Khát vọng che chở, dâng hiến trong tình yêu

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 60 - 65)

Chương 2 Nội dung thơ tình Xuân Quỳnh từ góc nhìn văn hóa

2.5 Thơ tình Xuân Quỳnh – những khát khao táo bạo, mãnh liệt của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu

2.5.2. Khát vọng che chở, dâng hiến trong tình yêu

Như trên chúng tôi đã nói, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu lần đầu tiên trở thành đối tượng khám phá của thơ ca và được phơi mở chân thành nhất dưới ngòi bút của một nữ tác giả. Khác với hình ảnh người phụ nữ bị chi phối bởi quan niệm và con mắt của đàn ông, thế giới tinh thần của người con gái trong thơ Xuân Quỳnh được soi chiếu dưới nhiều gióc độ bởi cái nhìn của người trong cuộc – một cái nhìn mang thiên tính nữ. Có lẽ vì vậy mà thiên chức làm mẹ với bản năng và khát vọng chở che, bao bọc cho những đứa con yêu dấu ở Xuân Quỳnh đã từ địa hạt của tình mẫu tử bước sang địa hạt của tình yêu. Do đó, tiếp nhận thơ chị, người đọc không chỉ thấy một khát vọng yêu và được yêu mãnh liệt mà còn xúc động bởi ước muốn được làm chỗ dựa, được che chở, bao bọc cho người mình yêu của nữ sĩ.

Ước chi làm chiếc nón che anh Đêm gió lạnh em xin làm ngọn lửa Áo ướt ai phơi, ba lô ai xếp hộ Mong sao trời ngừng mưa ( Không đề I)

Từ khi chia thế giới làm hai nửa: “phái mạnh” và “phái yếu”, nhân loại đã mặc nhiên thừa nhận tất cả những gì thuộc về quyền lực, sức mạnh, sự lớn lao, phi thường…đều là độc quyền của “phái mạnh” – nam giới – đàn ông – “giới thứ nhất”.

Và không thể, không được phép chối bỏ, một nửa nhân loại bị coi là “phái yếu”- nữ giới – đàn bà – “giới thứ hai” sẽ đồng nghĩa với sự yếu đuối, hèn mọn, lệ thuộc.

Trong tình yêu cũng vậy, người con gái thường là đối tượng của sự nâng đỡ, bảo vệ.

Người đàn ông trở thành cây tùng, cây bách che chắn cho người phụ nữ của mình.

Tuy nhiên, cái quy luật muôn đời ấy của tình yêu đã được nhìn nhận lại khi tiếng thơ yêu của Xuân Quỳnh cất lên giọng nói khác – mới mẻ và đầy táo bạo:

Muốn thành rừng muôn tán lá chở che Muốn thành suối giữa đường xa nắng rát Khi anh ngủ em muốn thành bài hát Hát ru lời của mẹ ngày xưa

Làm hạt bụi dưới chân anh bước Làm mái nhà che những cơn mưa

Bao gạo quàng vai trong cơn đói sớm trưa Làm ánh lửa giữa rừng khuya phía trước Lòng em thương làm sao mà nói được Như trời xanh vô tận mãi màu xanh (Thương về ngày trước).

Trái tim yêu của Xuân Quỳnh sao mà vị tha, nhân hậu và cũng đa mang quá!

Phải chăng ở chị, tình yêu luôn đồng nghĩa với hi sinh và dâng hiến. Đấy cũng là cách chị nuôi dưỡng, vun đắp cho tình yêu luôn bền sâu, vững chãi trước cuộc đời nhiều sóng gió bất thường này. Từng khoảnh khắc trôi đi là từng khoảnh khắc người phụ nữ trong thơ chị sống trọn vẹn với tình yêu bằng cách “bao bọc người yêu trong cái tình thương lớn mà một người đàn bà mạnh mẽ nhất, nhân hậu nhất mới có thể có được” (Nguyễn Hòa Bình). Chăm chút người mình yêu trong hiện tại dường như chưa đủ, trái tim yêu của chị còn khắc khoải thương về cả những tháng năm đã thuộc về quá khứ của người yêu:

Dẫu bây giờ em đã ở bên anh

Chung lo lắng, chung vui buồn, mơ ước Em vẫn cứ thương về ngày trước

Người yêu em thuở ấy có em đâu…

(Thương về ngày trước).

Tự thấy mình bé nhỏ, yếu đuối trước người yêu và cần được người yêu che chở là nét tâm lí phổ biến của người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, nếu thiếu vắng người đàn ông, cuộc đời họ chỉ như một “cơn gió lạc đường” và không tránh khỏi bi kịch:

Em như con thuyền lạc bến Có đi mà chẳng tới bờ Em như cây cầu bắc trượt Một mình bên đá bơ vơ

(Chuyện về anh – Đoàn Thị Lam Luyến)

Khác với giới mình, nữ tình nhân trong thơ Xuân Quỳnh không những không thấy mình bé nhỏ mà trái lại, chị còn muốn che chở cho người mình yêu, động viên, nâng đỡ, chia sẻ với “anh” trên từng bước đi của cuộc sống :

Xin cho em được chia sẻ cùng anh Vị bứa ngọt, vị măng vầu đắng ngắt Trận gió núi tiếng suối ngàn đêm vắng Mái rạ vàng trong nắng lúc chia tay (Kỉ niệm của người lính cũ)

Tâm hồn yêu và khát khao hạnh phúc mãnh liệt đã xui khiến người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh không bằng lòng chỉ là một tình nhân, chị muốn chăm sóc người mình yêu bằng cả “bàn tay người chị”

Tay này đây, em may áo cho anh Bàn sẽ cắm hoa, tường sẽ treo tranh Em sẽ làm những điều anh mơ ước

Và khi nào anh buồn, em sẽ hát Bài hát tình yêu ca ngợi con trai.

(Thơ viết cho mình và những người con gái khác) Và bao bọc, ru vỗ ‘anh” bằng “tấm lòng người mẹ”

Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng (Mẹ của anh)

Chỉ có thể xuất phát từ một tình yêu chân thành, một khát vọng yêu mãnh liệt, trái tim yêu trong thơ Xuân Quỳnh mới có thể làm được những việc tưởng như vượt quá cái giới hạn chu vi bé nhỏ của nó. Bản lĩnh yêu và dám sống hết mình cho tình yêu của chị không chỉ là “số một” trong giới thơ phụ nữ cùng thời mà ngay cả trong thơ tình của nam giới cũng chưa từng có mặt. Đọc “Hát ru chồng những đêm khó ngủ” mới cảm hết nỗi thẳm sâu trong tình yêu thương chị dành cho người bạn đời của mình. Mới thấy được quả thật chị đã sống đến tận cùng của bản thể cho tình yêu và trong tình yêu:

Anh không ngủ được ư anh?

Để em mở quạt quấn mành lên cho Lặng sao cái gió mặt hồ

Ghét sao cái nắng đầu mùa đã ghê!

Anh không ngủ được anh yêu?

Nghe chi con lũ đang chiều nước dâng

Ngủ đi, em khép cửa phòng

Ngủ đi anh hãy ngủ yên

Khuya rồi anh hãy ngủ đi Để em trở dậy em che bớt đèn

Anh ơi anh hãy ngủ đi

Ngủ đi anh, hãy ngủ đi…

Còn có tình yêu thương nào dịu ngọt, tha thiết mà chân thành hơn thế! Còn mưu cầu niềm hạnh phúc nào hơn niềm hạnh phúc của nhân vật “anh” trong lời hát ru kia! Đây là một tứ thơ độc đáo, trước Xuân Quỳnh, trong thơ Việt Nam chưa từng hiện diện. Ca dao cũng chỉ mới dừng lại ở tiếng hát ru của người con trai – người mang sức mạnh chở che và có quyền chủ động trong tình yêu theo quan niệm truyền thống: “Yêu em từ thuở trong nôi/ em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”. Sau này, Huy Cận cũng kế tiếp ca dao: “Ngủ đi em, mộng bình thường/ Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ”.

Tiếng hát ru lắng đọng tình yêu ấy không chỉ vang lên một lần mà trở đi trở lại như những con sóng lòng cứ ngày đêm thao thức;

- Ngủ đi anh! Cứ ngủ Đã có em thức canh Cho đẹp giấc mơ anh Ngủ đi anh! Hãy ngủ

Ngủ ngon anh! Để mai bình minh đến Buồm chúng ta lại tung cánh ra khơi

(Ru) - Ngủ đi người của em yêu Này, con tàu lạ vừa neo bến chờ ( Hát ru II)

Ru “anh” cũng là ru vỗ tình yêu của mình, nâng niu và bảo vệ tình yêu trước mọi sự xâm lăng từ cuộc sống ồn ã, phức tạp, tiềm ẩn nhiều cạm bẫy không ai lường trước được bao giờ. Cách ứng xử với tình yêu của chị thật đẹp và ý nghĩa biết bao. Khi nào tình yêu và hạnh phúc còn là cái đích kiếm tìm của nhân loại thì khi đó, nghệ thuật ứng xử trong tình yêu của Xuân Quỳnh còn hiện diện trong hành trang cuộc đời của nhiều thế hệ bạn đọc.

Một phần của tài liệu Thơ tình xuân quỳnh từ góc nhìn văn hoá (Trang 60 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w