Những căn cứ chung để xây dựng và thực thi REDD ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tiềm năng thực hiện chương trình REDD, tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (Trang 35 - 37)

- Thái độ của người dân tại khu vực nghiên cứu đối với việc thực hiện chương trình REDD

3.1.1. Những căn cứ chung để xây dựng và thực thi REDD ở Việt Nam

REDD là một vấn đề còn rất mới mẻ. Tại Việt Nam, chương trình này mới được triển khai từ năm 2008. Bởi vậy, việc tham khảo các chương trình REDD đã được thực hiện tại các quốc gia khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, trình độ và năng lực cũng như nguồn lực quản lý môi trường ở các quốc gia đó khác với Việt Nam. Trong khi đó, REDD phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống thể chế pháp lý của từng quốc gia, quyền sở hữu hay quyền sử dụng tài nguyên, ý thức, văn hóa, trình độ và điều kiện sống của cộng đồng dân cư tại quốc gia đó. Do đó, việc tham khảo cách thức xây dựng và thực thi REDD từ các quốc gia khác là việc làm cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu và có những cuộc phỏng vấn tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực, tôi thấy một số điểm sau đây cần được quan tâm đặc biệt khi nghiên cứu về việc xây dựng và thực thi REDD ở Việt Nam:

- Cộng đồng địa phương phải được coi là đối tác quan trọng trong quản lý bảo vệ rừng.

- Việc đảm bảo quyền sử dụng đất lâm nghiệp, sở hữu rừng là yếu tố quan trọng cho REDD và việc chi trả dịch vụ môi trường.

- Gắn kết bảo vệ môi trường với cải thiện sinh kế là điều kiện thành công của các dự án REDD.

- Chủ rừng cần được coi là đối tác chính trong tất cả các quá trình tham vấn, thực hiện REDD.

- REDD là hình thức mới của dịch vụ môi trường rừng, liên quan đến vấn đề mất rừng và suy thoái rừng. Vì vậy, chất lượng của dịch vụ này liên quan rất chặt chẽ với các ngành khác có hoạt động trên cùng một địa bàn, những ngành có thể tác động đến mất rừng và suy thoái rừng như nông nghiệp, thủy sản, thủy điện, du lịch, khai thác khoáng sản,... Vì vậy, REDD cần được thực hiện theo phương thức tiếp cận cảnh quan, có sự tham gia của các bên liên quan trên địa bàn.

- Trước mắt, khi chưa hình thành thị trường các bon cho REDD, hình thức quản lý vốn thích hợp là hình thành hoặc sử dụng một quỹ ủy thác đa phương có sẵn (như MPTF) để giúp tiếp nhận và sử dụng nguồn thu từ bên ngoài. Sau đó, khi quốc gia có một tổ chức tài chính đủ tin cậy và mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quốc tế, việc quản lý nguồn thu REDD sẽ được chuyển về tổ chức tài chính đó.

- Trong quan hệ tài chính với các sáng kiến mới, trong đó có REDD, tinh thần tự chủ của quốc gia bên nhận là vô cùng quan trọng. Bên đưa ra quan điểm, cách thức và các ưu tiên chính sách là Chính phủ của quốc gia tiếp nhận tài chính là chứ không phải là Chính phủ của bên đóng góp hay nhà tài trợ. Tuy nhiên, các thể chế phải tuân theo cam kết và thông lệ quốc tế.

- Cơ chế chi trả cho dịch vụ REDD phải được xây dựng trong bối cảnh cụ thể của từng địa bàn và phải tiến tới dừng hẳn sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng và tăng cường trách nhiệm cũng như quyền lợi của người cung cấp dịch vụ.

- Quyền sử dụng đất và quyền quản lý rừng rõ ràng là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công cho việc xây dựng và thực hiện cơ chế chi trả cho dịch vụ REDD nói riêng và triển khai REDD nói chung.

- Quy mô của REDD có thể có ba loại: quy mô dự án (hỗ trợ trực tiếp cho cấp địa phương); quy mô quốc gia (hỗ trợ trực tiếp cho cấp quốc gia) và quy mô kết hợp (hỗ trợ cả hai cấp). Đối với quy mô địa phương, việc triển khai sẽ có điều kiện lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng địa phương và hấp dẫn thành phần tư nhân hơn. Tuy nhiên nó có nhiều rủi ro trong việc dịch chuyển địa bàn phát thải và không thể áp dụng cách tiếp cận tổng thể, bao quát để giải quyết các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng. Ở quy mô quốc gia, có thể có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng chính sách đồng bộ, tổng thể, giảm rủi ro rò rỉ, dịch chuyển địa bàn phát thải trong nước. Tuy nhiên, quy mô quốc gia lại có rủi ro thất bại cao nếu năng lực quản trị kém và hạn chế trong khả năng huy động thành phần đầu tư tư nhân cũng như chính quyền địa phương tham gia. Quy mô kết hợp sẽ tạo điều kiện để có một cơ

chế linh hoạt hơn, cho phép các quốc gia bắt đầu các hoạt động về REDD ở địa phương và từng bước phát triển lên quy mô quốc gia, cho phép tồn tại song song cả khả năng huy động tín dụng cho REDD ở quy mô dự án nguồn ngân sách của chính phủ ở quy mô quốc gia, đồng thời giúp phát huy tối đa thế mạnh của cả hai quy mô (địa phương và quốc gia). Tuy nhiên, quy mô kết hợp này cần phải hài hòa được 2 cấp thực hiện.

- Phương thức chi trả có thể áp dụng cả chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp (thông qua các phương án cải thiện đời sống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi cho các vùng đất phi lâm nghiệp). Việc quyết định phương thức chi trả và tỷ lệ phân bổ tài chính trong hai phương thức trên nên để cho cấp cộng đồng quyết định.

Việt Nam có lợi thế xây dựng một cơ chế chi trả cho dịch vụ REDD. Tuy nhiên, để xây dựng một cơ chế chi trả phù hợp tại Việt Nam, REDD cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cần một thể chế tổ chức quản lý và hệ thống giải ngân đến tận cấp xã, cần có cơ chế khuyến khích tạo động lực, cần được xã hội hóa theo chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước ta và cần hướng tới cộng đồng sở tại, đề cao vai trò của địa phương.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu tiềm năng thực hiện chương trình REDD, tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(56 trang)
w