Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 95 - 100)

Chương 3 Nghệ thuật biểu hiện của thơ tình Xuân Quỳnh từ góc nhìn văn hóa

3.2. Các biểu tượng tình yêu trong thơ tình Xuân Quỳnh

3.3.1. Thời gian nghệ thuật

Thời gian vừa là hình thức hiện hữu của con người, vừa là kí hiệu nghệ thuật thuộc về thế giới sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó bộc lộ cái nhìn của nhà thơ trước đời người và người đời. “Tìm hiểu thời gian của một hiện tượng văn học chính là tìm hiểu cách cảm nhận cuộc sống một cách nghệ thuật và thẩm mĩ ở trong đó”( Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử - “Về thi pháp thơ Đường”- 1997, NXB Đà Nẵng. trang 6..)

Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”. Bàn về thời gian, giáo sư Trần Đình Sử nhận đinh: “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể chiêm nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai”

Như vậy, thời gian nghệ thuật trong thơ trữ tình là thời gian mang màu sắc chủ quan, gắn với thế giới nội cảm của nhà thơ và chứa thông điệp riêng mà nhà thơ muốn gửi gắm. Bước vào thế giới thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, chúng ta dễ nhận thấy cái tôi trữ tình luôn có một cảm thức sâu sắc về sự trôi chảy của thời gian. Vì vậy, thời gian trở đi trở lại trong thơ chị như một ám ảnh nghệ thuật cùng với dự cảm về sự mất mát, hao mòn của tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Để rồi, người phụ nữ trong thơ chị luôn trân trọng từng khoản khắc thời gian: Chi chút thời gian từng phút từng giờ/ Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt/ Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết/ Hôm nay non, mai cỏ sẽ già (Có một thời như thế).

Đặt thời gian sinh mệnh cá thể trong tương quan với thời gian vũ trụ mới thấy hết cái ngắn ngủi, nổi trôi của kiếp người. Vì vậy, triết lí về thời gian, về cuộc đời thường ít nhiều đều hiện diện trong mọi sáng tác văn chương. Với những tâm hồn khát sống, khát yêu, khát khao cống hiến và khẳng định bản ngã như Xuân Quỳnh thì thời gian lại trở thành nỗi ám ảnh không dễ vượt qua: Này anh, em biết/ Rồi sẽ có ngày/ Đươi hàng cây đây/ Ta không còn bước (Chồi biếc). Dự cảm, lo lắng cho mất mát trong tương lai, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh quay về quá khứ, nâng niu những kỉ niệm một thời: Tôi đã qua biết mấy buổi chiều/ Bao hồi hộp, lo âu và hạnh phúc/ tôi trăn trở nhiều đêm cùng hoa cúc/ Đợi tiếng gà đánh thức sự bình yên (Thơ tình cho bạn trẻ); Về đâu rồi cô bé ngày xưa/ Mười sáu tuổi đâu rồi năm tháng cũ/ dòng nhật ký còn nguyên trong cuốn sổ/ Về những làng những phố những tình yêu (Sẽ có mãi cô bé mười sáu tuổi). Tuy nhiên, hướng về quá khứ không phải để nuối tiếc, dự cảm mất mát trong tương lai không phải để buông bỏ, người phụ nữ thông minh, giàu nghị lực và bản lĩnh Xuân Quỳnh đã lựa chọn cho nhân vật của mình một cách ứng xử rất nhân văn. Đó là sống hết mình, sống trọn vẹn với hiện tại, gạt bỏ mọi âu lo và những đớn đau đã trải để bắt đầu một hành trình mới: Như chưa hề có nỗi đau xưa/ Lòng thanh thản trong tình yêu ngày mới/

Một quá khứ ra đi cùng gió thổi/ Thời gian trôi kí ức sẽ phai nhòa (Lại bắt đầu).

Điều đáng trân trọng hơn nữa ở Xuân Quỳnh là chị đã tìm ra được một cách thức để chiến thắng thời gian bằng cách bất tử hóa tình yêu của mình. Thân xác con người có thể nát cùng cây cỏ dưới cỗ xe khắc nghiệt của thời gian nhưng những giá

trị tinh thần mà con người bỏ cả đời để kiếm tìm và tạo dựng thì không dễ gì hư nát.

Và còn giá trị tinh thần nào thiêng liêng hơn tình yêu – nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng , của sức mạnh, của niềm tin. Vậy nên, thời gian từ đối tượng hủy diệt, trong thơ chị lại trở thành một phương tiện để vun đắp, lưu giữ tình yêu: Lấy thời gian đan thành áo mong chờ/ Lấy thời gian em viết những dòng thơ/ Để thấy được chúng mình không cách trở (bàn tay em). Để rồi, khi tất cả ra đi thì tình yêu sẽ đứng lại: Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em…/ Cùng tình yêu ở lại (Thơ tình cuối mùa thu). Vượt lên trên tất cả mọi giới hạn của không gian và thời gian, tình yêu luôn bất tử: Chẳng có thời gian, chẳng có không gian/ Chỉ tuổi trẻ, chỉ tình yêu vĩnh viễn (thơ tình cho bạn trẻ ).

Phải chăng danh hiệu “Nữ hoàng thơ tình” được trao cho Xuân Quỳnh không phải chỉ vì chị đã cất lên tiếng nói tình yêu mãnh liệt với những khát khao cháy bỏng của người con gái mà còn vì chị (có lẽ là người phụ nữ duy nhất) đã đưa tình yêu vượt lên sức hủy diệt của thời gian, băng qua cả giới hạn của lẽ sinh tử ở đời.

3.3.2 Không gian nghệ thuật.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, NXBGD Việt Nam, 2011): “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học’

Bàn về không gian nghệ thuật trong tác phẩm thơ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử viết: “Nếu như mọi vật trong thế giới đều tồn tại trong không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thời gian, thì không có hiện tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó.

Nhưng không gian nghệ thuật có một đặc điểm đặc biệt. Bản thân người kể chuyện hay nhà thơ trữ tình cũng nhìn sự vật bằng một khoảng cách, góc nhìn nhất định, tức là trong không gian. Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới độc lập có tính chủ quan và mang ý nghĩ tượng trưng của tác giả”

Như vậy không gian nghệ thuật là một sáng tạo nghệ thuật, một phương thức nghệ thuật nhằm thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời. Trong tác phẩm văn học thường tồn tại hai loại không gian là không gian vật lí và không gian tâm lí. Song sự phân loại đó cũng chỉ là tương đối vì không gian vật lí đi vào thơ ca đã được chọn lọc qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.

Trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh, không gian nghệ thuật giúp nhà thơ bộc lộ quan niệm tình yêu cũng như những khát vọng, nỗi niềm của người con gái trong hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc. Đó là một không gian không thuần nhất, nó vận động, biến đổi theo dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Trước hết người đọc bị ám ảnh trong thơ chị về một vùng không gian kì diệu- không gian của trái tim. Nơi mang chứa và nuôi dưỡng tâm hồn cũng như mọi khát vọng, xúc cảm của con người. Một không gian với chu vi bé nhỏ nhưng lại có sức ôm chứa mọi điều lớn lao nhất của đời sống tinh thần con người. Qua không gian ấy, người phụ nữ trong thơ chị đã tỏ bày được tận cùng những suy tư, nỗi niềm, ước vọng của mình đối với người yêu: Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu.(Tự hát).

Cùng với thời gian hoài niệm, thơ Xuân Quỳnh còn hiện diện vùng không gian hoài niệm. Kiểu không gian này được tạo ra do dòng ý thức bên trong của nhân vật trữ tình thường gắn liền với những hồi ức, tưởng tượng… đây là không gian đặc biệt mang cảm quan đời sống của tác giả: Tôi đã đi mấy chặng đường xa/

Vượt mấy núi, mấy rừng qua mấy biển/ Niềm mơ ước gửi vào trang viết/ Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư ( Có một thời như thế).

Lòng mang nhiều khát vọng, những xúc cảm yêu đương luôn rạo rực, nồng nàn, nữ tình nhân trong thơ Xuân Quỳnh đã tìm đến không gian bao la, rộng lớn để thỏa sức vẫy vùng. Đó là không gian của biển khơi bao la, hùng vĩ: Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la…/ Biển như cô gái nhỏ/ Thầm thì gửi tâm tư (Thuyền và biển); Biển hay tình anh đó/ Gọi lòng em bay xa/ Ôi vũ trụ bao la/ Khi

nào ta đi hết? (Ru). Không cam lòng đón nhận tình yêu trong thế bị động như nhiều cô gái khác, chủ động và táo bạo, người con gái trong thơ Xuân Quỳnh tự tin tìm kiếm tình yêu và cất lên tiếng nói yêu đương sôi nổi của mình. Để rồi hóa thân vào sóng biển, nữ tình nhân ấy đã khiến cả một nửa nhân loại không khỏi ngỡ ngàng trước sự mạnh mẽ, dữ dội mà vẫn không làm mất đi sự dịu dàng đằm thắm của tâm hồn người con gái khi yêu: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể. (Sóng).

Khi để phô diễn lòng mình với những khát vọng yêu đương cháy bỏng, người con gái trong thơ Xuân Quỳnh tìm đến khoảng không gian rộng lớn, bao la. Nhưng khi muốn giãi bày khát vọng hạnh phúc với người mình yêu, nữ tình nhân ấy lại tìm về khoảng không gian nhỏ hẹp và gần gũi hơn. Đó là không gian của tổ ấm gia đình mà hiện thân của nó trong thơ chị chính là “căn phòng nhỏ” và những biến thể khác như “mái phố”, “vòm cây”: Căn phòng con riêng của chúng mình/ Nước trong phích, hoa trên bình gốm cũ/ Sách trong giá và thơ trong trí nhớ/ Viết ra rồi, anh đọc em nghe (Nghe rét đến, nhớ về Hà Nội); Yêu thương là lòng anh/ Bao dung là mái phố…/ Tôi về trong mái phố/ Sau mỗi lần gian nan/ Như tìm đến bên anh/ Sau mỗi niềm cay đắng (mái phố). Không gian tổ ấm là không gian đặc trưng trong thơ của Xuân Quỳnh. Dù đi đâu về đâu, trong hoàn cảnh nào, hình ảnh căn phòng nhỏ bé của gia đình chị luôn hiện diện trong tâm trí để rồi nó trở thành một cảm thức trong thơ chị: Đã xa rồi căn phòng nhỏ của em/ Nơi che chở những người thương mến nhất (Chỉ có sóng và em) . Đây cũng là vẻ đẹp riêng của thơ tình Xuân Quỳnh không chỉ so với văn học quá khứ mà ngay cả với thơ tình yêu cùng thời với chị.

Cất cánh và thăng hoa từ mảnh đất cuộc đời còn dọc ngang những vết đạn bom của cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng thơ tình Xuân Quỳnh vẫn giữ được vẻ đẹp riêng tư thuần khiết của tình yêu đôi lứa. Do vậy không gian thơ tình của chị không có những xe tăng, súng ống, không nồng nặc mùi đạn bom, không mịt mù bụi Trường Sơn khói lửa : “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” (Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi). Chị nâng niu trong thơ mình cái không gian bé nhỏ - nơi chở che và đón chị sau những nhọc nhằn, nơi gắn kết những con người chị thương yêu nhất. Với

chị, hạnh phúc tình yêu phải kết đọng thành hạnh phúc gia đình. Khát vọng thiết tha và cháy bỏng này chị kí thác vào vùng không gian bình dị và bé nhỏ ấy.

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 95 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w