Cặp hình ảnh: Thuyền/ biển, sóng/ bờ - Biểu tượng của khát vọng tình yêu

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 86 - 89)

Chương 3 Nghệ thuật biểu hiện của thơ tình Xuân Quỳnh từ góc nhìn văn hóa

3.2. Các biểu tượng tình yêu trong thơ tình Xuân Quỳnh

3.2.2 Các biểu tượng tình yêu trong thơ tình Xuân Quỳnh

3.2.2.1. Cặp hình ảnh: Thuyền/ biển, sóng/ bờ - Biểu tượng của khát vọng tình yêu

Thơ ca muôn đời vẫn tìm đến thiên nhiên để bật lên tiếng đàn nghệ thuật mang thanh âm trong trẻo, cao khiết của cuộc sống. Với tài năng thiên bẩm cùng tấm lòng và ý thức trách nhiệm của một người nghệ sĩ chân chính, Xuân Quỳnh đã rất chú trọng đến việc sáng tạo biểu tượng trong thơ. Tuy nhiên, người nghệ sĩ ấy cũng không qúa cầu kì để khoác lên thơ mình tấm áo hình thức kiểu cách. Với quan niệm “cái hay bao giờ cũng mới” nên trau chuốt nghệ thuật thơ không phải là mục đích hay thói quen của chị trong sáng tạo. Bởi vậy, những biểu tượng mà chị lựa chọn, tạo dựng trong thơ mình cũng mang vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường nhưng đó là cái bình dị đã được chắt lọc, chưng cất qua tâm hồn của một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và vô cùng tinh tế, nhạy cảm. Do đó, bước vào thế giới nghệ thuật của thơ chị, chúng bỗng mang một vóc dáng mới, một sức sống mới đầy cuốn hút.

Bất cứ người nghệ sĩ nào tìm đến thơ cũng là để giải tỏa những ẩn ức , những chất chứa sục sôi dâng lên trong lòng, “không nói ra không chịu được” (Tố Hữu).

Là một người phụ nữ mạnh mẽ, mang trong mình một trái tim luôn cuồng nhiệt trong khát vọng yêu và được yêu, Xuân Quỳnh cũng không đứng ngoài quy luật sáng tạo đó. Chị cầm bút viết như một sự trải lòng và tiếng lòng rạo rực yêu đương trong chị đã tìm được một hình thức biểu đạt của riêng mình. Nó đã chọn sự kí thác vào các cặp hình ảnh thuyền và biển, sóng và bờ. Đây là những biểu tượng thơ xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác về đề tài tình yêu của Xuân Quỳnh. Chúng không chỉ mang chở những thông điệp tình yêu mà còn thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của một nữ tác giả trong một địa hạt thơ vốn được coi là “mảnh đất dụng võ”chỉ của các cây bút nam. Hãy nghe sự “lên tiếng” của sóng, biển, thuyền, bờ trong thơ chị:

Những đêm trăng hiền từ Biển như cô gái nhỏ Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ Biển ào ạt xô thuyền (Vì tình yêu muôn thuở Có bao giờ đứng yên?)

(Thuyền và biển)

Trước đại dương bao la ẩn chứa muôn vàn bí ẩn, con người thường không giữ được sự yên định trong lòng. Người thì suy ngẫm về lẽ sinh tử, còn mất của cuộc đời. Ai đó thì chạnh lòng trước quy luật “Thương hải vi tang điền”…còn Xuân Quỳnh, cô gái trẻ lại rạo rực trong lòng những khát vọng yêu đương. Các hình ảnh thuyền, biển, bến bờ từ xưa đã đi vào văn học và trở thành những biểu tượng quen thuộc về tình yêu nam nữ. Dân gian vẫn hát lên những câu ca đằm thắm yêu thương : “Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh/ Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”; vẫn còn đó lời

nhắn nhủ: “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

Những chàng trai, cô gái thời hiện đại đều say lòng trước tiếng thơ cháy bỏng khát vọng tình yêu của ông hoàng thơ tình – Xuân Diệu: “Anh không xứng là biển xanh/

Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không hết”

(Biển – Xuân Diệu). Trong quan niệm văn hóa của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, hình ảnh cái bến tĩnh tại, cố định, bất động thường được ví với tình cảm thủy chung của người con gái trong tình yêu. Con thuyền với đặc tính luôn vận động nay đây mai đó giống với sự bất thường, dễ thay đổi trong tình cảm của người con trai. Hình ảnh biển khơi, đại dương cũng đi vào tiềm thức văn hóa người Việt như một biểu tượng cho sức mạnh, sự lớn lao, hùng vĩ, bất diệt vẫn được ví với phái mạnh. Từ văn hóa bước vào văn học, các hình ảnh trên đã trở thành một mô típ đầy tính ước lệ. Trong tình yêu, cứ nói đến thuyền, biển, sóng, bất cứ ai cũng liên tưởng tới tình cảm của người con trai. Riêng với Xuân Quỳnh, chị đã cấp cho các hình ảnh biểu tượng kia một ý nghĩa khác, một đời sống khác. Sóng và biển đi vào thơ chị trở thành biểu tượng cho tâm hồn, khát vọng cũng như những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu. Bến bờ lại là hình ảnh ẩn dụ cho người con trai:

Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức (Sóng)

Đặt lòng mình trên từng con sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả và khám phá đến tận cùng mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu. Chị đã lấy đặc tính muôn thuở của sóng trong quan hệ với bờ để diễn tả nỗi nhớ sâu sắc và lòng thủy chung vô hạn của trái tim người phụ nữ đang rạo rực yêu thương. Lấy sự vĩnh hằng của tự nhiên để

biểu đạt quy luật tất yếu của tình cảm con người khiến những tiếng thơ của chị tuy giản dị mà vẫn đủ sức mê hoặc lòng người. Sóng mãi tồn tại bất diệt nơi biển khơi đi vào thơ chị đã trở thành biểu tượng bất diệt của tình yêu người con gái.

Bằng sự tinh tế, sắc sảo của một người phụ nữ, bằng sự táo bạo của một nhà thơ đầy bản lĩnh, Xuân Quỳnh đã tạo một cuộc hoán đổi vị trí ngoạn mục trong thơ, đưa người phụ nữ lên ngôi trong vương quốc của tình yêu. Không còn bị động, rụt rè; không còn an phận, cam chịu; không còn âm thầm lặng lẽ, người phụ nữ hiện đại sẵn sàng chủ động tìm kiếm tình yêu, vượt lên mọi ràng buộc, định kiến của đời để tự tin, công khai bày tỏ những khát vọng yêu đương mãnh liệt. Họ dám sống hết mình và dâng hiến quên mình cho tình yêu. Đây là một khám phá về nữ tính của Xuân Quỳnh. Những thông điệp giàu tính nhân văn trên được biểu đạt bằng các hình ảnh biểu tượng thuyền, sóng, biển – một sự kí thác chỉ có ở Xuân Quỳnh. Cách thể hiện nữ tính có chất hiện đại phi truyền thống này ngay cả các tác giả cùng thời với chị cũng chưa ai có được. Như vậy, có thể nói việc sử dụng các hình ảnh biểu tượng trên là một sáng tạo có tính đột phá, tính “cách mạng” của Xuân Quỳnh đối với văn học truyền thống ở đề tài tình yêu nam nữ. Chị đã làm mới những thi liệu đã cũ, đã thổi vào những biểu tượng có ý nghĩa truyền thống một linh hồn mới, một sức sống mới bằng chính sức sống khỏe khoắn, cứng cỏi của tâm hồn người phụ nữ hiện đại.

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w