Chương 2. KHÓ KHĂN CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH NỮ TRONG QUÁ TRÌNH KHẲNG ĐỊNH XU HƯỚNG TÍNH DỤC CỦA BẢN THÂN: TIẾP CẬN TỪ HƯỚNG NHÌN CỘNG ĐỒNG VÀ GIA ĐÌNH
2.3. Khó khăn từ dư luận xã hội, truyền thông, báo chí với quá trình công khai xu hướng tính dục của người đồng tính nữ
Kết quả từ đề tài nghiên cứu“Thông điệp truyền thông về đồng tính luyến ái trên báo in, báo mạng” cộng tác nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội, môi trường (iSEE) và khoa xã hội học Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì hiện nay, chân dung người đồng tính hiện lên dưới ngòi bút của truyền thông (cụ thể báo in và báo mạng) ít nhiều có những sai lệch. Chân dung người đồng tính được phản ánh thông qua báo in và báo mạng được tổng hợp qua nghiên cứu là những người có đời sống tình dục nhiều hiểm họa và tình yêu không bền vững. Nhân cách đạo đức phần nhiều không tốt, chủ yếu là những người a dua đua đòi hoặc dính vào các tệ nạn xã hội. Nhu cầu của người đồng tính được phản ánh thiếu khách quan, hướng tới kết thúc ảm đạm, cô đơn vào cuối đời. Với cách sử dụng những từ ngữ làm tăng định kiến với người đồng tính, những tiêu đề mang tính chất giật gân như “Dân gay và kỹ nghệ săn tình” “Nữ sinh tuổi teen chơi trò đồng tính”… Với cách viết và sử dụng ngôn ngữ như vậy, khiến hình ảnh người đồng tính trở nên xấu đi trong mắt cộng đồng xã hội. Hoặc nếu có đứng về phía người đồng tính thì lại không hoàn toàn hiểu về bản chất, hướng tớikêu gọi sự thương hại từ cộng đồng thay vì việc lý
giải để người đọc hiểu, người đồng tính cũng giống như người dị tính, bình thường, không có vấn đề gì về tâm lý hay bệnh lý.
Đề cập tới vấn đề này, trên trang chủ của iSEE - Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường cũng đưa ra ý kiến không đồng tình khi báo mạng và báo in liên tục sử dụng những từ lóng như: Ô môi, băng nhóm đồng tính… mang tính chất kỳ thị và gán chúng với tội danh của một cá nhân. Điều này khiến cho độc giả tiếp cận với nguồn thông tin càng có cái nhìn thiếu thiện cảm và định kiến với người đồng tính nói riêng và LGBT nói chung [20,tr.1]
iSEE còn chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp mà họ làm việc cho thấy, thái độ của bạn bè, người thân người đồng tính bị ảnh hưởng lớn từ cách báo chí miêu tả người đồng tính như thế nào. Đa phần những bậc phụ huynh đều lấy những bài báo như thế này để chứng minh rằng cộng đồng người đồng tính là gắn với tội ác và bất hạnh. Cái nhìn này hoàn toàn sai lệch về người đồng tính, thay vì hướng cho cộng đồng hiểu rằng, người đồng tính cũng là giống như người dị tính, tính cách, lối sống, gia đình…
Một trong những chức năng của truyền thông là định hướng dư luận. Việc báo in và báo mạng đưa ra những hướng nhìn thiên về tiêu cực như vậy sẽ khiến hình ảnh người đồng tính đi kèm với dư luận xã hội xấu.Bản thân người đồng tính nữ tham gia khảo sát trong nghiên cứu này, 88% cũng cho rằng, hiện nay báo in và báo mạng chưa phản ánh đúng hình ảnh của người đồng tính nữ. 74% cho rằng phim ảnh cũng chưa phản ánh đúng hình ảnh của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các diễn đàn dành cho người đồng tính và phim tài liệu, phóng sự của các tổ chức phi chính phủ (ICS, iSEE, Pflag…) hay gần đây là đài truyền hình Việt Nam cũng đã phản ánh chân thực và có cái nhìn khoa học về người đồng tính nữ.
Hộp 2.1 Sự phản ánh đa chiều từ các kênh truyền thông giúp cộng đồng biết và hiểu hơn về người đồng tính nữ
Có thể thấy, bên cạnh những phản ảnh chưa chính xác về xu hướng tính dục đồng tính nữ, thì đã có những tổ chức, đơn vị, cá nhân có cái nhìn tích cực hơn, đưa ra những sản phẩm khoa học và đúng đắn hơn về người đồng tính. Ngoài các đoạn phóng sự ngắn của các tổ chức hỗ trợ người đồng tính nữ nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung, thì đáng chú ý nhất là gần đây, lần đầu tiên đài truyền hình Việt Nam có thước phim phóng sự về chủ đề đồng tính. Được phát sóng trên VTV2 vào cuối tháng 09/2014 với hai tập phim tài liệu “Hiểu về đồng tính” trong chương trình
“Những mảnh ghép cuộc sống” đã nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Đài truyền hình Việt Nam chính thức khai thác đề tài đồng tính - một trong những chủ đề nhạy cảm và ít khi được nhắc đến. Đạo diễn Trịnh Quang Bách cùng cộng sự khi thực hiện bộ phim tài liệu này đã không chỉ cung cấp những thông tin khoa học về nguồn gốc sinh học, giải mã khái niệm về đồng tính mà còn giúp khán giả tiếp cận rõ nét hơn với cuộc sống thực tế của các nhân vật khách mời là người đồng tính.
Như vậy, do định hướng một phần của truyền thông, báo chí (báo in và báo mạng) còn thiếu chính xác về người đồng tính nữ, nên hình ảnh người đồng tính nữ vẫn theo hướng bị dư luận xã hội chỉ trích. Việc sử dụng từ lóng kỳ thị hoặc hướng
“Bản thân mình thấy mấy phim thị trường của Việt Nam có hình ảnh người đồng tính thường chỉ mang tính chất gây cười hoặc khiến người khác thương hại. Mình thấy phim ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật dễ tác động vào mọi người nhất. Gần đây thì phim ảnh, báo chí cũng có cái nhìn thiện cảm hơn với bọn mình rồi. Nhiều người biết đến người đồng tính như bọn mình hơn và thái độ thì cũng có nhiều chiều. Cũng có nhiều suy nghĩ tích cực nhất là ở các bạn trẻ vì thường xuyên tiếp xúc với mạng internet, các chương trình về người đồng tính do một số tổ chức nước ngoài và Việt Nam thực hiện nên cũng có phần cởi mở hơn.” (PVS nam, 21 tuổi, sinh viên)
tiếp cận không đúng khiến cho những người đồng tính ít nhiều chịu cách nhìn thiếu thiện cảm từ phía cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những bài báo còn chưa phản ảnh đúng hình ảnh của người đồng tính nữ, thì đã có những thước phim tài liệu, những phóng sự nhìn nhận người đồng tính nữ một cách khoa học và chân thực. Muốn cộng đồng xã hội có cái nhìn thiện cảm, tốt hơn với người nữ đồng tính, với chức năng định hướng dư luận xã hội của mình, truyền thông nên nhìn nhận hình ảnh người đồng tính nữ nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung cần khách quan hơn.
Nói cách khác, các tác giả bài báo khi viết bài nên tìm hiểu chính xác nguồn tin và sử dụng từ ngữ, câu chữ một cách phù hợp. Đằng sau mỗi bài báo về những nhân vật đồng tính nữ không chỉ đơn thuần là lượng độc giả cao hay thấp mà còn là số phận, là cuộc đời của một con người. Người đồng tính nữ đã và đang gặp phải rất nhiều khó khăn từ phía cộng đồng cũng như từ phía dư luận xã hội truyền thông, báo chí. Vậy từ phía gia đình người đồng tính nữ sẽ gặp phải những khó khăn gì trong quá trình khẳng định xu hướng tính dục của bản thân?