Khát vọng tìm hiểu, khám phá bí ẩn của tình yêu

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 65 - 69)

Chương 2 Nội dung thơ tình Xuân Quỳnh từ góc nhìn văn hóa

2.5 Thơ tình Xuân Quỳnh – những khát khao táo bạo, mãnh liệt của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu

2.5.3. Khát vọng tìm hiểu, khám phá bí ẩn của tình yêu

Tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Đặc biệt, với nữ giới, nó được ví như một “báu vật” cần được nâng niu và trân trọng. Thời kì này, người con gái đang độ tràn đầy xuân sắc, xuân thì, bước vào thế giới tình yêu với bao ước ao, khát vọng; với những rung động, những “cảm xúc luyến ái” đầu tiên… Thế nhưng, những trải nghiệm hạnh phúc ấy lại chưa từng đến với những người phụ nữ xưa. Sống trong bối cảnh văn hóa nam quyền, họ chưa được làm thiếu nữ đã phải ép mình trong bổn phận làm vợ, làm mẹ. Vì vậy, tình yêu trở thành thứ tình cảm “sa sỉ” trong đời sống tinh thần của người phụ nữ trong xã hội xưa. Bước sang thời hiện đại, những quan niệm giá trị của quá khứ không còn là cái “vòng kim cô” nữa, cảm xúc con người được giải tỏa và Xuân Quỳnh có thể nói là nữ tác giả đầu tiên cất lên tiếng nói về tình yêu của giới mình.

Tình yêu là nhu cầu, là khát vọng, là cái đích kiếm tìm của cả nhân loại nhưng thú vị thay khi mà cả nhân loại không một ai hiểu hết bản chất của tình yêu.

Cho đến nay nó vẫn là một ẩn số. Thi sĩ Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình” – người cũng mang trong mình một trái tim yêu mãnh liệt đã thú nhận sự bất lực của mình trước sự bí ẩn của tình yêu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”(Vì sao?- Xuân Diệu). Và đến Xuân Quỳnh, khát khao đi tìm ẩn số trong tình yêu chưa bao giờ nguội tắt:

Trước muôn trùng sóng bể Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên?

(Sóng)

Thiên nhiên – sản phẩm của tạo hóa vốn cũng chứa đựng trong nó biết bao nhiêu điều bí mật mãi mãi là đối tượng chinh phục của con người. Một mình trước biển. Trầm lắng, suy tư. Và rồi sự phong phú, bí ẩn của thế giới đại dương mênh mông, sâu thẳm đã đốt cháy khát vọng khám phá tình yêu nơi người con gái trẻ.

Hành trình lí giải, cắt nghĩa tình yêu của chị bắt đầu từ chủ thể của tình yêu: “anh”

và “em”.

Trong xã hội xưa, dưới áp lực của xã hội nam quyền ,người phụ nữ cam lòng sống cảnh lệ thuộc, “nhắm mắt đưa chân” phó mặc cho số phận định đoạt người đàn ông của mình, dù tốt dù xấu đều phải gắn bó, phục tùng, phải “tôn thờ”

tuyệt đối. Chủ động tìm hiểu cũng như chinh phục bạn đời là đặc quyền của người đàn ông. Bước vào văn học, trong thơ tình của nhiều nữ tác giả cùng thời với Xuân Quỳnh, hình tượng anh chỉ là đối tượng hướng tới để chia sẻ, giãi bày, để tìm sự đồng cảm, đồng điệu trong tình yêu: “Xin anh/ trong nỗi buồn/ chia sẻ cùng em./

Xin anh/ mãi như em đã gặp/ đã yêu/ đã luôn chờ đợi” (Mùa thu – Ý Nhi); “Anh ơi!

Nếu ví được cao xa như thế/ Em cũng chẳng là trời đất gì đâu/ Nhưng anh có biết không? Trời đất/ Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau” (Trời và đất – Phan Thị Thanh nhàn).

Khác với người phụ nữ xưa và cùng thế hệ, trong thơ Xuân Quỳnh, “anh”

còn là đối tượng chiếm lĩnh, là đối tượng tìm hiểu. Chị đã giành cái quyền chủ động vốn được coi là của đàn ông trong quan hệ tình yêu đôi lứa. Chị thiết tha được thấu hiểu đến tận cùng mọi bí ẩn trong tâm hồn người yêu:

Tóc anh thì ướt đẫm Lòng anh thì cô đơn

Anh cần chi nơi em Sao mà anh chẳng nói (Anh)

Như một nghịch lí, càng ráo riết tìm hiểu về “anh”, càng nỗ lực khai mở tâm hồn “anh” thì nữ tình nhân trong thơ Xuân Quỳnh lại càng không hiểu gì về người mình yêu. Công cuộc tìm kiếm không mang lại kết quả gì bởi thế giới tâm hồn con người mãi là một cõi bí mật lớn lao nên khát vọng trên không bao giờ được thỏa mãn. Trong “Bài thơ số 28” – một bài thơ tình nổi tiếng của nhân loại, tác giả R.Tago cũng khẳng định: “Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim/ Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó” . Với Xuân Quỳnh cũng vậy, trái tim anh vẫn là ẩn số mà nhà thơ không thể tìm lời giải:

Anh, con đường xa ngái Anh, bức vẽ không màu Anh, nghìn nỗi lo âu Anh, dòng thơ nổi gió…

Mà em người đời thường Biết là anh có ở!

(Anh)

Sự bất lực này có gì đó đồng điệu cùng với Xuân Diệu: “Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!/ Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!.. Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng./ Em là em, anh vẫn cứ là anh./Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành./ Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.” (Xa cách). Phải chăng nghịch lí này lại tạo nên cái có lí khác trong tình yêu – cái lí của sự tồn tại bởi thử hỏi, khi nam nữ không còn gì để khám phá về nhau, liệu tình yêu có còn đi với họ đến hết cuộc đời?

Không thể hiểu hết được người mình yêu, khát khao khám phá “anh” rơi vào vô vọng, “cái tôi” trữ tình của Xuân Quỳnh quay về tìm hiểu chính bản thân mình, lí giải những biểu hiện, những trạng thái tâm hồn mình khi đối diện với tình yêu.

Nhưng thế giới tâm hồn mỗi con người đâu phải là cái bảng màu để phân biệt rõ ràng, đâu thể dùng lí trí để phân tích rạch ròi những thứ thuộc về cảm xúc. Vậy nên mỗi chúng ta cũng chưa ai hiểu hết bản thân mình: “Lòng ta chưa bao giờ ta đi hết được/ Đi hết lòng tiếng khóc hóa lời ca”(Chế Lan Viên)

Nghĩ về “anh” và “em” là để Xuân Quỳnh đi đến cái đích cuối cùng – lí giải nguồn gốc và bản chất của tình yêu. Hãy nghe tác giả giãi bày về kết quả của hành trình khám phá ấy:

Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau (Sóng)

Nếu “sóng” và “gió” cùng tạo nên sự bất diệt của biển khơi, nó thuộc về tự nhiên, cũng đến một cách tự nhiên và có lẽ nó cũng sẽ không bao giờ mất đi nếu trái đất vẫn còn sự sống con người thì tình yêu cũng vậy, nó đến một cách tự nhiên ngoài tầm kiểm soát của lí trí con người. Và cũng sẽ đồng hành với con người cho đến ngày tận thế. Xuân Quỳnh thật tinh tế khi đã nhìn thấy sự tương đồng giữa “sóng”,

“gió” của biển khơi với tình yêu đôi lứa. Sức hấp dẫn của thơ Xuân Quỳnh ở chỗ, trên bề mặt ngôn từ, hai câu thơ: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau

thể hiện sự bất lực trong việc tìm hiểu, cắt nghĩa, lí giải nguồn gốc của tình yêu. Khi những trái tim tình yêu mãi mãi vẫn là những bài toán không lời giải thì bí ẩn của tình yêu sẽ không bao giờ được khai mở. Điều này đã làm sáng lên một chân lí :

Tình yêu là một cuộc dâng hiến trọn vẹn và là một quá trình khám phá, tìm tòi”( Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên), 2007, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 11 nâng cao, NXBGD, tr221). Tuy nhiên, đằng sau sự thú nhận thất bại trên, Xuân Quỳnh đã gửi gắm một quan niệm rất nhân văn về tình yêu: Một tình yêu chân chính phải bắt nguồn từ sự đồng điệu tự nhiên của hai tâm hồn, nó không chấp nhận bất cứ một sự tính toán vụ lợi nào. Có như vậy, tình yêu mới đủ sức mạnh vượt qua những thăng trầm, dâu bể của cuộc đời và những giới hạn của không gian, thời gian.

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w