Chương 1.CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.3 Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng học sinh yếu kém môn Toán 11 THPT
Qua việc dự giờ, trao đổi với GV bộ môn Toán chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém môn Toán ở trường THPT. Có thể tìm hiểu nguyên nhân từ những khía cạnh sau:
- Về điều kiện xã hội
Tình hình kinh tế xã hội ở nước ta có nhiều biến đổi dẫn đến nhu cầu về vật chất, tinh thần của mỗi người ngày một cao. Bên cạnh mặt tích cực chiếm ưu thế thì hiện tượng tiêu cực vẫn còn len lỏi đâu đó trong cuộc sống của mỗi người, trong đó có học sinh THPT. Ở lứa tuổi vị thành niên, HS tuy rất nhạy bén ưa chuộng cái mới, nhưng vì thiếu sự định hướng, mục đích và động cơ học tập của các em lại chưa rõ ràng nên không ít HS hướng vào những hoạt động vui chơi hưởng thụ vô bổ làm cản trở việc học tập của bản thân.
- Về phía nhà trường và gia đình
Theo nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với hoạt động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Trên thực tế, việc này chưa được thực hiện một cách thường xuyên và triệt để. Do áp lực kinh tế quá lớn dẫn đến phụ huynh HS thiếu sự quan tâm giám sát thường xuyên quá trình học tập của con mình. Thông tin giữa nhà trường và gia đình chưa kịp thời, sự kết hợp thiếu chặt chẽ dẫn đến nhiệm vụ học tập của HS bị xem nhẹ, định hướng học tập sai lệch, mù mờ. Đa số phụ huynh thường đánh giá con mình căn cứ vào điểm số các cháu đạt được trên lớp, do vậy khi các em bị điểm kém phụ huynh thường có những phản ứng không tốt, mất lòng tin vào các em và chưa biết cách động viên con trong học tập.
Hơn nữa, về phía GV, chúng ta cần nhìn nhận khách quan hơn về PPDH để từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục: Trong phần lớn các giờ dạy học môn Toán, phương pháp thuyết trình và đàm thoại vẫn chiếm ưu thế, các nhiệm vụ học tập thường được GV đưa ra một cách áp đặt chung cho cả lớp, ít
chú ý đến nhu cầu nhận thức của HS như thế nào đối với nhiệm vụ học tập.
Việc chuẩn bị một giáo án tốt rất công phu và mất nhiều công sức nên GV có phần ngại làm, khiến cho HS không có hứng thú, không tự tin trong học tập, dẫn tới hiện tượng HS chán học, ảnh hưởng đến kết quả học tập. GV đôi khi còn chưa chú ý đến việc lấp “lỗ hổng” cho HSYK. Mà việc lấp “lỗ hổng” có ý nghĩa vô cùng quan trọng và có ấn tượng sâu khi mà chính bản thân HS tự tìm ra và tự sửa chữa. Cần cho HS thấy rằng, nhờ có sự khám phá ra những “lỗ hổng” của bản thân mình mà quá trình chiếm lĩnh tri thức được trọn vẹn hơn.
Tuy nhiên, cần làm cho HS tin là mình có thể tìm ra được các sai lầm trong lời giải nào đó, có thể tự sửa chữa những sai lầm này. Theo Nguyễn Hữu Châu [3]:
“Hướng dẫn HS tự nhận biết được những sai lầm, biết phân tích để tự tìm ra nguyên nhân các sai lầm của chính bản thân mình là biện pháp tích cực giúp HS sửa chữa sai lầm, nâng cao nhận thức và rèn luyện những kỹ năng cần thiết việc giải toán. Đó là nhiệm vụ quan trọng của người GV dạy toán trong xu thế tích cực hoá quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông”.
Hiện nay, GV chưa dành thời gian thích đáng cho những em HSYK để tăng cường luyện tập vừa sức mình. Chẳng hạn, ngoài việc cho và hướng dẫn thêm các em HS này những bài tập tương tự ở trên lớp, còn phải cho thêm những bài tập cùng dạng về nhà để các em có thời gian xem xét, nghiên cứu kỹ hơn và như thế kiến thức sẽ được khắc sâu, bền vững hơn. GV chưa thật quan tâm đến việc hướng dẫn HS sử dụng ngôn ngữ và ký hiệu toán học. Do đó, dẫn đến việc HS gặp sai lầm ngôn ngữ, kí hiệu có thể dẫn đến sai lầm khi giải toán.
Cũng có thể do sử dụng các kí hiệu một cách máy móc, tuỳ tiện sẽ tạo cho HS thói quen cẩu thả, đại khái, thiếu sự nhất quán khoa học. Vì vậy, kỹ năng hiểu và sử dụng hợp lí các kí hiệu Toán học thông qua việc phát hiện và sửa chữa các sai lầm là một việc làm rất cần thiết trong dạy học Toán. Theo Nguyễn Vĩnh Cận, Lê Thống Nhất, Phan Thanh Quang [2] đã khảo cứu thì I.A.
Kômenxki đã khẳng định: “Bất kỳ một sai lầm nào cũng có thể làm cho HS học
kém đi nếu như GV không chú ý đến ngay sai lầm đó, bằng cách hướng dẫn HS tự nhận ra và sửa chữa, khắc phục sai lầm”. Còn A.A. Stôlia [21] nhấn mạnh:
“Không được tiếc thời gian để phân tích trên giờ học các sai lầm của HS”. GV chưa chú ý đến dạy học hoạt động nhận dạng và thể hiện các kiến thức toán học cho những HSYK. Có thể tăng cường nhận dạng và thể hiện ngay sau khi tiếp thu kiến thức và những ví dụ đơn giản.
GV chưa chú ý đến việc phân nhóm HSYK để thuận lợi cho việc bổ sung kiến thức và lấp “lỗ hổng” về kiến thức. Chưa đưa ra phương pháp học tập phù hợp như là ra bài tập có tính phân bậc cho HSYK. GV dạy học không sát trình độ, thường ra những bài tập quá khó trên sức HS, để HS thất bại nhiều lần trong quá trình giải toán thì sẽ giết chết niềm lạc quan học tập của họ. GV chưa liên tục đôn đốc, kiểm tra những kiến thức cũ đã học để làm tiền đề cho việc học kiến thức mới. GV chưa chú ý đến việc gợi động cơ học tập nhằm gây hứng thú nhu cầu nhận thức, khơi dậy niềm tin học tập ở khả năng bản thân HS. GV không chủ động hướng dẫn HS cách tự học, tự tra cứu tài liệu. GV không hướng dẫn HS nên sử dụng sách vào lúc nào là hợp lý nhất, nên tạo thói quen làm việc với SGK và tài liệu tham khảo trong giờ học, lúc ở nhà. Hầu hết, HS đợi GV đọc cho chép, tự đọc sách theo ý của mình.
- Về nội dung chương trình và SGK
Biện pháp giáo dục của chúng ta lâu nay cần nhìn nhận lại một cách khách quan là quá khô cứng, không tương thích với tâm lý chuộng cái mới có tính năng động, linh hoạt của HS. Thể hiện tính tự chủ trong hoạt động nhận thức của bản thân HS. Sự đổi mới của SGK môn Toán 10 đã có nhiều giảm tải về những kiến thức quá khó, quá trừu tượng. Trong SGK đã chỉ ra các hoạt động tại từng thời điểm thích hợp để GV và HS xem xét, giúp GV và HS bám sát mục tiêu bài giảng. Song nó vẫn phần nào ảnh hưởng đến tiết dạy của GV vì GV vẫn chưa thật quen với sự đổi mới nhanh chóng này, chương trình chưa kịp nghiên cứu sâu, hệ thống bài tập thì chưa sát với đối tượng HSYK.
Do thời gian một tiết học hạn chế, khối lượng kiến thức theo chương trình lại nhiều nên GV phải chủ động xử lí kiến thức trong SGK. Hơn nữa HS ở vùng núi còn hạn chế về mặt nhận thức nên việc nắm và hiểu được nội dung chương trình là một điều khó khăn đối với HS.
- Về phía HS
HSYK Toán là những HS có kết quả học tập bộ môn thường xuyên dưới trung bình. Việc lĩnh hội tri thức, rèn luyện kĩ năng cần thiết ở những HS này thường đòi hỏi nhiều công sức và thời gian so với các HS khác. Sự yếu kém học tập bộ môn Toán có nhiều biểu hiện nhưng nhìn chung có dấu hiệu cơ bản:
Nhiều “lỗ hổng” về kiến thức và kĩ năng, tiếp thu chậm, năng lực tư duy yếu, phương pháp học tập bộ môn chưa phù hợp, thờ ơ với giờ học trên lớp, thường xuyên không làm bài tập ở nhà...
Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là một phần không ít HSYK môn Toán. Thái độ học tập và phương pháp học tập môn Toán còn chưa tốt, các em thường cố gắng không liên tục.
Tóm lại học sinh yếu kém môn Toán do nhiều nguyên nhân gây ra. Để khắc phục tình trạng yếu kém đó cần phải phối hợp nhiều biện pháp với nhau.