trường hợp) và sau cùng là LCX (171 trường hợp). Kết quả này cũng tương tự với một số trung tâm khác như của Mai Hồ Duy tại Viện Tim thành phố Hồ Chí Minh [6], Nguyễn Cửu Lợi tại bệnh viện Trung Ương Huế [11], Sim DS tại Hàn Quốc [220]. Theo các tác giả này thì LAD là vị trí tổn thương thường gặp nhất.

Ngoài ra, trong trường hợp chụp ĐMV cấp cứu, tỷ lệ bệnh nhân có tổn thương các nhánh LCX và RCA ở nhóm ≥65 tuổi cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm <65 tuổi (các tỷ lệ này tương ứng là 65,1% so với 45,6%; p =0,009;

79,5% so với 64,4%; p =0,025). Ngoài ra, trong trường hợp chụp ĐMV chương trình, tỷ lệ tổn thương nhánh RCA ở nhóm ≥65 tuổi cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm <65 tuổi (76,3% so với 50%, p =0,007).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự khác biệt về lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi (Trang 100 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)