Đặc điểm của thơ tình trung đại

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 24 - 28)

8. Những chú giải kí hiệu, viết tắt trong luận văn

1.2. Đặc điểm của thơ tình Việt Nam trong bối cảnh văn hoá truyền thống (văn hóa nam quyền)

1.2.2 Đặc điểm của thơ tình Việt Nam nhìn từ góc độ giới

1.2.2.2 Đặc điểm của thơ tình trung đại

Là một trong những tình cảm thiêng liêng không thể thiếu, không thể không có của con người, tình yêu nam nữ vẫn luôn là cảm hứng bất tận của nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Nhìn lại lịch sử mười thế kỉ văn học trung đại, chúng tôi nhận thấy thơ tình là bộ phận quan trọng tạo nên diện mạo của mỗi giai đoạn văn học. Dưới đây, chúng tôi tạm thời chia thành hai giai đoạn văn học để khảo sát tiếng

nói của người phụ nữ trong thơ tình là trước thế kỉ XVIII và thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX. ( sự phân chia này dựa vào những đặc điểm cơ bản của lịch sử, văn hóa, chính trị thời trung đại).

* Thơ tình trước thế kỉ XVIII.

Do những quy ước và quan niệm bất bình đẳng về giới nên người phụ nữ hầu như vắng bóng trong tám thế kỉ văn học này. “Thế giới đàn ông” gần như áp đảo cả vị trí là chủ thể thẩm mỹ hay là khách thể thảm mỹ của người phụ nữ. Thảng hoặc, nếu có xuất hiện thì họ thường bị nhìn qua lăng kính của tư tưởng nam quyền:

hoặc chỉ được nói đến trong mối quan hệ với gia đình, dòng tộc ở bổn phận, trách nhiệm; hoặc bị coi là nguồn gốc của sự cám dỗ, có thể đe dọa công phu tư trì đạo của nhà tu hành, đe dọa lí tưởng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”của thánh nhân quân tử; hoặc trở thành đối tượng để giáo huấn đạo đức như trong “Gia huấn ca”, “Hồng Đức quốc âm thi tập”…

Trong địa hạt thơ tình, hoàn toàn không có sự hiện diện của người phụ nữ . Theo khảo sát của chúng tôi, giai đoạn này có bảy tác giả sáng tác thơ tình và họ đều là những thành viên của “giới thứ nhất”. Đó là Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Nguyễn Húc, Phạm Nhân Khanh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nhóm Tao Đàn, Phù Thúc Hoành và Nguyễn Bảo. Hiện tượng mất ngôn ngữ, mất tiếng nói của người phụ nữ trong thơ tình dân tộc suốt một thời kì dài này cho thấy tư tưởng nam quyền với những quan niệm hà khắc, những tập tục cổ hủ, những quy chuẩn khắt khe đã trở thành một thứ “bóng đè” lên cuộc đời của biết bao nhiêu thế hệ đàn bà.

Dù tâm hồn cũng bộn bề yêu thương, cũng có những khát khao cháy bỏng, những cảm xúc và nhu cầu rất Người nhưng trong bối cảnh “văn hóa giới” đương thời, họ lại luôn phải sống trong câm lặng vì không thể trải lòng và không được phép trải lòng.

* Thơ tình từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX.

Văn học là sự tự ý thức của văn hóa. Những biến động trong lịch sử, chính trị xã hội, văn hóa bao giờ cũng kéo theo những biến động trong văn học. Từ cuối thế kỉ XVIII đến đến nửa đầu thế kỉ XIX , nhà nước phong kiến đã đi vào khủng

hoảng, chính trị rối ren, phong hóa suy đồi, nền tảng đạo lí Nho giáo bị lung lay, các quan niệm giá trị cũng không còn tôn nghiêm như trước nữa. Trong bối cảnh văn hóa – lịch sử ấy, văn đàn Việt Nam mang một diện mạo mới với sự ra đời và gặt hái nhiều thành tựu của các tác phẩm viết về người phụ nữ, đặc biệt ghi nhận rõ nét trong lĩnh vực thơ ca. Những người bị coi là phái yếu, là “giới thứ hai” trước đây vắng bóng thì nay họ đã đi vào văn học với cả hai tư cách là khách thể thẩm mỹ và chủ thể thẩm mỹ.

Khảo sát bộ phận thơ tình viết ở giai đoạn này về phương diện chủ thể thẩm mỹ, chúng tôi nhận thấy số lượng tác giả đã tăng nhiều hơn trước. Song những cảm xúc yêu đương, sự chủ động thể hiện tình cảm vẫn thuộc về đặc quyền của người đàn ông, của “giới thứ nhất”. Họ vẫn là lực lượng sáng tác chính. Đáng lưu ý phải kể đến sự góp mặt của các tác giả như: Lê Hữu Trác, Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Phạm Thái, Trương Quỳnh Như, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… Mặc dù giai đoạn này đã xuất hiện người phụ nữ cầm bút làm thơ nhưng các nữ tác giả lại không trực tiếp bộc lộ tình yêu đôi lứa. Sống trong môi trường văn hóa nam quyền, bị giáo dục bởi những tư tưởng, những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo, người phụ nữ chưa bao giờ được biết đến tình yêu, càng chưa bao giờ được sống trong những cảm xúc yêu đương. Thứ tình cảm vừa mang tính bản năng, lại vừa mang giá trị văn hóa này dường như rất xa lạ, thậm chí “sa sỉ” trong đời sống tinh thần của hầu hết giới nữ nên ngay cả chính họ cũng thường né tránh nó.

Do vậy, điểm qua một vài cây bút nữ hiếm hoi của văn học giai đoạn này như Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, chúng ta đều thấy không có diễn ngôn về tình yêu trong sáng tác của các nữ sĩ. Chỉ có một nhà thơ nữ duy nhất trong lịch sử văn học Việt Nam gần 1000 năm thời trung đại dám mạnh mẽ, táo bạo cất lên tiếng nói đòi quyền yêu và được yêu của người phụ nữ là Hồ Xuân Hương. Đặt trong bối cảnh văn hóa, văn học đương thời thì thơ ca của nữ sĩ họ Hồ là một hiện tương đột xuất hiếm có. Bà đã thực hiện một cuộc cách mạng hiếm hoi trong thơ ca trung đại Việt Nam và trong văn hóa ứng xử giới bởi chỉ đến với Xuân Hương, thơ tình Việt Nam mới xuất hiện diễn ngôn của người phụ nữ về đề tài tình yêu nam nữ. Đáng trân trọng hơn, tiếng thơ bà lại là lời thổ lộ trực tiếp những cung bậc cảm xúc,

những khao khát yêu đương, những ham muốn đời thường của chính nữ tác giả.

Thơ bà là tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống của người phụ nữ dưới góc độ đời sống bản năng có ý nghĩa bênh vực nữ quyền sâu sắc. Tuy nhiên “mặc dù giàu tinh thần nổi loạn và phản kháng, nhưng những khúc tự tình của nữ sĩ họ Hồ vẫn chủ yếu là những tiếng than thân, trách phận. Đó là lí do khiến bà chúa thơ Nôm phải ao ước: Ví đây đổi phận làm trai được./ Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”(Nguyễn Đăng Điệp, Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại)

Bước vào thơ ca các nhà nho giai đoạn này, người phụ đã trở thành những khách thể thẩm mỹ, là những hình tượng nghệ thuật sống động hiện lên với bức chân dung tinh thần sắc nét. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, phái nữ được nhìn nhận ở góc độ giới và được trân trọng ở cả hai phương diện Thân và Tâm. Tuy nhiên, mọi tâm sự buồn vui, nỗi khát vọng tình yêu của người phụ nữ trong hầu hết các sáng tác thơ tình giai đoạn này lại do nam giới viết thay. Tiêu biểu phải kể đến các khúc ngâm như “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, “Cung oán ngâm” của Nguyễn Gia Thiều. Trong đó nhà thơ nam giới mượn giọng nhân vật nữ ( tự xưng là thiếp) để thể hiện thái độ phê phán những quan điểm chính trị, đạo đức, văn hóa truyền thống của nho gia và mang đến một cái nhìn mới vấn đề quyền sống của người phụ nữ. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã gọi hiện tượng trên là hiện tượng “giả giọng” hay ( “Mượn giọng’, “Hư cấu giọng”, “mặt nạ tác giả”) trong văn học. Hiện tượng văn học này xuất hiện ở hầu hết các nền văn học

“lấy đàn ông làm trung tâm”( phallocentrism), được viết bởi các tác giả nam giới nhưng chủ thể phát ngôn lại là nhân vật nữ khiến đặc trưng về giới của giọng tác giả dường như bị xóa bỏ. Tuy nhiên, xuất phát từ cái nhìn đàn ông của tác giả chịu ảnh hưởng của tư tưởng nam quyền Nho giáo nên người phụ nữ mặc dù đã được nhìn nhận ở góc độ giới, ở đời sống bản năng, ở những khát khao nhân bản nhưng các tác giả nam vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng nam quyền ăn sâu vào tiềm thưc ngàn đời.

Như vậy, nhìn lại thơ tình Việt Nam trung đại, chúng ta thấy các nữ tác giả (ngoại trừ Hồ Xuân Hương) đều né tránh vấn đề tình yêu nam nữ. Dẫu có bản lĩnh đến mấy họ cũng chưa vượt qua được bức vách của luân lí, của định kiến giới để

sống thật với lòng mình. Ngọn lửa tình yêu vì vậy chưa một lần được thắp sáng trong cuộc đời người phụ nữ. Diễn ngôn tình yêu vì thế mà chưa bao giờ hiện diện trong sáng tác của các nhà thơ nữ. Sự câm lặng, hiện tượng mất ngôn ngữ, mất tiếng nói của người phụ nữ trong tình yêu không chỉ là sự thiệt thòi cho chính giới nữ mà còn tạo ra sự phát triển “khiếm khuyết” cho nền văn học nước nhà. Phải chăng chính điều này đã đốt cháy khát khao tìm lại bản ngã, thôi thúc những người phụ nữ tiến bộ trong những thế kỉ sau tiếp bước nữ sĩ họ Hồ đấu tranh cho sự bình đẳng của giới mình.

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w