Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI LỰC LƢỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN
1.3. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và nội dung thực hiện chính sách tiền lương đối với lực lượng Công an nhân dân
1.3.1. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc 1.3.1.1. Quan điểm
Tiền lương gắn liền với sự phát triển KTXH của đất nước, trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển; góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu suất công tác.
Đổi mới CSTL của LLCAND phải thống nhất, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nội dung và bước đi trong đổi mới CSTL của Nhà nước và điều kiện KTXH của đất nước;
phải kế thừa những ưu điểm, đồng thời khắc phục một cách cơ bản những bất hợp lý trong CSTL hiện hành, nhưng tránh gây xáo trộn lớn làm ảnh hưởng đến tư tưởng, sức chiến đấu của LLCAND.
Chế độ tiền lương phải phản ánh được đặc điểm và tính chất lao động đặc biệt của LLCAND, phải phản ánh được lao động của LLVT trọng yếu của Đảng, Nhà nước, lực lượng nòng cốt trong công cuộc bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH; thể hiện được sự đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với LLCAND: “Mức lương sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội và Công an phải cao hơn so với các cán bộ, nhân viên ở các ngành, nghề nặng nhọc”[14]. Bảo đảm cho tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu của CBCS công an. Đồng thời có tác dụng thu hút tài năng trong xã hội gia nhập LLCAND, góp phần xây dựng LLCAND chính quy, hiện đại. Do đó, trong điều kiện nền kinh tế của đất nước hiện nay phải tiếp tục duy trì mối quan hệ về tiền lương giữa LLVT nói chung, LLCAND nói riêng với các ngành khác trong xã hội là lương tổng ngạch của sĩ quan NV gấp 1,8 lần lương tổng ngạch của cán bộ, công chức khu vực hành chính sự nghiệp.
Phải đảm bảo mối tương quan hợp lý giữa các đối tượng: SQ, HSQ nghiệp vụ;
SQ, HSQ CMKT; CNCA và CSNV, góp phần chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp cán bộ, ổn định tổ chức, biên chế.
Đổi mới, hoàn thiện CSTL phải nghiên cứu, triển khai đồng bộ và toàn diện những vấn đề cơ bản của CSTL đối LLCAND, bao gồm: Hệ thống bảng lương và các khoản phụ cấp, cơ chế quản lý và quỹ tiền lương.
Nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lí quỹ tiền lương, gắn tiền lương với biên chế.
Nghiên cứu phương án giao khoán quỹ lương cho các đơn vị, địa phương. Đơn vị, địa phương làm tốt công tác sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, được quyền sử dụng phần quỹ tiền lương tiết kiệm được (do tinh giản biên chế) để phân phối, tăng thêm thu nhập cho CBCS trong đơn vị hoặc thưởng cho các tập thể, cá nhân có năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác cao.
1.3.1.2. Mục tiêu
- Tiền lương phải đảm bảo cuộc sống bình thường của CBCS và gia đình họ, làm cho họ yên tâm công tác, chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH.
- Chế độ tiền lương, phụ cấp phải gắn với chế độ trách nhiệm của mọi CBCS, góp phần tích cực trong việc xây dựng LLCAND thành LLVT cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
- Cải cách CSTL, phụ cấp phải thực sự đáp ứng nhu cầu xây dựng tổ chức lực lượng Công an trong giai đoạn mới. CSTL phải đảm bảo mối quan hệ cân đối giữa các lực lượng NV, CMKT, CNCA; bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ trong chế độ tiền lương và phù hợp với hoạt động đặc thù của từng lực lượng.
- Chế độ tiền lương mới phải khắc phục được một cách cơ bản các bất hợp lý trong chế độ tiền lương của LLCAND hiện nay, có tác dụng khuyến khích mọi CBCS ra sức học tập, rèn luyện, tận tụy, sáng tạo, mưu trí trong công tác.
1.3.1.3. Nguyên tắc xây dựng - Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
- Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an
- Hướng tới mục tiêu phát triển chung của toàn xã hội.
- Có tính khả thi cao, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa mục tiêu của chính sách và nguyện vọng của CBCS.
- Tạo động lực thúc đẩy CBCS yên tâm chiến đấu, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Phù hợp với thực tiễn, điều kiện KTXH của đất nước; với đặc điểm, điều kiện chiến đấu, công tác thực tế.
- Có sự kế thừa và phát triển, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.
1.3.2. Nội dung thực hiện chính sách tiền lương trong lực lượng Công an nhân dân
1.3.2.1. Nội dung a. Tiền lương tối thiểu
Tiền lương tối thiểu là một trong những nội dung quan trọng của CSTL, được xác định trên cơ sở các nhu cầu tối thiểu cần thiết để đảm bảo cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường có thể tái sản xuất sức lao động và có một phần để tích lũy tái sản xuất sức lao động.
Tiền lương tối thiểu là căn cứ để xác định các mức tiền lương khác. Với đặc thù lao động công an, nên mức chi phí cho các nhu cầu của bản thân CBCS buộc phải cao hơn mức chi phí cho nhu cầu bản thân cán bộ, công chức Nhà nước. Do đó, cần có tiền lương tối thiểu cho LLCAND.
b. Hệ thống thang, bảng lương
LLCAND hiện nay được phân loại theo tính chất hoạt động bao gồm:
- Sĩ quan, Hạ sĩ quan nghiệp vụ (SQ, HSQ NV);
- Sĩ quan, Hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật (SQ, HSQ CMKT);
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ (HSQ, CSNV);
- Công nhân Công an (CNCA).
Do đó, với mỗi loại đối tượng trên phải có hệ thống thang bảng lương riêng để áp dụng phù hợp với đặc điểm lao động đặc thù.
Thang lương được thiết kế nhiều bậc lương phân biệt trình độ để áp dụng đối với lao động kỹ thuật trực tiếp sản xuất, có tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật rõ ràng. Trong một thang lương tương ứng với trình độ đào tạo như nhau; cấp bậc trong thang lương thể hiện trong cấp bậc kỹ thuật của người lao động. Người lao động sau một thời gian lao động đạt được cấp tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật cao hơn sẽ được nâng bậc lương cao hơn.
Bảng lương được thiết kế với một số bậc lương để phân biệt trình độ áp dụng đối với những người lao động có sự phân biệt thâm niên công tác. Việc nâng bậc lương
cho người lao động áp dụng theo bảng lương chủ yếu căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc được giao và thâm niên giữ bậc trong bảng lương.
Xuất phát từ đặc điểm của từng loại đối tượng trong LLCAND và cơ sở lý luận về thang lương, bảng lương, việc xây dựng thang lương, bảng lương trong LLCAND như sau:
- Đối với, SQ, HSQ NV:
SQ, HSQ NV được phong cấp bậc hàm. Cấp bậc hàm thể hiện trình độ đào tạo, vị trí bố trí (chức danh công việc đảm nhận) và sự cống hiến (thâm niên công tác trong LLCAND). Do vậy, việc xây dựng tiền lương đối với SQ, HSQ NV được xây dựng theo bảng lương, mỗi bậc lương gắn với một cấp bậc hàm.
Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo chỉ huy từ cao nhất đến thấp nhất đều thuộc đối tượng SQ, HSQ NV. Do đó, nếu chỉ có tiền lương theo cấp hàm thì không đảm bảo nguyên tắc của tiền lương là “làm công việc gì, hưởng lương theo công việc đó”. Vì vậy, đối với sĩ quan lãnh đạo chỉ huy được hưởng thêm phụ cấp chức vụ. Mức phụ cấp chức vụ phải được xây dựng thỏa đáng, thể hiện mức độ trách nhiệm của mỗi chức vụ.
SQ, HSQ đến niên hạn, đủ điều kiện tiêu chuẩn và cấp hàm hiện tại chưa tột khung cấp bậc hàm quy định cho chức vụ công việc mà SQ, HSQ đó đảm nhận thì được xét thăng cấp bậc hàm.
Trường hợp cấp bậc hàm hiện tại của SQ, HSQ đã tột khung cấp bậc hàm quy định cho chức vụ công việc đang đảm nhiệm thì chỉ được xét nâng lương của cấp hàm đó (lương vượt khung). Mức tiền lương giữa các bậc lương vượt khung phải xây dựng cho phù hợp với mức tăng của một lần lên lương và tăng số bậc lương vượt khung ở mỗi cấp bậc hàm.
- Đối với SQ, HSQ CMKT:
Do đặc thù của lao động kỹ thuật trong LLCAND nên việc xây dựng hệ thống bảng lương cho SQ, HSQ CMKT rất phức tạp, vừa phải thể hiện được trình độ đào tạo và sự cống hiến nhưng đồng thời bên cạnh đó phải thể hiện được đặc thù lao động mà từng người đảm nhiệm. Do đó, việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương cho đối tượng này như sau:
Trong mỗi ngạch sẽ có 02 nhóm lương:
+ Nhóm I: Dành cho các ngành, nghề đặc thù;
+ Nhóm II: Dành cho các ngành, nghề còn lại.
Mỗi nhóm có từ 12 – 14 bậc lương. Trong đó: Mức lương bậc 1 của cao cấp phải cao hơn mức lương bậc 1 của trung cấp; mức lương bậc 1 ở nhóm I phải cao hơn mức lương bậc 1 ở nhóm II. Khoảng cách chênh lệch mức tăng tiền lương giữa các bậc lương đảm bảo không có chênh lệch quá lớn giữa SQ, HSQ NV với SQ, HSQ CMKT khi được thăng cấp, nâng bậc lương.
Bên cạnh đó, mức tăng tiền lương giữa các bậc lương cao cấp lớn hơn mức tăng tiền lương giữa các bậc lương trung cấp, sơ cấp.
- Đối với CNCA: Làm công tác đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của CBCS như công tác vệ sinh trong khu làm việc của CBCS, bệnh việc, trại giam, điện nước… Như vậy, các công việc này có tính chất giống với cán bộ các ngành nghề khác. Do đó, không cần thiết phải xây dựng bảng lương riêng. Tuy nhiên, CNCA phải phục vụ trong LLCAND cũng có đặc thù riêng nên phải được hưởng phụ cấp ưu đãi phục vụ.
- Đối với HSQ, CSNV: Là lực lượng phục vụ có thời hạn, là những công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đến hết 25 tuổi được tuyển để phục vụ trong LLCAND với thời hạn là ba năm.
Do đó, HSQ, chiến sĩ không hưởng lương mà được thực hiện chế độ ăn và trang phục theo định lượng cơ bản hoặc chế độ ăn và trang phục theo nhu cầu hoạt động của từng lực lượng đặc thù; được hưởng sinh hoạt phí dựa trên cấp bậc hàm (gồm 05 cấp bậc hàm: Binh nhì, Binh nhất, Hạ sĩ, Trung sĩ, Thượng sĩ). Mỗi cấp bậc hàm có một mức phụ cấp, mức phụ cấp thấp nhất (Binh nhì) cũng phải đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cần thiết hàng ngày như xà phòng, kem đánh răng, tem thư… trên cơ sở đó xác định mức sinh hoạt phí của các cấp còn lại.
c. Về các chế độ phụ cấp, trợ cấp
SQ, HSQ, CNCA được hưởng các chế độ phụ cấp, trợ cấp như cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước có cùng tính chất, điều kiện làm việc.
Thực hiện phụ cấp thâm niên đối với SQ, HSQ NV và CMKT. Phụ cấp thâm niên được tính bằng tỉ lệ phần trăm (%) tương ứng với số năm phục vụ trong LLCAND trên mức lương hiện hưởng của SQ, HSQ.
Ngoài ra phải có một số chế độ phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng mang tính đặc thù cho SQ, HSQ, chiến sĩ các lực lượng trực tiếp chiến đấu, khoa học kỹ thuật, tham mưu… Các chế độ này phải phản ánh được lao động đặc thù trong LLCAND, mức phụ cấp phải tương xứng với lao động của CBCS, có tác dụng động viên kịp thời và bù đắp những hao tổn đã mất, đồng thời tránh bình quân, cào bằng, tràn lan.
1.3.2.2. Bộ máy
Chủ thể xây dựng CSTL là các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước. BCA được chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất một số chế độ, chính sách đối với LLCAND. Tổng cục Chính trị CAND (Cục Chính sách – X33) là đơn vị tham mưu cho BCA kiến nghị với Đảng, Nhà nước về chế độ, chính và hướng dẫn tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách trong LLCAND.
Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị CAND, có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng nghiên cứu đề xuất, thống nhất quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách hậu phương CAND, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác đối với SQ, HSQ, CSNV và CNCA trong LLCAND theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị thông tư, quyết định của Đảng ủy Công an Trung ương và của Bộ trưởng.
1.3.2.3. Cơ chế phối hợp
Việc xây dựng chế độ, chính sách chung, trong đó có LLCAND do các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước thực hiện thì tùy theo từng chính sách, BCA được tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoặc tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản về chế độ, chính sách.
Đối với các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách trong CAND do BCA chủ trì soạn thảo (Luật, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của BCA và các bộ, ngành) thì quy trình xây dựng thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với các văn bản khác (Công văn của BCA, của Tổng cục Chính trị CAND…) thường được thực hiện theo quy trình: Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo văn bản; xin ý kiến Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức hội thảo; xin ý kiến bộ, ngành liên quan, tập thể hoặc cá nhân các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục, Thường vụ
Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ và trình lãnh đạo có thẩm quyền duyệt ký ban hành văn bản.
Chủ thể thực hiện CSTL là Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý CBCS thông qua đơn vị, tổ chức làm công tác chính sách.
Tại cơ quan Bộ có Cục Chính sách (X33) thuộc Tổng cục Chính trị CAND là đơn vị chính có trách nhiệm giúp Tổng Cục trưởng nghiên cứu đề xuất, thống nhất quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CSTL đối với SQ, HSQ, CSNV và CNCA, cụ thể:
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách tiền lương, các chế độ phụ cấp, trợ cấp theo lương và tổ chức thực hiện việc xếp lương, phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương, xác định diện bố trí cán bộ đối với SQ, HSQ, CSNV và CNCA trong LLCAND theo quy định (trừ phong, thăng cấp bậc hàm, nâng lương cấp tướng).
- Nghiên cứu, đề xuất các chế độ chính sách đặc thù và các chế độ chính sách đãi ngộ vật chất khác đối với SQ, HSQ, CSNV và CNCA trong LLCAND phù hợp với địa bàn, đặc điểm công tác, chiến đấu.
Tại các Tổng cục, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có bộ phận (tổ, đội) làm công tác chính sách.
Phân công, phân cấp là việc cấp có thẩm quyền được giao quyết định thực hiện chế độ, chính sách đối với từng đối tượng cụ thể và được quy định trong từng văn bản.
Phân công, phân cấp thực hiện một số chế độ, chính sách cơ bản là: Thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương thực hiện theo Hiến pháp 2013 (Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng); Thông tư số 55/2015/TT-BCA ngày 22/10/2015 của BCA quy định phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức, cán bộ (có quy định thẩm quyền phong, thăng, giáng cấp bậc hàm; xếp, nâng, hạ bậc lương từ Đại tá trở xuống).