Thơ tình Xuân Quỳnh – tiếng nói trực tiếp, câu chuyện riêng tư về tình yêu của “nữ thi nhân đồng thời cũng là nữ tình nhân”

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 39 - 49)

Chương 2 Nội dung thơ tình Xuân Quỳnh từ góc nhìn văn hóa

2.4. Thơ tình Xuân Quỳnh – tiếng nói trực tiếp, câu chuyện riêng tư về tình yêu của “nữ thi nhân đồng thời cũng là nữ tình nhân”

2.4.1. Người phụ nữ trực tiếp nói về tình yêu của giới mình.

Tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương, lúc trưởng thành lại sớm phải nếm trải những đổ vỡ, cay đắng trong hôn nhân và tình yêu. Ngần ấy vết thương lòng cũng là

quá đủ để lấy đi niềm vui sống của một người phụ nữ, lại chưa kể áp lực của cuộc sống mưu sinh vốn đã khó khăn, chật vật. Tuy nhiên, người phụ nữ có vẻ ngoài nhỏ bé, mỏng manh ấy lại có một nghị lực sống phi thường. Tác giả Kiều Vân trong bài viết “Thơ Xuân Quỳnh – Niềm khát khao yêu” đã ví chị “ tựa như một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt mình để nở những bông hoa tuyệt quý cho cuộc đời”. Và chúng tôi xin được tặng cái danh hiệu “những bông hoa tuyệt quý” cho những sáng tác thơ tình yêu của chị. Nó quý vì đã mang đến bao hương sắc lạ cho vườn thơ tình yêu Việt Nam trước và cùng thời với chị.

Ở chương 1, trong phần khảo sát diễn ngôn của người phụ nữ trong lịch sử thơ tình Việt Nam, chúng tôi đã luận giải từ góc nhìn văn hóa nam quyền (đặc biệt là văn hóa ứng xử giới) để đi đến kết luận: Lịch sử diễn ngôn của người phụ nữ Việt Nam truyền thống trong địa hạt thơ tình là một “Lịch sử câm lặng và giông bão”(Trần Huyền Sâm,2009, Siêu lí đàn bà nhìn từ góc độ giới, Hồn Việt Quốc học, www. Honvietquochoc.com.vn). Thực tế đã chứng minh, trong văn học dân gian, tiếng nói yêu đương thuộc đặc quyền của nam giới, tiếng nói của nữ giới cất lên mới chỉ là tiếng hát than thân, trách phận chứ chưa phải là những tỏ bày trực tiếp tình yêu đôi lứa. Mười thế kỉ trung đại của văn học viết Việt Nam, lực lượng sáng tác thơ tình vẫn thuộc về “giới thứ nhất”. Sang đầu thế kỉ XX, dù bối cảnh văn hóa đã có nhiều đổi khác nhưng các nhà thơ nam vẫn độc chiếm thi đàn tình yêu. Người phụ nữ hiện đại vẫn rụt rè hoặc né tránh viết về tình yêu của giới mình. Phải đợi đến những năm sau 1945, thi đàn Việt Nam mới có sự hiện diện của các nhà thơ nữ viết về tình yêu. Trong số những nữ thi nhân đương thời, Xuân Quỳnh được đánh giá là gương mặt tiêu biểu nhất

Trong cuộc gặp mặt với các nhà thơ Á Phi ở Liên Xô mùa hè năm 1987 Xuân Quỳnh phát biểu: “Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định.”. Do vậy, đến với những sáng tác tình yêu của người con gái làng La Khê ấy, người đọc có thể tìm thấy bản ngã của một người đàn bà vừa táo bạo, mãnh liệt, vừa đằm thắm, dịu dàng. Không cần phải ao ước “đổi phận làm trai” như nữ sĩ tiền bối thuở nào, cũng không cần chờ các nhà thơ nam lên tiếng hộ, người phụ nữ

trong thơ Xuân Quỳnh trực tiếp mạnh dạn bộc lộ những khát vọng tình yêu tha thiết, nồng nàn:

Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức

Nỗi nhớ là cung bậc cảm xúc đầu tiên và có lẽ cũng là trắc nghiệm tâm lí duy nhất cho sự hiện hữu và tồn tại của tình yêu đôi lứa. Luôn da diết, khắc khoải trong những khát vọng tình yêu, trái tim Xuân Quỳnh dường như chưa bao giờ thanh thản. Cả trong cõi thực và cõi mộng, cả tiềm thức và vô thức, nỗi nhớ người yêu lúc nào cũng choán ngợp con tim. Và “ Nếu còn một cõi nào khác nữa thì người phụ nữ ấy cũng sẽ dành trọn cho tình yêu”(Chu Văn Sơn, Thơ điệu hồn và cấu trúc, NxbGD, 2007, tr268). Để rồi, như một nhu cầu cần giải tỏa, cần thổ lộ, người phụ nữ trong thơ chị không còn ngại ngùng giữ ý mà tự cất lên tiếng lòng thành thực của mình. Diễn ngôn tình yêu của chị vì thế còn trở nên mới mẻ với cả những nữ tác giả cùng thời. Nếu Xuân Quỳnh thẳng thắn bộc bạch: “Lòng em nhớ đến anh” thì Ý Nhi lại rụt rè, ngập ngừng cầu xin thụ động: “Xin anh/ Trong niềm vui/ Nhớ đến em

(Mùa thu). Ngay cả với Xuân Diệu, “Ông hoàng thơ tình” của tuổi trẻ Việt Nam, nỗi nhớ trong tình yêu dẫu được thể hiện một cách vồ vập, cuồng nhiệt: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh./ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi.” nhưng vẫn thiếu cái da diết, lắng sâu. Nỗi nhớ của “em” trong thơ Xuân Quỳnh cũng mãnh liệt như “anh” trong thơ Xuân Diệu ở cõi thực nhưng lại còn thao thức cả trong cõi mơ.

Tình yêu của “em” đủ lớn để vượt qua mọi trạng huống của không gian, thời gian, vượt qua cả những thử thách, éo le, những giông tố trong cuộc đời để hướng về

“anh” bằng một tình yêu chung thủy.

Dẫu xuôi về phương Bắc Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh một phương (Sóng)

Thậm chí tình yêu ấy còn bền bỉ tỏa sáng ngay cả khi “em” đã giã từ cuộc sống:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

(Tự hát)

Trái tim con gái trong thơ Xuân Quỳnh là vậy đó, tham lam tình yêu, bận bịu với tình yêu và hình như cũng dại khờ quá đỗi trong tình yêu. Ngừng đập rồi mà vẫn muốn được sống cho tình yêu. Giá như chị cứ hờ hững một chút, dè dặt một chút như cô gái nào đó trong thơ Ý Nhi thì có lẽ đã không phải nếm trải nhiều cay đắng đến thế trong tình yêu: “Tim con gái, trái tim con gái/ Chẳng đủ tin để gánh phong trần/ Thương yêu chút đã dừng chân lại/ Kẻo xa xôi lại bảo “không gần”.”(Tim con gái). Nhưng giá như vậy thì tiếng thơ tình yêu của Xuân Quỳnh có còn vọng về trong lòng bạn đọc hôm nay và mai sau?

Viết về tình yêu của giới mình, khác với các tác giả nam, Xuân Quỳnh không phải nhập vai, càng không phải “mượn giọng”, “giả giọng”. Nhìn nhận và khám phá tâm hồn người phụ nữ bằng cách nhìn, cách cảm của người đồng giới, chị đã mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy đủ hơn về người phụ nữ vốn trước đây chỉ được nhìn nhận thiên lệch dưới con mắt nam quyền:

Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể

(Sóng)

Như chúng tôi đã nói, thuyết “Tam tòng” trong xã hội nam quyền đã cột chặt người phụ nữ trong các mối quan hệ gia đình. Hàng nghìn năm nay, họ chưa

bao giờ dám bước ra khỏi cái không gian bé nhỏ, tù túng, đơn điệu của bếp núc, cửi canh để khẳng định mình, để được sống là mình với tất cả những khát khao chính đáng mà văn hóa nam quyền cũng như văn học xưa chưa một lần trân trọng. Giờ đây, bước vào thơ Xuân Quỳnh, người con gái được khám phá ở góc độ giới, có cơ hội để tự hiểu mình và thể hiện mình trước một nửa nhân loại. Sự tinh tế, huyền diệu và cũng đầy bí ẩn của tâm hồn người con gái khi yêu chưa bao giờ trở thành đối tượng phản ánh của văn học quá khứ đã được Xuân Quỳnh diễn tả thật sinh động và sâu sắc.Từ những đặc tính trái ngược nhau của sóng (dữ dội, ồn ào và dịu êm, lặng lẽ), thi sĩ đã liên tưởng đến tâm trạng của người con gái khi yêu: buồn, vui thất thường; khóc, cười, giận hờn vô cớ; dịu dàng, đằm thắm đấy mà cũng mạnh mẽ, táo bạo vô cùng…Những cung bậc cảm xúc, những đổi thay tính cách ấy, khi yêu, người con gái nào chẳng một lần trải nghiệm. Để rồi, đọc Sóng, cảm Sóng, họ đều tìm thấy mình trong đó, đồng điệu và tri âm cùng tác giả. Trong sóngem và trong emsóng. Phát hiện tinh tế này chỉ có thể có ở trái tim mẫn cảm, chỉ có thể là sản phẩm tư duy của một người phụ nữ đang yêu và khao khát yêu như Xuân Quỳnh. Và bằng cái nhìn của người trong cuộc, chị tiếp tục phát hiện ra sự tương đồng nữa giữa sóng và em. Hành trình sóng từ bỏ không gian chật hẹp là sông để đến một không gian rộng lớn hơn là biển nhằm thỏa mãn khát vọng tìm hiểu mình cũng chính là hành trình người con gái muốn đi từ tình yêu bé nhỏ của mình đến biển tình nhân loại để khám phá, khẳng định bản thân cũng như để khám phá, lí giải tình yêu của chính mình. Khát vọng thật táo bạo! Câu thơ cất lên đầy tự tin, dứt khoát, “là một tiếng nói đầy kiêu hãnh về giới mình” ( Chu Văn Sơn, Thơ điệu hồn và cấu trúc, NXBGd, tr264). Phải chăng sự chủ động tìm hiểu bản thân trong quan hệ tình yêu đôi lứa đã nâng cao vị thế của người con gái, làm thay đổi cách nhìn truyền thống về người phụ nữ mà xã hội nam quyền đã tạo nên.

2.4.2. Thơ tình Xuân Quỳnh – nhật kí bằng thơ về câu chuyện tình yêu của chính tác giả.

Ai đã từng đọc và yêu thơ Xuân Quỳnh chắc hẳn đều trân trọng và xúc động trước những chia sẻ của chị về ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc sống của mình:

Ôi trời xanh - xin trả cho vô tận.

Trời không xanh trong đáy mắt em xanh.

Và trong em không thể còn anh.

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa!

(Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)

Lời tâm sự chân thành ấy giúp chúng ta hiểu vì sao chị lại từ bỏ ánh hào quang sân khấu, từ bỏ nghiệp diễn hứa hẹn một tương lai rộng mở để dấn thân vào nghiệp thơ – cái nghiệp “Tránh sao khỏi sầy da rớm máu” và không bao giờ hết “Những nỗi khổ đau nung nấu” (Băn khoăn). Phải chăng thơ chính là hành trang tinh thần đi suốt những thăng trầm, những buồn vui trên hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc của người phụ nữ tài hoa mà bất hạnh này. Nếu thơ ca là lẽ sống, là phương tiện giao cảm linh diệu nhất thì tình yêu lại là mục đích sống, là khát vọng sống mãnh liệt của Đời – Thơ Xuân Quỳnh. Thơ và tình yêu như hai nửa không thể thiếu của đời chị để rồi như một lẽ tự nhiên mà tất yếu, vừa như một định mệnh, chị trở thành nhân vật văn học của chính thơ mình., là “nữ thi nhân đồng thời cũng là nữ tình nhân” trong lòng độc giả.

Thơ tình tôi viết cho tôi

Qua cay đắng với buồn vui đã nhiều Vẫn còn nguyên vẹn niềm yêu

Như cây tứ quý đất nghèo nở hoa (Thơ tình tôi viết)

Trực tiếp lên tiếng nói về tình yêu của giới mình một cách đầy kiêu hãnh đã là một bản lĩnh của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Nhưng đưa chính cuộc đời mình vào trang viết, căng lọc mình trên trang giấy, đào sâu vào bản thể với tận cùng của những cảm xúc buồn vui là điều không phải ai cũng làm được:

Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở.

Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu (Thơ tình cho bạn trẻ)

Ngay cả người bạn thơ cùng thời với chị, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi viết

“Hương thầm” vẫn chỉ là viết về tình yêu của người con gái khác:

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay

Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm Bên ấy có người ngày mai ra trận

Nào ai đã một lần dám nói

Hương bưởi thơm cho lòng bối rối Anh không dám xin

Cô gái chẳng dám trao

Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao Không giấu được cứ bay dịu nhẹ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ Nhờ hương thơm nó hộ tình yêu.

Thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây thơ tình yêu của Xuân Quỳnh cũng được gieo hạt, nảy mầm trên mảnh đất dọc ngang những bom đạn kẻ thù. Tuy nhiên, khác với thơ tình thời chống Mỹ, bông hoa tình yêu của chị lại mang đến cho đời hương sắc lạ. Thứ hương sắc tỏa ra từ nỗi niềm, xúc cảm riêng tư của một người phụ nữ nhạy cảm, giàu khát vọng yêu thương, coi tình yêu là cội nguồn của hạnh phúc.

Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự người hơn (Nói cùng anh)

Thơ tình thời chiến thường mang tính công dân, do vậy tiếng nói tình yêu ít có màu sắc cá nhân mà mang màu sắc của cái ta cộng đồng. Các nhà thơ khi viết về tình

yêu đôi lứa thường phải tựa nương vào tình yêu đất nước: “Dịu dàng như những nàng tiên/ Em là du kích, em là giao liên/ Em chính là quê hương ta đó/ Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương” (Lê Anh Xuân – Trở về quê nội); “Anh nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (Chế lan Viên – Tiếng hát con tàu); “Em thương anh bên tây mùa đông /Nước khe cạn bướm bay lèn đá/Biết lòng anh say miền đất lạ/ Chắc em lo đường chắn bom thù.” (Phạm Tiến Duật – Trường Sơn đông, Trường Sơn tây). Cái riêng gắn bó hài hòa trong cái chung. Khát vọng, hạnh phúc cá nhân tan hòa trong khát vọng, hạnh phúc của cả cộng đồng, dân tộc:

“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” (Nguyễn Mỹ); “Trái tim ta đau nỗi đau mất nước/ anh ơi anh – khi Tổ quốc yêu cầu/ ta sẵn sàng gửi lại nhớ thương nhau/

theo bước hành quân kháng chiến”(Hoàng Thị Minh Khanh – Nhớ). Trong bối cảnh văn hóa thơ ca thời chống Mỹ, thơ tình Xuân Quỳnh mang một diện mạo riêng. Chủ nhân của nó đã loại bỏ những súng ống, đạn bom, những khói lửa chiến trường để trả về cho tình yêu vẹn nguyên vẻ đẹp riêng tư thuần khiết.

Ai đó đã nói: “Thơ là nhu cầu mình tâm sự với chính mình những lúc cô đơn.

Cho nên đọc thơ là nghe trộm nhà thơ nói với chính mình”. Với Xuân Quỳnh, thơ là nơi chị kí thác những buồn vui, được mất, cả những ước vọng, đam mê... trong hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc. Vì vậy, mỗi trang thơ tựa như mỗi trang nhật kí, được viết ra từ những trải nghiệm tình yêu của cá nhân tác giả:

Trang nhật kí xé trăm lần lại viết Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau (Có một thời như thế)

Mỗi tiếng thơ tựa như mỗi tiếng lòng bật thốt mà thành nghệ thuật, tựa như lời tự hát của con tim – hồn nhiên và không thể thành thật hơn!

Em trở về đúng nghĩa trái tim em Biết làm sống những hồng cầu đã chết Biết lấy lại những gì đã mất

Biết rút gần khoảng cách của tin yêu

Em trở về đúng nghĩa trái tim em Biết khát khao những điều anh mơ ước Biết xúc động qua nhiều nhận thức Biết yêu anh và biết được anh yêu (Tự hát)

Vang lên như một điệp khúc, câu thơ “Em trở về đúng nghĩa trái tim em

diễn tả thật giản dị mà chân thành sâu sắc tình cảm, tấm lòng của người con gái cho tình yêu và trong tình yêu. “biết làm sống…biết lấy lại…biết rút gần…biết khao khát…biết xúc động…biết yêu anh”, hàng loạt các cụm động từ thể hiện rõ ý thức phái tính ở nhà thơ. Trái tim Xuân Quỳnh đa mang và bận bịu quá! Hành trình kiếm tìm, gìn giữ và vun đắp cho tình yêu cũng thật gian nan. “làm sống” để tình yêu không chết, “lấy lại” để tình yêu không mất, không hao khuyết, “rút gần” để xóa nhòa khoảng cách, để tình yêu không cách trở, “khao khát” để nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu, “xúc động” để không thành vô cảm, không thành câm lặng trước tình yêu.

Và cái đích cuối cùng của hành trình sống và yêu ấy của “em” chính là “yêu anh”

và “được anh yêu”. Tiếng thơ cất lên vừa dịu dàng, đằm thắm như một lời giãi bày, tâm tình với người mình yêu. Lại giống như một lời khẳng định đầy tự tin và kiêu hãnh về sức mạnh đặc biệt, về khả năng diệu kì của trái tim con gái – “trái tim em”

trong việc săn sóc, vun đắp tình yêu. Đó là sức mạnh hay khát vọng của trái tim con gái trong Xuân Quỳnh? Thiết nghĩ, với một người “có một nhân bản yêu đương cực kì mãnh liệt” ((Kiều Vân, thơ XQ – niềm khát khao yêu trong cuốn XQ, tác phẩm và lời bình, NXBVH, 2012, tr 184, 188, ) như chị, sức mạnh hay khát vọng đều là những biểu hiện khác nhau cho niềm đam mê sống và đam mê yêu. Suốt cuộc đời, Xuân Quỳnh đã sống, đã yêu như thế, thành thật trong đời và cả trong thơ:

Như các cô tôi có một tình yêu rất sâu

Rất dữ dội nhưng không bao giờ yêu được hết

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 39 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w