Vũ Hữu Đức (2007) nêu rõ “So sánh với Báo cáo COSO 1992, các chuẩn mực kiểm soát nội bộ trong khu vực công tập trung hơn vào các chức năng và đặc điểm của đơn vị nhà nước và các quy định có tính quy chuẩn hơn là chỉ hướng dẫn. Trong khu vực công tại Việt Nam hiện nay, khái niệm kiểm soát nội bộ còn rất mới mẻ.
Các nhà quản lý trong khu vực công thường dựa trên các quy định của pháp luật, kinh nghiệm cá nhân để hành xử hơn là một cái nhìn tổng quát và có hệ thống về công tác kiểm soát. Ngoài ra, việc thiếu một kỹ năng phân tích chứng từ mục tiêu, rủi ro đến các hoạt động kiểm soát sẽ dẫn đến tổn hao nguồn lực vào những thủ tục kiểm soát không cần thiết trong khi lại bỏ sót những rủi ro quan trọng”. Các đơn vị công thường không xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ hoàn chỉnh nhưng các yếu tố trong hệ thống kiểm soát nội bộ vẫn tồn tại mờ nhạt, mang tính chất tự phát.
Hầu hết các trường cao đẳng và đại học hoạt động và quản lý dựa trên các quy định của Bộ giáo dục và đào tạo. Nếu các trường thực hiện theo đúng các quy định ban hành thì sẽ có cơ chế quản lý tốt. Nên phần này tác giả chỉ nêu những sự kiện liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ trong nước ở khu vực công. Mục đích của tác giả là từ những hạn chế, khuyết điểm của các trường sẽ giúp cho trường Cao đẳng Thống kê II hoàn thiện công tác quản lý trên cơ sở hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.
Theo Nguyễn Thị Thu Hậu (2014) Trường Đại học Bạc Liêu được thành lập vì mục đích giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy mới thành lập không bao lâu nhưng Nhà trường vẫn rất chú trọng đến việc quản lý. Mặc dù trường chưa có hệ thống kiểm soát nội bộ hoàn chỉnh và riêng biệt cũng như chưa có bộ phận kiểm soát nội bộ mà chỉ có phòng thanh tra pháp chế nhưng Ban Giám Hiệu vẫn đề cao việc kiểm soát hoạt động của Nhà trường. Nhà trường rất quan tâm đến chất lượng giảng dạy; quy trình thu - chi tài chính rõ ràng; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà trường. Tuy nhiên, đánh giá rủi ro là thành phần không được Nhà trường xem trọng nhất, nó hiện diện rất mờ nhạt.
Theo Nguyễn Thị Hoàng Anh (2014), Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp.HCM là trường trực thuộc Ủy ban Nhân dân Tp.HCM. Hệ thống kiểm soát của Nhà trường hình thành với đầy đủ năm yếu tố cấu thành. Cũng như trường Đại học Bạc Liêu, trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp.HCM vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc đánh giá rủi ro. Bốn thành phần còn lại là: môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, thông tin - truyền thông và giám sát được thực hiện tương đối tốt.
Nhà trường rất quan tâm đến chất lượng giảng dạy, ý kiến góp ý của người học;
luôn tạo điều kiện để cán bộ nhân viên, giảng viên học tập nâng cao trình độ; công tác tài chính, thu chi, mua sắm tài sản được thực hiện đúng kế hoạch và rõ ràng; các cuộc thanh tra, giám sát được tổ chức định kỳ và tương đối nghiêm túc.
Từ thực tiễn vận dụng hệ thống kiểm soát nội bộ của trường Đại học Bạc Liêu và trường Cao đẳng Giao thông vận tải Tp.HCM, tác giả nhận thấy, các trường ít quan tâm đến hoạt động kiểm soát nội bộ, công tác đánh giá rủi ro hầu như không được thực hiện. Điều này có thể xuất phát từ các trường là đơn vị sự nghiệp nên rủi
ro được Nhà trường cho là tương đối ít và không quan trọng. Từ việc vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ của một số trường nêu trên, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho Trường Cao đẳng Thống kê II như sau:
- Nâng cao nhận thức về hệ thống kiểm soát đối với lãnh đạo nhà trường và cán bộ giáo viên vì nhận thức tốt sẽ tạo ra môi trường kiểm soát tốt.
- Cần thường xuyên nhận diện các rủi ro xảy ra trong đơn vị, để làm căn cứ xây dựng các thủ tục kiểm soát hữu hiệu
- Xây dựng quy trình cho tất cả các hoạt động, trong mỗi quy trình phải xem trọng việc gắn liền kiểm soát các rủi ro và thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ.
- Công khai thu chi tài chính, minh bạch trong mọi hoạt động.
- Cần xem trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên giảng viên; lấy mục tiêu chất lượng giáo dục là hàng đầu.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, tác giả đã trình bày cơ sở lý luận về kiểm soát nội bộ ở đơn vị công theo hướng dẫn của INTOSAI 1992 (cập nhật năm 2004). Theo đó, một hệ thống KSNB được cấu thành từ năm bộ phận: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và truyền thông, giám sát.
Một hệ thống KSNB hữu hiệu là mong ước của bất kỳ một đơn vị nào, nó giúp đơn vị đó đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, một hệ thống KSNB dù được thiết lập chặt chẽ đến đâu cũng không tránh khỏi những những hạn chế tiềm tàng.
Do đó, các nhà quản lý cần phải quan tâm để giảm thiểu những rủi ro từ những hạn chế này.
Hiện nay, hướng dẫn về KSNB của INTOSAI được sử dụng rộng rãi, phổ biến để phù hợp với đặc điểm chính trị và quản lý khác nhau ở mỗi quốc gia. Do đó, bên cạnh cơ sở lý thuyết tác giả cũng trình bày một số đặc điểm hoạt động của hệ thống KSNB ở cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam làm nền tảng để nghiên cứu những chương tiếp theo.
CHƯƠNG 2