Phân tích dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Công ty Điện lực Vĩnh Long

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại công ty điện lực vĩnh long (Trang 61 - 64)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI CÔNG TY ĐIỆN LỰC VĨNH LONG

2.4. Phân tích dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại Công ty Điện lực Vĩnh Long

2.4.1. Môi trường bên ngoài

Bối cảnh kinh tế: Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 5,98%. Tỷ lệ lạm phát chỉ tăng 1,86%. Đây là mức lạm phát thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 4,09%. Tại Vĩnh Long, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2014 đạt 27.965 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2013. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,8% so với cùng kỳ và tốc độ tăng thấp hơn 4,45% so với năm 2013. Những dấu hiệu trên cho thấy kinh tế đã dần phục hồi sau khủng hoảng. Kinh tế đất nước dần ổn định mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Vì vậy nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tỉnh ngày càng cao. Điều này giúp Công ty ĐLVL có được cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động;

kích thích và tạo động cơ cho nhân viên đóng góp cho hoạt động của công ty.

Hệ thống pháp luật: Hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động, quan tâm đếm môi trường làm việc, môi trường sinh thái. Do đó, phòng Tổ chức Nhân sự của công ty phải thường xuyên cập nhật các quy định, hướng dẫn, quy phạm pháp luật để tham mưu ban giám đốc điều chỉnh kịp thời các chính sách, quy chế nhân sự nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động một cách hợp pháp.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Điện lực sau 7 năm dự thảo, với mục tiêu tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ loại hàng hoá có tính chất đặc biệt này. Tinh thần của Luật Điện lực là sẽ cải cách, tổ chức lại ngành điện

theo hướng Nhà nước giảm dần sự can thiệp hữu hình và thay vào đó là cơ chế điều tiết vô hình. Thời gian tới, ngành điện sẽ cạnh tranh trong khâu phát điện, phân phối điện, bán buôn và bán lẻ điện. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động quản trị nhân sự của Công ty ĐLVL nói riêng. Công ty cần có những bước chuẩn bị để không bị động khi hoạt động của ngành điện không còn mang tính bao cấp, mang dáng dấp của “cơ chế xin – cho” hay chế độ tuyển dụng suốt đời như hiện nay để có thể phát hu tính tự chủ của doanh nghiệp.

Khoa học kỹ thuật: Ngành điện là ngành sử dụng những ứng dụng của thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại rất triệt để. Trang thiết bị có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đắt tiền và phức tạp đòi hỏi người vận hành cần có kỹ năng xử lý chính xác. Do đó, công ty cần trang bị những kiến thức, kỹ năng mới thông qua công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho người lao động. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng giúp cho người lao động bớt vất vả, tăng năng suất lao động; và công ty hạn chế được chi phí về nhân lực.

Đối thủ cạnh tranh:

Thị trường điện lực Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

- Cấp độ 1 (2005-2014): Thị trường phát điện cạnh tranh.

- Cấp độ 2 (2015-2022): Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

- Cấp độ 3 (từ sau năm 2022): Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thời gian tới, để hoạt động trong thị trường điện cạnh tranh, Công ty ĐLVL không chỉ chịu sự cạnh tranh với các đối thủ là các nhà đầu tư trong nước mà còn cạnh tranh với những nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, công ty cần có các chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ người tài; tránh xảy ra tình trạng dịch chuyển lao động đến các doanh nghiệp khác.

Sự cung ứng nguồn nhân lực của các cơ sở đào tạo: ngoài điều kiện về sức khoẻ, nhân lực trong ngành điện còn đòi hỏi về kỹ năng, kiến thức chuyên môn cao. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung ứng lao động cho Công ty ĐLVL chủ yếu trên địa bàn tỉnh, thậm

chí tại các trường trong khu vực vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu làm tốn thời gian và tăng kinh phí đào tạo lại. Do vậy, công ty cần có các chính sách thu hút nhân lực từ các nguồn cung ứng lao động có chất lượng cao (ví dụ Đại học Bách Khoa, Đại học Kỹ thuật, Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh…).

2.4.2. Môi trường bên trong

Mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp: Mục tiêu và chiến lược của Công ty ĐLVL là sản xuất kinh doanh điện năng chất lượng và hiệu quả; ứng dụng khoa học kỹ thuật cao; năng lực quản lý và chuyên môn cao. Phát triển lưới điện phân phối đồng bộ với chương trình phát triển nguồn điện; thực hiện hiện đại hoá lưới điện; tăng cường áp dụng các biện pháp giảm tổn thất điện năng; đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện tăng từ 14%/năm trở lên. Những hoạt động của quản trị nguồn nhân lực cần được xây dựng và thực hiện dựa trên cơ sở hoàn thành mục tiêu và chiến lược của công ty.

Cơ cấu tổ chức: Hiện nay, Chính phủ đang quyết tâm cải cách các công ty Nhà nước. Các công ty lớn, đảm trách những lĩnh vực độc quyền hoặc có tỷ lệ khống chế thị trường cao, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều trở thành đối tượng của đợt cải cách. Theo đó, các công ty Điện lực tỉnh sẽ được lựa chọn và tổ chức theo hai hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty cổ phần. Khi cơ cấu tổ chức thay đổi, công tác quản trị nguồn nhân lực cũng phải thay đổi theo.

Đội ngũ lãnh đạo: Hiện tại, nhận thức và các kỹ năng cần thiết của hoạt động quản trị nguồn nhân lực của nhiều lãnh đạo trong công ty còn hạn chế do đa số các lãnh đạo này được phát triển từ xuất phát điểm là cán bộ kỹ thuật. Do đó, việc bổ sung kiến thức quản trị nguồn nhân lực cho đội ngũ lãnh đạo là rất cần thiết.

Chính sách và quy định của doanh nghiệp: Công ty đã ban hành các quy chế, chính sách, quy định về nội quy lao động; cách tuyển dụng, đào tạo, bố trí, sắp xếp nhân sự. Tuy nhiên vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân viên. Công ty cần quan tâm điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách này để có thể thu hút, duy trì được nhân viên, đồng thời tăng năng suất lao động.

Văn hóa doanh nghiệp: với phương châm “người lao động là tài sản quý giá nhất”, Công ty ĐLVL cần thực thi đầy đủ những cam kết với người lao động, tạo được bầu không khí trên thuận dưới hoà; phối hợp, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành công việc. Việc giáo dục về thái độ, hành vi ứng xử của nhân viên sẽ mang lại những giá trị vô cùng to lớn cho công ty.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị nguồn nhân lực tại công ty điện lực vĩnh long (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)