Hoa Kỳ là nhà nước liên bang, do vậy việc tổ chức thực hiện hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính cũng có những nét đặc thù so với các quốc gia khác. Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về giải quyết khiếu nại hành chính tại Hoa Kỳ của Ủy ban pháp luật Quốc hội thì việc tổ chức các cơ quan giải quyết khiếu kiện hành chính ở Hoa Kỳ chia làm ba loại:
Loại thứ nhất, là cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính độc lập và chúng ta vẫn thường gọi là cơ quan Tài phán hành chính. Hiện nay có 26 trên tổng số 50 bang của Hoa Kỳ có cơ quan này.
Loại thứ hai, là cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính được tổ chức trong chính cơ quan hành chính, nhưng chuyên trách hóa- tức là những người
trong cơ quan này chỉ có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại đối với các QĐHC trong lĩnh vực quản lý của cơ quan mình. Chẳng hạn như cơ quan giải quyết khiếu kiện về phát minh sáng chế và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (Patent &
Trademark) nằm trong Ủy ban phát minh sáng chế và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong trường hợp bị từ chối thì đương sự có thể gửi đơn đến Tòa án tư pháp để giải quyết khiếu kiện.
Loại thứ ba, trong một số lĩnh vực quản lý không có cơ quan chuyên trách giải quyết khiếu nại hành chính mà chỉ có một bộ phận chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại trong ngành và lĩnh vực đó - điển hình là Hải quan Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực hải quan, pháp luật Hoa Kỳ cho phép đương sự có thể kiện ra Tòa án hoặc khiếu nại bằng con đường hành chính. Trên thực tế 90% vụ việc đương sự chọn con đường khiếu nại hành chính vì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh hơn, đồng thời đỡ tốn kém hơn nếu khiếu kiện ra Tòa án. Ngoài ra, ở Hoa Kỳ còn có cơ quan độc lập chuyên giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật công chức, có tên gọi là Merit System Protection Board.
Pháp luật Hoa Kỳ quy định trường hợp tranh chấp hành chính đã được cơ quan hành chính hoặc cơ quan tài phán hành chính giải quyết mà đương sự vẫn tiếp tục khiếu kiện tới Tòa án thì Tòa án không xem xét lại nội dung sự việc mà chỉ xem xét việc áp dụng pháp luật của cơ quan hành chính hoặc cơ quan chuyên trách giải quyết khiếu nại hành chính trong quá trình giải quyết trước đó (Đinh Văn Minh, 2010).
1.2.2. Quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện tại Anh
Ở Vương quốc Anh, khiếu kiện hành chính có thể được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau thông qua: Cơ quan giải quyết khiếu nại, cơ quan tài phán hành chính và một số cơ quan khác.
- Cơ quan giải quyết khiếu nại: Khi cá nhân, tổ chức liên quan đến quyết định hành chính không đồng ý với quyết định hành chính đã ban hành, họ có quyền khiếu nại quyết định này để yêu cầu nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan giải quyết khiếu nại thực chất là thiết chế thực hiện việc kiểm tra, xem xét nội bộ (Intenal Review) quyết định hành chính đã ban hành. Thiết chế này
gắn với tổ chức và hoạt động của mỗi cơ quan ban hành ra quyết định hành chính.
Thông thường, người tiến hành kiểm tra, xem xét nội bộ chính là người đã ra quyết định, họ cũng có thể là cấp trên của người đã ra quyết định hoặc bộ phận của cơ quan có quyết định bị khiếu nại nhưng hoạt động riêng biệt, độc lập với cơ quan đó.
- Cơ quan tài phán hành chính: Nếu không đồng ý với quyết định hành chính đã ban hành, cá nhân, tổ chức liên quan có thể yêu cầu người có thẩm quyền kiểm tra, xem xét lại quyết định đó. Nếu vẫn chưa thỏa đáng với cách giải quyết này, họ có thể tiếp tục khiếu nại tới thiết chế làm nhiệm vụ giải quyết khiếu kiện hành chính, độc lập với cơ quan ban hành quyết định hành chính. Cơ quan này được gọi là cơ quan tài phán hành chính (Administrative Tribunal).
Việc giải quyết khiếu kiện hành chính tại cơ quan tài phán hành chính có thể do một thành viên có kiến thức chuyên sâu về pháp luật hoặc lĩnh vực chuyên môn khác thực hiện. Cơ quan tài phán hành chính cũng có thể thành lập hội đồng bao gồm thành viên có kiến thức chuyên môn pháp luật và các thành viên khác là chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan đến khiếu kiện cần giải quyết. Trong quá trình giải quyết khiếu kiện hành chính, cơ quan tài phán hành chính có quyền xem xét, đánh giá toàn bộ vấn đề có liên quan đến việc ban hành quyết định.
Quyết định của cơ quan tài phán hành chính có thể bị cá nhân, tổ chức liên quan hoặc cơ quan tài phán cấp cao hơn khiếu nại, kháng nghị nhưng các khiếu nại, kháng nghị này chỉ liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật, chứ không phải về những tình tiết thực tế.
- Cơ quan thanh tra: Cơ quan này độc lập tiến hành giải quyết khiếu nại hành chính và là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng sau khi người khiếu nại không thỏa mãn với kết quả kiểm tra, xem xét lại quyết định đã ban hành của cơ quan có thẩm quyền.
- Cơ quan giải quyết khiếu nại và trung gian độc lập: Ngoài cơ quan thanh tra, ở Vương quốc Anh còn thành lập một số thiết chế khác làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại hành chính trong một số lĩn vực, được gọi là cơ quan giải quyết khiếu nại và trung gian độc lập. Những thiết chế này chủ yếu thực hiện việc điều tra, xem xét và đưa ra cách thức giải quyết khiếu nại hành chính; trong
nhiều trường hợp, cơ quan này cũng sử dụng các biện pháp trung gian, hòa giải để giải quyết khiếu nại (Nguyễn Văn Quang, 2012).
1.2.3. Quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nước thành lập hệ thống Tòa hành chính từ những năm 1990. Luật Tố tụng hành chính Trung Quốc có những điều khoản liên quan đến khiếu nại hành chính. Khiếu nại hành chính không phải là một trình tự bắt buộc. Người khiếu nại không buộc phải khiếu nại tới cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra toà án. Tuy nhiên, nếu luật hoặc văn bản pháp quy có quy định thì nó trở thành điều kiện bắt buộc. Cơ quan hành chính phải giải quyết khiếu nại trong thời gian hai tháng kề từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp không có sự thống nhất quá trình khiếu nại hành chính, người khiếu nại có thể kiện ra Toà án hành chính trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thống báo trả lời của cơ quan hành chính (Đinh Văn Minh, 2009).
1.2.4. Quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện tại Thụy Điển
Thụy Điển có Tòa hành chính với chức năng thực hiện xét xử các vụ án hành chính. Tòa hành chính được thành lập từ năm 1909, song hiện nay pháp luật Thụy Điển vẫn quy định các cơ quan hành chính và Tòa hành chính có thẩm quyền ngang nhau trong việc giải quyết tranh chấp hành chính. Khiếu nại của công dân có thể được giải quyết theo thứ bậc hành chính mà không cần phải kiện ra Tòa hành chính và trong trường hợp này pháp luật Thụy Điển có những quy định cụ thể nhằm tránh tình trạng cùng một vụ việc nhưng cả cơ quan hành chính và Tòa hành chính đều thụ lý giải quyết (Đinh Văn Minh, 2009).
1.2.5. Kinh nghiệm về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện cho Việt Nam
Qua những mô hình trên khi nghiên cứu về cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của một số nước trên thế giới, rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam đối với cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện như sau:
Thứ nhất, Xuất phát từ việc tổ chức TAND trong hệ thống tòa án các cấp hiện nay, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện thuận lợi, dễ dàng thì hiện tại không nhất thiết phải thành lập hệ thống cơ quan
tài phán hành chính và tổ chức cơ quan tài phán hành chính song song với hệ thống tòa án hiện nay;
Thứ hai, Cơ quan tài phán hành chính trong lĩnh vực nào thì cần phải độc lập với cơ quan QLHC ở lĩnh vực đó;
Thứ ba, Bảo đảm sự độc lập của người giải quyết khiếu nại độc lập với người ra quyết định hành chính bị khiếu nại;
Thứ tư, Bảo đảm một trình tự, thủ tục giải quyết nhanh gọn, công khai nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan; Bảo đảm nguyên tắc đối thoại giữa người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại, nhất là coi trọng việc hòa giải giữa các bên trước khi thực hiện thủ tục khiếu nại;
Thứ năm, Có cơ chế buộc các đối tượng ban hành QĐHC, HVHC sau khi có phán quyết của tòa án về việc trái pháp luật đều phải bồi thường thiệt hai hoặc hủy bỏ, thay đổi QĐHC, HVHC của mình theo quy định của pháp luật;