8. Những chú giải kí hiệu, viết tắt trong luận văn
1.3 Khái niệm văn hoá và phương pháp tiếp cận văn hóa học
1.3.1 Khái niệm văn hóa.
Văn hóa là một phạm trù rất rộng, do đó việc tìm hiểu khái niệm văn hóa trong lịch sử nhân loại đã mang lại rất nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa, tùy theo diện quan tâm của người nghiên cứu. Theo PGS.TS Trần Nho Thìn, có thể nhìn văn hóa từ góc độ một hệ thống tôn giáo – đạo đức; từ góc độ kĩ thuật; từ góc độ dân tộc học hay từ góc độ hình thái xã hội… F. Mayor đã nói: “Ai nấy đều biết rất khó định nghĩa về văn hóa, có lẽ vì văn hóa định nghĩa chúng ta nhiều hơn là chúng ta định nghĩa văn hóa” Do vậy, không có một định nghĩa nào có thể bao gồm hết các phương diện đa dạng của văn hóa. Năm 1952, hai nhà nghiên cứu văn hóa
người Mỹ là A. Kroeber và C.Kluckhohn đã thống kê được 150 định nghĩa khác nhau về văn hóa và cho đến nay, số lượng các định nghĩa về văn hóa đã vượt qua con số trên rất nhiều. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu của luận văn, chúng tôi lựa chọn cách hiểu văn hóa theo định nghĩa của PGS. Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” Như vậy, văn hóa là các phạm trù giá trị do con người hình thành trong các mối quan hệ ứng xử căn bản: ứng xử xã hội, ứng xử với môi trường tự nhiên và ứng xử với bản thân.
Trong định nghĩa về văn hóa, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến quan niệm giá trị của chủ thể văn hóa. Cụ thể, trong giới hạn của đề tài, chúng tôi sẽ tìm hiểu quan niệm giá trị về chế độ nam quyền (văn hóa nam quyền) và hành vi ứng xử của nam giới cũng như nữ giới (văn hóa ứng xử giới) trong bối cảnh xã hội nam quyền thời trung đại.
Văn chương đích thực của bất kì dân tộc nào cũng đều có nhu cầu nói với nhân loại một điều gì. Và điều mà các tác phẩm muốn nói đó là tấm vé để bước vào cánh cửa của mọi thời. Văn học nghệ thuật là một trong những hình thức tự nhận biết và biểu hiện mình của con người. Mà nhìn từ góc độ văn hóa, con người là giá trị cao nhất của đời sống. Chính quan niệm về giá trị trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống sẽ chi phối và quy định các yếu tố khác nhau của thi pháp tác phẩm.
Như vậy, văn học nghệ thuật như là ý thức của sự phát triển nhân loại, nó không tách rời đời sống xã hội. Plêkhanốp cho rằng "muốn hiểu nghệ thuật phản ánh cuộc sống như thế nào thì cần phải hiểu cơ cấu của cuộc sống đó” Từ ý nghĩa này mà người viết càng tự tin hơn vào sự lựa chọn cách tiếp cận văn hóa học để nghiên cứu mảng thơ tình yêu của Xuân Quỳnh.
1.3.2.Phương pháp tiếp cận văn hóa học.
M.Gorki từng nói “Người sáng tác là nhà văn và người tạo nên số phận cho tác phẩm là độc giả” Như vậy, nhà văn chỉ là người tạo nên đời sống kí tự của một văn bản văn học, người đọc mới tạo sự sống cho nó trong quá trình tiếp nhận.
Với lớp lớp câu chữ phi vật thể, ẩn chứa nhiều nghĩa khác nhau, luôn biến động và không thể khoanh vùng, tác phẩm văn học có phương thức tồn tại riêng như là kí hiệu thẩm mỹ. Mỗi tác phẩm là một thế giới, một mê cung của sự tạo nghĩa không ngừng. Và nghĩa của nó được quyết định bởi sự lựa chọn cách đọc, cách tiếp cận của công chúng. Lí thuyết nghiên cứu khoa học văn học đã đưa ra một số phương pháp nghiên cứu văn học như phương pháp phê bình ấn tượng, phương pháp nghiên cứu tiểu sử, phương pháp xã hội học, phương pháp văn hóa- lịch sử …
Bất kì tác phẩm văn học nào cũng thể hiện con người và hoạt động của nó trong không gian và thời gian xác định. Con người trong văn học của mỗi thời kì lịch sử lại có một diện mạo riêng chịu sự quy định của quan niệm về con người lí tưởng trong thời đại ấy. Theo PGS.TS Trần Nho Thìn, con người là sản phẩm của xã hội, đã và không ngừng được văn hóa hóa, tức là con người đã xây dựng được những định chế quy định hành vi ứng xử xã hội và ứng xử bản thân.
Phương pháp đọc tác phẩm từ góc độ văn hóa- lịch sử (gọi tắt là phương pháp tiếp cận văn hóa học) lấy con người làm trung tâm để xây dựng hệ thống vấn đề miêu tả tác phẩm. Trong tiến trình phát triển của mình, con người không ngừng tìm kiếm, xác lập nguyên tắc cho các ứng xử trong quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với chính bản thân mình. Đến lượt mình, các nguyên tác ứng xử ấy chi phối các phương diện thi pháp của một tác phẩm văn học. Do vậy, đọc một tác phẩm văn học theo quan điểm văn hóa học là vận dụng những tri thức về văn hóa để nhận diện và giải mã các yếu tố thi pháp của tác phẩm. Tuy nhiên, tiếp cận văn hóa học vẫn có những nét khác biệt căn bản so với thi pháp học ở chỗ : Tiếp cận văn hóa học không chủ trương miêu tả thế giới nghệ thuật của tác phẩm như một vũ trụ khép kín, có giá trị tự thân mà đặt ra nhiệm vụ đối chiếu, so sánh, truy nguyên các quan niệm văn hóa của thời đại nơi tác phẩm được sản sinh để tìm nguồn gốc của các dạng thức quan niệm về con người, về không gian, thời gian trong tác phẩm. Tiếp cận văn hóa học thực chất là tiến cận liên nghành.
Phương pháp tiếp cận tác phẩm từ quan điểm văn hóa học ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn hóa trong đó tác phẩm văn học đã ra đời, xác lập sự
chi phối của các quan điểm triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, luật pháp, thẩm mĩ, quan niệm về con người cũng như sự chi phối của các quan niệm khác nhau trong đời sống sinh hoạt xã hội sống động hiện thực… từng tồn tại trong một không gian văn hóa xác định đối với tác phẩm về các mặt xây dựng nhân vật, hình tượng, cảm xúc, ngôn ngữ…
Phương pháp này tuy có tính chất tổng hợp, trung gian giữa các phương pháp đọc văn bản khác nhau nhưng vẫn có đặc trưng riêng biệt. Nó thiên về nhiệm vụ giải mã các hình tượng nghệ thuật, tìm ra nền tảng văn hóa lịch sử của chúng, đồng thời cũng nhấn mạnh tới sự liên tục, đến tính chất mở của chúng trong không gian và thời gian.
Theo PGS.TS Trần Nho Thìn, phương pháp văn hóa học đã từ lâu được giới nghiên cứu vận dụng trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, tuy nhiên các nhà nghiên cứu mới chỉ vận dụng một số kiến thức văn hóa mà họ cho là cần thiết để đọc văn học chứ chưa có ý thức xây dựng một hệ thống vấn đề mang tính chất lí thuyết cho việc đọc tác phẩm văn học bằng văn hóa. Không có một nền văn hóa chung chung, trừu tượng nằm ngoài không gian và thời gian nên tiếp cận văn hóa học luôn chú ý đến tính lịch sử, cụ thể của một quan niệm giá trị văn hóa, đến đặc trưng của cấu trúc hệ thống văn hóa.
Tiểu kết.
Như chúng tôi đã nói, tư tưởng nam quyền bao đời nay đã chi phối mạnh mẽ hành vi ứng xử của nữ giới trong mọi phương diện của đời sống. Một trong những sản phẩm mà văn hóa nam quyền đã tạo ra là sự “im lặng” kìm nén tình cảm riêng tư, những khát khao nhân bản của người phụ nữ trong tình yêu. Điều này khiến cho người phụ nữ Việt Nam nhiều thế hệ thể hiện tình yêu một cách bị động, e dè, kín đáo, coi đó như là vẻ đẹp của nữ tính truyền thống cần hướng tới và bảo lưu. Như vậy, trong lịch sử thơ tình Việt Nam, “người phụ nữ dẫu ở tư cách là khách thể thẩm mỹ hay chủ thể thẩm mỹ thì những gì thuộc về riêng tư, cá nhân họ chưa từng được thừa nhận.Và đến nay, khát khao được là mình, được trải nghiệm cuộc đời mình như “giới thứ nhất” vẫn luôn là mong mỏi của một nửa nhân loại bị xếp vào
“giới thứ hai”. ( Nguyễn Thị Thanh xuân). Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa hiện đại, thơ tình Việt Nam đã được đón nhận một hương sắc mới từ một “bông hoa lạ”
mang tên Xuân Quỳnh. Với một giọng thơ tình mang hơi hướng phái tính rõ nét, chị đã góp phần “giải tỏa ẩn ức của cả một cộng đồng trong một thời kì lịch sử văn học đặc biệt”(Nguyễn Thị Thanh Xuân). Vẻ đẹp thơ tình yêu của Xuân Quỳnh cũng như những cống hiến của chị đối với văn đàn dân tộc sẽ được chúng tôi triển khai trong các chương sau.
Chương 2